Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Trung Quốc vô duyên với giải Nobel
Trung Quốc vô duyên với giải Nobel
Chủ Nhật 26, Tháng Mười 2008, bởi
Một người Mỹ gốc Hoa được trao giải Nobel cũng làm Trung Quốc quá phấn khởi một cách khó hiểu
Tân Kinh Báo (xuất bản tại Bắc Kinh) ngày 9-10 đưa tin:
Ngày 8-10, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố : giải Nobel hoá học 2008 được trao cho nhà khoa học Mỹ Marin Chalfie, nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa Tiền Vĩnh Kiện và nhà khoa học Nhật Osamu Shimomura. Trước đó các cơ quan truyền thông Trung Quốc tỏ ra cực kỳ phẩn khởi một cách không sao hiểu nổi về thông tin dự kiến Tiền Vĩnh Kiện – cháu họ của Tiền Học Sâm – có hy vọng đoạt giải này. Ngược lại, nước Nhật từ hôm bắt đầu công bố giải Nobel năm nay đến giờ đã có 3 nhà khoa học được tặng vinh dự ấy thì lại tỏ ra tự kiềm chế. Người Nhật tự nhắc nhở mình là nền giáo dục nước họ hãy còn khiếm khuyết và mong rằng nhân dịp này nên uốn nắn thái độ “kính nhi viễn chi” của giới trẻ Nhật đối với các môn khoa học tự nhiên, nhằm tăng cường sức sống cho công tác nghiên cứu khoa học cơ bản nước họ.
Bình luận về thông tin nói trên, báo “Thanh niên Trung Quốc” ngày 10-10 viết:
Khoa học không có biên giới quốc gia nhưng nhà khoa học thì có quốc tịch. Vì năm nào cũng có trao giải Nobel mà năm nào giải này cũng không “bén duyên” với người Trung Quốc (TQ), khiến cho công chúng và giới truyền thông TQ cảm thấy một nỗi đau buồn khó hiểu. Khi người TQ bỏ cặp kính dâm xuống, rốt cuộc họ phát hiện: suy cho đến cùng giải Nobel vẫn là giải lớn cấp bậc cao nhất thế giới, đại diện cho trình độ mũi nhọn của khoa học thế giới. Bởi vậy khi người các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ được trao giải Nobel, riêng TQ thì vô duyên, điều ấy thể nào cũng khiến chúng ta cảm thấy có một nỗi bất bình gì đó.
Lần này thì tốt rồi, cháu họ của Tiền Học Sâm là Tiền Vĩnh Kiện (Roger Y. Tsien) được tặng giải Nobel ! Chưa nói chuyện báo đài TQ trước đó đã đưa nhiều tin về việc Tiền Vĩnh Kiện có thể đoạt giải ấy, mà nhiều báo TQ hôm 9-10 vừa rồi đều đăng tải tin giật tít “Cháu họ của Tiền Học Sâm gặt hái giải Nobel hoá học” và đăng ảnh Tiền Vĩnh Kiện lên vị trí hàng đầu. Người ta quên mất cái tên Tiền Vĩnh Kiện, lại càng chẳng nói tới quốc tịch của ông ấy. Cái tạt vào mặt người đọc là một kiểu ám thị mạnh mẽ : đây là niềm kiêu hãnh của họ Tiền, niềm kiêu hãnh của TQ. Thật ra, nhiều năm trước đây các nhà khoa học gốc Hoa quốc tịch Mỹ như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo v.v... đã mang lại vinh quang cho người TQ rồi, lần này rốt cuộc lại có người kế tục, sao không phấn khởi chúc mừng nhỉ ?
Ngược lại, người Nhật tỏ ra tự kiềm chế. Năm nay ngoài Shimomura đoạt giải Nobel hoá học còn có Yoichiro Nambu (sinh ở Nhật, sau vào quốc tịch Mỹ) và hai người Nhật là Makoto Kobayyashi và Toshihide Maskawa giành giải Nobel Vật lý. Trước nữa, từng có 3 người Nhật được trao giải Nobel Vật lý do thành tích trong nghiên cứu hạt cơ bản – điều đó chứng tỏ Nhật Bản có thực lực mạnh trên lĩnh vực nghiên cứu này. Thế nhưng báo Nhật Yomiuri Shimbun ngày 8-10 đăng xã luận viết: mấy năm nay có hiện tượng lớp trẻ Nhật “kính nhi viễn chi” (coi trọng nhưng lại xa lánh) với các ngành khoa học tự nhiên; trước tình hình đó nhà nước và các trường ĐH Nhật cần cải cách hệ thống đào tạo cán bộ nghiên cứu nhằm giúp thanh niên Nhật tăng cường ý chí tiến công khoa học. Xã luận báo Mainichi Shimbun cũng thẳng thừng vạch rõ: chính sách KHKT của Nhật nặng chú trọng lợi ích kinh tế, nhà nước coi KHKT là chỗ dựa chính để kích hoạt nền kinh tế, công tác nghiên cứu của các trường ĐH cũng theo đuổi hiệu quả lợi ích và ứng dụng.
Rõ ràng, các cơ quan truyền thông đại chúng Nhật có được sự tỉnh táo và lý trí hiếm thấy, các ý kiến của họ thật sự có tác dụng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền Nhật.
Xem xét lại nỗi hồ hởi quá đỗi của người TQ chúng ta thì phải nói là chúng ta có vẻ lăng nhăng lít nhít chẳng ra làm sao cả, thậm chí thần kinh quá ư nhạy cảm.
Tiền Vĩnh Kiện sinh tại New York năm 1952, từ bé đã say mê môn hoá học; vì mắc chứng hen xuyễn nên không được ra ngoài, phải thường xuyên ở nhà; thế là cậu ta bày biện đủ thứ chai lọ dưới tầng hầm để làm thí nghiệm hoá học. Nếu Tiền Vĩnh Kiện từ nhỏ đều sống ở TQ thì sẽ thế nào ? Dưới sức ép căng thẳng của kiểu giáo dục thi cử, e rằng những sở thích nho nhỏ và thiên tài sáng tạo của cậu sẽ sớm bị chết yểu thôi. Khỏi phải nói gia đình không khoan dung mà ngay các trường ĐH của chúng ta cũng chưa chắc đã dung nạp nổi một học trò kém sức khỏe như cậu. Còn như Toshihide Maskawa (giải Nobel Vật lý) thì lại còn kém về môn ngoại ngữ nữa kia, nếu ông này mà ở TQ hiện nay – nơi chỉ đề cao Anh ngữ – thì thật là không thể tưởng tượng nổi.
Nói cho tới cùng, thực ra là sự khác biệt về giáo dục. Viện sĩ Viện Khoa học TQ Dương Thúc Tử nguyên Hiệu trưởng trường ĐH khoa học kỹ thuật Hoa Trung từng vạch ra: nền giáo dục TQ đang theo đuổi cái tài giỏi mất linh hồn – trọng danh lợi thị trường, coi nhẹ ngành học, coi nhẹ giảng dạy, coi nhẹ sáng tạo ban đầu, coi nhẹ sự bồi dưỡng nhân cách đạo đức của học sinh, quên mất rằng những cái đó mới là linh hồn của nền ĐH.
Sự suy ngẫm nói trên của báo Thanh niên TQ số ra ngày 10-10 rõ ràng đã đánh trúng tệ nạn xã hội TQ hiện nay. Đây không những là sai sót của các trường ĐH cũng như của các hiệu trưởng ĐH, mà là cơ chế giáo dục và cơ chế đánh giá của chúng ta còn tồn tại những thiếu sót chết người.
Nguyên Hải lược dịch