Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Quan niệm > Đối thoại > Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Thư ngỏ gửi ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam

Thứ Ba 9, Tháng Chín 2008

"9-2007: Giải FPT Championship đã diễn ra hôm chủ nhật, trên sân Dragon, huyện Lương Sơn, Hoà Bình, quy tụ hơn 100 tay golf toàn quốc. Tham gia còn có nguyên Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội golf Việt Nam Đoàn Mạnh Giao. Tổng số giải thưởng trị giá gần 900 triệu đồng, trong đó có ôtô Toyota Camry 50.000 USD"... (Ảnh: nguyên PTT, Chủ tịch danh dự Nguyễn Mạnh Cầm phát biểu tại Đại hội đầu tiên ngày 17/8/2007)

Thưa ông Chủ tịch Hội Golf Việt Nam!

Tôi không phải là tín đồ của môn thể thao sang trọng và quý phái này. Nhưng cứ trông thấy các sân golf trải ra trước bầu trời xanh bát ngát, có lúc tôi đã nghĩ golf là môn thể thao thân thiện với môi trường.

Và khi ghé thăm sân golf Đồng Mô cách đây dăm bảy năm trước, tôi đã bị hấp dẫn và suýt đặt bút viết bài ca ngợi vẻ đẹp của nó. Sự thật, mỗi sân golf đều có nét đẹp riêng không thể phủ nhận.

Gần đây thấy người ta nói nhiều về sân golf ngốn khá nhiều đất. Mỗi sân tùy theo số lỗ nhiều ít có thể chiếm từ trên một trăm đến ba, bốn, năm trăm hecta mới thấy giật mình. Bởi nhiều tỉnh trong nước ta bình quân ruộng đất cho đầu người chỉ trên dưới 400 mét vuông.

Điều khiến mọi người phải quan tâm là mật độ dân số nước ta vào loại cao nhất thế giới, và đất đai tính theo đầu người lại vào loại thấp nhất thế giới. Đó là chưa kể rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn bị tàn phá nặng nề nên diện tích đất nông nghiệp ngày một hao hụt. Và cũng chưa kể nếu nước biển dâng cao thêm một mét nữa thì đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thu hẹp đáng kể, lương thực cho cả trăm triệu người là bài toán khó giải.

Từ đó, tôi để ý tìm hiểu về hệ thống sân golf ở nước ta. Được biết cả nước có tới 123 sân golf đã và đang được xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn cho biết, số đất đưa vào xây dựng sân golf đã lên tới 38.000 ha. Trong đó có 15.200 ha đất trồng lúa bị thu hồi cho các dự án sân golf.

Lại mới đây (8-7-2008) báo Tuổi trẻ loan tin ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa thông báo cho UBND huyện Thanh Trì tạm dừng triển khai dự án xây dựng hai sân golf 36 lỗ, chờ đến khi hoàn thành xong việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Cũng báo này cho biết hai dự án sân golf nằm trên địa bàn bốn xã, có tổng diện tích khoảng 800 ha gồm đất nông nghiệp và đất bãi của các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc. Số đất của ba xã này phải cắt cho dự án sân golf là 500 ha có liên quan tới đời sống của khoảng 10.000 dân.

Dựa án sân golf thứ hai nằm trên địa bàn xã Tả Thanh Oai (cũng trong huyện Thanh Trì Hà Nội như ba xã trên) có diện tích khoảng 300 ha, và cũng có ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 10.000 dân.

TTK Hiệp hội Golf VN Nguyễn Ngọc Chu (rìa trái)

Như vậy nếu tính thuần túy theo số cộng trên một trăm sân golf của Hội Golf Việt Nam, quý ông đã làm ảnh hưởng tới đời sống của cả triệu người nông dân mà từ ngàn đời nay họ từng vật lộn để tồn tại trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và cả máu xương của chính họ.

Là một nhà văn, tôi ít am hiểu về các giá trị kinh tế và tinh thần do lợi ích của sự chơi golf đem lại cho đất nước.

Xin cảm phiền ông Chủ tịch Hội golf Việt Nam hãy bố cáo cho toàn thể quốc dân đồng bào được biết, tổng số các sân golf của quý ông sau khi đã giãn dân lấy đất thời các ông đã giải quyết được bao nhiêu việc làm cho cả triệu người bị mất đất này. Và hơn hết, lợi ích thu về từ kinh doanh sân golf mỗi năm đóng góp cho nền kinh tế nước nhà là bao nhiêu. Liệu nó có tương xứng với số đất ta bỏ ra cùng với số lượng người phải ly hương.

Tôi tin là ông không nỡ và cũng không thể từ chối được việc trả lời trước công luận. Bởi lẽ số đất đưa vào xây dựng sân golf là có thật, số dân phải ly tán là có thật, đương nhiên kết quả của việc kinh doanh sân golf không thể là con số ảo không thể nắm bắt.

Thưa ông Chủ tịch Hội golf Việt Nam.

Tôi có một thắc mắc nhỏ, mong ông Chủ tịch Hội golf Việt Nam giải đáp. Rằng tại sao Olympic Bắc Kinh, một sân chơi thể thao toàn cầu hoành tráng như vậy lại không đưa golf vào danh mục thi đấu? Mặc dù từ lâu golf được thừa nhận là một môn thể thao. Phải chăng người Trung Hoa, tức nước chủ nhà không có thế mạnh về golf?

Và nếu tôi nhớ không nhầm thì Ủy ban Tổ chức Thế vận hội quốc tế (IOC) từ lâu đã bác bỏ việc đưa môn golf vào chương trình thi đấu. Vì vậy Olimpic Atlanta 1996 tổ chức trên đất Hoa Kỳ, và Mỹ là đất nước khá phát triển về môn thể thao golf cũng buộc phải chấp nhận.

Lại như vì sao thế giới lấy ngày 29 tháng 4 hằng năm là ngày thế giới không có golf (Word No Golf Day).

Vậy là đã hình thành một xu thế toàn cầu chống lại việc xây dựng các sân golf (The Global Anti - golf), phong trào này hoạt động khá rầm rộ trong các nước Âu - Mỹ.

Vì sao các nước lại có hiện tượng trên thưa ông Chủ tịch Hội golf Việt Nam?

Phải chăng sân golf là loại hình không thân thiện với môi trường sinh thái?

Phải chăng nuôi dưỡng sân golf là nuôi dưỡng sự hủy diệt môi trường sinh thái?

Thế nhưng tại sao sân golf ở Việt Nam lại phát triển nhanh đến như vậy thưa ông?

Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu cả nước với 13 sân golf; Bà Rịa - Vũng Tàu đứng hàng thứ nhì với 12 sân golf. Hình như Hà Nội đang gắng vươn lên trong top đầu. Các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... chắc cũng không chịu thua Bình Dương, Đồng Nai, Long An bởi các tỉnh này mỗi tỉnh đã có tới 4 sân golf. Long An tuy mới chỉ có 3 sân nhưng tổng diện tích lên tới 720 ha. Nên nhớ Long An là tỉnh lúa, tỉnh đồng bằng chứ không phải đất bán sơn địa.

Lại cảm phiền ông giải thích cho đôi điều về sự chăm sóc sân golf, bởi chúng tôi là dân ngoại đạo, nên dù có tìm đọc vẫn cứ lõm bõm.

Thưa ông. Có phải cỏ trồng trên sân golf phải nhập ngoại. Và đây là một loại cỏ được tạo ra hết sức đặc biệt bởi nó phi tự nhiên, vì nó phải sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu, trừ nấm, trừ cỏ dại và phân bón hoá học để chăm sóc nó luôn xanh mướt trên mặt sân. Số hoá chất dùng cho mỗi ha sân golf nghe đâu cao gấp 5 lần số thuốc trừ sâu và phân bón để chăm sóc đồng ruộng. Trung bình mỗi ha sân golf dùng tới 1,5 tấn hoá chất trong một năm. Như vậy một sân golf có diện tích 300 ha mỗi năm dùng tới 450 tấn hoá chất. Và một sân golf 20 lỗ, mỗi tháng phải dùng tới 150.000 mét khối nước.

Nước tưới trên sân golf một phần ngấm vào lòng đất, một phần chảy trôi xuống các đầm ngòi, ao hồ, sông suối hoặc cánh đồng mà nó tiếp cận. Các hoá chất diệt sâu nấm và cỏ dại được máy móc phun lên phần không nhỏ khuyếch tán vào không khí. Do đó việc nuôi dưỡng sân golf đã làm cho môi trường xung quanh từ mặt đất, trong lòng đất, nguồn nước và cả không khí đều bị ô nhiễm nặng nề. Nó không chỉ hủy hoại môi sinh, làm cạn kiệt nguồn nước và sau khi sân golf không còn khai thác nữa thì đất khó có thể dùng trở lại làm đất nông nghiệp bởi độ xốp, độ phì của nền đất cũ không còn nữa cùng với hệ vi sinh vật bị tiêu diệt hoàn toàn. Khoa học đã chỉ ra rằng, để có tầng đất màu dày khoảng 20cm, thiên nhiên phải tạo dựng và tích lũy tới cả triệu năm.

Những điều tôi nhờ ông xác nhận như vừa nêu liệu có đúng sự thật hay do các nhà môi trường bịa đặt?

Tôi chắc ông cũng là người thoát thai từ nông dân hoặc có nguồn gốc từ nông thôn nên ông biết trong hoàn cảnh biến đổi nền kinh tế như hiện nay, nông dân là người dễ bị tổn thương nhất.

Tôi chưa thấy một công trình xây dựng nào, một khu công nghiệp nào khi lấy đất, giãn dân mà có kế hoạch giúp người nông dân chuyển đổi được sang nghề mới và có cuộc sống ổn định tại nơi ở mới, trái lại họ rất khốn đốn trong cuộc mưu sinh sau khi bị tước đoạt hết đất đai vốn là nguồn sống duy nhất của họ. Đương nhiên họ được giúi cho một cục tiền gọi là đền bù, nhưng còn lâu cái giá đất họ buộc phải bán ấy mới bằng một phần mười, thậm chí một phần trăm giá thị trường.

Thưa ông Chủ tịch Hội golf Việt Nam,

Ông thừa biết hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ kéo dài tới một phần ba thế kỷ, Nhà nước ta phải dựa hẳn vào nông thôn và coi "nông dân là quân chủ lực". Lại như hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang rất coi trọng vấn đề nông nghiệp và nông dân như ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiều lần nói trước đông đảo cán bộ và công chúng.

Do đấy, vô luận dưới hình thức nào khi tước đoạt tư liệu sản xuất của người nông dân mà không chuẩn bị nghề nghiệp mới, cuộc sống mới cho họ khiến họ phải ngụp lặn trong vòng trầm luân thì hiển nhiên đó là một lỗi lầm không có gì có thể biện minh được. (Ấy là chưa tính đến các hệ lụy xã hội khác được phát sinh từ các sân golf)

Xin phép được dừng bút và gửi lời chào công dân!

Nhà văn Hoàng Quốc Hải