Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Tư duy > Đổi mới > Khắc tên 16 nghìn tiến sỹ - xin can, xin can!

Khắc tên 16 nghìn tiến sỹ - xin can, xin can!

Thứ Sáu 17, Tháng Mười 2008

Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt Nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sỹ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian.

Một đêm thức dậy, "đường đời mở rộng"

Người viết bài này có bằng PTS ở Đông Âu, đề tài về tự động hóa văn phòng, dùng máy vi tính thiết kế hệ thống lập lịch tự động. Nếu ai dùng Lotus Notes hay các loại lịch trên internet của Google, Yahoo và so sánh hệ thống tôi xây dựng cách đây 20 năm sẽ nói đó là mớ…giấy lộn.

Luận án được đóng gáy vuông, hơn trăm trang, trông rất được. Về nước nộp cho thư viện quốc gia một cuốn. Nhưng hình như nó đã bị mối xông hoặc bán cho hàng rong gói xôi. Vài năm trước đến xin lại, không thấy nữa.

Thú thật, tôi nhẹ cả người. Nếu ai không may tìm thấy để tham khảo cũng không sợ vì “biết mình là ai?”. Nhưng tôi biết chắc “tôi tên là gì”. Bạn đọc biết tôi sợ nhất cái gì không? Sợ đọc luận án PTS của chính bản thân (!).

Bằng đỏ được gói trong giấy bóng, cất trong két sắt. Thỉnh thoảng lôi ra ngắm hay mang về cho mẹ già ở quê khoe làng xóm. Cậu sinh viên nhà bên cạnh nhìn thấy vài lần, thản nhiên hỏi: “Chú mua hết bao nhiêu?”.

Tôi không mua bằng. Vì mối quan hệ ngoại giao giữa nước ta và bạn nên Hội đồng khoa học hàn lâm “thương” người Việt Nam đánh Mỹ, cần nhiều tiến sỹ về xây dựng đất nước. Tôi biết rõ các viện sỹ bạn đã ưu ái bỏ phiếu “đồng ý”, giúp tôi nên danh giá và họ hàng được tiếng thơm.

Cái bằng PTS “ngoại giao” ấy cũng giúp được nhiều việc. Đến hội nghị được giới thiệu “đây là PTS toán lý X”, rất oách!

Rồi một đêm thức dậy, tôi…thành Tiến sỹ vì quốc gia quyết định “không còn học vị PTS”. Đường đời càng mở rộng.

Nhưng thật không may, cái bằng ấy giúp chút danh tiếng nhưng không có miếng. Trình độ có hạn nên đành đổi nghề, đi dạy học kiếm tiền. Thấy tổ chức nước ngoài thi tuyển, tôi đánh liều gửi đơn. Họ nhận vì may mắn trong CV đã không đề Ph.D. Nếu không bị liệt vào loại “over qualified - trình độ quá cao”.

Làm việc một thời gian, nhiều người biết tôi có bằng cấp nên thi nhau gọi đùa “Dr. X” dù tôi chỉ là anh chàng quản trị mạng máy tính. Tôi đã “lạy như tế sao”, xin họ bỏ chữ Dr.

Người ta xứng đáng là tiến sỹ nếu làm trong lĩnh vực đó nhiều năm, có kết quả nghiên cứu được thừa nhận, các trường mời giảng dạy, ứng dụng rộng rãi trong thực tế hoặc ít nhất có các bài báo đăng ở các tạp chí nổi tiếng.

Còn tôi, cái bằng kia đã vứt xó. Bao nhiêu năm nay không có bài báo nào, sống bằng quá khứ “nhầm lẫn” của hội đồng khoa học nước bạn trời Âu.

Xin can, xin can...

Mấy hôm nay nghe chuyện nước ta dự định thành lập Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại. Họ định dành mười mấy hecta cho “Văn Miếu” khác, ghi danh các tiến sĩ thời nay, có cả rùa đội bia đá khắc tên các nhà khoa học.

Tôi thấy run. Đàng hoàng là tiến sỹ, tên mình có thể được xét. Bà mẹ già 88 tuổi nghe tin này, sợ cụ không qua khỏi…vì mừng. Vì thế, tôi “cắn cơm cắn cỏ”, lạy các chư vị đừng cho tôi lên lưng rùa vì muốn mẹ tôi sống trăm tuổi.

Để đưa đất nước đi lên như ngày hôm nay, chúng ta có rất nhiều nhà khoa học thực sự giỏi, đóng góp rất lớn cho phát triển, xóa nghèo và bảo vệ đất nước. Họ xứng đáng có bia đá như các vị trạng nguyên thuở trước.

Những tên tuổi lớn như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của hay vài chục người khác nên được khắc ngay vào văn bia Quốc Tử Giám. Nhưng khắc tên 16 nghìn tiến sỹ thì thật khủng khiếp.

Tôi lo thần Kim Qui mang trên vai cả tài sản trí tuệ … rởm. Sự dối trá, nhất là dối trá trong khoa học, sẽ nặng như Ngũ Hành Sơn. Mai của các cụ rùa sẽ gẫy, bia sẽ đổ. Thế hệ tương lai mất công khuân đá để… làm đường.

Những năm cuối 1980, tôi còn nhớ phong trào làm hồ sơ phong giáo sư. Có người ra sức tìm các bài báo đăng đâu đó, rồi những bài đứng chung tên được chia chác. Chủ trì đề tài quốc gia được thêm vài điểm dù ông ta chỉ lĩnh tiền “chủ trì nhưng không làm gì”. Họp tổng kết, ông thường ngồi trên bàn đầu, nơi ống kính TV dễ bắt nhất. Tôi cứ tưởng tượng lúc xét lên bia đá trong Văn Miếu mới sẽ diễn vở kịch tương tự. Dám chắc, ông ta lại đòi ra mặt tiền của dãy bia.

16 nghìn tiến sỹ với 16 ngàn bia và rùa, kể cả công nổ mìn, đục, đẽo, khắc trên đá chắc đủ làm một con đường 16 km cho một vùng quê nghèo Hà Tĩnh hay Hà Nội mở rộng. Gọi đó là “Đường Tiến sỹ Việt Nam” sẽ được người đời nhớ lâu.

Tôi tin rằng, những nhà khoa học thật sự của Việt nam không ai muốn nằm cạnh những tiến sỹ “ngoại giao” hay “mua bán”. Họ thà làm viên sỏi lát đường cho người nghèo đi cắt lúa hơn là có tên trên bia đá để phủ bụi thời gian.

Vốn ghét sân golf, vì nước mình còn nghèo, nên tôi xin chuyển mục đích sử dụng mười mấy hecta đất cho thể thao “lỗ” thay vì dùng cho “Văn Miếu” đương đại. Hoặc kinh phí ấy dùng cho thi hoa hậu cũng thú vị, dù tôi không thích trình diễn áo tắm. Hoa hậu “rởm” về học lực nhưng chân dài và các vòng 1-2-3 của các nàng lại rất “thật”.

Về khoa học, công trình “rởm” biến thành tai họa “thật” cho người nghèo. Lịch sử nhầm lẫn trên "bia đá" dễ trở thành “bia miệng” cho đời sau.

Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã “xin can” trên báo Tia sáng (03/10/2008), trí thức Việt kiều Trần Hữu Dũng cũng viết đùa “Xin can, xin can” khi biết tin này.

Biết không thể khuyên người khác, tôi chỉ biết tự can… mình.

Hiệu Minh