Trang nhà > Giáo dục > Ngoại ngữ > TRƯỜNG TIẾNG ANH ĐIÊN CUỒNG
TRƯỜNG TIẾNG ANH ĐIÊN CUỒNG
Nguyễn Hải Hoành
Thứ Bảy 4, Tháng Mười 2008, bởi
Buổi liên hoan Tết năm ngoái có một tiết mục làm tôi nhớ mãi – đó là ông Lý Dương, hiệu trưởng “Trường tiếng Anh điên cuồng” dẫn một tốp đông đảo học sinh của ông lên sân khấu học tiếng Anh một cách “điên cuồng”.
Học trò của ông có đủ loại người, làm đủ ngành nghề; đặc biệt khiến mọi người quan tâm là một nhóm ông bà già, tinh thần hăng hái học tiếng Anh của họ khiến người xem rất khâm phục. Tôi bỗng nhớ lại thời gian 2 tuần khó quên làm việc tại “Trường tiếng Anh điên cuồng” ấy.
Hồi ấy đang dịp nghỉ rét, tôi là lưu học sinh người Anh học tiếng Trung Quốc ở Bắc Kinh bỗng nhiên được mời đi dạy tiếng Anh tại “Trại tập huấn tiếng Anh điên cuồng” của “Trường tiếng Anh điên cuồng”. Đó là quãng thời gian làm cho tôi mệt đến bã người song lại cảm thấy rất thú vị. Ngày nào cũng vậy, trong giờ lên lớp tôi đều bắt chước kiểu giảng dạy của ông Lý Dương, vừa dùng tay ra hiệu vừa ngoác miệng ra gào lên, phát âm thật to các câu tiếng Anh, cứ như là quát mắng ai đấy. Các học viên cũng tập trung tư tưởng, nghiêm chỉnh há to miệng ra lặp lại từng câu từng chữ tôi đọc làm mẫu cho họ nghe. Họ bắt chước tôi với một tinh thần cực kỳ hăng hái sôi nổi, đúng là như điên. Ngày ngày khi tan học, miệng tôi khô rát. Thế nhưng bù lại, tôi được hưởng nỗi vui mừng chưa từng có trước thành công của mình trong việc dạy tiếng Anh.
Nhiều người hỏi ông Lý Dương : “Tại sao học tiếng Anh lại cứ phải điên cuồng mới được ?” Tôi cũng có thắc mắc như thế khi đến trại tập huấn này. Về sau tôi mới rõ, thật ra dưới cái vỏ điên cuồng ấy là cả một phương pháp học tập được thiết kế riêng cho người TQ – giúp học viên có thể dễ dàng vượt qua cửa ải phát âm tiếng Anh, nhanh chóng giải quyết 3 khó khăn làm họ đau đầu nhất khi học tiếng Anh.
Trong quá trình lên lớp hoặc trò chuyện cùng học viên, tôi phát hiện khó khăn lớn thứ nhất của học viên TQ là họ hay ngượng nghịu, xấu hổ, không thích hoặc không dám chủ động nói tiếng Anh. Tôi suy nghĩ và phân tích về vấn đề này, dần dần hiểu ra, đó là do họ sợ sai, sợ mất thể diện. Nhưng học ngôn ngữ mà không nói thì sao mà học được ? Chức năng chính của ngôn ngữ là để giao tiếp, thế thì bắt buộc phải nói nhiều, luyện phát âm nhiều. Tôi thường bảo họ: “Trong nhiều biện pháp và câu nói kích thích học sinh mạnh dạn nói tiếng Anh, tôi khoái nhất câu Tôi thích mất thể diện (I enjoy losing face). Học tập là một quá trình thử mắc sai lầm.” Tôi khuyến khích họ cố gắng khắc phục tâm lý xấu hổ vì sợ mắc sai lầm khi nói tiếng Anh. Mạnh dạn nói, có nói ra thì mới biết đúng hay sai và sai ở đâu. Sai rồi thì có thể uốn nắn lại cho đúng, có thế thì mới thực sự học được.
Các học viên rất nghe lời tôi, đều làm theo cách tôi hướng dẫn. Khi lớp tập huấn tiếng Anh bế mạc, hầu hết họ trở nên tự tin, có tính hướng ngoại, không còn sợ nói trước đám đông, thậm chí họ còn chủ động ca hát, nhảy múa, biểu diễn tiểu phẩm. Tất cả các tiến bộ ấy chứng tỏ là trong trạng thái thoải mái, tuỳ tiện, việc học tập trở nên có kết quả hơn.
Khó khăn lớn thứ hai của học viên TQ là khi phát âm tiếng Anh họ thường nói không rõ, do đó làm người nghe khó hiểu họ định nói gì. Để giải quyết khó khăn ấy, “tiếng Anh điên cuồng” phát minh ra một bộ động tác bằng tay để bổ trợ cho việc phát âm các nguyên âm và phụ âm. Tôi yêu cầu học viên phải nắm vững các động tác bằng tay ấy và huấn luyện họ dùng cơ cổ họng để sửa phát âm sai. Phương pháp này rất có kết quả và khiến họ nếm được vị ngọt của sự “điên cuồng” học.
Khó khăn lớn thứ ba của họ là nói tiếng Anh chưa lưu loát. Cho dù họ có thể phát âm tiếng Anh rất chuẩn, rất rõ đi nữa, song vì chưa quen dùng tiếng Anh nên khi nói họ thường ngắc ngứ, nhát gừng. Để giải quyết, tôi dùng biện pháp cho họ luyện đi luyện lại nói tiếng Anh nhiều lần với nhịp điệu nhanh, qua đó giúp họ tăng trí nhớ. Chẳng hạn “biện pháp luyện một hơi”: trong một nhịp hơi, xem ai lặp lại được nhiều nhất một câu tiếng Anh, qua đó nhớ được câu ấy. Cách luyện tập có tính chất thi đấu này kích động được từng tế bào trong mỗi học viên, mọi người tranh nhau nói nhiều nhất. Lớp học khi ấy chẳng khác gì một biển sóng dạt dào, lớp sóng sau cao hơn lớp trước, quang cảnh rất sôi nổi thú vị.
Trong thời gian tập huấn, các học viên mỗi ngày học từ 7 giờ 30 sáng đến 7 giờ 30 tối, rất căng thẳng. Nhưng kiểu huấn luyện “ma quỷ” ấy không làm ai sợ cả. Tôi thật sự kinh ngạc trước nhiệt tình và năng lượng mà họ thể hiện trong việc học tập. Trước đây tôi rất ít thấy những người có ý chí kiên cường như thế. Họ làm cho tôi có cảm giác là người TQ rất chịu khó, nhẫn nại, có nghị lực to lớn trước khó khăn. Họ kiên trì tính lạc quan và cầu tiến cho tới ngày học cuối cùng, qua đấy tôi cũng thu hoạch được lắm điều bổ ích. Tôi có ấn tượng sâu sắc nhất là các học viên đều chăm chỉ, thân thiện và sôi nổi hoạt bát. Khi trò chuyện với tôi, họ tỏ ra rất muốn hiểu biết về văn hoá nước Anh. Họ nêu ra lắm vấn đề rất lạ, chẳng hạn đơn giản như: “Anh có biết dùng đũa ăn cơm không?” hoặc phức tạp như: “Kiến trúc cổ châu Âu khác gì với kiến trúc cổ TQ ?” Qua đó tôi hiểu ra là nền văn hoá của các nước có nhiều điểm khác nhau đồng thời lại có rất nhiều điểm tương đồng.
Hai tuần lễ ngắn ngủi trôi qua, tôi được hưởng niềm vui thú làm giáo viên và cũng hiểu được tính chất vẻ vang và vĩ đại của nghề dạy học, một nghề quang vinh nhất trong các nghề nghiệp, đồng thời cũng có dịp nếm đầy bụng những nỗi gian truân của người thầy giáo.
Nguyễn Hải Hoành (theo báo TQ)