Các tỷ phú Nga trong khủng hoảng tài chính

Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga chứng kiến một hiện tượng bất thường: khá nhiều người bỗng trở thành tỉ phú đô la Mỹ (USD).

Thế nhưng giờ đây, do ảnh hưởng cơn bão tài chính toàn cầu, các doanh nhân siêu giàu Nga buộc phải thắt lưng buộc bụng. Liệu họ có qua nổi cơn bão này?

Quan sát các cửa hàng thời trang cao cấp ở Moscow vào những ngày cuối tuần trong thời gian gần đây, hình như chẳng có gì thay đổi mấy. Tại cửa hàng Dolce & Garbana chẳng hạn, việc kinh doanh vẫn vận hành trơn tru. Dĩ nhiên doanh thu không bằng lúc trước nhưng khách hàng vẫn đến.
Trong khung cảnh bóng lộn của những bức tường màu đen tuyền lộng kính, những ngọn đèn chùm kiêu sa và cái logo D&G bằng thép không gỉ sáng chói, có một chàng trai trẻ đang ướm thử chiếc áo khoác bằng da. Một nhân viên cửa hàng cho biết đó là một khách hàng thân thiết được nhân viên đặt cho bí danh là David Beckham bởi tướng mạo và nhất là cách tiêu xài hao hao giống cầu thủ siêu sao bóng đá Anh Quốc.
Chiếc áo khoác bằng da được treo chung với những bộ áo lông thú sang trọng có treo bảng giá 14.000 USD (230 triệu đồng). Sau khi chàng Beckham Nga trả tiền đi ra, nhân viên cửa hàng cho biết thêm: “Tuần rồi chúng tôi đã bán được hai cái y như thế”. Chứng tỏ hình như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không ảnh hưởng nhiều đến một bộ phận những người giàu ở nước Nga.
Tại showroom của hãng xe hơi Bentley của Anh - núi Everest của ngành công nghiệp xe hơi - trong một khu phố trung tâm của thủ đô Nga, công cuộc kinh doanh cũng được tiến hành bình thường. Một chiếc xe màu trái mơ ở đây có giá 384.000 USD. Ở gần đó, Tsum là một trung tâm thương mại cao cấp. Quầy hàng thực phẩm ở đây chuyên bán trứng caviar lừng danh của Nga và champagne Pháp. Ở trên lầu, khách hàng có thể sắm một chiếc áo ấm cho chú chó cưng loài Chihuahua với giá 8.999 rúp (19,79 triệu đồng).
Tuy vậy, đằng sau cái vẻ hào nhoáng đó đang diễn ra một đợt sóng thần ngầm có sức tàn phá kinh hoàng.

230 tỉ USD bốc hơi

Nước Nga thời kỳ hậu Liên Xô có một từ thường gây tranh cãi. Đó là từ oligarch. Theo nhiều người, nó chỉ một nhóm doanh nhân có dây mơ rễ má với cán bộ cao cấp của chính quyền thành đạt cực nhanh nhờ chính sách tư hữu hoá của tổng thống Boris Yeltsin. Đối với quảng đại quần chúng Nga, nó đồng nghĩa với những người siêu giàu mà họ không ưa.
Vậy oligarch Nga có bị ảnh hưởng gì không? Câu trả lời là có. Nó đang diễn ra âm thầm, lạ lùng và dữ dội. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, tổng số tiền của 25 người giàu nhất ở Nga bốc hơi trong 5 tháng qua vì cơn bão tài chính toàn cầu lên đến 230 tỉ USD (3.910.000 tỉ đồng).
Chẳng hạn như tỉ phú Roman Abramovich - ông chủ câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea - đã mất trắng 20,3 tỉ USD. Alisher Usmanov - người đang nắm 24% cổ phiếu của câu lạc bộ Anh Arsenal - cũng mất 11,7 tỉ USD do giá trị chứng khoán tuột dốc một cách thê thảm.
Theo những nguồn tin đáng tin cậy ở Moscow, một số máy bay riêng của các đại gia Nga đang được chào bán với giá gốc. Những ngôi nhà sang trọng của nhiều đại gia ở Sardinia (Ý) và Surrey (Anh) cũng chịu chung số phận. Tại Moscow, nhiều hộp đêm cao cấp bắt đầu nới lỏng những quy định ngặt nghèo ưu tiên cho các đại gia vì ế khách. Trong khi đó, các nhà hàng thuộc hạng top cũng bắt đầu từ chối nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Cũng giống như ở Mỹ và các nước khác, sự tuột dốc của các oligarch liên quan chặt chẽ với cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán Nga. Giữa tháng 5 và ngày 24-10, chỉ số RTS Nga giảm 71% giá trị.
Trong số các oligarch choáng váng vì giá cổ phiếu và chứng khoán mất giá thê thảm, Oleg Deripaska – người được coi là giàu nhất nước Nga – là nạn nhân đáng kể nhất. Chuyện Deripaska vay tiền ngân hàng nước ngoài thế chấp bằng cổ phiếu của các công ty của ông chẳng có gì bí mật. Cổ phiếu mất giá, các ngân hàng nước ngoài đang đòi nợ ông. Vậy là Deripaska có nguy cơ bị cuốn vào lỗ đen nợ nần. Deripaska không phải là nạn nhân duy nhất. Nhiều vị khác làm ăn ở Iceland cũng bị vạ lây khi nước này tuyên bố phá sản.

Hết thời?

Có người nêu giả thuyết: Thời đại của các oligarch sắp kết thúc rồi. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều không đồng tình với nhận định này. Tuy nhiên, các oligarch đang trải qua một khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ.
Sau cái thời đua nhau sắm du thuyền, mua các đội bóng đá, sắm biệt thự ở phía Tây London, ở miền Nam nước Pháp, thậm chí tậu cả tàu lặn, các đại gia Nga đang bước vào một kỷ nguyên khác, bị khống chế nhiều hơn.
Alexander Lebedev, cựu nhân viên an ninh Nga, người có biệt danh “điệp viên đến từ mỏ vàng”, là một doanh nhân từng có 3,1 tỉ USD. Ông từng làm nghị sĩ Duma quốc gia (Hạ viện) Nga. Ông có một ngôi nhà 3 tầng ở trung tâm Moscow. Ông cho biết: “Tổng số chứng khoán của tôi trị giá 1 tỉ USD. Giờ đây nó chỉ đáng giá 300 triệu”. Lebedev tự cho là một trong những người may mắn nhất trong số các oligarch.
Những oligarch khác lao đao vì vay quá nhiều tiền ngân hàng trong nước để mua cổ phiếu. Họ cũng vay tiền ngân hàng nước ngoài bằng cách thế chấp những cổ phiếu này. Khi các thị trường chứng khoán sụp đổ, tài sản của các oligarch cũng sụp đổ theo.
Theo Văn Anh (NLĐ)