Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Người Việt tiền sử có tục kè đá quanh mộ
Người Việt tiền sử có tục kè đá quanh mộ
Thứ Tư 24, Tháng Chín 2008, bởi
TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học, cho biết: trong đợt khai quật lần đầu tiên tại di tích hang Phia Mùn, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Nà Hang (Tuyên Quang), từ cuối tháng 8-2008 đến nay, đoàn đã phát hiện cách táng tục mộ kè đá trong hang động.
Đây là một hiện tượng hiếm gặp trong các di tích thời tiền sử ở nước ta, là những cứ liệu khoa học quan trọng giúp cho việc tìm hiểu nhiều mặt về đời sống vật chất và tinh thần của người xưa.
Trong số hơn 10 di tích mộ táng cổ thuộc thời đại đồ đá được tìm thấy, có 4 mộ còn di cốt, số còn lại xương cốt đã bị phân hủy, chỉ còn đồ tùy táng là những công cụ bằng đá và những tảng đá lớn dùng để phủ mộ. Qua nghiên cứu ban đầu cho thấy, có ít nhất 2 cách táng tục mộ.
Một loại người chết được chôn nằm co, bó gối, đồ tùy táng là công cụ ghè đẽo và mảnh tước, phần bên trên mộ có phủ nhiều tảng đá lớn để đánh dấu. Một loại người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, hai tay buông xuôi, đồ tùy táng là một vài chiếc rìu đá được mài nhẵn và đồ gốm vặn thừng.
Đặc biệt, người tiền sử đã kè đá xung quanh di cốt người chết, tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục.
Phia Mùn là một di tích cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần 1.000 di vật gồm bộ công cụ chặt hình rìu, hình bầu dục được chế tác từ đá cuội sông, suối với kỹ thuật ghè đẽo khá thuần thục, đồ gốm, than tro, vỏ ốc núi, xương răng động vật...
Tầng văn hoá di chỉ khá đồng nhất dày từ 50 cm đến 60 cm, gồm hai lớp sớm, muộn nằm chồng trực tiếp lên nhau, không có lớp giãn cách. Lớp văn hoá sớm thuộc văn hoá Hoà Bình muộn, có niên đại cách đây khoảng từ 6.000 đến 7.000 năm. Lớp văn hoá muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới có niên đại cách đây gần 4.000 năm.
(Theo TTXVN)
Phát hiện di tích khảo cổ hang Phia Mùn
(TQĐT) - Đầu năm 2007, Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang tiến hành cuộc điều tra, thám sát khảo cổ học tại xã Sơn Phú (Nà Hang). Tại đây, đoàn đã phát hiện di tích khảo cổ hang Phia Mùn.
Di tích Phia Mùn là một hệ thống mái đá vôi karts chạy dài khoảng 40 m dưới chân núi Phia Mùn, trong một thung lũng nhỏ thuộc địa phận bản Nà Lạ, xã Sơn Phú. Theo tên gọi của đồng bào Tày nơi đây thì Phia Mùn có nghĩa là ngọn núi tròn. Cửa hang hướng về phía đông nam, cao hơn mực nước dưới chân núi chừng 10 đến 12 m.
Bề mặt của hang Phia Mùn khá bằng phẳng, mái đá cao, thoáng và rộng, độ ẩm không lớn và luôn khô ráo. Trên bề mặt hang, nhân dân địa phương đã phát hiện được một số công cụ lao động bằng đá như rìu bôn đá có nấc có vai; vỏ các loài nhuyễn thể như ốc núi. Căn cứ vào những hiện vật mà nhân dân phát hiện được trên bề mặt của hang, đoàn thám sát khảo cổ học đã tiến hành đào hố thám sát tại vách phía đông của mái đá có tổng diện tích là 3 m2. Kết cấu địa tầng của hố thám sát khá thống nhất. Bề mặt là lớp sét vôi màu xám khá rắn chắc, do môi trường canxi cácbonnát (CaCO3) kết hợp với nước mưa nên lớp đất này đã bị phong hoá mạnh, tầng lớp sét vôi này dày khoảng từ 7 đến 10 cm.
Dưới địa tầng sét vôi là tầng văn hoá có cấu tạo bởi lớp đất màu nâu sẫm kết lẫn đá dăm, đá bị phong hoá mềm. Lớp này, dày khoảng từ 15 – 20 cm. Tại đây, đã phát hiện được hàng chục tiêu bản của các loài nhuyễn thể như ốc núi, ốc suối; xương răng động vật bán hoá thạch của các loài như linh trưởng, càng cua, hạt thảo quả, họ càphê, họ trám... cùng một số hiện vật thuộc loại hình công cụ lao động bằng đá như rìu bôn có nấc có vai, rìu mài tứ giác, mảnh tước... được chế bằng các loại đá quarts.
Đặc biệt ở tầng này, đã phát hiện được một mũi dao bằng chất liệu đá quarts được chế tác với kỹ nghệ ghè mái khá tinh sảo. Điều đó, cho thấy kỹ thuật chế tác công cụ lao động của người dân thời đó đã đạt đến trình độ rất cao của nghệ thuật chế tác công cụ đá.
Ở lớp thứ 3 trong khu vực hố thám sát có độ sâu từ 30 – 40 cm, đã phát lộ dấu tích than tro dày khoảng 20 cm, xung quanh là lớp đất màu nâu đỏ khá rắn do bị tác động của nhiệt. Rất có thể, đây là nơi người nguyên thủy đã dùng để đốt lửa và nướng chín thức ăn. Ngoài ra, còn phát hiện được khá nhiều mảnh gốm thô có hoa văn khắc vạch, văn chải, văn vặn thừng... có niên đại vào khoảng hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí (cách ngày nay gần 7.000 năm).
Đặc biệt ở độ sâu khoảng 60 cm, ở vách phía đông của hố thám sát, đã phát lộ một phần của bộ di cốt người tiền sử dưới dạng bán hoá thạch (gồm xương đòn chân và xương ngón chân, xung quanh được kè chặn bằng loại đá phiến sét). Gần khu vực này, còn phát hiện được một số viên thổ hoàng. Nhưng do tính chất quan trọng của di chỉ hang Phia Mùn, đoàn khảo cổ đã quyết định không cho triển khai mở rộng phạm vi thám sát nữa để bảo quản nguyên trạng cho di cốt và di chỉ đợi hoàn tất thủ tục pháp lý để tiến hành khai quật với quy mô lớn.
Có thể nói, cuộc điều tra thám sát khảo cổ học tại di chỉ hang Phia Mùn với diện tích không lớn nhưng mật độ phân bố hiện vật rất dày với tổng số 395 hiện vật/3m2 với nhiều loại hình hiện vật, có ý nghĩa và giá trị khoa học to lớn. Lần đầu tiên trên vùng đất Tuyên Quang phát hiện được di tích thuộc giai đoạn hậu kỳ thời đại đá mới văn hoá Hoà Bình có niên đại cách ngày nay từ 5.000 – 7.000 năm. Điều đó đã khẳng định sự phát triển liên tục và mang tính liền mạch của người tiền sử trên vùng đất cổ Tuyên Quang. Đây là giai đoạn phát triển sau của di chỉ hang Phia Vài, xã Xuân Tân (Nà Hang).
Nguyễn Hữu Thọ
(Bảo tàng Tuyên Quang)