Vụ vỡ hụi gây thiệt hại 50 tỷ đô-la

Tất cả các báo đài trên thế giới ngày 15/12 đều đưa tin về vụ vỡ hụi gây ra bởi sự lừa đảo của Bernard Madoff, người sáng lập và chủ tịch công ty chứng khoán đầu tư Bernard L. Madoff Investment Securities LLC thành lập năm 1960, có thể gây ra thiệt hại tới 50 tỷ USD. Tin này đang làm rung chuyển giới tài chính cả thế giới.

Tối 10/12 chính hai con trai của Madoff tố cáo vụ này và sáng sớm hôm sau một nhân viên FBI (có một đồng sự của Madoff đi kèm) đã đến nhà riêng của tội phạm và còng tay giải đi. Tin này để lại nỗi kinh hoàng cho nhiều người, vì xưa nay Madoff có uy tín rất cao trong giới đầu tư ở phố Wall. Thậm chí trên website của công ty Madoff hôm ấy vẫn còn chưa gỡ bản tuyên bố: “Quý khách đều biết Bernard Madoff tôi có một lý lịch hoàn mỹ không tỳ vết, luôn cố gắng giao dịch công bằng và tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức cao thượng...”

Ngành Kiểm sát cho biết Madoff đã dùng tiền nhận được từ các nhà đầu tư này để trả lãi cho các nhà đầu tư khác và qua đó che đậy tổn thất của công ty mình. Hiện nay phía Kiểm sát và các cơ quan giám sát quản lý còn chưa xác định được mức độ thiệt hại của các nhà đầu tư cũng như tài sản Madoff hiện sở hữu. Con số 50 tỷ USD chỉ là ước tính của Madoff. Ngành Kiểm sát cáo buộc Madoff qua việc điều hành một Quỹ Phòng hộ (Hedge fund) đã làm các nhà đầu tư thiệt hại khoảng 50 tỷ USD, và cho biết Madoff bắt đầu vụ lừa đảo này ít nhất từ năm 2005. Cáo trạng cáo buộc Madoff tội gian lận chứng khoán; nếu tội danh này được thành lập thì Madoff có thể bị tù nhiều nhất 20 năm và phạt tiền 5 triệu USD. Madoff đã nộp 10 triệu USD bảo lãnh và do đó được tại ngoại (sic!). Báo New York Times cho rằng đây có thể là vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử phố Wall.

Chân dung kẻ lừa đảo

Bernard Madoff 70 tuổi là một chuyên gia đầu tư lừng danh có thâm niên hoạt động gần nửa thế kỷ tại phố Wall, từng có thời làm chủ tịch thị trường chứng khoán Nasdaq và ủy viên ban chấp hành Hội các nhà giao dịch chứng khoán toàn quốc (National Association of Securities Dealers), là ủy viên của nhiều ủy ban thuộc Hội này. Các đồng sự của Madoff nói ông ta là người rất đáng mến, công bằng chính trực trong giao tiếp, khảng khái làm từ thiện. Nhà môi giới tại Sở Giao dịch chứng khoán New York đã nghỉ hưu Frank Christensen nói Madoff đối xử rất tốt với các nhân viên của mình, thường rủ họ đi chơi trên chiếc tàu đánh cá riêng của ông. “Tôi thật sự kính trọng ông ấy. Con người ai chẳng phạm sai lầm” – Frank nói.

Madoff và vợ sống trong một căn nhà giá trị trên 5 triệu USD ở khu Manhattan thuộc New York. Hàng xóm nhận xét ông ta rất thân thiện, gần gũi với mọi người. Ngoài ra Madoff còn có một toà nhà ở Roslin và một biệt thự ở ven biển.

Madoff là người tiên phong đề xuất giao dịch điện tử bên ngoài sàn, hồi thập niên 80 ông từng dốc sức vào việc xây dựng cơ chế giao dịch minh bạch, công bằng. Ông có đóng góp lớn vào việc cạnh tranh giữa sàn Nasdaq với sàn NYS và lôi kéo các công ty Apple, Google đến niêm yết tại Nasdaq.

Madoff có biệt tài tạo ra xung quanh mình một bầu không khí thần bí. Muốn trở thành khách hàng của ông ta chẳng khác gì việc xin vào một câu lạc bộ thượng lưu: chỉ có tiền mà không có người giới thiệu thì đừng hòng được vào. Nhiều người cho rằng giao tiền cho Madoff là một hình thức tượng trưng cho sự danh giá của mình. Gia nhập cái “câu lạc bộ” ấy rồi, người ta cũng chẳng hề biết chiến lược đầu tư của Madoff ra sao, ông ta không bao giờ giải thích; nếu bạn hỏi ông ta quá nhiều thì sẽ bị hất ra ngoài ngay! Tính chất “bài ngoại” ấy thể hiện trên bản danh sách những nhà đầu tư cao cấp nhất do Madoff lập ra, nó trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực nhất cho ông ta. Từ New York cho tới Florida, từ Minesota tới Texas, đầu tư vào công ty của Madoff trở thành sự lựa chọn “sành điệu” của giới đầu tư cấp cao chỉ quan tâm đến lợi nhuận ổn định. Người ta đã quen gọi công ty Madoff là “hộp đen” – cứ quẳng tiền vào đấy rồi hàng tháng lĩnh tiền lãi ở mức 1% mà chẳng cần biết công ty ấy làm gì. Qua việc thuê những người đại lý không chính thức, Madoff “đánh” vào các câu lạc bộ thôn dã (country club, tập họp những người ưa giữ gìn sức khoẻ bằng các hoạt động ngoài trời như chơi golf, bóng chày ...) – nơi tụ hội giới tinh hoa (elite) của xã hội, qua đó thực thi chính sách khách hàng “Không được mời thì đừng vào”, nhờ thế giành được nguồn ổn định các khách hàng mới. Cái tên Madoff luôn được người ta nhắc tới khi rảnh rang ở sân golf hay trong các bữa tiệc. Họ kháo nhau: vị quản lý quỹ đầu tư ấy có thể trả lãi cao cho bạn. Ken Phillips lãnh đạo một công ty đầu tư ở bang Colorado cho biết: một số ông già Do Thái gọi Madoff là “Trái phiếu Do Thái”, vì ông ta có thể trả lãi đầu tư cao tới 8-10%, năm nào cũng vậy, dù tình hình kinh tế ảm đạm đi nữa (Tham khảo: lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm có lãi suất 3% năm).

Chính con người được dư luận coi là cao thượng, yêu nghề ấy trong bao năm qua đã sử dụng nghiệp vụ tư vấn đầu tư của công ty mình để thiết kế ra một cạm bẫy lừa đảo kinh khủng. Cáo trạng của FBI cho biết, công ty Madoff bố trí bộ phận quản lý tài sản và bộ phận giao dịch làm việc ở hai tầng khác nhau trong một toà nhà; mọi tài khoản, hồ sơ đều “nằm trong két bảo hiểm” của Madoff. Mãi cho tới gần đây, do không thể chèo chống nổi trước sức ép của vụ chuộc lại một tài sản cao tới 7 tỷ USD, tối 10/12 Madoff mới thú thật với hai người con trai (cũng là cán bộ lãnh đạo công ty này) là mình “Không còn gì cả”, toàn bộ quá khứ “chỉ là một vụ lừa đảo kiểu Ponzi, làm các nhà đầu tư bị mất khoảng 50 tỷ đô-la.” (“Lừa đảo kiểu Charles Ponzi” tức là hứa trả lãi cao để lừa lấy tiền của nhà đầu tư, dùng tiền lấy từ nhà đầu tư sau trả lãi cho nhà đầu tư trước)

Thấy gì từ vụ vỡ hụi này ?

Cộng đồng giới thượng lưu ở New York và Florida đặc biệt bị sốc trước tin về vụ lừa đảo của Madoff. Mấy chục năm nay họ giao hàng tỷ đô-la cho con người ấy mà chẳng hề lo lắng gì. Ira Roth ở New Jersey nói gia đình ông đã đầu tư 1 triệu USD vào công ty Madoff, một vài khoản chi của ông cũng như chi phí nuôi mẹ vợ 86 tuổi hoàn toàn dựa vào tiền lãi đầu tư.

Vụ Madoff nói lên vấn đề hệ thống giám sát quản lý nghiệp vụ đầu tư chứng khoán Mỹ còn nhiều non yếu. Thủ đoạn lừa đảo không có gì mới và màn kịch của Madoff đâu phải không có sơ hở. Trong gần 20 năm tất cả các quỹ đầu tư do Madoff nắm đều giữ mức tăng trưởng mỗi tháng 1%, hệt như một cỗ máy được lên dây cót từ trước – điều đó thật không hợp tình hợp lý. Ngoài ra từ đây nảy sinh một nghi vấn: nếu lợi nhuận tốt thế thì vì sao không dứt khoát từ bỏ nghiệp vụ mua bán chứng khoán mà chỉ làm một việc hái ra tiền là nghiệp vụ đầu tư vào các quỹ phòng hộ (hedge fund) ? Chưa kể một khâu chết người nữa là kiểm toán tài chính: theo ghi chép của Hội các nhà giao dịch chứng khoán toàn quốc, tính đến 17/11 năm nay tài sản do công ty Madoff quản lý là 17,1 tỷ USD, thế mà bao năm nay công ty chỉ sử dụng mỗi một phòng kế toán hoàn toàn không tương xứng với khối lượng nghiệp vụ ấy – chỉ có 3 nhân viên làm việc trong một căn phòng nhỏ 20 mét vuông ! Thế mà nạn nhân của vụ lừa đảo này lại toàn là các đại gia sừng sỏ trong lĩnh vực đầu tư trên toàn thế giới !

Các nạn nhân

Hiện nay chưa thu thập đầy đủ họ tên các nạn nhân của vụ vỡ hụi này, chỉ biết rằng bản danh sách ấy đang ngày một dài thêm. Họ là những nhà giàu, người hưu trí, các cơ quan tài chính có thế lực và cả các tổ chức từ thiện. Harvey Pitt nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ nói: “Trong vụ này có nhiều khoản tiền từ thiện, tiền của các quỹ tài trợ và đó thực sự là một bi kịch”. Quỹ từ thiện Robert I. Lappin ở Boston cho biết đã gửi hết vào công ty Madoff kinh phí hoạt động của quỹ. Một trong những người giàu nhất Thượng viện Mỹ là Frank Lautenberg (Thượng nghị sĩ bang New Jersey) đã giao cho Madoff 765 nghìn đô-la trong quỹ từ thiện của gia đình ông.

Có vài chục nhà đầu tư sừng sỏ bị thiệt lớn trong vụ vỡ hụi này, thí dụ Fred Wilpon ông chủ đội bóng chày Metropolitan; Ezra Merkin Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dịch vụ tài chính của General Motors (GMAC LLC); Norman Braman cựu chủ nhân đội bóng bầu dục Chim Ưng thành phố Philadelphia. Ít nhất 3 quỹ đầu tư vào các quỹ phòng hộ bị thiệt hại lớn. Fairfield Greenwich Group cho biết cho tới hôm 1/11 họ đã đầu tư vào công ty Madoff 7,5 tỷ USD. Con số của Tremont Capital Management là mấy trăm triệu USD. Hôm 12/12 Maxam Capital Management công bố số tiền họ đầu tư vào công ty Madoff đã bị thiệt hại 280 triệu USD.

Các ngân hàng lớn nhất châu Âu cũng là nạn nhân vụ này vì đã “chót” đầu tư vào công ty Madoff. Royal Bank của Scotland nói họ bị mất khoảng 601 triệu USD. Ngân hàng Hong Kong-Thượng Hải HSBC nói đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Riêng các ngân hàng và quỹ đầu tư có trụ sở ở Thụy Sĩ mất hơn 4,22 tỉ USD. Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Reichmuth & Co. mất 327 triệu USD. Ngân hàng Pháp BNP Paribas ước tính 350 triệu Euro của họ hiện nằm trong tay Madoff. Grupo Santander SA ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha đã đầu tư vào quỹ của Madoff 2,3 tỉ Euro. Công ty môi giới lớn nhất Nhật Bản là Nomura Holdings cho biết họ bị lừa 27,5 tỉ yen (306 triệu USD).

Hôm 11/12, Ike Sorkin, luật sư của Madoff nói: “đây là một bi kịch”, “chúng tôi sẽ cố hết sức giải quyết vụ này để giảm tới mức tối thiểu các thiệt hại.”
Hiện nay các báo chưa bình luận gì về tác hại của vụ vỡ hụi Madoff, có thể là để tránh gây tác động domino. Số tiền 50 tỷ USD biến mất vào đâu là một câu hỏi khiến mọi người suy nghĩ. Thậm chí tờ Zaobao của trung tâm tài chính Singapore hôm nay (16/12) hoàn toàn không đưa tin về vụ lừa đảo này.

Nguyên Hải tổng hợp từ các mạng