Cần chống suy dinh dưỡng ở trẻ em VN

Trẻ VN suy dinh dưỡng

Người Việt cần mau chóng vượt qua những trở lực gây yếu kém thể chất, khiến trẻ em không thể vươn tới chiều cao bình thường như ở các nước khác - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.

Trong báo cáo mới đây của WHO, tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em VN rất cao so với các nước khác: Cứ 3 trẻ thì có một bị thấp, còi và hiện có hơn 2 triệu 600 ngàn em có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao của VN có thể dẫn đến sự suy yếu về phát triển thể chất, đặc biệt trong giới sinh viên, học sinh đã lên đến con số đáng báo động.

Tại VN, việc cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết như sữa cho các em dưới 5 tuổi hầu như là bài toán chưa thể thực hiện. Một số liệu của ngành dinh dưỡng năm 2007 cho thấy, chiều cao trung bình của trẻ em dưới 2 tuổi ở VN dù cao hơn 5cm so với 22 năm trước, nhưng lại thấp hơn 5cm so với chuẩn của WHO. Khảo sát trên lứa tuổi học đường thực hiện tại TPHCM, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp lùn và thể gầy ở học sinh cấp 2 và 3 cao hơn học sinh cấp 1.

PGS Tiến sĩ Lê Thị Hợp - Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong một diễn đàn mang tên "Quyền uống sữa cho trẻ em Việt Nam" - cảnh báo, suy dinh dưỡng thấp còi nơi trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức rất cao vào khoảng 33%, đặc biệt tại những vùng nghèo tỉ lệ này đến hơn 40%. Nguyên nhân chủ yếu là khẩu phần ăn của các em thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là khẩu phần sữa trong bữa ăn hàng ngày chừng như không có trong nhiều gia đình. Tỉ lệ sữa trong mỗi khẩu phần hiện nay thì Việt Nam thua rất xa Thái Lan, chưa nói đến những nước như Đài Loan hay Hàn Quốc.

Những ý kiến đáng suy nghĩ

- "Một bữa ăn học đường cân đối cho tất cả trẻ em là sự đầu tư tốt nhất mà chúng ta có thể làm được vì sức khoẻ, sự giáo dục và phát triển xã hội toàn cầu trong tương lai". Đó là nhận định của Thượng nghị sĩ Mỹ George Mc Govern, người đoạt giải Giải lương thực thế giới năm 2008 vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy cam kết toàn cầu đối với việc cung cấp bữa ăn học đường, khuyến khích việc đi học và dinh dưỡng học đường cho hàng triệu trẻ em nghèo trên thế giới. Từ năm 2000, chương trình cung cấp bữa ăn học đường "Mc Govern-Dole" mang tên ông và đồng nghiệp đã cung cấp bữa ăn cho trên 22 triệu trẻ em tại 41 nước.

- "Việc thay đổi khẩu vị của trẻ rất dễ dàng nhưng để trẻ được thưởng thức các bữa ăn ngon và tốt cho sức khoẻ là cả một nỗ lực lớn" - cựu Thủ tướng Anh Tony Blair phát biểu khi phát động chiến dịch "School Food Trust"(Niềm tin Dinh dưỡng học đường).

- "Tuổi học đường từ 6-11 tuổi (tại VN) là lứa tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, đồng thời tỷ lệ thiếu vi chất cũng rất cao" - theo nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia và được báo cáo tại Hội nghị khoa học năm 2006.

- "Tỉ lệ uống sữa tại VN thấp nhất thế giới" - bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cho hay. Hiện, tình trạng DD trong trường học chưa được chú trọng. Vấn đề sử dụng sữa như môt nguồn bổ sung DD hàng ngày cho lứa tuổi học đường còn chưa được quan tâm đúng mức. Tỉ lệ sữa sử dụng trên đầu người VN hiện nay thuộc loại thấp nhất khu vực và thế giới, chỉ đạt 6 lít/đầu người/năm.

- "Học sinh cũng như người lớn, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, ít nhất từ 15 đến 20 loại trong ngày. Ngoài ra cần ăn nhiều rau quả, đặc biệt chú ý đến việc dùng cân đối giữa mỡ động vật với mỡ thực vật và cân đối việc dùng chất đạm thực vật với đạm động vật. Đặc biệt là tăng cường lối sống vận động" - ThS BS Nguyễn Lân, Phó khoa Dinh dưỡng học đường, nhấn mạnh.

(Theo LĐCT)