Nhân sinh quan khởi từ nguồn gốc của bi kịch (3)

Xem Triết lý của Nietzsche

3. Đau khổ và hư vô

Như đã đề cập vắn tắt ở phần mở đầu, triết lý của Nietzsche là lạc quan, khẳng định đời sống. Nhưng, thế nào là khẳng định đời sống (life affirmation), khi mà Nietzsche đã làm triết lý với cây búa – đập phá mọi thần tượng mà Nietzsche xem là rỗng tuếch, ảo tưởng; hủy bỏ mọi nền tảng luân lý truyền thống (luân lý của Kitô giáo) mà Nietzsche coi là phản tự nhiên: khuynh hướng nhu nhược, thiếu tự tin, khắc kỷ, “chay tịnh”, mặc cảm “tội lỗi” và “phẫn kháng” (resentement), lòng khiêm tốn giả tạo v.v…(Nietzsche cho đó là thứ luân lý nô lệ ); đồng ý với Shopenhauer rằng cuộc đời là phi lý, không có mục đích tối hậu. Phải chăng Nietzsche đã cổ vũ chủ nghĩa hư vô ? Nietzsche đã không ngần ngại tự nhìn nhận: “cho tới nay tôi là người hư vô chủ nghĩa” (WP 25).

Nhưng phải hiểu thế nào là chủ nghĩa hư không theo quan niệm của Nietzsche ?

Quan niệm phổ thông cho rằng hư vô là tính chất vô thường và ảo tưởng của kiếp người; sự tạm bợ của cuộc sống; hay mọi sự, mọi giá trị của con người đều tương đối; thế giới không có một tiêu chuẩn luân lý phổ quát và tuyệt đối làm kim chỉ nam cho mọi người (bất luận văn hoá, dân tộc hay tôn giáo lý tưởng của họ) để sống theo.

Nếu hiểu như thế, Nietzsche là triết gia hư vô chủ nghĩa như ông đã nhìn nhận ở trên. Nietzsche hoàn toàn phủ định mọi giá trị tuyệt đối, kể cả Luân lý (viết hoa) của Plato và Kitô giáo; thay vào đó, Nietzsche tiến cử chủ thuyết nhãn quan luận (perspertivism). Nhãn quan luận chủ trương nếu ta càng thủ đắc nhiều "góc nhìn" vào thực tại, càng tiến gần với sự thật hơn. Để dễ hiểu hơn về nhãn quan luận của Nietzsche, nó giống như câu chuyện những người mù rờ voi: người rờ chân voi bảo là thế này; người khác rờ đầu bảo thế kia; không ai có được bức tranh thật, trọn vẹn về con voi cả. Nhưng với nhãn quan luận của Nietzsche, càng có nhiều góc nhìn (nhận thức) như thế, ta càng hiểu biết trung thực và quán triệt hơn về thực tại.

Một mở ngoặc ở đây rằng nhãn quan luận của Nietzsche không phải là một hình thức của chủ nghĩa tương đối (relativism). Nói tới chủ nghĩa tương đối là nói tới vấn đề giá trị. Theo tương đối luận, mọi thực tại (luân lý, nhận thức v.v...) đều có giá trị như nhau – tùy thuộc vào yếu tố không gian và thời gian cũng như văn hoá lịch sử nhất định. Chẳng hạn, lấy của cải của người giàu phân bố cho kẻ nghèo (Robinhood của Tây phương hay các anh hùng Lương sơn bạc quen thuộc với người Việt nam) có thể coi là hành vi “đạo đức” ở thời điểm trước; nay là “phản đạo đức” hay không còn được biện minh. Đó không phải là quan điểm của Nietzsche, mặc dù đôi khi bị ngộ nhận như thế vì ngôn ngữ ồn ào và "thuyết pháp" của Nietzsche. Có chăng là Nietzsche phản đối kịch liệt thái độ giáo điều của chủ trương tuyệt đối. Thí dụ như thái độ trịch thượng, độc đoán và giáo điều của Kitô giáo coi luân lý của nó là chân lý duy nhất, tuyệt đối; và tìm cách hủy bỏ hay đập phá mọi nền luân lý của những văn hoá khác: “ở Âu châu ngày nay, cái mà người ta đơn thuần gọi là ‘luân lý’ – dường như hàm ngụ rằng không còn loại luân lý nào khác nữa (WP 957).

Nietzsche khẳng định: "không có hiện tượng luân lý nào cả, chỉ có những diễn giải luân lý về các hiện tượng mà thôi” (BGE 108).

Trở lại vấn đề chủ nghĩa hư vô. Trong Ý Chí Cường Lực (Will to Power), Nietzsche tự định nghĩa:

Chủ nghĩa hư vô: là không có mục đích; ‘tại sao?’, không có câu trả lời. Chủ nghĩa hư vô là gì ? – rằng những giá trị cao cả nhất đã mất giá trị (WP 2).

Những giá trị cao cả mà Nietzsche đề cập ở trên là những giá trị luân lý:

Mọi giá trị nơi con người, nghệ thuật, lịch sử, khoa học, tôn giáo, kỹ thuật mà ta muốn biện hộ là thuộc về giá trị luân lý, bị điều kiện hoá bởi luân lý, ở cứu cánh và phương tiện, và hệ quả (WP 382).

Như thế, tương tự như quan niệm Đông phương “văn dĩ tải đạo” – tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị nếu nó hàm chứa giá trị đạo lý hay luân lý, theo Nietzsche, nếu ta quan niệm rằng mọi giá trị (nghệ thuật, lịch sử, khoa học, tôn giáo v.v…) được khai triển từ những định chế hay giá trị luân lý, thì hư vô sẽ là hệ quả tất nhiên – một khi các giá trị luân lý không còn giá trị tự tại. Lý do ? Có lẽ, Dostoevski đã trả lời ngắn gọn, đầy đủ nhất về sự kiện này. (Không ngạc nhiên vì, cho cùng khái niệm về chủ nghĩa hư vô phát xuất từ văn hoá của nước Nga). Trong cuốn tiểu thuyết dày của văn hào này, Tội Ác và Hình Phạt, Dostoevski đã để cho nhân vật Ivan Karamazov phát biểu một câu bất hủ: “Nếu không có Thượng đế, mọi sự đều được phép cả ”. Quả đúng thế ! Như trên đã trình bày, Thượng đế là trung tâm điểm cho mọi sinh hoạt tâm linh của con người; là nền tảng cho mọi luân lý (cách riêng luân lý của Kitô giáo). Nhưng qua biến cố văn hoá ở trên, Thượng đế đã chết (con người đã đánh mất niềm tin vào một Thượng đế được nhân cách hoá như thế), mọi giá trị luân lý dựa trên nền móng đó cũng sẽ mất hết giá trị tự tại của chúng. Thượng đế chết, luân lý mất giá trị: cuộc đời trở nên phi lý, không còn ý nghĩa nữa; không còn mục đích hay cứu cánh tối hậu, con người hoàn toàn mất định hướng – nghiêng ngửa tứ bề. Nói như Hollingdale, một học giả về Nietzsche, rằng ta không còn biết một cách chắc mãn hay phân biệt đâu là tốt và xấu hay thiện và ác nữa.

Đó là hệ quả của chủ nghĩa hư vô mà Nietzsche từng khám phá ra ở thời đại của mình. Ngược với những lời buộc tội, lên án của nhiều người rằng Nietzsche là triết gia “cổ xúy” hư vô chủ nghĩa; Nietzsche không chỉ phát hiện mà còn triệt để tranh đấu, bút chiến nhằm ngăn ngừa viễn ảnh hư vô đang bao trùm, phủ kín địa cầu này. (Dù rằng lối diễn ngôn “hùng biện” đôi khi ồn ào của Nietzsche, đã đóng góp cho sự ngộ nhận ở trên). Nhưng, cảm thức hư vô chỉ là tình trạng tạm thời – tức là những giá trị cao cả, truyền thống đã sụp đổ nhưng các giá trị mới chưa thực sự thiết lập trong xã hội để thay thế chúng.

Ta đang đánh mất trung tâm điểm của trọng lực bởi đức hạnh mà mình sống theo; tạm thời ta mất định hướng (GS 125).

Hiểu như thế, chủ nghĩa hư vô, đối với Nietzsche, là tình trạng “vô vi” (inaction) của cuộc sống, của mọi lý tưởng (tôn giáo, triết lý) ở trên. Tất cả những gì không đóng góp cho việc tăng cường, phát triển đời sống của ta, đều là hư vô – thù địch với bản chất của hiện sinh, của thế gian và cuộc đời. Nietzsche muốn thay đổi não trạng này bằng việc tái định giá để hoán đảo và gây dựng nên những giá trị mới. Thuyết thượng nhân (overman) của Nietzsche là mẫu người lý tưởng tương lai mà Nietzsche kỳ vọng sẽ mở đường cho việc kiến tạo những giá trị mới này, thay cho những giá trị mà nay không còn hiệu năng nữa. Như vậy, Buddha, Socrates, Jesus là những thượng nhân của thời đại họ (thiết lập luật lệ, nền đạo lý cho hậu thế noi theo). Khác chăng, những thượng nhân mới của tương lai sẽ thiết lập những định chế/giá trị mới trên cơ sở nhân bản – cổ vũ, thăng hoá cuộc sống của con người.

Tham vọng và mục đích tối hậu của Nietzsche là để gầy dựng một nhân sinh quan mới – lạc quan, tích cực, và khẳng định cuộc sống tự nhiên để khắc phục những khuynh hướng hư vô chủ nghĩa ở trên. Nietzsche cho rằng giá trị và ý nghĩa của sự đau khổ từ lâu vốn bị hiểu sai lầm, cần phải được tái định nghĩa hay diễn giải lại; bởi chính những thực tại đau khổ trần gian là căn nguyên của mọi triết lý bi quan, yếm thế; chôn vùi con người vào hố thẳm tuyệt vọng, hư vô hoá cuộc đời và phủ định cuộc sống.

Ngay khi mà ta phủ bác lập trường của Kitô giáo và lên án ‘ý nghĩa’ của nó là ngụy trá, tức thì nghi vấn của Shopenhauer đến với ta một cách kinh hãi: sự hiện hữu [con người] có ý nghĩa gì không ? (GS 357)

Đau khổ là kinh nghiệm có thật – dù là đau khổ về thể chất (pain) hay về tâm thần (suffering). Đây là chủ đề quan trọng trong triết học và tôn giáo. Nhưng nguồn gốc, ý nghĩa và giải pháp cho sự đau khổ vốn là những tiền đề tranh luận tùy thuộc vào diễn giải của mỗi tôn giáo hay khuynh hướng triết học nhất định. Đối với Shopenhauer, căn nguyên của những thực tại đau khổ là ở dục vọng không thể thỏa mãn trọn vẹn nơi con người, nhất là khát vọng của bản năng sinh tồn. (Shopenhauer hoàn toàn chấp nhận quan niệm triết lý về đau khổ của đạo Phật). Đó là những hoạt động hay biểu hiện cụ thể của hiện hữu tính của bản thể Ý chí hoàn vũ duy nhất, hiện thực hoá ở trong ta trên cơ sở siêu hình học. Giải pháp giải thoát đau khổ triệt để mà Shopenhauer đề nghị, như được mô tả ở trên, là ta phải đình chỉ khát vọng sinh tồn của bản thân (diệt dục) tức là tuyệt đối không đáp ứng lại đòi hỏi của Ý chí luôn nhằm thỏa mãn. Nói là tuyệt đối vì Shopenhauer cho rằng ngay cả việc tự tử để kết thúc sự sống cũng chính là hành vi đáp ứng của ta đối với nhu cầu của Ý chí.

Chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) do Epicurus sáng lập, nhấn mạnh đến tương quan hỗ tương giữa đau khổ (pain) và khoái lạc (pleasure). Ta có thể giảm thiểu hoá cường độ đau khổ và do vậy, tăng cường hoá lạc thú bằng khả năng điều tiết của ta: sống tiết độ và giản dị; tránh mọi đau khổ thể chất bằng cách tìm kiếm những khoái lạc tương đối cao hơn (higher pleasures) – ít gây tác hại hay phản ứng tiêu cực về thể chất; chẳng hạn như ăn uống chừng mực, không rượu chè cờ bạc, đặc biệt tránh những dục vọng xác thịt v.v... (Đó là lý do tại sao Epicurus là triết gia độc thân, không vợ không con).

Chủ nghĩa thực dụng (utilitarianism) của Bentham và Mill là khuynh hướng xã hội của chủ nghĩa khoái lạc cá nhân ở trên của Epicurus. Khuynh hướng này chủ trương thực tiễn rằng ngoài việc tìm vui tránh khổ, ta còn có thể tối đa hoá phẩm chất của mọi khoái lạc, lợi phúc bằng sự hạn chế mọi nguồn đau khổ (chiến tranh, bệnh tật, xung đột quyền lợi v.v...) tồn tại trong xã hội.

Thái độ lạc quan như thế (coi đau khổ của con người có thể được giải quyết như một phương
thức khoa học bằng sự tính toán, cân lường, định lượng) của chủ nghĩa khoái lạc đã bị phản kháng nghiêm ngặt của phong trào hay chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism). Đối với chủ nghĩa này, sự phân biệt đau khổ và khoái lạc như trên là giả tạo: không có lạc thú nào mà không có phản ứng tiêu cực kèm theo như là hệ quả của nó. Chẳng hạn rượu say thì nhức đầu hay cảm giác mỏi mệt theo sau những lạc thú ân ái v.v... Tóm lại, đau khổ là sự kiện không thể tránh nhưng hạnh phúc mà ta mong muốn, trên tối thượng, là điều bất khả thể, nếu không muốn nói là hoàn toàn vọng tưởng. Điều còn lại cho con người, là sống miễn cưỡng cho qua đi hết đời người khổ lụy.

Đây là một nhận thức rất quan trọng, nếu không muốn nói là căn bản khác biệt về vấn đề giải đáp cho sự đau khổ trong các quan niệm của các triết lý và tôn giáo. Nếu Shopenhauer hay Phật giáo cho rằng con đường giải thoát đau khổ là diệt dục; chủ nghĩa khắc kỷ, giải thoát là "sống vật vờ" miễn cưỡng và hạnh phúc chỉ là lý tưởng không thể đạt tới, những thái độ như vậy, đối với Nietzsche tựu chung là thái độ đầu hàng hay khước từ (resignation) đời sống.

Ngược với chủ trương của khuynh hướng khắc kỷ, Kitô giáo quan niệm hạnh phúc tối hậu là khả thể nhưng không phải ở thế gian tạm bợ này mà ở cõi thường hằng bên kia thế giới hữu hình này. Đó là niềm tin tuyệt đối vào Đấng Cứu độ (Jesus Christ) của Kitô giáo. Căn nguyên của đau khổ, đối với tôn giáo này (thần học) là do "tội lỗi" (sins) của loài người đã xúc phạm tới Thiên Chúa (Thượng đế). Theo kinh thánh cựu ước (Sáng Thế Ký), loài người mà tổ phụ đầu tiên là Adam và Eve, từ nguyên thủy được tạo dựng nên sống một cuộc sống hạnh phúc, sung mãn, bất tử, vô tư và vô tội nơi vườn Địa đàng trần thế (Garden of Eden). Nhưng nguyên tổ loài người đã kiêu ngạo, thách thức Thiên Chúa bằng hành vi bất tuân phục "ăn trái cấm" của cây tri thức (tree of knowledge) – một ngoại lệ mà Thiên Chúa tuyệt đối ngăn cấm. Hệ quả và hình phạt mà Thiên Chúa giáng phạt cho nguyên tổ và loài người từ đó là kiếp sống lưu đày, khổ lụy – phải đổ mô hôi nước mắt lạo động để sinh nhai, phải chết v.v...con đường giải thoát hay cứu rỗi (redemtion) duy nhất là "sự ăn năn hối cải" và niềm tin vào Đấng Thập tự, Jesus Christ, nhập thể, chịu tử nạn để xá tội cho con người và phục hồi lại tình huống nguyên ủy hạnh phúc cho con người. Thay vì ở vườn địa đàng xưa, nay là cõi thiên đàng bên kia cõi chết thể chất. Đó là căn bản của Thần học Cứu chuộc của St. Paul mà Nietzsche phê phán mãnh liệt trong Minh Triết Hân Hoan.

Thượng đế tạo dựng nên con người hạnh phúc, nhàn hạ, ngây thơ, và bất tử: đời sống thực của ta là hiện hữu sai lầm, mục nát, tội lỗi, hiện hữu là hình phạt – Đau khổ, tranh đấu, lao nhọc, sự chết được xem là những phản kháng và những chấm hỏi hiềm tị cuộc sống, coi đó như sự thể ắt không thể tiếp tục kéo dài; nó cần phải chữa trị – và cũng đã có phương cách chữa trị ! – Từ thời điểm của Adam cho tới nay, loài người vốn sống trong tình trạng bất thường. […] Cuộc sống đích thực giờ chỉ là niềm tin (tức là tự phỉnh gạt, cơn lốc điên rồ). Mọi tranh đấu, vật lộn, sống thực, đầy hào quang và tăm tối, duy nhất chỉ là sự tồn hữu xấu xa, lầm lạc: sứ mệnh ta là giải thoát khỏi nó [thân phận lưu đày]. “Con người ngây thơ vô tội, nhàn nhã, bất tử, hạnh phúc” – ý niệm “supreme desiderata” đó tiên quyết phải được lên án (WP 224). (Nietzsche dùng La ngữ, supreme desiderata có nghĩa là “vọng yếu tối thượng”).

Theo Nietzsche, đó là bức tranh sai lầm và xuyên tạc về nguồn gốc của đau khổ của con người. Nietzsche xem phương pháp giải thoát của Kitô giáo là thái độ che giấu (concealment) , là "mặt nạ Apollo" như bàn bạc ở tiểu đề Tự do và định mệnh ở trên.

Tóm lại, Nietzsche kết luận rằng tất cả những thái độ hay giải pháp ở trên đều là cực đoan, tiêu cực, phản tự nhiên, phủ định đời sống; khiến con người bị vong thân quên sống cho mình một cách thiết thực và ý nghĩa trước những thực tại trần gian khách quan và tự nhiên trong nhiên giới. Thậm chí ngay cả thái độ lạc quan của chủ nghĩa khoái lạc ở trên cũng không thoát khỏi phê phán của Nietzsche. Nietzsche mỉa mai: “Không ai sống vì lạc thú cả, chỉ có người Anh mới thế ” (TI, I, 12) – một thứ hạnh phúc siêu thực của phong trào thực dụng ở Anh quốc – tiêu biểu ở Bentham và Mill, mà Nietzsche cực lực lên án hay châm biếm.

(Có lẽ huyền thoại Adam và Eve, cũng giống như mọi huyền thoại dân gian ở các văn hoá (chẳng hạn chuyện Âu Cơ và Lạc Long Quân nhằm giải thích một sự kiện thực tế là trên dải đất Việt nam tồn hữu hai sắc tộc – Thượng và Kinh), chỉ là một cách lý giải cho kinh nghiệm đau khổ của con người. Nhưng nhất thiết, không phải là hệ quả của tội lỗi bởi con người "phạm thượng" như Kitô giáo viện giải).

Đó là tất cả sai lầm, xuyên tạc về ý nghĩa của đau khổ và hạnh phúc của các tôn giáo và truyền thống triết học của phương Tây nói chung. Qua phương án tái định giá các giá trị, Nietzsche muốn thay thế những thái độ tiêu cực ở trên bằng tinh thần lạc quan quan, tích cực và trung thực hơn về bản chất của đau khổ và hạnh phúc. Nietzsche gọi đó là tinh thần Dionysus [1]. Tinh thần đó phải hiểu như thế nào ? Đó là quan niệm của Nietzsche cho rằng cuộc đời thực tế là đầy rẫy những tranh đấu, bạo động, khổ lụy và hủy hoại nhưng cuộc đời cũng tràn đầy những niềm vui hoan lạc, xây dựng và kiến tạo, và tái kiến tạo. Đó là bản chất trung thực của cuộc sống, của thế gian mà Nietzsche muốn ta khẳng định.

Nhưng thế nào là khẳng định đời sống ? Trong Minh Triết Hân Hoan, Nietzsche giới thiệu luận thuyết qui hồi vĩnh cửu lần đầu tiên (và sau đó được lập lại nhiều lần trong Zarathustra Đã Nói Như Thế ở trên):

Ta nghĩ sao, nếu một ngày hay đêm nào đó, ma quỷ đến chiếm cứ hồn ta trong lúc cô đơn nhất của nỗi cô đơn, và nói với ta thế này: “Chính cuộc đời mà ngươi đang sống và đã sống , ngươi sẽ phải sống lại cuộc đời đó một lần nữa và ở vô lượng lần; và sẽ không có gì mới lạ ở đó ngoại trừ mọi khổ đau và mọi niềm vui và mọi tư tưởng và tiếng thở dài và tất cả những gì nhỏ bé, đến nỗi không thể thốt ra bằng lời, hay sự vĩ đại của đời ngươi, sẽ phải trở lại với ngươi; mọi sự sẽ lập lại theo cùng một trình tự – thậm chí con nhện này đây và ánh trăng chiếu tỏ giữa hàng cây kia, và kể cả cái giây phút hiện tại này và cả chính ngươi nữa. Thời lượng tính vĩnh cửu của hiện hữu sẽ đảo lộn đến vô tận – và cả ngươi sẽ cuốn theo với nó, chỉ là cát bụi hồng trần!” – Phải chăng ta sẽ vật ngã xuống đất và nghiến răng để nguyền rủa con quỷ kia đã thốt ra những lời như thế ? Hay ta còn muốn sống lại cái giây phút mênh mang ấy một lần nữa bằng lời phúc đáp: “Ngươi [quỷ] quả là thượng đế và ta chưa từng bao giờ được nghe những lời thần thánh như thế !” Nếu đó là ý tưởng đã ám ảnh trong đầu ta, ắt hẳn nó hoặc sẽ làm ta thay đổi hẳn ở lúc này đây hay có lẽ sẽ nghiền nát lấy ta;một vấn nạn rằng, “Ngươi có muốn cuộc đời ngươi lập lại như vậy một lần nữa, và vô lượng lần nữa hay không ?” sẽ là sức nặng tột cùng cho mọi hành động của ta ! Hay ta có cần phải nên thích ứng bao nhiêu nữa cho bản thân và cuộc đời bằng khát vọng nồng nhiệt, say sưa bởi rằng không có gì hơn là sự khẳng định vĩnh cửu tối thượng và thực chứng này (GS 341).

Mặc dù Nietzsche coi tư tưởng qui hồi vĩnh cửu là quan trọng bậc nhất – có trọng lượng ngàn cân, nhưng phải hiểu thế nào về luận thuyết trên ?

Trước tiên, đây không phải là quan điểm vận hành lịch sử theo hình vòng (thay vì đường thẳng có khởi điểm và cùng đích như trong Do thái giáo và Kitô giáo) của vũ trụ (hiểu theo nghĩa đen), chẳng hạn như thuyết luân hồi của nhà Phật hay Ấn độ giáo; dù đôi lúc Nietzsche cho ta cảm tưởng như thế trong Ý Chí Cường Lực. (Thực tế, có lần Nietzsche đã theo đuổi những khám phá khoa học ở thời đại của mình, tìm cách chứng minh luận thuyết bằng luận cứ khoa học thực nghiệm). Một luận giải chung mà hầu hết các học giả về Nietzsche (đặc biệt là Maudemarie Clark) đều đồng ý cho rằng Nietzsche phát kiến ra luận thuyết nhằm mục đích như là phương cách trắc nghiệm tâm lý coi thử ta có thực sự chấp nhận định mệnh của mình hay không; giả như nếu ta sẽ phải sống lại cuộc đời của mình như ta đã sống – một lần nữa hay vạn ngàn lần ? Thái độ lạc quan hay bi quan, khẳng định hay phủ định cuộc đời sẽ tùy thuộc vào câu trả lời của ta là “có” hay “không” (yes/no) đối với câu hỏi trên.

Nhưng yêu lấy định mệnh của mình không chỉ đơn thuần là thái độ thụ động; tức là chấp nhận đau khổ như một sự kiện không thể trốn khỏi, mà còn coi đó như yếu tố và điều kiện cần thiết của sự hạnh phúc. Đối với Nietzsche, đau khổ không là sự kiện để tránh né hay chạy trốn như những quan niệm ở trên; ngược lại, muốn hạnh phúc là muốn đau khổ; tìm hạnh phúc là tìm đau khổ.

Khát vọng tìm kiếm khổ đau.– Khi tôi nghĩ tới khát vọng muốn làm một công việc gì, đó là động cơ khiêu khích và thúc đẩy hàng triệu thanh niên Âu châu những người không muốn chịu đụng nỗi nhàm chán của mình và cả chính bản thân họ, lúc đó tôi chợt ý thức ra rằng họ ắt phải ước muốn nồng nhiệt để kinh nghiệm mọi khổ đau và tìm thấy nơi sự đau khổ một lý do khả thể hành động (GS 56).

Tìm kiếm đau khổ mà Nietzsche mô tả ở trên là dấn thân hoạt động, khắc phục mọi trở ngại; sống với mục đích cụ thể để đam mê theo đuổi và thành tựu: như sáng tác nghệ thuật và âm nhạc, chẳng hạn. Mọi sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là ở âm nhạc, đối với Nietzsche là quan trọng bởi vì chỉ có những nghệ sĩ như thế là người thực sự phong phú hoá và thăng hoa cuộc đời và chỉ có âm nhạc giúp ta siêu thoát khỏi những hệ lụy trần gian: "Không có âm nhạc, đời sống là sự sai lầm" (TI, Maxims and Arrows 33).

Cuộc đời phải là một cuộc hành trình mạo hiểm; mọi triết lý sống phải hướng tới những mục tiêu và hành động cụ
thể để ta say mê đeo đuổi; cho cùng, đời người ngắn ngủi, mọi sự rồi cũng qua đi nhưng nhất thiết ta không thể thụ động, nhàm chán với cuộc đời quí giá của mình bởi ta, mỗi người chỉ có một đời để sống và một lần để sống. "Phải chăng cuộc đời thì trăm lần ngắn ngủi để ta tự nhàm chán lấy mình" (BGE, 227) ?

Hạnh phúc không nằm ở khả năng thủ đắc kiến thức, ở sự khám phá ra sự thật mà các triết gia đeo đuổi tới mức ám ảnh:

Và về bản thân của kiến thức: hãy để nó là gì khác đối với kẻ khác; chẳng hạn, một chiếc gường để nằm nghỉ, hay cách thức tương tự của chiếc gường như thế, hay đó là sự khuây khỏa, hoặc một hình thức giải trí – với tôi đó là một thế giới đầy nguy hiểm và chiến thắng mà ở đó là cảm giác kiêu hùng tìm thấy chổ để nhảy múa và đùa cợt. Đời sống là phương tiện để đạt tới kiến thức – bằng sự ôm giữ nguyên lý này trong tâm khảm ta có thể không những sống gan dạ nhưng thậm chí còn vui tươi, và còn biết cười một cách sảng khoái nữa. Và hoạ chăng còn có ai biết cười đùa nữa đâu và biết sống sung mãn nếu hắn thoạt tiên không hiểu biết nhiều về chiến tranh và chiến thắng ? (GS 324)

Hạnh phúc cũng không nằm ở công thức đạo đức cổ điển của Socrates: tri thức + đức hạnh = hạnh phúc; hay ở Kant với một nguyên lý phổ quát ở trên cao và một nội tâm đạo đức: có chăng là tâm hồn bình yên khỏi mọi rối loạn nhưng nhất thiết là nhàm chán, đơn điệu và tẻ nhạt.

Nietzsche cho rằng mình đã “khám phá ra một niềm hạnh phúc mới” (GS, Preface 3, A 1). Và hạnh phúc mới đó là sống với những đam mê nồng cháy; “sống liều lĩnh” thách thức, tra hỏi mọi ước lệ; chinh phục mọi chướng ngại; dám dấn thân mạo hiểm trong cuộc đời; dám chu du tìm kiếm những vùng đất tư tưởng hoang dại – bên kia cõi bờ thiện ác, để khám phá ra những tư duy mới; vùng đại dương miên viễn chưa từng ai đặt chân tới như Columbus khám phá ra lục địa mới. Chỉ một cuộc sống như thế khả dĩ cho ta “biết cười một cách sảng khoái” – dù là nước mắt khổ lụy hay bi tráng. Sự vĩ đại của con người đều nằm ở những nỗ lực mạo hiểm như thế. Nói gọn, đó là tinh thần Dionysus – kim chỉ nam của hạnh phúc. Nhưng Nietzsche lo sợ rằng ta với bản tính cầu an sẽ trốn tránh hay hoài nghi giá trị của tinh thần hạnh phúc mới như thế: “Họ có hiểu tôi không ? – Dionysus đối kháng Đấng thập tự giá” (EH, IV 9). (Nietzsche tự nhận mình là đồ đệ của thần Dionysus).

Tinh thần Thập tự giá (Jesus) là tinh thần tự nguyện chấp nhận mọi khổ hình không phản kháng, không bạo động; ngược lại, tinh thần Dionysus, không chỉ tự nguyện chấp nhận khổ đau nhưng còn tích cực tìm kiếm nó để khắc phục và vượt qua một cách bi tráng ngõ hầu “tìm thấy chỗ để nhảy múa và đùa cợt” dù thế gian đầy bạo loạn phũ phàng. Zarathustra của Nietzsche khẳng định: “Tôi chỉ tin vào một thượng đế biết nhảy múa” (Z, On Reading and Writing).

Vậy đã hiểu, không có màu đen, sẽ không biết tới màu trắng; không có đau khổ sẽ không biết thế nào là hạnh phúc cả. Đó là biện chứng của cuộc đời: hạnh phúc và đau khổ mâu thuẫn nhưng hài hoà bất khả phân biệt; hay nói bằng ngôn ngữ biểu tượng của Heraclitus: “con đường đi lên và xuống là một”. Nếu ta tìm kiếm một thứ hạnh phúc toàn hảo, vắng mặt mọi khổ đau ở thế gian này, đó chỉ là lý tưởng hay như ngạn ngữ của người Hy Lạp: không ai có thể gọi là hạnh phúc cho tới khi hắn đã chết !

V. Hạnh phúc – biện chứng của cuộc đời

Bài viết mở đầu bằng nhận xét của Aristotle rằng trẻ con không biết tới sự hạnh phúc. Phần kết luận cũng sẽ được kết thúc bằng sự diễn giải của câu nói mà qua đó, ý nghĩa của nó sẽ đem áp dụng vào cuộc đời thực và triết lý sống của Nietzsche. Tại sao Aristotle tuyên bố như thế ? Nhận định phổ thông cho rằng tuổi thơ là tuổi hồn nhiên, vô tư và "hạnh phúc", có lẽ đúng là vậy: đói thì khóc, no thì cười; tuổi thơ không tính toán, không hoạch định, không tra hỏi ý nghĩa của sự thành công hay thất bại, của sự mất mát về thể chất hay tinh thần v.v... Tóm lại, trẻ con hành xử theo phản xạ và bản năng tự nhiên (khi ý thức chưa hoàn toàn phát triển), vô tư và hồn nhiên ở lứa tuổi nhi đồng. Ngược lại, người lớn ở tuổi trưởng thành, thì khác. Giả như ta nỗ lực miệt mài theo đuổi một mục tiêu nào đó (chẳng hạn, chăm chỉ học hành để thi đỗ), hay mơ ước một vật thể nào như có chiếc xe hơi đẹp v.v... Nếu nỗ lực đó dẫn tới thất bại, mơ ước không toại nguyện, ta sẽ cảm thấy ê chề, thất vọng và thậm chí đau khổ; nhưng nếu là thành công hay thành tựu, ta sẽ cảm thấy sự sung sướng, may mắn và mãn nguyện về công sức, cố gắng và hy sinh của mình. Cảm giác sung sướng như thế, ta gọi đó là hạnh phúc bởi ta thực sự ý thức được ý nghĩa của sự thành công hay thất bại của ta. Con trẻ thì không có được ý thức như thế ! Như vậy, hạnh phúc hay không, tất cả nằm ở khả năng ý thức của ta về nó.

Cả cuộc đời của Nietzsche có thể đặc trưng hoá bằng những đau đớn quằn quại và niềm cô đơn khắc khoải; thậm chí, có lúc Nietzsche đã phải thốt lên rằng “cuộc đời có còn lại gì một niềm vui nữa hay không !” (Human All Too Human: Nietzsche, BBC, 1999). Nhưng với một triết lý lạc quan, khẳng định đời sống, Nietzsche đã biến cuộc đời khổ lụy đó thành sung mãn, sáng tạo và ý nghĩa qua sự nghiệp văn chương triết lý vĩ đại và phi thường như hậu thế biết đến. Cho cùng, ta có thể kết luận, như Camus về nhân vật Sisiphys rằng Nietzsche ắt phải là hạnh phúc. Đó là biện chứng của cuộc đời biểu hiện ở Nietzsche, mà ở đó hạnh phúc tuyệt vời quyện lẫn trong đau khổ ngây ngất. Giả như có ai hỏi Nietzsche có thể sống lại cuộc đời như thế một lần nữa, hay ở vô lượng lần ? Chắc chắn, câu trả lời của Nietzsche sẽ là một tiếng "vâng" lớn – khẳng định lại triết lý qui hồi vĩnh cửu của mình – một lần nữa hay ở vô lượng lần rằng, cuộc đời đáng sống.

Nguyễn Thanh Giản

(Nguồn: http://www.diendan.org)

Tham khảo

The Art and Thought of Heraclitus, Charles H. Kahn (Cambridge University Press, 1970)

Nietzsche The Man and His Philosophy, Revised Edition, R.J. Hollingdale (Cambridge University Press, 2001)

Nietzsche, Richard Schacht (London and New York, 1992)

Tác phẩm của Nietzsche

Ghi chú : Để cho việc liệt kê, trích dẫn nhanh chóng, gãy gọn, nguồn tham khảo những tư tưởng hay câu văn từ những tác phẩm của Nietzsche, tác giả sử dụng trong bài này những tên viết tắt theo biểu đồ tham chiếu sau đây:

A - Anti-Christ, bản dịch của R.J. Hollingdale (Penguin Books, 1990)

BGE - Beyond Good and Evil, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Viking Press, 1954)

BT - The Birth of Tragedy, bản dịch online của Ian Johnston

http://records.viu.ca/~johnstoi/Nietzsche/tragedy_all.htm

D - Daybreak, bản dịch của R.J. Hollingdale (Cambridge: Cambridge University Press, 1982)

EH - Ecce Homo, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1967)

GM - On the Genealogy of Morals, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1967)

GS - The Gay Science, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1974)

HH - Human, All Too Human, bản dịch của R.J. Hollingdale (New York: Cambridge, 1996)

OTL- On Truth and Lies in a Nonmoral Sense, bản dịch của Walter Kaufmann (The Viking Portable Nietzsche)

PTA - Philosophy in the Tragic Age of the Greeks, bản dịch online của Maximillian A. Mügge

http://users.compaqnet.be/cn127103/Nietzsche_various/philosophy_during_the_Tragic_Age.htm

TI - Twightlight of the Idols, bản dịch của R.J. Hollingdale (Penguin Books, 1990)

WP - The Will to Power, bản dịch của Walter Kaufmann và R.J. Hollingdale (New York: Vintage Books, 1968)

Z - Thus Spoke Zarathustra, bản dịch của Clancy Martin (New York: Barnes and Noble Classics, 2005)

[1Khác với quan niệm trong Nguồn Gốc của Bi Kịch với sự hài hoà của hai nguyên lý Apollo và Dionysus, Nietzsche sau này trong tác phẩm Đây Là Người sau cùng, thiên về tinh thần Dionysus triệt để hơn.