Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Hội hoạ thời Tiền Phục Hưng
Hội hoạ thời Tiền Phục Hưng
Thứ Hai 24, Tháng Mười Một 2008, bởi
Xem thêm: Hội hoạ thời Trung cổ
Vào những năm 60 của thế kỷ XIII, Roger Bacon (1219-1292), đã đưa ra nhiều ý tưởng mới mẻ, làm đảo lộn hoàn toàn các quy tắc và tiêu chuẩn từ trước tới nay vẫn đuợc áp dụng trong nghệ thuật hội hoạ Kitô giáo nguyên khai. Ông đã vạch ra khuyết điểm quan trọng nhất của nền hội hoạ này, là sự không sáng sủa của các hình tượng và của cách diễn đạt, do đó đã không đáp ứng được nhu cầu giáo dục quần chúng. Đây không phải chỉ là do các hoạ sĩ, mà do chính những người đặt hàng cho các hoạ sĩ, những người có trách nhiệm trong giáo hội.
- Jacopo Torriti 1291-1296
Phong cách mà Bacon đề nghị là một phong cách được gọi là "tự nhiên", không công thức, không cách điệu hoá như phong cách Kitô giáo nguyên khai, và phong cách Byzantin nữa. Điều mới mẻ quan trọng nhất, mà theo ông, cần đưa vào áp dụng trong hội hoạ Kitô giáo, là sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc thế giới tự nhiên và các truyện tích trong Kinh Thánh, mà các danh hoạ như Jacopo Torriti, như Giotto, học trò của Cimabue, sẽ là những người diễn dịch tài tình nhất.
Roger Bacon vừa là một nhà khoa học, vừa là một nghệ sĩ đích thực, lại vừa có đủ uy tín trong giáo hội, cho nên tiếng nói và những điều ông đệ trình lên đức giáo hoàng, đã có trọng lượng và được mọi người nghe theo và ủng hộ, đặc biệt là các đức giáo hoàng Nicolas III (1277-1280) và Nicolas IV (1288-1292).
Nơi được chọn để làm thí điểm đầu tiên, dựa trên những quan niệm mới của Roger Bacon, là nhà thờ San Francesco ở Assise (Ý). Các bức bích hoạ ở đây đã được thực hiện một phần bởi các nhà tu hành có nhiều hiểu biết về Kinh Thánh, cũng như về nghệ thuật ; một phần bởi các danh hoạ, cũng xuất thân là những nhà tu hành, như : Jacopo Torriti và người phụ giúp ông, là Jacopo da Camerino.
- Jacopo Torriti, Thánh François từ biệt cha mình, bích hoạ, nhà thờ Assise, Ý (1295)
Nhà thờ San Francesco ở Assise hoàn thành vào năm 1295, sẽ có một ảnh hưởng quyết định lên nền nghệ thuật Kitô giáo ở khắp các nước phương Tây, cũng như những bức bích hoạ của Giotto (1267-1337) ở nhà thờ Santa Maria dell’Arena (Padoue, Ý) ngay sau đó (1302-1305).
- Giotto, Bích hoạ ở nhà thờ Santa Maria dell’Arena, Ý (1302-1305)
Nền hội hoạ ở Ý như có một nguồn cảm hứng mới, một luồng gió mới thổi đến, làm thay đổi hoàn toàn cách vẽ và cách nhìn vẫn có từ trước trong nghệ thuật ở Ravenne, ở Byzance và ở các nước phương Đông.
Vào thời kỳ này, nền hội hoạ Tiền Phục Hưng của Ý, với những quan niệm mới của Roger Bacon, và phong cách nghệ thuật của Jacopo Torriti và nhất là của Giotto, cùng với nền điêu khắc và hội hoạ gôtích của Pháp, với những bố cục cô đọng, giàu ý nghĩa tượng trưng và giàu chất trữ tình, đã ảnh hưởng đến nhiều nền nghệ thuật ở Âu châu.
Các hoạ sĩ bắt đầu chú ý đến những chi tiết hiện thực của đời sống hàng ngày. Những truyện tích không chỉ được miêu tả một cách mạnh mẽ và rõ ràng, mà còn được minh hoạ bằng những cảnh đời thường sống động. Bắt đầu từ đây, người hoạ sĩ không còn tự thoả mãn được với những tiểu xảo cho phép mình trình bày những nhân vật trong các tích truyện một cách chung chung, rập theo những khuôn mẫu cũ mòn, quen thuộc nữa, mà họ phải quan sát và thể hiện một cách tỉ mỉ các hiện tượng thiên nhiên, cũng như các nhân vật, dựa theo những mẫu người thật và vật thật.
ĐT, theo Văn Ngọc (Forum)
Xem online : Hội hoạ thời Phục Hưng