Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Nguyễn Văn Lý (1795-1866)

Nguyễn Văn Lý (1795-1866)

Thứ Hai 5, Tháng Ba 2007, bởi CTV

Nguyễn Văn Lý, tự Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, Chí Am, Chí Hiên, biệt hiệu Đông Khê, sinh năm 1795 tại làng Đông Tác (tức Trung Tự, nay thuộc phường Kim Liên, Hà Nội). Năm 1825 đỗ cử nhân. Khoa Nhâm Thìn 1832 đỗ tiến sĩ. "Ông Nghè Lý" là một nhà văn hóa và giáo dục nổi tiếng của Hà Nội giữa thế kỷ XIX.

Thời đó, vua Minh Mạng xây dựng được bộ máy trung ương tập quyền mạnh và tiến hành cải cách hành chính trên đất nước đã thống nhất. Tuy vậy, chế độ cai trị quá khắc nghiệt, quan lại nhiều kẻ lộng hành, sâu mọt làm đời sống nhân dân rất khổ cực… Triều đình coi trọng việc giáo dục, sớm đưa thi cử vào nền nếp và khuyến khích việc trước tác văn hóa nhưng lại quá sùng bái rập khuôn nhà Thanh Trung Quốc và có thêm những hành động khác mất lòng dân như xây lại thành Thăng Long thấp hơn thành Huế, sửa lại chính sách trước kia ưu đãi cựu thần nhà Lê, xử tội nhiều công thần đời Gia Long…

Những người có lương tri, nhất là những sĩ phu hiểu rõ và tự hào về lịch sử dân tộc, về cố đô Thăng Long vốn nhiều đời là trung tâm tỏa sáng của nước Đại Việt, không khỏi không nghĩ nhiều trước tình hình đó. Nguyễn Văn Lý cùng Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Lê Duy Trung, Phạm Sĩ Ái… đã gặp nhau trong những nghĩ suy về thời cuộc và mau chóng trở thành những bạn chí thiết cùng chí hướng là giúp dân và phấn đấu gìn giữ truyền thống văn hóa của Thăng Long. Có được mấy tháng vinh quy, ông đã tranh thủ cùng bạn bè hoàn thành việc lập Văn Hội Thọ Xương nhằm tập hợp đông đảo trí thức của gần hết vùng nội thành để thực hiện điều nói trên (và theo nhà sử học Vũ Thế Khôi, ông là người hoạt động tích cực nhất).

Năm 1833, ông được bổ nhiệm Tri phủ Thuận An (nay là vùng Gia Lâm và Thuận Thành, Bắc Ninh). Lúc này, ông Nghè Vũ Tông Phan đang làm Đốc học ở Bắc Ninh, sau đó cáo bệnh về rồi mở trường Hồ Đình ở ven Hồ Gươm. Nguyễn Văn Siêu mở trường Phương Đình. Cáo Bá Quát, Lê Duy Trung, Trần Văn Vi… cũng dạy học. Phải chăng (như sự nghiên cứu của Vũ Thế Khôi) các ông đã coi giảng dạy là một việc có tác động vừa sâu vừa rộng tới các sĩ tử và nhân dân để thực hiện chí hướng chấn hưng văn hoá của mình.

Triều đình Huế lo sĩ phu Bắc Hà ở gần nhau dễ có dịp tụ hội nên đã sớm giao cho họ các chức vụ không trọng yếu ở các nơi và luôn thuyên chuyển làm cho không yên để mưu tính việc bất lợi. Nguyễn Văn Lý cũng nằm trong vòng xoáy đó. Tám tháng sau, ông được triệu về kinh làm Viên Ngoại lang, rồi Lang trung Bộ lại. Mùa hè năm 1838, nhân bị ốm, ông xin nghỉ giả hạn ở quê.

Với tính năng động và quan hệ bạn bè như trên, có học giả suy đoán là trong 2 năm đó, ông đã hoạt động nhiều, gồm cả việc xây dựng Hội hướng thiện ở Hà Nội, tuy nhiên khi sắp chính thức thành lập, ông đã phải trở lại Huế. Dưới sự lãnh đạo của Vũ Tông Phan, sau này của Nguyễn Văn Siêu, Hội đã có tác động rộng hơn trong việc khuyến khích giữ vững truyền thống văn hóa dân tộc. Đặc biệt là Hội đã tổ chức tôn tạo vùng phía Bắc của Hồ Gươm thành quần thể kiến trúc đền Ngọc Sơn - một di tích lịch sử - văn hóa tuyệt đẹp, đầy ý nghĩa giữa Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đầu năm 1841, ông làm Án sát tỉnh Phú Yên. Ba năm sau, trong một việc thiện chu cấp cho dân ngộ nạn (nhưng bị một số ăn cắp), có người lập mưu vu cho ông nhận hối lộ. May mắn được học sĩ Vũ Phạm Khải xét, thấy không có việc nhận hối lộ, tuy vậy ông vẫn bị cách chức lưu lại làm các việc phụ dịch.

Sau 2 năm, ông được khởi phục làm Hàn lâm Viện Điển bạ. Điều quý giá hơn nhiều là ông đã hoàn tất một việc lớn: hiệu đính, bổ sung và năm 1845 đề tựa cho bộ sách có giá trị là Bắc Thành chí lược do Lê Chất khởi xướng. Nếu ta biết Lê Chất đã cùng lúc với Lê Văn Duyệt bị kết tội rất nặng năm 1835, mộ bị san phẳng và 10 năm sau vẫn chưa được giảm tội thì có thể đánh giá nhân cách cũng như tâm huyết với nền văn hóa dân tộc của ông Nghè Đông Tác Nguyễn Văn Lý.

Năm 54 tuổi (1848), ông cáo bệnh nghỉ giả hạn, mở trường dạy học. Sách Danh nhân Hà Nội viết Nguyễn Văn Lý là một trong những “ông thầy nổi tiếng thời đó ở Hà Nội”. Năm ông 62 tuổi, Triều đình cử làm Giáo thụ Phủ Thường Tín rồi Đốc học tỉnh Hưng Yên. Có thể coi những năm chuyên công tác giáo dục, ông gặp được thuận lợi hơn.

Năm 70 tuổi, trước khi về nghỉ 1 năm, ông còn hăng hái nghiên cứu cả về kinh tế và quốc phòng. Sách Đại Nam thực lục (đệ tứ kỷ, tập 30) chép việc ông xin đặt viên điền sứ để khai khẩn 3 vạn mẫu đất mới bồi ở Nam Định và đặt 3 đồn binh để ngăn giặc cướp từ biển vào tỉnh Hải Dương – nhà vua giao cho Bộ hộ và quân thứ xem xét thi hành (Đại Nam Thực Lục – NXB Khoa học, Hà Nội, trang 103). Đó chính là tính chí công, hăng hái làm mọi việc nếu thấy có ích cho nước, cho dân mà ông cùng các sĩ phu tiến bộ đã thể hiện từ lâu.

Ngoài ra, ông còn có một nét tư tưởng khá tân tiến ngay từ đầu những năm 1830. Ta hãy đọc bài Qua vùng lăng miếu nhà Lê ở Bố Vệ Thanh Hóa:

Thiên đạo hữu hưng hoàn hữu phế
Cổ lai năng cửu bất năng cường
Lam Sơn giai khí quy thiên cổ
Điểu thử vô tình ngữ tịch dương

Dịch nghĩa:

Lẽ trời có hưng tất có phế
Xưa nay có thể dài lâu, không thể mạnh mãi
Khí thế Lam Sơn đẹp tốt ngày nào đã quy về thiên cổ
Chim chóc vô tình hót chào ánh tịch dương

Khi mà nhiều người còn vương vấn với tư tưởng hoài Lê, ông đã nghĩ không nên hoài cổ nữa, vì như vậy là không hợp quy luật, phải luôn tiến tới.

Những điều kể trên mới nói lên một phần cái chí sâu xa của ông mà điều kiện chính trị xã hội đương thời đã cản trở thực hiện – cái chí cao cả mà từ lâu Cao Bá Quát đã hết lời ngợi ca, ví ông như chim hồng hộc, vượt hẳn lên lũ hoàng điểu tầm thường.

Ông Nghè Lý còn có nhiều cống hiến đáng trân trọng khác cho văn hóa dân tộc. Nói về các trước tác thơ văn của ông, thi sĩ hoàng thân nổi tiếng Tùng Thiện Vương ca ngợi: “Đãi cát mới thấy vàng, đẽo đá mới được ngọc, đó là con người đã suy xét đến cùng cực nên thơ văn mới hay đẹp như thế”. Ông kiên trì hơn 20 năm để sưu tầm và biên soạn bộ Thế Phả, viết Tự gia yếu ngữ, Đông Tác Nguyễn thị Gia huấn dạy con cháu. Ngoài ra, ông đã dành dụm tiền dựng bia, xây mộ tổ và người thân, xây nhà thờ họ. Với làng xã, ông giúp củng cố Văn hội, Văn chỉ, khuyến khích việc học và tìm cách giúp đỡ dân nghèo.

Từ toàn bộ cuộc đời ông dù gặp nhiều trắc trở mà ở đây mới kể một phần, vẫn hiện lên sáng rõ hình ảnh đẹp đẽ về một nhân cách và sự nghiệp đáng trân trọng, ông xứng đáng là một nhà văn hóa lớn của Hà Nội trong những thập kỷ đầu thế kỷ XIX.

N.H.T


Một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Văn Lý:

春 山

青 郊 幾 處 靜 明 暉

淺 黛 深 煙 在 翠 微

何 事 巖 巖 干 氣 象

春 粧 還 有 更 依 稀

Xuân sơn

Thanh giao kỷ xứ tĩnh minh huy
Thiển đại thâm yên tại thúy vi
Hà sự nham nham can khí tượng
Xuân trang hoàn hữu cánh y hy


Xem online : Người thầy tài đức