Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Bội thực và căn bệnh hoại tử ruột non
Bội thực và căn bệnh hoại tử ruột non
Chủ Nhật 24, Tháng Tám 2008
Sau một bữa no nê, trẻ bỗng nhiên… đột tử! Cái chết này có nguồn gốc từ đâu?
Hàng năm, Bệnh viện Nhi Trung ương phải đón tiếp hàng trăm nạn nhân của… “một bữa no”. Người ta gọi đây là một chứng bệnh nghịch lý, phần lớn chỉ xảy ra ở trẻ em nông thôn, nơi mà không có chế độ ăn uống đầy đủ, đặc biệt là chất đạm: Bệnh hoại tử ruột non.
Biểu hiện của hoại tử ruột non rất giống với biểu hiện của ngộ độc thức ăn. Một đứa trẻ bình thường, không có một biểu hiện bệnh tật nào, bỗng nhiên sau một bữa no nê bỗng đau bụng dữ dội, nôn, đi ngoài ra máu, bụng chướng dần lên, rồi sốc, trụy mạch và tử vong. “Thường thì những trường hợp này khi mổ ra sẽ thấy phần ruột non đã bị hoại tử, tím lại; chỉ cần để chậm một chút phần hoại tử sẽ bị rộng ra và gây tử vong nhanh chóng” - TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Trong ruột con người vốn có sẵn một chất độc tố của một loại vi khuẩn kỵ khí (độc tố bêta). Mỗi khi độc tố này tiết ra ngay lập tức bị hủy hoại bởi một loại men của tụy, vì thế nó sống cộng sinh. Sở dĩ người bình thường luôn có loại men này là do thường xuyên được ăn một lượng chất đạm nhất định; và để chuyển hoá lượng đạm này vào cơ thể đòi hỏi phải có chất men. Tuyến tụy có nhiệm vụ tiết ra chất men đó, và vì thế đồng thời cũng ức chế được độc tố bêta.
Ở những trẻ em có chế độ ăn thiếu chất đạm, tuyến tụy không được kích thích để tiết ra chất men. Độc tố bêta vẫn hoạt động một cách bình thường trong cơ thể. Khi phải đột ngột hấp thụ một lượng chất đạm tăng đột biến (cao gấp hàng chục lần so với chế độ ăn bình thường), cơ thể phải huy động toàn bộ lượng men vốn đã quá ít ỏi để chuyển hoá đạm. Đây chính là cơ hội để độc tố bêta tấn công và gây hoại tử ruột…
Khi ăn lạc sống, khoai sống… hiện tượng hoại tử ruột non cũng có thể xảy ra, bởi trong khoai và lạc sống có một chất ức chế men tụy. Khi men tụy bị hủy hoại, độc tố bêta sẽ chớp thời cơ tấn công vào ruột non (nếu ăn khoai và lạc đã nấu chín thì không sao). Bản thân giun đũa cũng tiết ra một chất ức chế men tụy với những nguy hiểm tương tự.
Chạy đua với thời gian
Hoại tử ruột non là căn bệnh hết sức nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nên việc chẩn đoán bệnh và có biện pháp xử trí kịp thời, đúng phác đồ là hết sức quan trọng.
Nếu trẻ, sau một bữa ăn quá nhiều đạm hoặc ăn khoai sống, lạc sống… khoảng 3 - 6 giờ mà xuất hiện hiện tượng đau bụng, sau đó nôn và đi ngoài ra máu, bụng chướng dần lên, người lả đi thì phải nghĩ ngay đến căn bệnh này. Khi bụng bắt đầu chướng là lúc bệnh đã khá nặng, nếu không được mổ ngay lập tức thì sẽ tử vong. Triệu chứng chính để phân biệt với ngộ độc thức ăn là bệnh nhân đi ngoài ra máu.
Hiện nay một số tuyến huyện đã có khả năng chữa trị được bệnh này với phác đồ điều trị chống sốc (truyền dịch và điện giải) và phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột đã bị hoại tử. Bệnh nhân sẽ lại sức nhanh chóng, không để lại di chứng gì.
“Tìm cách tăng khẩu phần chất đạm cho trẻ, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn chính là cách tốt nhất để dự phòng căn bệnh nguy hiểm này. Chỉ cần người dân có đủ kiến thức cơ bản về dinh dưỡng (ăn uống hợp lý, đầy đủ chất) là có thể giải quyết được. Thứ hai là cần chú ý vệ sinh môi trường, đừng để trứng giun đũa và vi khuẩn kỵ khí - vốn có rất nhiều trong môi trường - lẫn vào thức ăn.
Đối với những hộ gia đình không đủ điều kiện để có chế độ ăn đủ chất thì không nên cho trẻ ăn một lúc quá nhiều thức ăn như thịt, cá, hoặc không ăn lạc sống, khoai sống, cà sống… để phòng tránh căn bệnh hoại tử ruột non phát tác.
(theo ANTĐ)