Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > MỘT THOÁNG TRUNG HOA

MỘT THOÁNG TRUNG HOA

Thứ Năm 7, Tháng Tám 2008, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

To rộng, hiện đại, bề thế

Ba tuần thăm một đất nước rộng lớn đông dân như Trung Quốc (TQ) chỉ là một thoáng, thậm chí một liếc mắt. Cảm giác đầu tiên là ở TQ cái gì cũng to lớn, bề thế, có quy hoạch nhìn xa trông rộng, theo xu thế của các nước văn minh. Công tác xây dựng bề bộn, chỗ nào cũng phá cũ xây mới. Các đô thị đều xây dựng chung cư cao tầng hiện đại, nhà cách xa nhau; biệt thư cũng xây theo quy hoạch; đường phố rộng, nhiều cầu vượt, đường vươt, ban đêm đèn đường sáng trưng. Tư nhân tuyệt đối không được xây nhà. Thành phố Nam Ninh thủ phủ xứ dân tộc Choang xây dựng mới rất hiện đại, phố chính có làn đường riêng hai bên cho xe đạp, xe buyt, phân cách với đường ô tô bằng hàng cây cao, qua đường bằng cầu hoặc hầm; khu phố mới có dáng dấp như Hồng công. Hội chợ Asean-TQ tại đây to gấp bao nhiêu lần Hội chợ Asean-Việt Nam tại Hà Nội tháng trước; khu triển lãm nhà cao to hiện đại, các gian hàng vừa bề thế vừa lắm hàng, xem lướt cả ngày chưa hết. Ga Tây Bắc Kinh to cao hùng vĩ, nhiều phòng chờ tầu, mỗi phòng chứa ngót nghìn người. Mê-trô hiện đại tuy còn ít tuyến. Mọi nơi công cộng hoặc khu du lịch, kể cả đền chùa, đều xây nhà vệ sinh rất to, hiện đại và luôn lau chùi, dùng không mất tiền; vừa tiện cho dân vừa tránh được nạn đại tiểu tiện bừa bãi. Ngay ở quảng trường Thiên An Môn cũng có nhà vệ sinh ngầm rất rộng. Có cảm giác rõ ràng là TQ quyết tâm đuổi kịp các nước văn minh.

Từ xưa TQ đã có thói quen xây dựng như thế. Kiến trúc to cao hiện đại thì không sợ lạc hậu theo thời gian. Đại lễ đường và Viện Bảo tàng hai bên quảng trường Thiên An Môn xây năm 1958 nay vẫn hùng vĩ đồ sộ. Hội trường Đại học Quảng Tây xây từ 1953 hồi còn là Khu Học xá Việt nam tôi học ở đây, nay trông vẫn không lỗi thời chút nào. Cố Cung xây dựng năm 1406, rộng 750x960m, là cung vua lớn nhất thế giới còn giữ được, có hơn 9000 phòng, tham quan mỏi cẳng. Di Hoà Viên rộng 290 hec ta, dùng 30 vạn dân công và 1 triệu tù nhân, đào hồ sâu lấy đất đắp cả một quả đồi. Cung Vương Phủ của đại thần Hoà Thân nổi tiếng tham nhũng, nhà nọ nối nhà kia, đi mỏi chân chưa hết. Khu “13 Lăng” chôn 13 đời vua, chiếm cả một vùng hơn 40 km vuông. Địa Cung sâu hơn chục mét dưới đất, ghép bằng đá tảng dạng vòm cao. Quy mô xây dựng và sử dụng nhân công lớn như ở TQ thật hiếm.

Vì cấm dân tự xây nhà nên những nơi nào các công ty nhà đất chưa mua đất để xây dựng thì vẫn còn nhà lụp xụp từ thời xưa. Cạnh Thiên An môn có cả một khu nhà nhỏ thấp, mái ngói, kiểu nông thôn, xám xịt, tàn tạ. Cũng chuồng cọp, cơi nới. Xe đạp ngổn ngang lối vào nhà, tuy ô tô riêng đậu đầy ngõ. Nhà xí chung cả khu phố, nhưng hiện đại như ở khách sạn. Tuy vậy xung quanh Bắc Kinh hãy còn nhiều vùng đất đồi rộng mênh mông không trồng trọt, tha hồ xây dựng đô thị mới.

Phát triển chóng mặt

Năm 1962 tôi rời Thượng Hải, lúc ấy Phố Đông vẫn là một bãi sình lầy chẳng mấy ai ở. Nay mọc lên cả một đô thị cỡ hiện đại nhất nhì thế giới, có 5 cầu và hầm ngầm dưới sông nối với Thượng Hải cũ. Hầu hết nhà cao tầng, kết cấu kính-thép-bê tông, xây xa nhau. Tháp truyền hình Đông phương Minh châu cao 468m. Toà nhà Kim Mậu 88 tầng, 420m, cao thứ 3 thế giới, bên trong có cả một rạp hát. Phố rộng, cầu vượt qua đường có cầu thang điện kiểu cuốn chạy suốt ngày đưa người lên. Nhà Hội nghị Quốc tế có một nhà kính hình cầu to chẳng kém gì nhà kính trên nóc nhà Quốc hội Đức ở Berlin tôi từng vào xem. Thượng Hải cũ thì vẫn chật ních; phố hẹp xe nhiều; chung cư 30-40 tầng mọc như nấm, che mất ánh nắng các nhà cũ xung quanh. Nhà chung cư rất hiện đại, giá rẻ hơn Hà Nội; nhiều căn hộ người giầu tỉnh khác mua rồi để đấy làm vốn chứ không ở. Sông Hoàng Phố tầu thuyền tấp nập. Bờ sông khác hẳn xưa, đã xây dựng thành nơi vui chơi ngắm cảnh rất đẹp. Buổi tối, đèn bật sáng hiện rõ đường viền các toà nhà cao ở Phố Đông bên kia sông, như hiện lên khung cảnh tương lai. Đô thị hoá quá nhanh. Nghe nói đã bỏ chế độ hộ khẩu, nông dân tự do vào thành thị kiếm sống. Nhiều trường đại học nhỏ sát nhập thành trường tổng hợp xây dựng cực kỳ quy mô kiểu Âu Mỹ. Một trường tiểu học ở Thượng Hải có dự định trở thành trường lớn nhất thế giới. Vào thư viện một trường đại học, tôi thấy trình độ máy tính hoá chẳng kém gì một trường ở Bắc Âu tôi từng đến năm ngoái.

Kinh tế trên hết. Đời sống khá cao

Người TQ ngày nay chẳng mấy ai nói chuyện chính trị, thời sự, dù được hỏi. Họ rất ngại nhắc lại chuyện Cách mạng Văn hoá. Dường như tất cả chỉ lo kiếm tiền. Sách bán nhiều nhất là sách dạy kiếm sống, làm giầu, học tiếng Anh. Cả nước tất bật hối hả lao động, kiếm tiền, mua sắm. Thảo nào họ giầu hơn trước rõ rệt. Giầu nghèo phân hoá rõ rêt. Tại đường ngầm ở quảng trường Thiên An Môn tôi thấy một thanh niên kéo vi-ô-lông kiếm sống. Tôi hỏi 3 công nhân già, họ kể lương hưu đều hơn 1000 tệ (1 tệ bằng 2000 VNĐ). Thế mà người ta vẫn làm thêm. Do thu hút đầu tư nước ngoài mỗi năm vài chục tỷ đô-la nên các đô thị tạo ra nhiều công việc mới, ai có tri thức, có vốn thì không lo thiếu việc. Bạn cũ của tôi, một anh mở công ty tư, một bà 65 tuổi vẫn làm cố vấn nhà máy, khoe tuy ở chung cư cũ nhưng đã mua được căn hộ mới. Lương hưu bạn học tôi gấp 5 lần tôi. Anh bảo: “Ăn thua gì, bọn cổ trắng bây giờ lương cao lắm. Như con gái tớ, hơn 30 tuổi, chưa có con, tối nào cũng về nhà tớ ăn cơm vì chồng nó làm tin học bận, suốt đời ăn hiệu.” Một tiến sĩ tin học Việt Nam 30 tuổi kể : anh dạy Đại học ở Bắc Kinh, lương 6 nghìn tệ, nhưng nếu làm ở công ty thì lương gấp 2, chưa kể thưởng. Dân cổ trắng ngày càng đông, là lực lượng chủ yếu tiêu dùng hàng cao cấp. Trên tầu Bắc Kinh-Nam Ninh, các giường tầng 3 đều không ai mua vì bị chê. Tầu Bắc Kinh-Thượng Hải buổi 19 giờ có 7 chuyến nối đuôi cách nhau 7 phút; chạy 1500km hết 12 giờ, không đỗ ga nào; vé giường đệm gần 500 tệ, vé ghế đệm 283 tệ; thế mà kín chỗ. Ô tô riêng rất nhiều và trở thành mặt hàng bán chạy.

Một đặc điểm nữa là ít người béo. Ăn uống không xô bồ, lắm dầu mỡ như trước. Phụ nữ đều chú ý giữ thân hình mảnh mai. Dân cổ trắng gặp trên xe buyt đều mặc âu phục. Nhiều cô gái mặc váy hoặc quần bò, đi ủng cao. Nhưng nghe nói đời sống ở một số vùng nông thôn vẫn còn khó khăn.

Giá cả khá rẻ. Vé xe buýt 1 tệ, có điều hoà thì 2 tệ; trên xe có ti vi màn hình mỏng. Xe ta-xi có in 2 loại giá tiền bằng chữ to ngoài xe: loại 1,2 tệ/km và loại 1,6 tệ/km; nhưng cứ lên xe là 10 tệ. Táo giá 2 tệ/kg; nho 4 tệ. Ăn cơm bình dân một bữa 30 tệ được 1 đĩa thịt to, 1 đĩa rau, 1 bát to canh, nấu ngon. Một số siêu thị có quy mô lớn và sang trọng chẳng khác châu Âu. Hàng hoá ê hề, cung vượt cầu. Vào cửa hàng nào cũng bị mời mọc đến phát ngượng; nhưng người bán không tự ái sau khi đã mỏi miệng rao và trình bày hàng mẫu mà khách chẳng mua gì.. Mặt sau vé tầu hoặc vé tham quan đều in quảng cáo. Nhiều nhất là quảng cáo du lịch, khách sạn (KS). Vừa xuống tầu tại Bắc Kinh, một cô gái tươi cười kéo tôi vào ki ốt, ngon ngọt : “KS của chúng tôi loại 3 sao, giá rất rẻ, cách đây có 5 phút xe; nếu đồng ý thì ông đóng tiền, có xe đưa đến tận KS.” Tôi đi hỏi một cảnh sát, anh cười : “Cẩn thận kẻo bị lừa. Nói 5 phút mà là 50 phút đấy!” Chỗ nhận gửi đồ ở ga chỉ thấy tư nhân kinh doanh, các bà nói thách kinh khủng : gửi 1 túi xách, giá 8 tệ; va li thì 16. Mua hàng đều phải mặc cả kẻo hố. Các bạn TQ đều căn dặn tôi luôn cẩn thận kẻo bị lừa. Tại ga Thượng Hải, tôi thấy cảnh sát hỏi giấy rất nhiều người ngoại tỉnh và luôn gọi loa nhắc mọi người cẩn thận; nhưng tôi chưa gặp trộm cắp lần nào.

Tại Nam Ninh, nhân dịp Hội chợ Asean-TQ, chính quyền quy định tăng giá trọ KS để lấy tiền làm Hội chợ. Phòng đơn 98 tệ nay là 160; khách phải đóng tiền trước kèm 100 tệ thế chấp sợ quỵt tiền làm hỏng thiết bị. Điểm tham quan nào cũng bán vé. Vé vào chùa Linh ẩn (Hàng Châu) 45 tệ, Cố Cung 40 tệ, lên đỉnh tháp Đông phương Minh châu 150 tệ. Ở một số nơi người 60 tuổi trở lên được giảm nửa vé hoặc miễn phí; kể cả người nước ngoài. Về trường cũ, tôi thấy nhiều thứ đã công ty hoá: Chiêu đãi sở dành cho cựu sinh viên học bổ túc, nay kinh doanh theo kiểu KS, do một công ty phụ trách; giá phòng 180 tệ, nhưng muốn gọi điện ra ngoài thì phải thế chấp 100 tệ. Nhà ăn sinh viên cũng kinh doanh; giá rẻ, khá hiện đại, dùng thẻ từ để thanh toán.

Tôn trọng lịch sử

Dò theo địa chỉ của mục “Nơi ở cũ của danh nhân” trong sách “Tự Du lịch TQ” do TQ xuất bản, 2004, tôi hỏi đường mãi mới tìm ra nhà cũ của Tưởng Giới Thạch, số 7 ngõ Hậu Viên ân tự, An định môn nội, Bắc Kinh. Một ngõ hẹp, vắng, trong khu phố cổ. Biệt thự nhỏ hình chữ nhật, 2 tầng, xám xịt, sân rộng vài trăm mét vuông. Nay là khách sạn. Một nhân viên cho biết: nhà giữ như cũ, chỉ sửa nội thất; giá phòng mỗi đêm 1000 tệ, quá đắt, “vì đây là nhà ở cũ của danh nhân”– anh giải thích. Trong Bảo tàng Quốc gia cạnh Thiên An môn, tôi trông thấy tượng Lâm Bưu (kẻ định ám sát Mao Trạch Đông hồi 1971) đứng trong dãy tượng sáp 10 nguyên soái TQ. Thấy cả tượng Tổng Bí thư đầu tiên Đảng CSTQ Trần Độc Tú, trước kia bị phủ định. Học giả xưa bị chụp mũ phản cách mạng và đánh cho tơi bời như Hồ Phong, Hồ Thích đều được phục hồi, ca ngợi. Sách lịch sử được viết lại, bớt bị sửa theo nhãn quan chính trị, ngày càng công khai nhiều chuyện trước đây dấu nhẹm, như chuyện Xta-lin, Liên Xô. Nơi duy nhất thấy ảnh Mao Trạch Đông là Thiên An Môn. Trong Viện Bảo tàng tượng sáp, ông Mao nghiêm nghị đặt sâu trong cùng, thiếu ánh sáng; Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình cười tươi đặt ngoài cùng, sờ tay là chạm. Lưu Thiếu Kỳ ngồi bắt chân chữ ngũ cười tươi tắn, dù ông chết thảm nhất.

Những tiếng nói lạc lõng

Sách báo là thứ đại lạm phát, nhiều kinh khủng. Có học giả TQ viết 95% là “sách rác rưởi”. Tôi dở một cuốn, thấy mục “Xe tăng TQ đại chiến xe tăng Liên Xô”, tả lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1969. Báo “Hoàn cầu Ký sự” ngày 12.11.2004 có 2 bài nói về chiến tranh biên giới Việt-Trung, trong đó bài “Ác chiến Lão Sơn ...” trọn 1 trang kể chi tiết trận TQ “thu hồi vùng Lão Sơn (tỉnh Vân Nam) bị Việt Nam chiếm” hồi tháng 4.1984; khoe TQ thắng lớn; bịa đặt trắng trợn, và gọi VN là “địch nhân” (kẻ địch)! Thôi thì trong 1300 triệu người tránh sao khỏi vài tiếng nói lạc lõng. Dù sao cũng làm tôi bực mình. Bỗng nhớ lại, một nhà báo TQ từng viết “Người TQ thích khoe tổ tiên và quá khứ, báo TQ thích đăng thành tích; người Mỹ thích khoe bản thân và hiện tại, báo Mỹ thích đăng tin tai nạn. ”

Chú thích

4 ảnh của tác giả : 1) Nhà cũ của Tưởng Giới Thạch tại Bắc Kinh. 2) Cảnh Phố Đông 3) Hai cô gái TQ 4) Cảnh Thượng hải nhìn từ bên kia sông Hoàng Phố.


Nguyễn Hải Hoành