Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Xã hội > Kinh tế > Đừng hy vọng phát tài nhờ khủng hoảng tài chính

Đừng hy vọng phát tài nhờ khủng hoảng tài chính

Thứ Ba 18, Tháng Mười Một 2008

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay chỉ mới bắt đầu và chưa biết sẽ đi tới đâu nhưng một số người đã chủ quan cho rằng nó không động chạm nhiều tới các nền kinh tế mới nổi lên, thậm chí có người còn cổ súy thuyết đi Mỹ mua vét các chứng khoán giá chạm đáy. Quan điểm đó có thiết thực hay không? Xin tham khảo ý kiến của một chuyên gia chứng khoán Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của báo Xem thế giới, GS Trương Hùng Lượng, Chủ nhiệm Viện Nghiên cứu chứng khoán thuộc ĐH Dân tộc Trung Quốc (TQ), đã đưa ra một số quan điểm độc đáo của ông về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới như sau :

Hỏi: Trong cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế Mỹ hiện nay, đầu tư của TQ tại nước ngoài bị thiệt hại không nhỏ, đây có phải là sách lược cạnh tranh quốc gia cố ý (của Mỹ) hay không ?

Đáp: Cuộc khủng hoảng kinh tế này không phải do người Mỹ thiết kế nhưng quy tắc vận hành kinh tế thế giới thì lại do nước Mỹ chủ đạo, bởi vậy đã hình thành một kênh chuyển gán khủng hoảng, gán (đổ vấy) thiệt hại lên đầu nhân dân thế giới, trong đó có TQ, ít nhất là thiệt hại không bổ lên đầu người Mỹ. Điều đáng chú ý là cuộc khủng hoảng này gây ra bởi sự vỡ bong bóng tín dụng, khác với khủng hoảng kinh tế thực thể (entity).

Hỏi: Khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng gì tới hệ thống kinh tế Mỹ ?

Đáp: Cần phải thay đổi mô hình kinh tế của Mỹ, đó là mô hình dùng kỳ vọng giả tạo để bội chi tương lai, dùng cách tăng phát hành đồng đô-la để bội chi thế giới. Sự thay đổi đó là yêu cầu tất nhiên của tiến trình hoà nhập nhân loại trong tương lai. Không thể vì sự hưởng thụ của một số ít người mà hy sinh lợi ích của đa số. Cuộc khủng hoảng này tựa như một cuộc tự hiệu chỉnh của lịch sử, tương tự như quá trình tự hiệu chỉnh khi xảy ra khủng hoảng mô hình sản xuất trước đây. Cuối cùng sản xuất phải đáp ứng nhu cầu của loài người, không được quá thiên lệch, muốn vậy thì phải trải qua một cuộc khủng hoảng. Nước Mỹ thực hành tín dụng hoá tài sản; mọi tài sản đều cấu tạo bởi kỳ vọng trong tương lai. Nhưng Mỹ đang lạm dụng kỳ vọng, lạm phát chứng khoán, thế chấp liên hoàn, cuối cùng hình thành một kiểu “hồ dâng nước tiền tệ”. Ngân hàng của TQ dùng hiện vật (thực thể) để thế chấp, cho nên không xuất hiện khủng hoảng lớn. Nhưng các sản phẩm tài chính phát sinh của Mỹ đều chỉ dùng lợi ích thu được trong tương lai để làm thế chấp chứ không có bất cứ thực thể nào làm thế chấp. Trong cơ chế như vậy thì tất phải giữ chữ tín chứ không thể rắp tâm tạo ra những lợi ích kỳ vọng giả tạo; nếu không thì sẽ sụp đổ.

Hỏi: Ông nghĩ sao về “Thuyết đi Mỹ mua vét cổ phiếu giá chạm đáy” (bottom fishing)

Đáp: Thứ nhất, khủng hoảng kinh tế Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu, rất khó biết bao giờ mới chạm đáy. Thị trường chứng khoán Mỹ cao mười nghìn điểm chỉ mới sụt 20%, trong lúc thị trường chứng khoán TQ sụt tới 70% mà đã thấy đáy đâu. Thứ hai, những công ty tài chính này khác với các công ty sản nghiệp thực thể. Trong khủng hoảng, thất bại của công ty tài chính thường có nghĩa là tro bay khói tắt, các nhà băng kiếm sống bằng tín dụng bị phá sản, giữ chữ tín (tín dụng) ở chỗ nào ? Tín dụng trở thành đại danh từ của lừa đảo, tai nạn, bất hạnh; cả đến thương hiệu, tín nhiệm đều mất tuốt, mọi người đều tránh lỡ dịp cho nên rất có thể các ngân hàng sẽ rút ra khỏi sân khấu lịch sử.

Nhưng việc ngân hàng Barclays (Anh) mua lại Trung tâm nghiên cứu phát triển của Lehman Brothers thì đó lại là một tài sản thực thể, là thứ có giá trị. Điều chúng ta có thể làm là mua lại những địa bàn dôi ra bởi các ngân hàng phá sản và nguồn khách hàng của họ; chứ không phải là đến đấy tham gia thị trường chứng khoán, vì làm như thế là cứu thị trường chứng khoán. Chúng ta không có nghĩa vụ cứu. Câu nói trừu tượng “Cứu người là cứu mình” không có bất cứ ý nghĩa nào.

Hỏi: TQ nên làm gì để tự bảo vệ mình trong cơn khủng hoảng toàn câu này ?

Đáp: Chớ nên chỉ nghĩ đến việc đi Mỹ mua vét các chứng khoán giá thấp tận đáy để kiếm chác phát tài nhân dịp nước Mỹ lâm nạn. Nếu bạn đi mua tài sản thực thể ở nước ngoài thì còn khả dĩ; cần mua thứ có thực chứ chớ mua thứ ảo, thứ giả tạo. Thế nhưng hiện nay rất nhiều người TQ hô hào đi đầu tư tài sản tài chính tiền tệ ở nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng của Mỹ hiện nay chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính tiền tệ; nền kinh tế thực thể của Mỹ thật ra vẫn rất lớn mạnh. Thực tế là nước Mỹ chỉ vỡ bong bóng thôi nhưng ở TQ thì phần lớn các công ty phá sản lại là công ty thực thể; các công ty thực thể Mỹ đang mua lại các công ty thực thể TQ. Lehman Brothers phá sản, thật ra là tài sản của kẻ khác bị thiệt hại, vì thế nên mới có người ngờ rằng cuộc khủng hoảng này là một âm mưu. Hiện nay còn chưa thể nói đó là âm mưu hay không, song ít nhất thì nền kinh tế thực thể của Mỹ còn chưa bị ảnh hưởng quá lớn. Caterpillar đang mua lại ngành công nghiệp chế tạo của TQ; Goldman Sachs sau khi mua xong công ty giăm bông Song Hội lại còn đang chẩn bị nuôi lợn; 4 công ty buôn lương thực lớn trên thế giới đang gấp rút bài binh bố trận ở TQ, định mua lại công nghiệp chế biến thực phẩm. Wal-Mart đang phình to ở TQ; Coca-Cola vẫn đang mua lại công ty nước quả ép Hội Nguyên; ngành sản xuất sữa của TQ sau nỗi đau melamine cũng rất có thể sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

TQ có thể bảo toàn tài sản thực thể của mình thì đã là giỏi rồi, nói chi tới chuyện mua tài sản nước ngoài. Nếu cuộc khủng hoảng này dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi TQ thì đây chính là dịp TQ có thể nhân đó mà giải quyết vấn đề lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình bị mất giá, nhân thể còn có thể mua lại từ tay các nhà đầu tư nước ngoài những ngành công nghiệp chiến lược và công nghiệp quan trọng đã rơi vào túi họ, qua đó hoàn thành bộ khung kết cấu công nghiệp lấy công nghiệp dân tộc làm nòng cốt; như vậy trong vòng cạnh tranh sau này chúng ta sẽ không sợ gì nữa. Dự trữ ngoại tệ của TQ cần được dùng để mua tài nguyên. Nếu các mỏ dầu hoặc ngành công nghệ cao của Mỹ bị phá sản thì ta hãy mua lại. Có điều Mỹ vừa mới thành lập Ủy ban Thẩm tra vốn nước ngoài, muốn mua tài nguyên của họ thì khó lắm.

Hỏi: Qua cuộc khủng hoảng này phải chăng có thể nhận định đây là hồi kết của nền kinh tế thị trường tự do hoá cao độ ?

Đáp: Nền kinh tế ấy chưa từng tồn tại; nó chỉ là một cái cớ, một ý nghĩ không tưởng của các học giả theo chủ nghĩa tự do. Hãy lấy thị trường chứng khoán Mỹ làm thí dụ; thị trường chỉ mới sụt giảm có 10% mà chính phủ Mỹ đã xuất đầu lộ diện can thiệp; thử hỏi tự do ở đâu ? Bear Stearns, Merrill Lynch, AIG, tiến trình giải cứu thị trường chứng khoán Mỹ đã kéo dài khá lâu, nay lại đến kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu thị trường. “Hoàn toàn thị trường hoá” hoàn toàn chỉ là cái mệnh đề giả tạo, cũng giống như câu nói TQ ngày xưa bế quan toả quốc.

Nguyên Hải

Theo http://www.wyzxsx.com ngày 30/10/2008

(các ghi chú trong ngoặc là của người dịch)