Nghịch lý lãi suất thực dương

Theo lý thuyết thịnh hành ở nước ta hiện nay, do lạm phát quá cao, đồng tiền bị mất giá quá lớn và để kiềm chế lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ đã được áp dụng nhằm giảm lượng cung tiền tệ trên thị trường, đồng thời cũng là giảm cầu của xã hội.

Trong đó, điểm mấu chốt là lãi suất cơ bản (LSCB) đã được tăng vọt từ 8,75%/năm lên 12%/năm kể từ ngày 19/5 và tiếp tục nới rộng lên 14%/năm kể từ ngày 11/6 vừa qua cho đến nay đã mở rộng rất đáng kể “sân chơi” cho các tổ chức tín dụng.

Bởi lẽ, với LSCB như vậy và với mức lãi suất cao nhất cho phép trong các giao dịch được “tháo cũi” từ 50% lên 150% áp dụng từ đầu năm 2006 đến nay, thay vì 13,125%/năm trước đó, các tổ chức tín dụng có thể tăng lãi suất huy động “kịch kim” lên 18%/năm kể từ ngày 19/5 và kể từ ngày 11/6 đến nay lên kỷ lục 21%.

Hiển nhiên, với “sân chơi” rộng lớn như vậy, các tổ chức tín dụng đã tăng tốc thu hút tiền tệ, và do vậy, đã góp phần kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, với những gì trong nền kinh tế nước ta, dường như đang diễn ra tình trạng túi tiền của những người giàu thì càng đầy thêm, còn người nghèo thì lại càng nghèo thêm, trong khi tác dụng chống lạm phát lại không phải như mong muốn. Sự phỏng đoán này dựa trên hai căn cứ:

- Thứ nhất, nguyên tắc thực dương được xây dựng trên nền tảng giá tiêu dùng, cho nên chỉ là thực dương đối với những tầng lớp giàu có trong xã hội, còn đối với những người nghèo lại hoàn toàn không phải như vậy.

Trước hết, nếu nhìn vào diễn biến từ đầu năm 2007 đến nay, 18 tháng đầu tiên là giai đoạn giá tiêu dùng tăng tới 1,62%/tháng, còn ba tháng vừa qua đã hạ nhiệt rất mạnh xuống chỉ còn 0,95%/tháng.

Trong đó, giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm 48,15% trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội”) trong 18 tháng đầu tăng tới 2,43%/tháng, tức là tăng tới 33,39%/năm. Ngược lại, cũng trong thời gian này, giá của 9 nhóm hàng hoá và dịch vụ còn lại chỉ tăng 0,87%/tháng, tức là chỉ tăng 10,95%/năm.

Những diễn biến này của giá tiêu dùng đương nhiên cho thấy, cho dù chưa thực dương, bởi trong khi giá tiêu dùng chín tháng qua đã tăng 21,87%, còn lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng hiện chỉ khoảng 18%/năm, nhưng những người có tiền tỉ rỗi rãi gửi các tổ chức tín dụng “giữ giùm” thì chắc chắn khi rút ra không để nhằm mục đích sinh kế, cho nên vẫn được hưởng một khoản lợi kha khá.

Ngược lại, giả định là một vạn người nghèo chung lại để cũng có 1 tỉ gửi vào các ngân hàng nhằm hưởng lợi khoản lãi suất tưởng chừng là rất cao đó, nhưng rõ ràng là khi rút ra để chi cho cuộc sống thường nhật thì lại lâm vào tình trạng không khác “bán bò tậu ễnh ương” là mấy.

- Thứ hai, dường như việc vận hành chính sách lãi suất thực dương của nước ta liên tục rơi vào tình thế bị “lỗi nhịp”, cho nên không khỏi thường xuyên “gây đau đớn” cho nền kinh tế.

Nếu nhìn lại diễn biến giá tiêu dùng và việc đẩy LSCB lên để bảo đảm nguyên tắc thực dương trong thời gian qua thì có thể thấy rằng, ở vào thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, sau khi giá tiêu dùng đã trải qua tháng 5 và năm tháng tăng bùng nổ mạnh nhất (tháng 5 tăng kỷ lục 3,91% và năm tháng tăng kỷ lục 15,95%), thì đến ngày 19/5 LSCB mới tăng vọt từ 8,75% lên 12%, còn trong tháng 6, khi giá tiêu dùng cũng chỉ tăng 2,14% thì LSCB vẫn tăng tiếp 2% để đạt kỷ lục 14% từ ngày 11/6 cho đến nay.

Nhưng từ tháng 7 đến nay, trong khi LSCB đã được đẩy lên mức “đỉnh” như vậy, thì nhịp độ tăng giá tiêu dùng đã hạ nhiệt rất mạnh, chỉ còn 0,95%/tháng, tức là chỉ tương ứng với 12,01%/năm và chỉ còn bằng 1/3 nhịp độ tăng 2,86%/tháng của sáu tháng trước đó.

Như vậy, rõ ràng là việc đẩy LSCB lên để bảo đảm nguyên tắc thực dương trong chín tháng qua đã rơi vào hai tình thế ngược chiều nhau: sáu tháng đầu năm lạm phát cao thì LSCB thấp, và ngược lại, trong ba tháng vừa qua lạm phát hạ nhiệt thì LSCB lại quá cao.

Không chỉ có vậy, tình trạng “so le” giữa nhịp độ lạm phát cao và LSCB thấp giống như sáu tháng đầu năm nay cũng đã tồn tại trong ba tháng cuối năm 2007. Bởi lẽ, trong khi lạm phát năm 2007 lên tới 12,63%, đặc biệt là riêng quý 4/2007 đã tăng kỷ lục 4,95% trong vòng 16 năm 1992 - 2007, thì LSCB vẫn được neo vững ở mức 8,25%/năm trong 26 tháng ròng rã (từ tháng 12/2005 đến tháng 1 năm nay).

Rõ ràng, tình trạng LSCB quá thấp so với lạm phát như vậy đương nhiên có nghĩa là nó đã không phát huy được tác dụng ngăn chặn, cho nên lạm phát đã tăng phi mã trong suốt một thời gian dài, và ngược lại, khi lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt rất mạnh, việc đẩy LSCB lên quá cao đương nhiên lại trở thành yếu tố kìm hãm, bóp nghẹt sản xuất.

Nếu giả định một kịch bản không có thực sau đây trong nền kinh tế nước ta thì sẽ càng thấy rõ hơn tác dụng hoàn toàn tích cực của “vũ khí” LSCB. Đó là, ngay từ khi bước vào quý 4/2007, nếu “bắt mạch” được “con ngựa bất kham” lạm phát bắt đầu “giở chứng”, “vũ khí” LSCB lập tức được tung ra thì có lẽ lạm phát đã không thể tăng phi mã như vậy.

Hoặc một kịch bản khác không tối ưu, nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều là, bước vào năm 2008, nếu đoán định được “con ngựa bất kham” lạm phát vẫn tiếp tục “giở chứng”, cho nên lúc này “vũ khí” LSCB được tung ra, thì có lẽ lạm phát cũng không thể tăng phi mã đến như vậy.

Nếu những điều nói trên là đúng, thì phải chăng LSCB của nước ta phải được xác định trên cơ sở chỉ số lạm phát cơ bản giống như thông lệ quốc tế, chứ không thể dựa trên giá tiêu dùng như hiện nay và giờ đây có lẽ đã là thời điểm không quá sớm để “cởi trói” cho tiền tệ, bởi có nhiều khả năng giá tiêu dùng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong một số tháng tới.

Theo Nguyễn Đình Bích (SGTT)