Sức mạnh và quyền lực Mỹ trong khủng hoảng

Sức mạnh, quyền lực của Mỹ được cấu thành bởi những yếu tố nào? Nước Mỹ hiện nay có còn giữ được vị trí siêu cường số một hay không và những giá trị Mỹ còn đủ sức “hấp dẫn” thế giới hay không?

Không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt các công trình nghiên cứu đánh giá về sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trong quan hệ quốc tế xuất hiện khi nền kinh tế Mỹ đang bước vào giai đoạn suy thoái với sự sụp đổ của những công ty tài chính hàng đầu.

Phố Wall và tài chính là trung tâm của nền kinh tế Mỹ còn kinh tế lại được coi là một trong những nhân tố chủ chốt kiến tạo nên quyền lực và giá trị của Mỹ. Nhận định này thể hiện rõ trong một số cuốn sách của các học giả nổi tiếng như Kishore Mahbubani và Robert Kagan xuất bản trong năm 2008.

Gần đây, một loạt các công trình học thuật đăng trên các tạp chí uy tín của ngành Quan hệ quốc tế cũng đặt ra những câu hỏi lớn về quyền lực và khả năng chi phối của nước Mỹ đối với thế giới. Trong số đó phải kể đến các công trình như Tương lai của sức mạnh Mỹ - nước Mỹ sẽ ra sao với sự nổi lên của phần còn lại của thế giới (Fareed Zakaria); Đế chế Mỹ sẽ cứu nguy cho Bush (Arno J Mayer); Trường hợp chống lại phương Tây (Kishore Mahbubani); Sự sụp đổ của mô hình tư bản Mỹ (Francis Fukuyama).

Sức mạnh, quyền lực của Mỹ

Dù có những quan điểm và cách thức đánh giá khác nhau về sức mạnh, quyền lực và vị thế bá quyền của Mỹ, các học giả này đều có chung một mối quan tâm: sức mạnh, quyền lực của Mỹ được cấu thành bởi những yếu tố nào? Nước Mỹ hiện nay có còn giữ được vị trí siêu cường số một hay không và những giá trị Mỹ còn đủ sức “hấp dẫn” thế giới hay không?

Khác với bốn cuốn sách xuất bản đầu năm 2008 về sức mạnh và quyền lực của nước Mỹ, các nghiên cứu gần đây đã đưa ra một câu hỏi rất thú vị: quyền lực và sức hấp dẫn của mô hình Mỹ, của đế chế Mỹ thể hiện ở những yếu tố nào?

Francis Fukuyama trong bài Sự sụp đổ của mô hình tư bản Mỹ đăng trên tạp chí Newsweek (số ra ngày 13/10 2008) nhận định rằng nước Mỹ đã xuất khẩu nhiều ý tưởng quan trọng cho cả thế giới, trong đó có hai ý tưởng quan trọng và thành công là học thuyết Reagan và ý tưởng về dân chủ tự do.

Nói cách khác, bá quyền Mỹ, ảnh hưởng của Mỹ được xây dựng trên cơ sở những giá trị từ lâu đã ăn sâu vào suy nghĩ của cả thế giới là mô hình kinh tế tư bản và dân chủ tự do kiểu Mỹ .

Khoan bàn về tính đúng sai của sự phổ cập những giá trị Mỹ trên toàn cầu để thấy rằng cách nhìn nhận đánh giá của Fukuyama về sức mạnh Mỹ có những điểm thú vị và sáng tạo.

Đã có nhiều học giả bàn về dân chủ tự do như là một giá trị độc quyền của phương Tây, mà đại diện tiêu biểu là nước Mỹ. Họ cũng nói nhiều đến việc Mỹ sử dụng vấn đề phổ biến giá trị dân chủ tự do như một công cụ trong chính sách đối ngoại để mở rộng ảnh hưởng và quyền lực.

Về khía cạnh kinh tế, khi đánh giá bá quyền Mỹ, các học giả cũng thường coi mô hình tư bản tự do kiểu Mỹ là một trong các công cụ hữu hiệu làm nên “thương hiệu Mỹ”.

Tuy nhiên, ít người đề cập đến mô hình kinh tế tư bản theo học thuyết Reagan như là mẫu hình nổi trội, được cả thế giới áp dụng và coi đây là một trong những thành tố của “sức mạnh mềm” của nước Mỹ. Điểm khác biệt giữa Fukuyama so với một số học giả khác là ông đi vào những tiêu chí cụ thể hơn.

Khác với Francis Fukuyama, Arno J Mayer trong bài Đế chế Mỹ sẽ cứu nguy cho Bush đăng trên tạp chí Le Monde Diplomatique lại cho rằng sức mạnh của “đế chế không biên giới” Mỹ cấu thành bởi cả những yếu tố như quân sự, kinh tế (sức mạnh cứng) và những giá trị như quyền dân sự, hệ thống phúc lợi xã hội, giải phóng phụ nữ, sự quản lý bằng luật pháp, và dân chủ tự do (sức mạnh mềm). Như vậy, khái niệm “sức mạnh mềm” của Mayer rộng hơn Fukuyama.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh quân sự của Mỹ và coi đây là yếu tố chủ chốt khẳng định vị trí bá quyền của Mỹ trong quan hệ quốc tế. Bằng những con số rất cụ thể như: 700 căn cứ hải, không quân và quân sự trên hơn 100 nước, 12 hàng không mẫu hạm trang bị vũ khí hạt nhân…, Mayer muốn thuyết phục độc giả rằng đế chế Mỹ có “tai mắt” hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Trung Đông, Vịnh Persic.

Mayer cũng viện dẫn lời của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld để minh chứng cho sức mạnh quân sự vượt trội của nước Mỹ: không có một ngóc ngách nào của thế giới là quá xa xôi, không có một ngọn núi nào quá cao, không có một hang một boongke nào quá sâu, không có một chiếc xe nào đủ nhanh để giúp kẻ thù có thể thoát khỏi sự truy đuổi của nước Mỹ.

Về cơ bản nhận định của Mayer có nhiều điểm tương đồng với một số học giả khác khi tập trung đánh giá sức mạnh vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Nếu tính đến những con số cụ thể như đã đề cập ở trên, hay một con số luôn được viện dẫn như chi phí quốc phòng, Mỹ vẫn luôn là siêu cường hàng đầu.

Tuy nhiên, những con số tuyệt đối trong một lĩnh vực đôi khi không phản ánh hết được sức mạnh tương đối và tổng thể của các quốc gia trong mối tương quan với các nước khác. Khi nghiên cứu về quyền lực của nước Mỹ hiện nay, cần xét đến những yếu tố khác như sự khó khăn kinh tế và sự sa lầy ở Iraq.

Fareed Zakaria trong bài viết Tương lai của quyền lực Mỹ: nước Mỹ sẽ ra sao với sự nổi lên của phần còn lại của thế giới đăng trên tạp chí Foreign Affairs (số tháng 5/6 2008) và Kishore Mahbubani với bài viết Trường hợp chống lại phương Tây đều cho rằng quyền lực và sức mạnh của Mỹ tương tự như những đế chế trong quá khứ là La Mã thời kỳ cổ đại và Anh vào thế kỷ 19.

Quyền lực này được cấu thành bởi hai yếu tố rất quan trọng: kinh tế và chính trị. Zakaria cho rằng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, nước Mỹ đã và đang có một vị trí quan trọng khi nước này chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP toàn thế giới.

Cụ thể, trừ thập kỷ 40 và 50 khi Mỹ chiếm đến gần 50 GDP toàn thế giới (một con số áp đảo) thì nước Mỹ luôn có một tỷ trọng gần ¼ sản lượng toàn thế giới (32 % vào năm 1913, 26 % năm 1960, 22 % năm 1980, 27% năm 2000, và 26 % năm 2008).

Bên cạnh đó, Zakaria ưu tiên đánh giá yếu tố hệ thống chính trị và coi đây là nhân tố chủ đạo xem xét liệu Mỹ còn tiếp tục duy trì địa vị siêu cường trong quan hệ quốc tế hay không.

Trong khi Zakaria tỏ ra lạc quan về nền kinh tế Mỹ ông bày tỏ những e ngại về hệ thống chính trị của nước Mỹ và cho rằng hệ thống này đang hoạt động một cách bất thường và không có khả năng thực hiện những cải cách có thể giúp nước Mỹ duy trì được một địa vị vững chắc có được từ những năm 80 của thế kỷ 19.

Điểm khác biệt cơ bản giữa Mayer và Zakaria chính là ở cách thức hai học giả đánh giá sức mạnh của nước Mỹ. Trong khi Mayer rất coi trọng yếu tố quân sự, Zakaria lại thiên về yếu tố kinh tế và chính trị. Đặc biệt hơn, Zakaria cho rằng sức mạnh quân sự của Mỹ không phải là nguyên nhân giúp Mỹ đạt được sức mạnh vượt trội mà quân sự chỉ là hệ quả của sức mạnh kinh tế và chính trị.

Điều đó có nghĩa là khi mạnh lên (nhờ tiềm lực kinh tế và công nghệ), Mỹ đã đầu tư để tăng cường sức mạnh quân sự. Ngược lại, sự dàn trải về mặt quân sự lại đang là một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế và quyền lực của nước Mỹ hiện nay trong quan hệ quốc tế.

Zakaria cũng có cách nhìn khá toàn diện về sức mạnh của nước Mỹ khi ông đề cập đến một loạt những yếu tố khác như sức sản xuất, nền giáo dục, nguồn nhân lực… Ở những lĩnh vực này, rõ ràng nước Mỹ có những ưu thế vượt trội với các khu vực khác trên thế giới, kể cả khi so sánh với Châu Âu.

Như vậy, đối với vấn đề thứ nhất: quyền lực, sức mạnh và giá trị của nước Mỹ thể hiện ở những nhân tố nào, các học giả Francis Fukuyama, Arno J Mayer, Fareed Zakaria, và Kishore Mahbubani cùng chia sẻ một số quan điểm, đồng thời cũng như có những khác biệt, tạo nên tính sáng tạo và độc đáo trong cách tiếp cận của họ. Cách tiếp cận của các học giả trong vấn đề này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cách đánh giá của họ đối với việc liệu sức mạnh của Mỹ có bị suy giảm hay không?

Bá quyền Mỹ trong cơn khủng hoảng

Với Francis Fukuyama, vì ông cho rằng học thuyết Reagan và dân chủ tự do là hai nhân tố tạo nên “thương hiệu Mỹ,” trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính của nước Mỹ, bá quyền Mỹ đang thực sự bị suy giảm.

Theo Fukuyama, rõ ràng sự sụp đổ của một loạt các công ty tài chính khiến người ta phải đặt câu hỏi đối với mô hình tư bản mà nước Mỹ đã và đang theo đuổi từ đầu thập kỷ 80. Washington đã không can thiệp một cách kịp thời và đúng đắn vào thị trường tài chính và đã để thị trường này gây thiệt hại nghiêm trọng đến các lĩnh vực khác của xã hội. Việc cắt giảm thuế của các chính phủ đã khiến thâm hụt ngân sách trở thành căn bệnh kinh niên của nước Mỹ.

Ở bình diện quốc tế học thuyết kinh tế Reagan cũng đã mất đi sức hấp dẫn ngay cả trước khi kinh tế Mỹ lao đao. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 chứng minh rằng những nước đi theo và làm theo lời khuyên Mỹ đều gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong quá trình khắc phục hậu quả. Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc,…là những ví dụ tiêu biểu.

Trong khi đó, các nền kinh tế khác như Trung Quốc và Malaysia, thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính phủ thì gánh chịu ít hậu quả hơn.

Theo Fukuyama, dân chủ tự do, một giá trị tiêu biểu mà nước Mỹ luôn tự hào và ra sức thúc đẩy thậm chí đã bị xói mòn từ trước. Những gian dối của chính quyền Bush để tạo cớ phát động cuộc chiến tranh Iraq và hình ảnh những tù nhân Abu-Saif bị bịt kín đầu và tra tấn dã man đã bóp méo những giá trị dân chủ tự do tốt đẹp của phương Tây nói chung và nước Mỹ nói riêng.

Việc Mỹ ủng hộ cho những chính quyền không dân chủ như Arab Saudi và từ chối bắt tay với những nhóm chính trị được dân bầu trực tiếp như Hamas và Hizbullah sẽ khiến nước Mỹ ngày càng mất uy tín đối với thế giới.

Sự sụp đổ của mô hình tư bản theo học thuyết Reagan và những giá trị dân chủ tự do đang bị xói mòn đang khiến nước Mỹ dần đánh mất “thương hiệu” của chính mình.

Hơn nữa, những tư tưởng, dù cho có giá trị đến mức độ nào, nếu bị áp dụng và phát triển không có sự sáng tạo, sẽ dần trở thành những tín điều lỗi thời.

Bên cạnh đó, những mô hình phát triển mới đang ngày càng có sức hấp dẫn lớn hơn như mô hình của Nga và Trung Quốc, khiến cho “thương hiệu Mỹ” cũng giảm sức lôi cuốn.

Chính vì vậy, cuộc thử nghiệm quan trọng nhất đối với mô hình Mỹ nằm chính ở khả năng tái định hình đất nước Mỹ một lần nữa. Việc nước Mỹ có lấy lại được “thương hiệu” của mình hay không phụ thuộc vào việc đất nước này có tạo ra được một sản phẩm (ý tưởng) quan trọng để bán cho thế giới.

Khác với Fukuyama, Arno Mayer dựa vào những con số tuyệt đối về sức mạnh quân sự để đánh giá bá quyền Mỹ. Ông khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục là “đế chế không biên giới” bởi sự hiện diện về quân sự ở hầu như khắp các khu vực trên thế giới. Cho dù John McCain hay Barack Obama (hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ) có thay đổi chính sách đối ngoại Mỹ thì không ai trong số họ sẽ từ bỏ tham vọng duy trì vị thế vượt trội và những nghĩa vụ của một đế chế như nước Mỹ.

Đây có thể là một nhận định hơi chủ quan nếu so sánh với lập luận của học giả Fareed Zakaria. Zakaria cho rằng chính sự dàn trải quá mức về quân sự là nhân tố chủ yếu khiến sức mạnh Mỹ hiện nay đang suy giảm một cách tương đối.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh điểm này bằng cách so sánh bá quyền Mỹ với bá quyền Anh thế kỷ 19. Trong khi Anh chỉ có sức mạnh trên biển, Mỹ lại là cường quốc hải, lục, không quân với sự hiện diện ở khắp các khu vực trên thế giới.

Hơn nữa, những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị Mỹ là một nhân tố không thuận đối với quá trình khẳng định và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Tuy nhiên, về cơ bản Zakaria cho rằng cho dù Mỹ có suy giảm một cách tương đối về sức mạnh, Mỹ vẫn là siêu cường vượt trội trong quan hệ quốc tế bởi Mỹ vẫn có ưu thế hơn hẳn về sức mạnh mềm, nguồn nhân lực, và đặc biệt về kinh tế. Mỹ vẫn tiếp tục có một nền kinh tế đầy sức sống và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ, công nghiệp, giáo dục.

Mỹ là nơi hội tụ được chất xám của thế giới với lực lượng dân nhập cư lớn liên tục mang lại cho Mỹ sức sống mới cũng như những năng động mới.

Bên cạnh đó, sức mạnh vượt trội của Mỹ càng được khẳng định khi so sánh với một số khu vực và quốc gia khác như Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ bởi các nước này đang phải chịu những hệ quả tiêu cực từ cấu trúc dân số (tỷ trọng người già đang tăng nhanh như trong cả ba trường hợp).

Còn đối với châu Âu, dù sức mạnh kinh tế có thể vượt Mỹ nhưng EU chưa thể hành động như một quốc gia đơn nhất. Vì vậy, về cơ bản, nước Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò định hình một thế giới trong tương lai.

Đối với Kishore Mahbubani, sức mạnh của Mỹ thể hiện ở một bức tranh rộng hơn, khái quát hơn là sức mạnh phương Tây và sức mạnh này đang bị suy giảm một cách nhanh chóng bởi các yếu tố: sự bất lực (incompence) và sự từ chối hiểu biết về thế giới bên ngoài (nước Mỹ).

Mahbubani cho rằng phương Tây đang mất dần vai trò trong quan hệ quốc tế và không còn là người giải quyết rắc rối của thế giới (world’s problem solver). Cuộc chiến tranh Iraq và sự sa lầy của Mỹ ở khu vực này là một minh chứng sống động cho thấy Mỹ đang ngày càng bất lực trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới.

Tóm lại, với các cách tiếp cận khác nhau, các học giả Francis Fukuyama, Arno J. Mayer, và Fareed Zakaria đều tập trung phân tích những yếu tố cấu thành nên sức mạnh Mỹ và đánh giá sức mạnh này suy giảm hay chưa.

Fukuyama cho rằng ‘thương hiệu” Mỹ đang bị suy giảm một cách tương đối khi những giá trị mà nước Mỹ luôn tự hào là học thuyết Reagan và mô hình dân chủ tự do đang có những vấn đề nghiêm trọng.

Mahbubani lại đặt việc phân tích quyền lực và sức mạnh của Mỹ trong bối cảnh rộng hơn nhưng ông cũng cho rằng phương Tây nói chung, và đặc biệt Mỹ đang suy yếu một cách tương đối.

Trong khi đó, Zakaria lại tương đối lạc quan về vị thế bá quyền của Mỹ. Theo ông, về cơ bản, nước Mỹ vẫn tiếp tục là siêu cường vượt trội trong quan hệ quốc tế bởi những ưu thế hơn hẳn về kinh tế, công nghệ, nguồn nhân lực…

Có những điểm đồng nhất và có những khác biệt – nhưng quan điểm các học giả này bổ trợ cho nhau tạo nên một bức tranh đa sắc thái về nước Mỹ và sức mạnh của Mỹ. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi nước Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, chấm dứt 8 năm cầm quyền của Tổng thống G. W. Bush.

Với tên tuổi của các tác giả cũng như những câu hỏi mang tính chất gây tranh cãi, chắc chắn các bài viết này sẽ tạo ra những tranh luận mới tại Mỹ và cả bên ngoài nước Mỹ về sức mạnh, quyền lực và bá quyền Mỹ khi nước Mỹ có một Tổng thống mới cho dù đó là B. Obama hay là J. McCain.

Theo Huyền Trịnh (VNN)