Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Nước ngoài > Những người đẹp và văn hào Albert Camus (1913-1960)

Những người đẹp và văn hào Albert Camus (1913-1960)

Thứ Năm 11, Tháng Chín 2008, bởi Cong_Chi_Nguyen

Đang ngồi trong quán cà phê ở quảng trường Saint Sulpice với cô Anne-Marie, tiểu thuyết gia kiêm nhà báo Olivier Todd bỗng bắt gặp cái nhìn soi mói của một gã đàn ông lạ mặt nhắm vào bạn mình. Todd cảm thấy phẫn nộ nhưng cố dằn để không gây sự. Cái gã kia là ai?

Đó là Albert Camus, nhà văn lớn của nền văn học Pháp giữa thế kỷ 20, giải Nobel văn chương năm 1957. Hẳn là khi ấy, Todd cũng không ngờ có lúc mình sẽ viết riêng một tác phẩm về cuộc đời của “gã”, con người đã gieo bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào cũng như cay đắng – trong lòng nhiều phụ nữ lãng mạn của xã hội phương Tây.

Theo Olivier Todd, phải có hai quyển niên bạ mới ghi được hết những cuộc chinh phục trái tim phụ nữ của Albert Camus. Ông viết: “Ông ta có nhiều mối quan hệ cùng lúc. Việc này không bao giờ được giữ kín. Đáng lưu ý hơn, đó là kỹ niệm mà ông đã để lại trong lòng một số người hiện còn sống, những người mà khi biết được dự định về quyển tiểu sử này, đã đến gặp tôi để đoan chắc với tôi rằng Camus là người đàn ông của đời họ, những người khác đang lưu giữ một, hai bức thư của ông thì lại tưởng tượng rằng họ là những người độc nhất…” (Albert Camus - une vie – Nhà xuất bản Gallimard). Đối với họ, tất cả đều ngừng lại sau cái chết bi thảm của ông vào năm 1960, trên con đường nối liền Champigny – sur – Yonne với Villeneuve - la - Guyard. Trên đống hành lí nằm trong chiếc xe Facel - Vega húc đầu vào một thân cây người ta tìm thấy tập bản thảo tác phẩm Premier Homme (người đàn ông thứ nhất), đang viết dở, với lời đề tặng: “Kính dâng mẹ, người sẽ không bao giờ đọc được quyển sách này”. Khi tai nạn vừa xảy ra, bà mẹ (Catherine Hélène Camus) đang ở Alger. Được tin về cái chết của con trai, bà không khóc mà chỉ thở dài: “Nó còn trẻ quá!”. Ngày xưa, bà đi làm công cho các tư gia hay các nhà kinh doanh, tháng 10.1914, được tin chồng tử trận, bà đã bị chấn thương ở não và không phát âm một cách dễ dàng nữa.

Như vậy là Camus đã mồ côi cha từ năm lên 1 tuổi (ông sinh năm 1913). Lớn lên, ông là một thiếu niên gầy yếu, bệnh tật thường xuyên nhưng lại học hành xuất sắc và đặc biệt là đã chứng tổ một bản chất… si mê phụ nữ rất sớm. Nhiều cô gái trẻ ở Alger lúc đó khó cưỡng lại được đôi mắt xanh thu hồn của chàng thư sinh chỉ thích đọc thơ Baudelaire, đam mê kịch nghệ, bóng đá và tin chắc như đinh đóng cột rằng mình sẽ là một… nhà văn. Ông thổ lộ các dự định của mình với những cô bạn gái sống chung quanh, trong số đó gần gũi nhất có Margerite Dobrenn, Jeanne Sicard. Với họ, lần đầu tiên Camus khám phá ra một thứ hạnh phúc êm ái và biết kềm chế của tình bè bạn. Khác với Jean - Paul - Sartre, nhà văn theo thuyết hiện sinh, Camus không bao giờ đặt mình ngang hàng với những phụ nữ mà ông đã chinh phục. Điều này đã làm cho nhà văn nữ Simone de Beauvoir phẫn nộ một cách quyết liệt nhất. Trong tác phẩm Les Mandarins (Những vị quan), bà đã ám chỉ Camus như một kẻ đê tiện.

Viết và hút liên tục...

Năm 1933, Camus gặp Simone Hié ở nhà của thi sĩ Max-Pol Fouchet (về sau là người dẫn chương trình văn học trên vô tuyến truyền hình Pháp và sáng lập nhiều tạp chí). Lúc đó, Simone mới 19 tuổi, và đã là một cô gái thanh lịch, đầy nhục cảm, tự ví mình như diễn viên điện ảnh tài danh Greta Garbo. Camus cố rứt cô gái ra khỏi ảnh hưởng của Fouchet, nhất là khỏi cơn nghiện héroin đang gặm nhấm dần cơ thể còn tràn đầy nhựa sống của cô. Cuối cùng, họ cưới nhau vào ngày 16.6.1934.

Cuộc hôn nhân đầu đời này khiến Camus cảm thấy trưởng thành rất nhiều. Ông mưu tính tìm cách chữa lành căn bệnh nghiện ngập kinh niên của Simone. Lễ cưới diễn ra thật đơn giản, cặp vợ chồng trẻ không thề nguyện chung thủy trong nghi thức hôn phối. Về sau, có lần Camus tâm sự về cuộc hôn nhân này: “Tôi cưới vợ, tôi muốn tự tử hay tôi muốn đặt mua báo L’Illustration…, tất cả như một cử chỉ tuyệt vọng…”. Sự tuyệt vọng đó, ông đã cảm giác một cách đớn đau từ tháng 7.1936. Năm đó, Camus và Simone cùng một người bạn thân của ông là Yves Bourgeois đi chu du Áo, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc, Ý… Trong chuyến đi đó, Simone chẳng nhìn ngắm gì, cô bận rộn thường xuyên với chất thuốc độc mà cô không thể từ bỏ được, trong căn phòng tăm tối của khách sạn. Họ trở về Alger ngày 9.9.1936 và quyết định ly thân với nhau.

Suốt cuộc hành trình tai hại đó, Camus luôn thổ lộ tâm sự của mình với Marguerits Dobrenn và Jeanne Sicard. Họ giới thiệu cho ông cô gái Christiane Galindo đang muốn định cư và làm việc ở Alger. Mối quan hệ giữa hai người bắt đầu vào năm 1937. Christiane là một phụ nữ tận tụy. Cô đánh máy các bản thảo của Camus, thích tắm nắng và có một tâm hồn cởi mở. Ngoài cô ra, nhiều phụ nữ khác cũng vây quanh ông, trong đó có Blanche Balain (cha mẹ cô đã đối phó bằng cách dọn đi nơi khác, về sau Balain sống độc thân đến cuối đời), Lucette Meurer, sinh viên ngành dược, rồi Francine Faure, một nhạc công piano kỳ tài kiêm toán học gia, bắt đầu chia sẻ cuộc sống với Camus ít lâu sau đó. Vì Faure, Camus đã từ chối tình yêu của Yvonne Ducailar, người luôn yêu mến sự duyên dáng và óc khôi hài khá cay độc của ông.

Năm 1940, Camus và Simone Hié chính thức ly hôn. Ngày 3.12 năm đó, nhà văn làm lễ cưới với Faure ở Lyon. Họ có nhiều điểm giống nhau, giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau. Chính Faure đã đánh máy bản thảo tác phẩm “Mythe de Sisyphe” (huyền thoại Sisyphe) nổi tiếng của Camus. Tuy nhiên về sau, nhà văn đã viết những dòng tệ bạc về người phụ nữ này: . “Tôi cưới cô ấy và biết rằng mình đã làm một điều ngu xuẩn”. Thế nhưng, khi Faure ngã bệnh và có ý định tự tử thì Camus lại túc trực bên cạnh và chia sẻ nỗi đau với người bạn đời bất hạnh. Trong cuộc sống chung của họ, Faure không hề hay biết gì đến sự thiếu thủy chung của Camus, về sự quyến rũ của một phụ nữ giàu kinh nghiệm có tên là Maria Casarès. Cô này là một diễn viên gốc Tây Ban Nha, con gái một đảng viên Cộng hoà, bị tướng Franco tống xuất ra khỏi nước. Tuy nhiên khi hay tin Faure đang có thai (cặp song sinh Catherine và Jean ra đời ngày 5.9.1945), Maria rời bỏ Camus.

Vũ cùng Torun Moberg sau lễ trao giải Nobel

Năm 1946, nhân một chuyến đi đến hội nghị ở Mỹ, Camus gặp Patricia – Blake, năm đó mới 20 tuổi. Cô gái trẻ đầy sức gợi cảm gần kết thúc chương trình học môn lịch sử tại trường Smith College nổi tiếng và sống dè sẻn bằng những khoản tiền kiếm được do việc cộng tác với tờ tạp chí thời trang “Vogue”. Patricia đi theo Camus khắp chốn, kể cả những hộp đêm ở New York – là nơi mà Camus rất thích la cà. Mối quan hệ của họ dẫn đến những lời bình phẩm không mấy nhã nhặn, bởi vì ở Paris, Camus còn có Faure… Một trong những người thân của Camus đã nói về ông: “Camus làm tình như người ta uống một ly nước”. Trước lời bình phẩm đó, Olivier Todd tỏ ra phải chăng hơn: “Xin đừng nói quá. Những phụ nữ có mặt trong văn phòng của Camus ở nhà xuất bản Gallimard không phải đã ngã quỵ hết trước cái nhìn của ông. Nhưng tất cả đều bị ông quyến rũ”. Theo Todd, vinh quang của Camus không phải là giải Nobel văn chương năm 1957. Người ta yêu mến Camus bởi vì đó là… Camus! Khi Catherine Sellers, nữ diễn viên trình diễn vở kịch Requiem pour une nonne (Kinh cầu hồn cho một nữ tu sĩ) của ông bị một nhà phê bình chỉ trích nặng nề, Camus nhảy vào cuộc ngay. Ông cư xử dịu dàng, nhưng đôi lúc tỏ ra bất công và tính toán.

Người ta ngờ rằng trong tác phẩm của mình, Olivier Todd vẫn còn giữ lại một số bí mật trong cuộc đời của nhà văn huyền thoại Albert Camus. Người đọc chưa biết gì về lý lịch của Mi, một phụ nữ trẻ và khêu gợi mà ông đã gặp ở Flore – với Mi, ông đã tìm thấy tuổi thanh xuân thứ hai của mình. Đó cũng là người phụ nữ duy nhất mà ông đã đưa đi xem một… trận đấu bóng đá ngày nay, bà không muốn người ta nói đến mối quan hệ giữa bà với Camus nữa. Trong cuộc nói chuyện riêng với Olivier Todd, người phụ nữ tạm gọi là Mi đó đã đưa cho ông xem một bức chân dung của Albert Camus treo trong phòng mình, với cái nhìn “soi mói” và ranh mãnh mà Todd đã bắt gặp ngày nào…