Ăn nấm có thể phòng bệnh ung thư
Các nhà khoa học thuộc hiệp hội chống ung thư Mỹ đã nghiên cứu và chỉ ra rằng: Sử dụng nấm thường xuyên trong các bữa ăn hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư một cách hiệu quả, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến...
Dược tính của nấm ăn
Có rất nhiều các loại nấm được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày như: nấm rơm, nấm hương, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm mèo, nấm kim châm…
Sau khi phân tích, các nhà khoa học đã đưa kết luận: Các thành phần dinh dưỡng tự nhiên có trong các loại nấm ăn không những giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống lão hoá mà chúng còn giống với thành phần của các chất chống ung thư.
Ăn nấm thường xuyên giúp kích thích cơ thể sản sinh hoạt chất inteferon, giúp ức chế được quá trình sinh trưởng và chuyển lưu của các loại vi rút, ngăn ngừa quá trình hình thành và phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể.
Các polysaccharide trong nấm có khả năng hoạt hoá miễn dịch tế bào, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của tế bào lympho, kích hoạt tế bào lympho T và lympho B. Tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các bệnh ung thư.
Phụ nữ thường xuyên ăn nấm giúp lưu thông khí huyết, thải độc tố ra ngoài cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Axít linoleic có trong nấm có tác dụng tốt trong việc điều hoà khả năng hoạt động của các tế bào sinh dục nam, ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
(Theo Dân Trí)
Các loại nấm phổ biến
Một điều vô cùng quan trọng là cần phân biệt được nấm ăn với các loại nấm độc để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nấm hương: Hình như chiếc ô, màu nâu sậm, có thể dùng dưới dạng tươi hoặc dạng khô. Loại này được mệnh danh là vua các loài nấm vì mùi thơm đặc biệt hấp dẫn sau khi chế biến. Đồng thời, nó còn chứa nhiều đạm, vitamin C, B, tiền Vitamin D, can-xi, nhôm, sắt, ma-giê... Nấm có tác dụng điều hoà khí huyết, tăng cường hệ miễn dịch, trợ giúp tiêu hoá.
Nấm rơm: Dạng tròn dài, gồm hai màu: trắng hoặc trắng xám. Cánh nấm mỏng, xốp, giòn, có nhiều lớp. Có thể kết hợp xào, nấu nấm rơm với thịt để thay rau. Loại nấm này rất tốt cho người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư hoặc cách bệnh về tim mạch.
Nấm mèo (mộc nhĩ đen): Trông giống tai người, màu nâu sẫm hoặc đen, chứa nhiều protid, khoáng chất. Nó rất tốt với người cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não.
Nấm sò (nấm bào ngư): Mũ màu xám, sẫm nâu hoặc nâu nhạt. Thịt nấm dày, màu trắng. Thực phẩm này thích hợp với người bị rối loạn tiêu hoá, giúp phục hồi chức năng gan.
Nấm kim châm: Màu trắng, thân dài khoảng 20cm, mũ nhỏ. Nấm kim châm chứa nhiều vitamin, axít amin. Đặc biệt, chất lysine giúp cải thiện chiều cao, trí tuệ của trẻ em.
Nấm mỡ: Mũ tròn, chân ngắn, màu trắng. Nấm có tác dụng làm giảm lượng đường, cholesterol trong máu và phòng chống ung thư.
Cách chọn mua nấm ăn
Nấm tươi: bạn mua loại có màu sắc tươi mới, mùi thơm hấp dẫn. Tránh chọn nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa là dấu hiệu của nấm độc.
Nấm khô: Chọn loại chắc, không đứt gãy, không có vết mốc màu trắng. Nên mua ở những cơ sở có uy tín và địa chỉ rõ ràng.
Bảo quản và sử dụng nấm
Nấm tươi: Nên dùng trong mười hai giờ sau khi thu hái. Muốn giữ nấm lâu, sau khi mua về, bạn nhặt sạch rác, cắt bỏ phần gốc dính đất, rơm rạ. Sau đó, bạn chần chúng trong nước sôi khoảng một hai phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Bạn cho nấm vào chậu, đổ nước vừa ngập rồi đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp giữ thực phẩm tươi khoảng ba bốn ngày.
Nấm khô: Nên để ở nơi thoáng mát, không cho vào túi nylon, buộc kín. Khi sử dụng, bạn ngâm chúng trong nước ấm mười phút để cánh nở hết rồi rửa sạch đất cát còn bám lại, cắt bỏ chân.
(Theo Netlife)