Chủ tịch Hội Giáo dục Trung Quốc kêu gọi hủy bỏ quy chế bình chọn “Học sinh 3 tốt”

GS Cố Minh Viễn (Gu Ming-yuan, ảnh bên) sinh 1929, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Leningrad, đã hoạt động trong ngành giáo dục 60 năm, hiện là Viện trưởng Viện Quản lý giáo dục thuộc ĐH Sư phạm Bắc Kinh, đồng Chủ tịch Hội Giáo dục so sánh quốc tế, Chủ tịch Hội Giáo dục Trung Quốc cùng nhiều chức vụ khác.

Tháng 9 năm nay, giáo sư Cố Minh Viễn chính thức đưa ra kiến nghị đình chỉ việc bình chọn “Học sinh 3 tốt” trong các trường tiểu học và trung học ở nước này. Đề nghị đó đã gây ra một cuộc tranh luận rất ồn ào ở Trung Quốc (TQ), hiện nay vẫn đang tiếp tục. Công tác bình chọn “Học sinh 3 tốt” “phát triển toàn diện đức dục, trí dục và thể dục” thể hiện phương châm giáo dục XHCN từ thời đại Mao Trạch Đông, nhưng do trong giáo dục nhà trường hiện nay tồn tại hiện tượng coi nhẹ cá tính của học sinh (HS), tham nhũng, không lợi cho việc đào tạo nhân tài có tính sáng tạo, cho nên nhiều người TQ đã đề nghị tiến hành cải cách giáo dục.

Chế độ “HS 3 tốt” bắt nguồn từ thập niên 50 thế kỷ XX, nhằm đào tạo đông đảo lớp người tiếp nối sự nghiệp của Đảng CSTQ, mang rõ rệt dấu ấn của thời đạo Mao Trạch Đông. Các trường căn cứ theo tỷ lệ vào khoảng 10% để bình chọn “HS 3 tốt” , hy vọng số này sẽ phát huy được tác dụng “gương mẫu”. “HS 3 tốt” được hưởng nhiều quyền lợi. Thí dụ tại Bắc Kinh, “HS 3 tốt” cấp trường sẽ được dễ dàng vào học các trường nổi tiếng; “HS 3 tốt” cấp thành phố khi thi đại học được cộng thêm 10 điểm – đây là một ưu đãi có sức thu hút rất lớn khi mỗi điểm thi đều vô cùng quý giá.

Là một người có ảnh hưởng lớn trong ngành giáo dục TQ, GS Cố Minh Viễn mới đây khi trả lời phỏng vấn của tờ báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun cho biết: giáo dục nên coi trọng cá tính, nhà trường không nên ngay từ đầu đã chia HS ra làm “HS tốt” và “HS kém”; tiêu chuẩn thống nhất của “HS 3 tốt” chưa xét tới sự khác biệt của mỗi HS.

Ông nói: “Rất nhiều HS đã bỏ mất vốn nghệ thuật quý báu của mình để theo đuổi môn toán, cách làm ấy không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ em.” Khi chọn “HS 3 tốt”, người ta thường chú trọng lệch về thành tích học tập. Quy chế này móc nối với lợi ích khi lên lớp và khi thi cử đã đem lại nhiều thiệt hại cho HS.

Trên mạng TQ đã nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt về vấn đề này. 5 ngày sau khi công bố đề nghị nói trên của GS Cố Minh Viễn, một điều tra dư luận trên mạng cho thấy có 65% người tán thành hủy bỏ chế độ bình chọn “HS 3 tốt”; họ vô cùng ớn ghét hiện tượng tham nhũng trong quá trình xét chọn. Những người chủ trương duy trì chế độ đó cho rằng việc bình chọn ấy giúp HS phát huy được tác dụng gương mẫu.

Tại TQ, hiện tượng phụ huynh HS biếu tiền và quà cáp cho thẩy cô giáo càng ngày càng trầm trọng, do đó việc bình xét “HS 3 tốt” không tránh khỏi hiện tượng tiêu cực.

Ngoài danh hiệu “HS 3 tốt” ra, chức danh cán bộ lớp cũng rất hấp dẫn. Nhiều cán bộ lớp đều là “HS 3 tốt” mà thầy cô giáo đã nhắm trước, thực ra đây là một kiểu trau dồi “ý thức quan chức” cho trẻ em từ nhỏ. Môi trường giáo dục như vậy bất lợi cho việc trau dồi tính độc lập sáng tạo cho HS. Có thể nói các tệ nạn trong ngành giáo dục TQ là hình ảnh thu nhỏ của toàn bộ xã hội nước này.

Một số “HS 3 tốt” ở Bắc Kinh nói hiện nay tác dụng gương mẫu chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.

GS Cố Minh Viễn có kể lại một chuyện như sau: Lần ấy ông cùng phái đoàn TQ dự cuộc thi Olympic toán quốc tế đến thăm một trường trung học ở Salt Lake (Mỹ), đoàn TQ làm quà cho nhà trường hai con búp bê gấu mèo, nói là nhờ nhà trường tặng cho một HS nam xuất sắc nhất và một HS nữ xuất sắc nhất. Ông hiệu trưởng rất ngạc nhiên và rất khó xử nói: Chúng tôi không có HS xuất sắc nhất, em nào của chúng tôi cũng đều xuất sắc cả, em thì xuất sắc về học tập, em thì xuất sắc về thể dục, em thì xuất sắc về lao động nghĩa vụ. Qua việc đó GS Cố càng thấy rõ việc chia trẻ em ra làm nhiều thứ hạng chỉ làm các em giảm lòng tự tin, tự cường, chỉ làm tổn thương đến tinh thần của các em không được chọn là “HS 3 tốt”; nhà trường phải coi tất cả các HS đều là xuất sắc cả và đối xử hoàn toàn như nhau với tất cả các em.

GS Cố Minh Viễn từng có nhiều đề xuất quan trọng nhằm cải cách giáo dục TQ. Sau “Cách mạng Văn hoá” ông đã phê phán quan điểm cực tả “Giáo dục là sản phẩm của đấu tranh giai cấp”, và đề xuất “Giáo dục hiện đại là sản phẩm của nền sản xuất hiện đại”. Nhằm chống lại quan điểm hồi đó rất thịnh hành “Kết hợp giáo dục với lao động sản xuất là nguyên tắc của giáo dục XHCN”, GS đề xuất “Kết hợp giáo dục với lao động sản xuất là quy luật phổ biến của giáo dục hiện đại”. Từ năm 2004, GS đã kêu gọi hủy bỏ quy chế bình chọn “HS 3 tốt” trong các trường phổ thông tiểu học và trung học ở TQ.

Nguyên Hải tổng hợp từ các website TQ

Ghi chú: