Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Bệnh và thuốc > Báo động "rối nhiễu tâm lý" người trẻ

Báo động "rối nhiễu tâm lý" người trẻ

Thứ Hai 25, Tháng Tám 2008

Khoảng 15% bệnh nhân đến khám ở phòng bệnh chuyên về các rối nhiễu tâm lý là sinh viên (SV). Và ở thời điểm hiện tại số lượng SV là bệnh nhân ngày càng tăng.

Sống ảo

Khi bác sĩ Lã Thị Bưởi hỏi cô bé ngồi trước mặt mình rằng: “cháu có chơi game online qua đêm bao giờ không?” thì nhận được câu trả lời tỉnh queo: “Dạ có, nhiều khi chơi ngẩng đầu lên thấy quá muộn, rồi về kiểu gì cũng bị mắng thôi thì cháu chơi đến sáng hôm sau. Nhiều đợt cháu chơi 4 ngày liên tục...”. Với những tín đồ của game online để cai được thì chí ít là mất 6 tháng, còn với những game thủ quá nghiện thì có khi sau 1 năm nhiều bạn trẻ vẫn chưa dứt khỏi cơn mộng mị mình là hiệp sĩ, là kiếm sĩ hành tẩu giang hồ diệt gian trừ bạo.

Ca đặc biệt gần đây của bác sĩ Lã Thị Bưởi là một SV trường ĐH Giao thông Vận tải quê ở Thái Nguyên. Người cha của SV này vì con mà đã phải bỏ dở công việc và lên bám sát cậu quý tử để cai nghiện game. Bố túc trực 24/24h với chàng SV game thủ này. Khi con vào lớp thì bố ngồi đợi sân trường, khi con tan học thì bố có mặt để đưa đón. Cai được ít ngày thì con quỳ sụp xuống xin bố: “Bố ơi, con sắp vào chung kết rồi, bố cho con chơi nốt vài trận, có thể là một tuần thôi rồi con sẽ bỏ game vĩnh viễn”.

Rất nhiều game thủ, những người nghiện internet đến phòng khám trong một bức tranh lâm sàng khá giống nhau: con nhà khá giả và tiếp cận sớm với máy vi tính. Nhưng không ít bệnh nhân đã mất dần đi những kỹ năng sống thiết yếu nhất của một người trẻ. Có trường hợp một bệnh nhân là thanh niên, cậu ta gặp khó khăn với ngay cả việc trò chuyện với mẹ trong những bữa cơm gia đình. Và mọi việc chỉ dễ dàng hơn khi cậu ta online và chat với mẹ dù 2 mẹ con cùng sống dưới một mái nhà.

Nhiều bệnh nhân đã tự nhận rằng mình online rất nhiều giờ trong ngày và hài lòng với bản thân mình dưới một nickname trong một thế giới ảo hơn là với chính mình ngoài đời thực. Họ thích trở thành một cao thủ võ lâm trong game hơn là một học sinh dốt toán và hay bị bố mẹ la mắng ở nhà. Họ kết bạn, yêu và thậm chí xây dựng đời sống vợ chồng với những cái nick khác trong một không gian ảo nhiều phần mộng mị.

Một bệnh nhân khác đến từ khu phố cổ Hà Nội xuất hiện tại phòng khám với một gương mặt thẫn thờ, ánh mắt ngây dại. Lúc nào cậu SV này cũng rơi vào trạng thái bị săn đuổi, bị bủa vây và các cuộc tháo chạy khi trong tay không còn binh khí. Khi thấy con có những biểu hiện bất thường, bố mẹ cậu ta đã đến gõ cửa văn phòng thám tử với mong muốn có người theo sát để xem con mình có nghiện ma tuý hay không. Nhưng sau nhiều hành trình theo dõi, câu trả lời của thám tử là: anh bạn nghiện game chứ không phải nghiện ma tuý.

Và rồi một bệnh nhân tên Toàn đã uống rất nhiều thuốc ngủ để tự sát vì không thể ngỏ lời yêu với cô bạn cùng lớp. Những ca rối nhiễu tâm lý, rối loạn hành vi nhẹ hơn thì thường ở trạng thái mất ngủ, biếng ăn và hầu như không quan tâm đến cuộc sống hiện tại.

Rối loạn hành vi

Trong một cá nhân, nếu có nhiều hành động bất thường kéo dài đến thời điểm 6 tháng đều được xem là một bệnh lý: quấy rối, chống đối xã hội, gây cháy, cưỡng dâm, đánh nhau, hành hạ súc vật, bỏ học, bỏ nhà, cờ bạc...

TS Lã Thị Bưởi đã gặp gỡ nhiều bệnh nhân trong đó có những người cầm dao doạ giết bố, có những cô gái trẻ bỏ nhà lang thang phiêu bạt... Và ở Nam Định có một anh chàng cứ khăng khăng với bố mẹ rằng: hoặc là bố mẹ cho con chuyển giới tính hoặc là con sẽ tự sát tùy bố mẹ lựa chọn. Sự quyết liệt đòi hỏi của anh chàng chưa đủ 18 tuổi này ghê gớm đến mức 2 vị phụ huynh nọ hoảng sợ và nhanh chóng tìm bác sĩ cho con mình. Trong giai đoạn đầu điều trị để bệnh nhân khỏi bất mãn và không vội vàng tìm đến cái chết, những nhà tâm lý, những chuyên gia tâm thần học đã phải đóng kịch để chấp nhận cho anh chàng này thay đổi giới tính của mình.

Có một anh bạn trẻ đến phòng khám với nụ cười luôn thường trực trên môi, ăn nói hào sảng và đến bắt tay với tất cả mọi người. Anh chàng này giới thiệu mình là giám đốc, gặp ai anh ta cũng đưa name card trong đó giới thiệu rất kỹ các chuyên môn và chức vụ của mình. Anh ta nói và cười liên tục. Thậm chí anh ta chỉ sử dụng tiếng Anh và rất không hài lòng khi các nhân viên lễ tân lỡ nói với mình bằng tiếng Việt. Lúc nào anh ta cũng thường trực một câu tiếng Anh học thuộc: “Tôi không thể nói tiếng Việt, vui lòng nói bằng tiếng Anh với tôi...”.

Nhưng khi gặp bác sĩ Bưởi thì anh ta đột ngột trở lại ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt của mình. Trong câu chuyện, anh ta tâm sự mình vốn là SV rất giỏi của ĐH Thương mại nhưng đã bỏ học và về thành lập công ty. Cuối buổi nói chuyện anh ta nài nỉ bác sĩ vui lòng nhận cho món quà mà anh ta muốn biếu: 1 triệu đô la. Sau cùng anh ta tặng bác sĩ một chiếc bút và ít giây sau lại tìm cách xin lại. Anh bạn này đã được một người lạ đưa từ bến xe Gia Lâm về phòng khám. Đây là người lạ tốt bụng đã nhìn thấy anh ở bến xe và nhận thấy có những dấu hiệu của việc rối loạn hành vi liên quan đến sức khoẻ tâm thần. Cho nên sau khi anh chàng chỉ nói tiếng Anh này được công an ở khu vực bến xe thả ra, bác này mới tìm cách đưa anh ta đến phòng khám TuNa.

Bác sĩ Lã Thị Bưởi gọi đây là chứng hưng cảm liên tục, trong cơn hưng cảm người bệnh không hề kiểm soát được tư duy, cảm xúc và hành vi của mình. Và bệnh nhân này không phải trường hợp cá biệt của phòng khám, còn có một anh bạn lúc nào cũng chỉ thích nằm dài trên đường, trên thềm nhà, trên lan can để làm một việc rất quan trọng mà bạn ấy gọi là “hấp thu năng lượng mặt trời”.

Khoảng 15% bệnh nhân đến khám ở phòng bệnh chuyên về các rối nhiễu tâm lý này là SV. Và ở thời điểm hiện tại số lượng SV là bệnh nhân ngày càng tăng. Theo trưởng phòng khám TuNa, phần lớn rối nhiễu tâm lý rơi vào SV năm thứ nhất, thứ 2 hoặc SV đã ra trường. Có đến hơn 300 rối loạn liên quan đến sức khoẻ tâm thần và điều đáng chú ý là cứ 10 người trong số chúng ta thì có đến 2 người có những biểu hiện về các rối nhiễu ở nhiều cấp độ khác nhau.

Vắc xin điều trị nỗi chán chường: Khát vọng sống

Cường là SV ĐH Bách khoa, là niềm tự hào của cả dòng họ ở một miền quê nghèo lam lũ. Nhưng khi vừa vào học kỳ 1 năm thứ 2 người ta đã thấy Cường xách ba lô về nhà với quyết định khiến tất cả đều sửng sốt: “con bỏ học rồi”, “vì sao?”, “vì con chán”, “chán cái gì?”, “làm sao con biết được”...

Cường sống khép mình khác hẳn với cậu học trò lanh lợi trước kia, luôn tránh tiếp xúc với người lạ. Bác sĩ Lã Thị Bưởi đã phải đóng vai một người bạn của bố mẹ Cường lâu năm gặp lại, đến tận gia đình Cường để gặp gỡ, trò chuyện. Cường đang mất dần những kỹ năng sống thông thường, ngay cả việc giao tiếp cũng gặp khó khăn. Phải kỳ công, bác sĩ mới tiếp cận được với Cường. Cường xem phim triền miên nhưng khi hỏi có bộ phim nào đáng nhớ không thì không thể trả lời được. Cường luôn gặp khó khăn trong học tập nhưng cũng luôn tự dằn vặt rằng: mình đang học để làm gì, mình tồn tại có ý nghĩa gì? Cường không chơi bất cứ môn thể thao nào.

Trong 3 tháng đầu, bác sĩ Lã Thị Bưởi đã phải sử dụng thuốc để điều trị cho Cường giống như nhiều ca khác. Nhưng với những căn bệnh liên quan đến rối nhiễu tâm lý, rối loạn hành vi thì thuốc men chỉ là một giải pháp bước đầu và nó chỉ chiếm khoảng 3 đến 4% hiệu quả điều trị. Liều văc xin tốt nhất cho những người trẻ bất thường này không gì khác hơn đó là khát vọng sống.

SVVN