Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Khoa học > Vật lý > Tranh cãi về triển vọng của Máy Gia tốc Hạt Hadron

"Quarrel" on LHC’s Return

Tranh cãi về triển vọng của Máy Gia tốc Hạt Hadron

Thứ Ba 23, Tháng Chín 2008

(Báo The Times (Anh Quốc) số ra ngày 11-9 có đăng bài “Peter Higgs tung ra cuộc tấn công đối thủ tranh giải Nobel Stephen Hawking”. Một số báo và mạng trên thế giới cũng đưa tin về chuyện này)

Stephen Hawking

Stephen Hawking (ảnh bên trái)

Nội dung tóm tắt như sau:

Mới đây giáo sư Peter Higgs (ảnh bên trái) đã lên tiếng bác bỏ quan điểm của Stephen Hawking về dự án Máy Gia tốc Hạt Hadron (LHC, Large Hadron Collider) vừa khánh thành hôm 10-9, và nói không một nhà vật lý nào cho rằng quan điểm của Hawking là đúng. Higgs cũng chê trách lý thuyết của Stephen Hawking “chưa đủ tốt”.

Higgs là tác giả của một lý thuyết mới về vật lý hạt nhân đưa ra năm 1964, sau đó tên ông được đặt cho hạt Higgs boson, còn gọi là “Hạt của Thượng Đế” (God particle) – một loại hạt cơ bản rất khó xác định nhưng người ta có thể dùng nó để giải thích lý do vì sao các hạt khác lại có khối lượng. Thí nghiệm đầu tiên đang tiến hành trên Máy Gia tốc Hạt Hadron nhằm mục tiêu xác nhận sự tồn tại của Higgs boson.

Hawking đã phản bác lại ý kiến trên. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói đùa: nếu thí nghiệm tiến hành trên LHC không khám phá ra “Hạt của Thượng Đế” thì điều ấy “càng làm mọi người phấn khởi” . Trong khi các nhà khoa học đang tràn trề hy vọng vào thí nghiệm đó thì câu nói này của Hawking đã giội nước lạnh lên đầu họ. Thậm chí ông còn xin cá 100 đô-la để xác nhận “Hạt của Thượng Đế” không tồn tại !

Đáp lại, hôm 10-9, Higgs nói tại cuộc họp báo ở Đại học Edinburgh như sau: “Cần thừa nhận là tôi chưa từng đọc bài viết về quan điểm nói trên của ông Hawking, nhưng tôi đã đọc một bài viết khác của ông. Tôi đoán bài này là cơ sở để Hawking đưa ra quan điểm đó. Nói thẳng ra, tôi cho rằng phương pháp của ông chưa tốt. Theo tôi hiểu, ông đã lẫn lộn lý thuyết vật lý hạt nhân với lực hấp dẫn (gravity) ... theo phương thức mà không một nhà vật lý hạt nhân nào tin là đúng”. “Theo thuyết lượng tử của vật lý hạt nhân, chỉ xem xét lực hấp dẫn là chưa đủ mà phải xem xét nhiều mặt thì mới đưa ra được một lý thuyết đáng tin cậy. Tôi nghĩ ông Stephen chưa làm như thế. Tôi rất nghi ngờ ý tưởng của ông.”

Các thành viên khác của nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng cắt lời Higgs, họ nói ông hiểu quan điểm của GS Hawking theo kiểu cắt xén.

Cả Hawking lẫn Higgs đều được đề cử nhận giải Nobel vật lý năm nay.

Tuy đã nghỉ hưu 20 năm nhưng Higgs vô cùng quan tâm tới thí nghiệm đang tiến hành tại LHC. Ông nói, nếu thí nghiệm này chứng minh “Hạt của Thượng Đế” không tồn tại thì ông sẽ rất buồn và cảm thấy bất ngờ, “Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn (là nó có tồn tại)”. Vì việc tăng tốc hạt lên tới tốc độ ánh sáng cần có thời gian nên có lẽ Higgs phải đợi khoảng 3 năm mới biết được lý thuyết của ông có đúng hay không.

Người đứng đầu dự án LHC, ông Lyn Evans gọi LHC là một cái máy của sự khám phá. Ông cho biết các nhà vật lý học tin rằng họ sẽ tìm ra hạt Higgs Boson. Và ngay cả nếu như không tìm ra được Higgs, thì nỗ lực cũng không phải là vô ích.

Evans nói: “Sự theo đuổi hiểu biết của con người không bao giờ là phí phạm. Có nhiều lý thuyết gia nói rằng điều lý thú nhất là không tìm ra Higgs Boson... Nếu không thấy nó thì ta sẽ phải tìm hiểu tại sao lại không có nó, và cái gì thay thế nó.”

Một phần phòng thí nghiệm LHC (Ảnh: NY Times)

Quá trình ra đời của cỗ máy khổng lồ chưa từng có trong lịch sử nhân loại này quả là gian nan ! Nó được xây dựng trong 20 năm, tốn kém gần 10 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của các nhà vật lý lý thuyết: trước mắt là khám phá ra hạt Higgs nhỏ nhất qua đó tìm hiểu kết cấu bên trong của vật chất, ngoài ra còn để mô phỏng quá trình hình thành vũ trụ, tìm hiểu các Black Body và Black Hole. Chắc chắn nó sẽ góp phần quan trọng giải đáp nhiều bí ẩn loài người còn chưa biết về vũ trụ và vật chất.

Đáng tiếc là chỉ 36 giờ sau khi khởi động hôm 10-9, LHC đã phải tạm ngừng hoạt động do máy biến áp có trục trặc. Thứ Sáu tuần trước (19-9) lại xảy sự cố rò rỉ nhiều khí helium vào đường hầm dài 27km. Chưa biết sau đây sẽ còn những trục trặc nào. Dù sao hàng nghìn nhà khoa học từ khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn quyết tâm tiến trên con đường họ đã vạch ra từ hàng chục năm trước.

Nguyễn Hải Hoành


Xem online : http://www.timesonline.co.uk/tol/ne...