Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Tư duy > Khám phá > Sáng chế giấy sợi

Sáng chế giấy sợi

Thứ Sáu 10, Tháng Mười 2008, bởi Cong_Chi_Nguyen

Giấy sợi đối với ta quá đỗi bình thường, ta vò nó trong tay rồi ném đi không chút thương tiếc. Mấy ai biết sau ba ngàn năm từ khi có những nét hình đầu tiên được viết trong hang đá hay trên đất sét và papyrus... mãi tới cách đây hai ngàn năm mới chế biến được giấy thô sơ và qua biết bao cải tiến, giấy sợi mới trở thành hoàn hảo như hôm nay.

Trang thơ chữ Hy Lạp trên papyrus của Timotheus of Miletus (450 - 360 TCN)

Các khám phá về khảo cổ ở Trung Hoa cộng với phép tính tuổi bằng carbon phóng xạ chứng minh rằng giấy đã hiện diện từ 3 thế kỷ trước công nguyên, nhưng người ta vẫn cho rằng người sáng chế ra giấy sợi là Thái Luân (cũng gọi là Sái Luân; chữ Hán : 蔡 倫; bính âm: Cài Lún; Wade-Giles: Ts’ai Lun; tên chữ: 敬 仲 Kính Trọng), sinh năm 50 và mất năm 121. Năm 55 tuổi, Thái Luân (hình trên) đem mấy mẫu giấy dâng vua Hán Hoà đế, được phong tước và làm quan. Ông bị hoạn vì phải giữ nhiều tài sản và tiền bạc trong hoàng cung. Nhờ chế được giấy, ông trở thành giàu có. 16 năm sau, triều đình âm mưu làm cho ông sa sút và bị vua mới ghét bỏ, phải uống thuốc độc tự tử.

Cách chế tạo giấy Thái Luân

Lấy phần bên trong vỏ thân cây dâu tằm và xơ cây tre đem trộn với nước rồi giã nát bằng cối gỗ, xong thì đổ bột giấy lên tấm vải căng phẳng và trải mỏng để ráo nước. Khi đã khô, tờ giấy cho phép viết lên dễ dàng mà lại hút mực nhanh hơn thẻ tre. Cách chế tạo này đầu tiên được dùng bên Trung quốc rồi phía Đông truyền qua Triều Tiên, phía Tây đến các thành phố Samarkand, Baghdad và Damascus. Sáng chế ra đời rất sớm, nhưng phải hàng ngàn năm sau mới sản xuất được giấy sợi cho khắp châu Âu.


Các nước với sáng chế giấy sợi

Khoảng năm 400 người Ấn Độ đã biết làm giấy sợi. 500 năm sau, dân Abbasid Caliphate ở vùng Cận Đông bắt đầu dùng giấy. Người theo đạo Hồi dùng giấy sợi rất sớm, từ Ấn Độ tới Tây Ban Nha, trong lúc người theo đạo Thiên chúa vẫn còn dùng giấy da.

Người Arập tiếp tục bành trướng ở Bắc Phi và Địa Trung Hải: khoảng năm 650 họ xâm nhập đảo Sicile, rồi tràn qua Maroc, biến nơi đó thành hai trung tâm văn hoá Arập truyền bá truyền thống và tín ngưỡng Hồi giáo. Trong những thế kỷ tiếp theo, lãnh thổ Arập lớn dần, chiếm thêm các vùng ngày nay là Algérie, Tunisie và Lybie cùng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý.

Năm 751, dân Arập sống trong thành phố Samarkand, Kazakhstan - khoảng 800 km từ biên giới Trung quốc - bị quân nhà Đường tấn công. Quân Arập không những đẩy lùi mà còn phản công, bắt được cả lính thợ Trung quốc. Để đổi lấy tự do, họ đã truyền lại nghề làm giấy. Từ đó kỹ thuật này lan truyền nhanh chóng trong dân Arập.

Vào thế kỷ thứ X, người Arập dùng bông vải để chế giấy mỏng rất tốt. Khoảng năm 1100, Ý và Tây Ban Nha đuổi dân Arập đi nhưng ngành sản xuất này được giữ vững. Tại Ý, tài liệu cổ xưa nhất viết trên giấy sợi được dâng lên vua Roger của Sicile có ghi năm 1102. Đầu những năm 1200 Thiên chúa giáo khống chế người Tây Ban Nha theo đạo Hồi, nhờ vậy mà họ học được cách làm giấy sợi. Năm 1250 người Ý bắt đầu học cách này và bán giấy khắp châu Âu. Năm 1338 các giáo sĩ Pháp bắt đầu tự chế giấy sợi và năm 1411 người Đức mới sản xuất được nó.

J.Sofer: 10 điều răn, 1768, giấy da 60x50cm

Từ năm 1450 ngành báo chí và công nghiệp in phát triển nhờ Johannes Gutenberg thì giấy da thú vélin và parchemin bị quên hoàn toàn. Nhờ giá rẻ hơn, giấy sợi đã trở nên cần thiết cho sản xuất lớn và da thú không thể cạnh tranh.

Sáng chế giấy sợi và máy in chữ rời

Trước Thái Luân, hầu hết sách vở Trung quốc đều viết trên thẻ tre nên rất nặng và cồng kềnh. Vài quyển sách được viết trên lụa nhưng quá đắt. Bên phương Tây thì người ta viết trên giấy da cừu hay da bê. Trước đó loại giấy cói (papyrus) được người Hy Lạp, La Mã và Ai Cập ưa chuộng. Tuy nhiên giấy da và giấy cói đều quá đắt. Sách vở hay những tài liệu khác ngày nay được bán rẻ và nhiều cũng là nhờ có giấy sợi. Thực ra, nếu như không có ngành in ấn thì giấy không chắc lên ngôi như ngày hôm nay. Nhưng xét cho cùng ta thấy sáng chế Thái Luân quan trọng hơn bởi vì ngoài việc dùng để viết, giấy sợi còn dùng cho nhiều thứ khác. Ngoài ra nếu chưa có nó, chưa chắc Gutenberg lại có ý nghĩ làm máy in chữ rời. Còn như nếu chỉ một trong hai sáng chế đó xảy ra, thì chắc là người ta sẽ dùng ván khắc gỗ hoặc bảng kim loại (block printing, đã được dùng trước Gutenberg) để in sách trên giấy sợi hơn là dùng các con chữ di động để in trên giấy da.

Sự phát triển văn minh Trung quốc và Tây Âu

Thái Luân và Gutenberg được coi là hai trong mười nhà sáng chế lớn nhất của lịch sử. Để nói lên tầm quan trọng của giấy và ngành in, ta cần nói đến sự phát triển về văn hoá của Trung quốc và các nước phương Tây. Thời Thái Luân (thế kỷ thứ 2) văn minh Trung quốc còn thua các nước phương Tây. Các cuộn papyrus tiện lợi hơn hẳn các thẻ tre hay gỗ. Chính thẻ tre đã gây chướng ngại cho sự phát triển của Trung quốc trước khi có giấy. Thử tưởng tượng một học sinh Trung quốc khi thi phải mang lỉnh kỉnh cả một "núi" sách tre. Và quan lại triều đình muốn hoàn thành công việc hành chính cũng không phải dễ. Bởi vậy mà sau khi sáng chế ra giấy, văn minh Trung quốc tiến bộ nhanh chóng, chỉ trong năm thế kỷ đã vượt qua các nước Tây Âu. Lẽ đương nhiên sự chia rẽ các nước Tây Âu cũng là một lý do làm thua sút Trung quốc. Chính Marco Polo đã xác nhận rằng ngay cả ở thế kỷ thứ 13, Trung quốc phồn thịnh hơn châu Âu nhiều. Nhưng tại sao sau đó lại thua châu Âu? Có nhiều giải nghĩa phức tạp về văn hoá nhưng có lẽ nguyên do dễ hiểu là từ thế kỷ 15, châu Âu nhờ thiên tài Gutenberg đã phát triển kỹ thuật in hàng loạt lớn. Từ đó văn hoá châu Âu phát triển nhanh chóng. Vì Trung quốc không có Gutenberg, vẫn còn dùng lối in bằng ván khắc nên văn hoá Trung quốc phát triển chậm dần.

Tới những năm 1800, giấy thủ công chủ yếu là hỗn hợp của cây sợi (chanvre), bông gòn, cây vải gai (lin) và nhiều loại cây khác. Lúc bấy giờ, Louis Robert, một người làm công cho hãng giấy vùng Essonne, phía nam Paris, đã sáng chế một cỗ máy sản xuất giấy hàng loạt. Nhờ đó giấy trở nên rẻ và giấy dư ra được tích trữ thành cuộn. Với sáng chế này, người ta cần đến bột cây có thớ dài hơn.

50 năm sau, thớ cây được dùng thường xuyên để chế tạo giấy. Ngành in lúc bấy giờ bắt đầu phát triển: sách và các tài liệu quan trọng được sản xuất nhanh chóng. Nhờ phương pháp in ấn hàng loạt này đã dẫn tới nhu cầu lớn về giấy.

ĐT bổ sung từ nguồn Võ Phan Thanh Bình (Vietsciences)


Xem online : Sáng chế máy in chữ rời Gutenberg