Phần mềm chỉ là giấc mơ lãng mạn?

Đến thời điểm này, doanh thu tất tật từ phần mềm cả nội địa lẫn xuất khẩu và tính cả trong các ứng dụng chuyên ngành vẫn chưa vượt ngưỡng 200 triệu đô la. Trong số này, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/5 bao gồm tính cả giá trị xuất khẩu từ những liên doanh của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Đã 7 năm trôi qua kể từ ngày câu chuyện 500 triệu đô la doanh thu từ phần mềm được dấy lên bởi FPT - công ty tin học được coi là hàng đầu Việt Nam. Sự chuyển hướng rầm rộ được khuếch trương bởi những cuộc ra quân tiến vào thị trường Ấn Độ, Bắc Mỹ, thành lập hàng loạt trung tâm sản xuất phần mềm cả cho nội địa lẫn cho xuất khẩu, mở hệ thống đào tạo của FPT thực sự đã tạo một cơn lốc cho thị trường CNTT Việt Nam - vốn chủ lực là thị trường tiêu thụ phần cứng mà trong đó FPT đóng vai trò nòng cốt đang dần chững lại. Khi đó, người ta như ngộ lên vì phần mềm, các công ty đua nhau theo gương ông anh cả, cả những công ty chưa bao giờ làm phần mềm cũng ngỡ sẽ hốt bạc ở cái con số nửa tỷ đô la kia. Nhà nước, Chính phủ cũng vì thế mà tạo ra cơ man là ưu đãi cho mục tiêu "cường quốc xuất khẩu phần mềm".
Đến thời điểm này, doanh thu tất tật từ phần mềm cả nội địa lẫn xuất khẩu và tính cả trong các ứng dụng chuyên ngành vẫn chưa vượt ngưỡng 200 triệu đô la. Trong số này, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/5 bao gồm tính cả giá trị xuất khẩu từ những liên doanh của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Dục tốc bất đạt
Trở lại câu chuyện của 7 năm trước, niềm hăng hái và hứng khởi của FPT dần lan toả và bỗng chốc họ trở nên tác nhân gắn liền với chiến lược phát triển phần mềm của đất nước. Ai cũng thừa nhận rằng, họ có công khai phá con đường phát triển phần mềm và xuất khẩu phần mềm. Nhưng, a dua không bao giờ là con đường đúng. Chỉ chừng 1 năm, các doanh nghiệp phần mềm đã hụt hơi bởi sự đầu tư quá lớn mà hiệu quả thu về quá chậm. Một bài học đắt giá cho chính các doanh nghiệp khi họ bước chân vào một lĩnh vực mới mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, thị trường... Họ đã quá cả tin và mạo hiểm khi tham gia vào một cuộc chạy đường trường mà ở chặng đua ấy, vốn phải mạnh, lực phải nhiều.
Một vị Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - khi đó là cơ quan phụ trách về công nghệ thông tin - đã rất "có công" trong việc "truyền bá" chiến lược phần mềm, sau này khi về hưu đã ngậm ngùi thừa nhận: "Mình tin cấp dưới, họ đệ trình và cũng có nhiệt huyết thật nên cũng ủng hộ họ. Nói thiệt hại thì không, tạo thành phong trào thì cũng tốt, chỉ có cái là "nói mà chẳng làm được" nên cũng tâm tư lắm. Suy cho cùng thì không có gì có thể đốt cháy giai đoạn được, nhất là để hình thành một ngành kinh tế mũi nhọn thì cần phải có chiến lược dài hơi".
Cũng vì "dục tốc" ấy mà FPT cũng đành phải đóng cửa hai công ty mà họ mở tại thị trường Ấn Độ và Bắc Mỹ. Xuất quân thất bại, FPT "gạt lệ chém hai tướng" mà họ phong khi xuất quân là Trần Văn Hùng và Khúc Trung Kiên (hai người này sau chuyến chinh Tây và chinh Ấn thất bại đó đã ngậm ngùi chia tay FPT để lập công ty phần mềm riêng và nghe đâu là đều rất thành công ở quy mô vừa sức họ). Rất nhiều người đã cho rằng, vì hai "tướng" đó kém tài mà chiến lược tấn công sang 2 thị trường béo bở kia của FPT không thành công, nhưng sự thực là họ đã rất thành công ở thời điểm ấy.
Theo như số liệu được chính FPT cung cấp thì vào thời đó, Trần Văn Hùng với văn phòng đại diện ở Mỹ, trong hơn 1 năm đã ký được hơn 30 hợp đồng với trị giá 1 triệu đô la. Con số đó, với các doanh nghiệp là niềm mơ ước, nhưng với FPT là quá nhỏ, họ muốn vươn tới thật nhanh đến dãy 8 con số. Thật buồn là, dù rất nỗ lực, 5 năm tiếp theo họ cũng chưa vượt ngưỡng chục triệu đô la.
Thêm nữa, do lực lượng mỏng nên thời điểm ấy, FPT đã chiêu nạp các sinh viên không chuyên ngành CNTT (ngoại thương, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ) với hy vọng lấy kiến thức tiếng Anh và kinh doanh làm nền tảng, sau đó "bổ túc" kiến thức về phần mềm, tin học. Nhưng nguồn nhân lực chắp vá này đã không đem lại kết quả mong muốn, liên tục những dự án không hoàn thành khiến FPT phải đổi hướng sang chiều sâu.
Trả giá cho giai đoạn ấy, với FPT những năm 1999-2000, họ đã khốn đốn lao đao phải ra chính sách cắt giảm tới 20% chi phí, lấy kinh doanh phần cứng (máy tính, điện thoại) và kinh doanh dịch vụ (Internet) để bù lỗ. Còn với các doanh nghiệp nhỏ trót tin vào sự mở đường của FPT thì không có gì để "bù", họ nhanh chóng tụt lại. Kết cục, trong cơn sốt xuất khẩu phần mềm ấy, đã không ít các doanh nghiệp bị "phá sản" mà đến nay không thể hồi phục lại.
Nhưng cũng có các doanh nghiệp sớm tỉnh ngộ, kịp dừng lại đi theo cách "đánh lẻ" và "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" (nghĩa là tập trung vào lĩnh vực sản phẩm nhất định) thì nay cũng khá vung vinh như CMC, Hài Hoà… Cũng có một may mắn là, không "cả tin" như các doanh nghiệp miền Bắc, các doanh nghiệp miền Nam đã gần như không hưởng ứng trào lưu phần mềm và phần mềm xuất khẩu đó của FPT, họ cứ hô theo, nhưng vẫn cứ theo chiến lược "thị trường nhỏ" của mình, dần dần mở rộng kinh doanh theo năng lực. Và hai lực lượng này đã "âm thầm" đóng góp, tạo dựng nên một thị trường phần mềm Việt Nam đa dạng, phát triển chậm mà chắc và bao quát hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như đóng góp nguồn ngân sách đáng kể cho Nhà nước.
Ngư ông?
Nhưng không phải gióng trống khua chiêng không có lợi, FPT đã đóng được cái đinh trong ý nghĩ của nhiều người rằng họ là đầu tàu, là doanh nghiệp phần mềm mạnh nhất. Cứ nhắc đến phần mềm là người ta nghĩ đến FPT, điều đó cũng đúng thôi, bởi phải thừa nhận rằng, họ đã kiên trì theo đuổi con đường này một cách rất bài bản, rất khéo léo. Chính tại cái giai đoạn bị "đốt cháy" bởi sự hô hào ấy thì bên trong FPT âm thầm vận hành chiến lược dài hơi. Khi mà thương hiệu FPT - doanh nghiệp phần mềm hàng đầu có tới hàng loạt văn phòng ở nước ngoài, có nhiều hợp đồng lớn với các đối tác tên tuổi quốc tế được "mếch" lên thì những hợp đồng béo bở nhất của thị trường Việt Nam lần lượt rơi vào tay FPT hầu như không vấp phải sự cạnh tranh nào. Có thể nói, FPT đã đánh tiếng một chuyến đi xa để tiếp cận ngay thị trường gần của nội địa.
Cùng trong lúc ấy, Nguyễn Thành Nam - một tiến sĩ có tài và có tâm huyết với phần mềm đã gây dựng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống ISO và quy trình chất lượng sản xuất phần mềm theo chuẩn quốc tế để làm bằng đỏ tiến vào thị trường lớn. Thêm vào đó, Trung tâm Đào tạo lập trình viên Aptech do FPT mở cho "chiến lược xuất khẩu phần mềm" đã vận hành khá hiệu quả cho dù chiến lược xuất khẩu phần mềm ấy chưa đi đến đâu. Họ đã có được chuỗi hệ thống đào tạo khá quy mô, một chiến lược dài hơi "cung cấp nguồn nhân lực" cho chính mình. Bởi câu trả lời của thị trường là nếu những học viên đấy không làm cho FPT thì cũng khó dùng kiến thức đó cho đâu? Hầu hết, các công ty khác, kể cả là những công ty phần mềm nếu có tuyển dụng sinh viên Aptech thì vẫn phải đào tạo lại. Đơn giản, phần mềm là may đo chứ không phải may công nghiệp và kiến thức ở Aptech cũng chỉ là những nền tảng bước đầu. Tuy nhiên, mô hình đào tạo này lại đem lại một lợi nhuận "sang trọng" và ổn định cho FPT để lấy ngắn nuôi dài.
Song song đó, với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), người đứng đầu FPT - Tổng Giám đốc Trương Gia Bình đã không hề mệt mỏi marketing cho phần mềm Việt Nam mà trong đó FPT là nòng cốt sang thị trường Nhật Bản. Thương hiệu FPT - doanh nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam trong một thị trường Việt Nam đang được đánh giá là có tiềm năng về gia công phần mềm được tạo dựng. Dễ hiểu là vì sao, trong gần 100 thành viên của VINASA thì những hợp đồng "ngon ăn" nhất của những doanh nghiệp Nhật Bản danh tiếng nhất, lại chỉ chọn FPT.
Thị trường Nhật Bản - miền đất hứa cho ai?
Chiến lược "Đông du" với cái đích là thị trường Nhật Bản đã không ngừng được VINASA ủng hộ nhưng rốt cục thì chỉ có FPT là chọn con đường gia công phần mềm (Outsourcing) với tham vọng doanh thu thị trường này năm nay chiếm khoảng 60-70% tổng doanh thu gia công phần mềm của công ty này. Cũng chỉ có họ là đã tăng trưởng được doanh thu tại thị trường Nhật lên 6 lần so với năm trước đó, tập trung vào các khách hàng lớn như Hitachi group, TIS, Sanyo Electric, IBM Japan, NTT group, Nissen, TGI...
Và vào tháng 11 này, FPT đã lại một lần nữa "xuất quân" sang xứ Hoa anh đào với việc thành lập Công ty TNHH FPT Software Japan (do Công ty cổ phần Phần mềm FPT - công ty con của FPT - sở hữu 100% vốn, có tư cách pháp nhân Nhật Bản) tại Nhật Bản. Chính mô hình thất bại ở thị trường Mỹ năm xưa được áp dụng tại đây, cắm một đội ngũ thiện chiến tại xứ người để tiến hành các hoạt động ủy thác, phát triển, vận hành và bảo trì hệ thống xử lý thông tin; gia công và phân phối phần mềm đóng gói, phần mềm ứng dụng; chuyển giao và phối hợp tổ chức đào tạo kỹ sư…
Nhưng khác với hai chuyến ra đi trống rong cờ mở sang Ấn Độ và Bắc Mỹ những năm trước, lần này họ lặng lẽ hơn, bởi cái mà họ cần vào thời điểm 7 năm trước là danh tiếng thì đã có rồi. Giờ đây, họ cần đến một chính sách mở cho các doanh nghiệp phần mềm vào thị trường Nhật Bản!
Với sự kiện này, nên chăng là mừng cho FPT đã đi đúng hướng và đã đến ngày cam lai? Rõ ràng, nếu một mình FPT làm được điều mà hàng trăm doanh nghiệp khác không làm được là lấy về doanh thu vài trăm triệu đến hàng tỷ đô la từ phần mềm thì là điều nên cổ vũ cho doanh nghiệp có tới 80% cổ phần tư nhân này! Nhưng dù là vậy, thì cũng nên nhắc lại những câu chuyện thất bại cũ để mà thấy rằng, không phải FPT làm được thì các doanh nghiệp khác cũng làm được. Cách nương theo kẻ lớn để ăn lộc rơi lộc vãi không thể áp dụng cho các doanh nghiệp phần mềm.
Con đường Outsourcing không phải để dành cho tất cả các doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp có quy mô vừa phải. Một sự chọn lựa hợp tác liên doanh, liên kết hoặc mô hình mà rất nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi là hướng đến các sản phẩm trọn gói cả phần cứng và phần mềm sẽ phù hợp hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn cho các công ty có tiềm lực trung bình. Cũng phải nhìn rộng hơn ra các thị trường khác bởi Nhật Bản không phải là lối đi duy nhất của phần mềm. Bởi vậy, về chính sách chiến lược tầm vĩ mô, cũng cần phải nhìn nhận rằng, mọi ưu đãi có lợi cho kẻ mạnh chưa hẳn là có lợi cho tất cả, cơ hội thì có ở mọi thị trường nếu biết khai thác và một doanh nghiệp không thể làm nên một ngành công nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang trên đường hội nhập và bài toán mà chúng ta đang gỡ là phá vỡ sự độc quyền và tính bá chủ của một số doanh nghiệp mạnh để hội nhập bền vững!
(Source: Hàn Phi, CAND)