Tăng quyền công chứng ở cấp phường

Sẽ công bố biểu giá dịch thuật chung cho người dân tham khảo. Bản sao bộ hồ sơ có hai loại giấy tờ tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì chỉ cần chứng tại một nơi.

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư 03 hướng dẫn Nghị định 79 năm 2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao và chữ ký. Văn bản này chấm dứt vướng mắc về phân định thẩm quyền chứng thực bản sao giấy tờ, văn bản song ngữ... trong thời gian qua.

Ít loại bản sao phải đến quận

Trước đây, muốn chứng thực bản sao các văn bằng, hộ chiếu tiếng Việt do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp, dù chỉ có vài dòng ghi bằng tiếng nước ngoài, người dân cũng bị buộc đến phòng tư pháp cấp huyện. Còn UBND cấp phường chỉ được chứng những bản sao giấy tờ, văn bản thuần tiếng Việt.

Nay theo Thông tư 03, bản sao giấy tờ, văn bản ghi hoàn toàn bằng tiếng Việt hoặc do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp bằng tiếng Việt, có xen vào một số từ tiếng nước ngoài (tên, địa chỉ của người nước ngoài) chỉ cần đến UBND cấp phường. Bản sao giấy tờ, văn bản toàn bằng tiếng nước ngoài hoặc chủ yếu là tiếng nước ngoài có xen lẫn vài từ tiếng Việt (văn bằng, chứng chỉ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp cho người Việt Nam, trong đó ghi tên bằng tiếng Việt) sẽ do phòng tư pháp cấp huyện chứng.

Đối với bản sao giấy tờ, văn bản song ngữ như hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học trong nước liên kết với các trường đại học nước ngoài..., người dân có thể lựa chọn UBND cấp phường hoặc phòng tư pháp quận, huyện chứng đều được. Riêng các bộ hồ sơ, tài liệu vừa có giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt vừa có giấy tờ, văn bản tiếng nước ngoài, người dân có thể yêu cầu phòng tư pháp chứng bản sao cả bộ hồ sơ hoặc chứng bản sao giấy tờ tiếng nước ngoài tại phòng tư pháp rồi chứng bản sao giấy tờ tiếng Việt tại UBND cấp phường.

Công khai danh sách người dịch thuật

Nghị định 79 quy định chung chung rằng người dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại phải là người thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch. Thông tư 03 nêu rõ người thông thạo tiếng nước ngoài là người có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên tại nước ngoài đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Phòng tư pháp có thể tổ chức đội ngũ dịch thuật và niêm yết công khai danh sách cộng tác viên dịch thuật tại trụ sở để người dân thuận tiện khi muốn nhờ dịch thuật. Các sở tư pháp phối hợp với sở tài chính phải xây dựng biểu mức giá dịch thuật nhằm tránh tình trạng người dân không biết nên thoả thuận với người dịch thuật mức giá quá cao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có bản chính cấp lần đầu bị mất, bị hư hỏng..., Thông tư 03 quy định bản chính giấy tờ cấp lần đầu, cấp lại hoặc đăng ký lại đều có thể dùng để đối chiếu và chứng thực bản sao. Trong thực tế, vấn đề chứng chữ ký của người mù chữ, người bị khuyết tật vẫn còn bỏ ngỏ. Theo Thông tư 03, khi yêu cầu chứng thực chữ ký, nếu người dân không ký tên được thì được thay thế bằng điểm chỉ ngón trỏ tay phải. Nếu bị khuyết tật ngón trỏ tay phải thì sử dụng ngón trỏ tay trái. Trường hợp cả hai ngón trỏ không điểm chỉ được thì sử dụng ngón tay khác và ghi rõ đó là ngón tay nào.

Theo Minh Trí (PL)