Từ tháng 8-1945 đến 12-1946

Buổi đầu của chính quyền VNDCCH với Phật giáo

Ngày 15 tháng 8 năm1945, được tin Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, ngay tối hôm đó Thành uỷ Hà Nội triệu tập cuộc họp bất thường các cán bộ, và đội trưởng Công nhân Xung Phong, Thanh niên Xung Phong ở Chùa Hà (Dịnh Vọng Trung, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Ngày 17 tháng 8 năm 1945 hàng trăm nghìn đồng bào biểu tình tại nhà Đấu Xảo (Cung văn hoá Hữu Nghị hiện nay). Tối 17 tháng 8 năm 1945 tại nhà bà Hai Nhã, Uỷ ban Quân sự Cách mạng (UBQSCM) họp hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa. Sau đó bí mật họp ở Tam quan Chùa Hà để thảo chỉ thị Tổng khởi nghĩa. Hôm sau, suốt từ sáng sớm tới trưa, từng đoàn, từng đoàn Việt Minh đi tuyên truyền khắp nơi… hô hào đồng bào dự cuộc biểu tình của Việt Minh tổ chức vào ngày chủ nhật. Hà Nội bừng bừng khí thế cách mạng tiến công, sục sôi khởi nghĩa.

Sáng sớm ngày 19 tháng 8 năm1945, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng. Quần chúng cách mạng rầm rộ kéo về phía quảng trường Nhà Hát Lớn tiến hành mít tinh. Sau đó đại biểu UBQSCM đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Ngay lập tức cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình vũ trang đi đánh chiếm các nơi như phủ Khâm sai, trại Bảo an binh… Mặt trận Việt Minh tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời.

Sau khi Hà Nội giành được chính quyền bốn ngày, từ chùa Bà Đá (Linh Quang Tự) đoàn đại biểu Phật giáo Hà Nội gồm hơn mười nhà sư do Hoà thượng Thanh Thao - Đỗ Văn Hỷ dẫn đầu vào Bắc Bộ phủ yết kiến Chính phủ Lâm thời. Đồng chí Võ Nguyễn Giáp, thay mặt Chính phủ Lâm thời biểu dương những thành tích của Phật giáo đã làm được và hoan nghênh các nhà sư yêu nước đã giúp đỡ nhiều cho các cán bộ cách mạng hoạt động trong thời kì bí mật. Đoàn bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh nhiệt liệt đối với Việt Minh, bởi chính sách của Việt Minh có phần giống như lí tưởng của Phật giáo là muốn dành cơm no, áo ấm, sự công bằng bác ái cho quảng đại chúng sinh. Phật giáo rất tán thành chính sách đó và hứa với Chính phủ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ Việt Minh(1).

Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Ngày 03 tháng 9 năm1945, một ngày sau khi tuyên bố nước Việt Nam độc lập, tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, chương trình 10 điểm do Quốc dân đại hội thông qua ngày 16 tháng 8 năm1945 ở Tân Trào, Tuyên Quang được Hồ Chủ tịch cụ thể hoá bằng 6 nhiệm vụ (vấn đề) cấp bách. Trong đó có 2 vấn đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử, bầu cử, không phân biệt giầu nghèo, tôn giáo, giòng giống… (vấn đề 3). Người chỉ rõ: “Thực dân và phong kiến tiến hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ bề thống trị, tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết” (vấn đề 6)(2).

Ngày 13 tháng 9 năm 1945, đại biểu Phật giáo cùng đại biểu các tôn giáo bạn đến yết kiến Hồ Chủ tịch. Các đại biểu bày tỏ quyết tâm của người tín hữu, đoàn kết cứu nước và ủng hộ Chính phủ. Hồ Chủ tịch tâm sự với mọi người: “Dân tộc có giải phóng thì tôn giáo mới giải phóng được. Lúc này chỉ có quốc gia và không phân biệt tôn giáo, mỗi người đều là công dân nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc”. Các vị đại biểu nhất trí tán thành ý kiến Hồ Chủ tịch.

Trước hiện tượng tại một số nơi ở Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, v.v… để xảy ra hiện tượng sai phạm làm ảnh hưởng ít nhiều tới giới tu sĩ, đền chùa và giáo đường của các tôn giáo ở những địa phương này, ngày 20 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ra Sắc lệnh số 34:

Điều thứ 1: Đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào nhân dân đều phải tôn trọng, không được xâm phạm(3).

Ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 45 về việc bảo tồn cổ di tích và giao nhiệm vụ “Bảo tồn tất cả cổ di tích trong toàn cõi Việt Nam” cho phương Đông Bác cổ học viện, trong đó có:

Điều 4: Cấm phá huỷ những đền, đình, chùa, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách của làng chưa được bảo tồn. Cấm phá huỷ bi kí, đồ vật, văn bằng, chiếu sắc, giấy má, sách vở có tính chất tôn giáo hay là không nhưng có lợi ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”(4).

Ngày 16 tháng 10 năm1945, Hội Phật giáo cùng Hội Thanh niên Phật tử Việt Nam (Hội trưởng là bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết) tổ chức tại chùa Quán Sứ tuần lễ văn hoá mà nội dung chủ yếu là lễ kỉ niệm ngày sinh của vua Trần Nhân Tông và bữa cơm chay đoàn kết dân tộc. Trong bữa cơm chay có các tín hữu Phật giáo và Công giáo tham dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mặc dầu hai tôn giáo có hai giáo lí khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng từ bi nhân đạo mà ra, thì không có lí gì lúc này cùng là con dân Việt Nam lại không thể có sự đoàn kết giữa hai tôn giáo được”.

Những người dự buổi lễ tham gia cuộc bán đấu giá tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền ủng hộ kháng chiến. Phật tử Lê Ngọc Tiến – một nhân viên ban tổ chức đã nhường cho ông Ngô Tử Hạ, một đại biểu của Công giáo mua bức ảnh với giá 10.100 đồng để kỉ niệm tình đoàn kết của hai tôn giáo(5).

Ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 22 ấn định những ngày tết, kỉ niệm lịch sử và tôn giáo, trong đó:

Điều thứ nhất: Những ngày tết, kỉ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, ấn định trong bảng đính theo sắc lệnh này sẽ được coi là những ngày lễ chính thức.
Trong những ngày đại lễ ấy các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa, và sẽ cử nhân viên phụ trách công việc thường trực.

Với bản phụ đính kèm theo: Bảng kê những ngày nghỉ tết, kỉ niệm lịch sử và lễ tôn giáo. Mục III: Những ngày lễ tôn giáo, Điểm a. Phật giáo có: Sinh nhật Đức Phật Thích Ca ngày 8 tháng 4 âm lịch nghỉ 1 ngày; Trung nguyên ngày 15 tháng 7 âm lịch nghỉ 1 ngày; Lễ Đức Phật thành đạo ngày 8 tháng 12 âm lịch nghỉ 1 ngày(6).

Ngày 05 tháng 01 năm 1946, Hội Phật giáo cứu quốc đã tổ chức tuần lễ mừng Chính phủ liên hiệp quốc gia tại chùa Bà Đá, Hà Nội. Tuần lễ mừng có mục đích cầu chư Phật, Bồ tát và liệt thánh chứng giám lời thề của cụ Chủ tịch và các nhân viên trong Chính phủ; hơn nữa để cầu nguyện nền độc lập cho nước Việt Nam. Lễ khai mạc được cử hành vào hồi 18 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chủ toạ và nhiều thành viên trong Chính phủ đã tới dự. Có cả các đại biểu Công giáo tới dự… Hồ Chủ tịch đã nói chuyện với các Phật tử: “Nước Phật ngày xưa có những 4 đẳng cấp làm li tán lòng dân và hại Tổ quốc. Nhưng Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là toàn dân quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Gia Tô giáo tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với dân, ta đừng làm gì trái ý dân. Dân muốn gì ta phải làm nấy”, sau đó, cùng ăn cơm chay với mọi người và đi thăm các nơi trong chùa Bà Đá(7).

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp, tại Chương II mục B về quyền lợi và nghĩa vụ công dân đã khẳng định: “Mọi công dân Việt Nam có các quyền trong đó có quyền tự do tín ngưỡng”. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện phân biệt lương giáo, căn dặn cán bộ: “Không được xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của nhân dân”. Cùng 12 điều răn, Hồ Chủ Tịch soạn ra 8 điều mệnh lệnh, nêu rõ: “Bảo vệ đền chùa, nhà thờ… chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào”.

Ngày 23 tháng 5 năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà kí Quyết định số 158 NV-PG cho phép thành lập lại Hội Phật giáo lấy tên là “Hội Việt Nam Phật giáo”, mục đích, tôn chỉ không có gì thay đổi. Chùa Quán Sứ vẫn là trụ sở của Hội.

Cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 1946, Quốc hội Khoá I họp kì thứ 2 thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó Điều 1 của Hiến pháp khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo…".

Chính sách đại đoàn kết dân tộc không phân biệt Lương – Giáo, không phân biệt đối xử giữa các tôn giáo của Hồ Chủ tịch và chính quyền cách mạng đã lôi cuốn được Phật tử đủ các giới tham dự vào cách mạng. Tăng ni các sơn môn trong cả nước hăng hái tham gia phong trào tăng gia sản xuất diệt giặc đói, phong trào Bình dân học vụ diệt giặc dốt; tham gia xây dựng đời sống mới, xây dựng chính quyền nhân dân các cấp và cuộc tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội Khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Phật giáo cả nước đã tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam sang Pháp tham gia Hội nghị Phôngtennơblô… Từ Nam ra Bắc, các đoàn thể Tăng già Cứu quốc và Phật giáo Cứu quốc được thành lập khắp nơi tập hợp tăng ni Phật tử…

Phật giáo đã đứng trong mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất do Việt Minh lãnh đạo, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp.

Nguyễn Đại Đồng (*)


*. Nhà nghiên cứu, Hà Nội.

1. Từ trường Phật học tùng lâm đến chùa Bà Đá. Hồi kí của Vũ Nguyên Hồng. Báo Đuốc Tuệ, số 157, năm 1982.

2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 9.

3. Hồ sơ 97: Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam năm 1945 – 1946. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

4. Hồ sơ đã dẫn.

5. Báo Cứu Quốc, ngày 17.10.1945.

6. Việt Nam Dân quốc Công báo, ngày 02.03.1946.

7. Báo Cứu Quốc, ngày 08.01.1946.