Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > HÀ NỘI NGHĨA LÀ GÌ?
HÀ NỘI NGHĨA LÀ GÌ?
Thứ Bảy 6, Tháng Mười Hai 2008
Khi Gia Long diệt được Tây Sơn, ông đã đổi phủ Phụng Thiên (vốn là đất đai kinh thành Thǎng Long cũ) thành phủ Hoài Đức và vẫn coi là đơn vị ngang với trấn, tức trực thuộc Trung ương mà đại diện là Tổng trấn ở Bắc Thành.
Nǎm Minh Mạng thứ 12 (1831), vị vua này tiến hành đợt cải cách hành chính lớn, xoá bỏ Bắc Thành tổng trấn với 11 trấn và 1 phủ trực thuộc ở miền Bắc và lập ra 15 tỉnh trực thuộc Trung ương. Lúc đó, Hoài Đức trở thành một trong bốn phủ họp thành tỉnh Hà Nội. Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ bấy giờ.
Bản đồ Đông Đô thời Lê (bên trái)
Hà Nội có nghĩa là phía trong sông. Vì trong thực tế, tỉnh mới này trên đại thể nằm trong 3 con sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy.
Tỉnh Hà Nội lúc ấy có 4 phủ là:
- Hoài Đức gồm 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm;
- Thường Tín gồm 3 huyện Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên;
- Ứng Hoà gồm 4 huyện Sơn Minh (nay là Ứng Hoà), Hoài An (nay là phía nam Ứng Hoà và một phần Mỹ Đức), Chương Đức (nay là Chương Mỹ), Thanh Oai;
- Lý Nhân gồm 5 huyện: Nam Xang (nay là Lý Nhân và Kim Bảng), Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục.
Như vậy tỉnh Hà Nội so với nay gồm thành phố Hà Nội, nửa phía đông tỉnh Hà Tây (chính là tỉnh Hà Đông thời Pháp thuộc) và toàn bộ tỉnh Hà Nam, rõ ràng nằm kẹp giữa sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ.
Cũng từ đó, Thành Hà Nội cũng được coi là Thành tỉnh, và con đường đi từ Hàng Bông qua Mang Cá (công trình phòng thủ hình tam giác xây trước cửa thành) đi vào Cửa Đông của toà thành được gọi là phố "Cửa Đông Cổng tỉnh" nay là phố Đường Thành.
Bản đồ Hà Nội thời Nguyễn
Có người kể rằng, chữ Hà Nội là lấy từ câu trong sách Mạnh Tử (Thiên Lương Huệ Vương): "Hà Nội hung tắc di kỳ dân ư Hà Đông, chuyển kỳ túc ư Hà Nội" (Hà Nội bị tai hoạ thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc Hà Đông về Hà Nội). Nhưng đó là trường hợp nǎm 1904 khi muốn đổi tên tỉnh Cầu Đơ cho khỏi nôm na, "tiểu ban đặt tên" mới lấy câu sách Mạnh Tử nói trên để đổi tỉnh Cầu Đơ ra tỉnh Hà Đông.
Nguyễn Vinh Phúc (HNM)