Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Ngày nay > Khi văn hóa nông thôn đi vào hội hoa đô thị

Khi văn hóa nông thôn đi vào hội hoa đô thị

Thứ Ba 6, Tháng Giêng 2009

Các em học sinh Hà Nội ngắt hoa ngay tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ (Ảnh: BẢO PHƯỢNG, chụp ngày 2/1/2009). Ban tổ chức cần phải lường trước vấn đề tâm lý của người dân để có những biện pháp quản lý lễ hội tốt hơn.

Sự cố xảy ra trong lễ hội hoa ở Hà Nội tiếp tục nhận được các kiến giải, góp ý của các chuyên gia về văn hóa học. Pháp Luật Tp HCM đã có cuộc trao đổi với GS Trần Ngọc Thêm, Trưởng khoa Văn hóa học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp HCM), để tìm hiểu vấn đề trên một cách thấu đáo hơn.

GS Trần Ngọc Thêm nhìn nhận: Xem lại các thông tin, hình ảnh trên báo chí phản ánh về sự cố ở lễ hội phố hoa của Hà Nội, cùng với sự cố ở lễ hội hoa anh đào trước đây, có thể thấy hành động này là không bình thường, không cá biệt mà mang tính quy luật. Trong khi đó, các lễ hội hoa ở TP.HCM cũng có diễn ra hành động này nhưng rất ít và có thể xem là ngoại lệ, bình thường.

Văn hóa làng xã: Bẻ hoa chơi xíu là bình thường

- Nhưng có thể lý giải “cái quy luật” của những hành động bất thường trên như thế nào cho đúng bản chất của nó, thưa GS?

+ Xét về mặt văn hóa, những hành động này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra. Trong cuộc sống nông thôn, làng xã, hoa ít được trồng mà mọc tự nhiên, nếu trồng thì cũng trồng rất nhẹ nhàng. Vì thế hoa được xem như bình thường, có quý hơn các loại hoa quả dùng để ăn uống khác nhưng không quý như hoa ở đô thị. Có thể thấy ở nông thôn, nếu có ra đường ngắt hoa, bẻ hoa chơi một lúc cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng khi mang thói quen này vào đô thị thì không bình thường xíu nào cả.

Mặt khác, văn hóa làng xã của xã hội nông nghiệp gây ra cách ứng xử hai mặt - ta (chúng ta) và ngoài chúng ta. Trong làng ứng xử kiểu khác, ngoài làng ứng xử kiểu khác. Trong làng là quan hệ giữ quen biết của những người sống rất lâu đời với nhau. Còn người nhập cư được xếp thành một dạng riêng và được ứng xử bằng một thái độ khác. Chính quan hệ quen biết và thân thiết tạo nên sự ổn định và tốt đẹp của làng xã. Chẳng hạn, hiện tượng ăn cắp, ăn cướp trong một làng thường rất ít. Nhưng khi bước ra khỏi ngôi làng, người ta ứng xử theo một lối khác. Người ta không cần phải gìn giữ những ứng xử đó. Vì người ngoài làng là người không quen biết, dẫn đến ứng xử tự do hơn. Lối ứng xử hai mặt này là đặc điểm ứng xử của văn hóa nông nghiệp lúa nước. Ngay cả như ở Hàn Quốc, Nhật Bản đều tồn tại lối ứng xử văn hóa hai mặt này.

Vì những lý do nằm trong bản chất của một nền văn minh nông nghiệp, cùng đó là lối sống của môi trường làng xã còn đậm chất ở nhiều người dân Hà Nội nên đã gây ra sự cố trong những lễ hội hoa vừa qua.

Chất quốc tế không theo kịp chất nông thôn

- Thưa ông, chất thanh lịch của người Hà Nội đã tạo nên một nét văn hóa đẹp. Quá trình đô thị hóa ở đây cũng diễn ra một thời gian khá lâu. Thế vì sao chất nông thôn lại đậm nét ở đô thị Hà Nội như vậy?

+ Ở đây còn có vấn đề mở cửa. Trong thời mở cửa, các đô thị Việt Nam đều tiếp nhận chất quốc tế, đồng thời theo đó là chất nông thôn. Quá trình di chuyển giữa các vùng miền diễn ra rất mạnh, người dân nông thôn cũng tràn vào các đô thị nhiều hơn. Điều này dẫn đến tình trạng: có khi chất quốc tế không bổ sung kịp, không nhiều bằng chất nông thôn.

Đối sánh với TP.HCM, có thể thấy trước thời đổi mới, mở cửa, TP.HCM đã là đô thị lớn. Sự giao lưu quốc tế đã diễn ra rất sớm ở đây, chất văn minh từ đô thị phương Tây thâm nhập vào sâu trong những ứng xử cụ thể. Có thể thấy điều này qua văn hóa buôn bán của người Sài Gòn trước đây: họ buôn bán theo kiểu phương Tây cho nên ít kiểu lừa lọc, giả dối. Vào thời mở cửa, dù sự giao lưu giữa các vùng miền diễn ra mạnh, chất văn minh của đô thị có giảm nhưng nó vẫn còn rất đáng kể.

Trong khi đó, ở Hà Nội, chất nông thôn tồn tại khép kín trong một thời gian khá dài. Khi mở cửa, chất nông thôn đi vào đô thị nhiều hơn chất quốc tế. Mới đây, khi Hà Nội mở rộng ba lần thì chất nông thôn cũng tăng lên. Kéo theo đó, chất thanh lịch của Hà Nội cũng giảm xuống. Đó là một sự thật không thể nhắm mắt làm ngơ được!

Hiện tượng bẻ hoa, cướp hoa thậm chí có người còn mắng bảo vệ là vô văn hóa lúc anh này ngăn chặn hành động của họ trong khi họ đang giật hoa. Vì sao thế? Vì người ta coi đó là chuyện hồn nhiên, họ không thấy xấu hổ gì cả, không biết mình thiếu văn hóa. Đó là bản chất của văn hóa làng xã mà tôi nói trên đây.

Lường trước được tâm lý nông thôn mới tổ chức tốt

- Phải chăng ban tổ chức đã không để ý tới vấn đề tâm lý nông thôn mà GS phân tích nên không lường trước được mọi sự để có biện pháp bảo đảm trật tự tốt hơn?

+ Đúng. Việc quản lý Hà Nội nói chung cũng như khi tổ chức những lễ hội hoa lớn như thế này phải biết tới những vấn đề trên. Trong khi chúng ta mở cửa để đưa chất nông thôn vào đô thị, cụ thể là mở cửa để mọi người đều được vào hội hoa thì cũng phải lường trước được mọi việc có thể diễn ra chứ.

Chúng ta không thể trách họ được mà phải tính trước tâm lý của người dân để có hình thức quản lý chặt chẽ hơn. Vì đây không chỉ là tâm lý đám đông nói chung mà là tâm lý đám đông nông dân.

Ban tổ chức lễ hội chưa nhận thức đầy đủ được vấn đề trên một cách thấu đáo, cho nên khi diễn ra sự cố này, dù trước đây đã có nhưng vẫn chưa ứng xử cho kịp: lực lượng bảo vệ chưa đủ; sự phối hợp với lực lượng an ninh cũng chưa thật chặt chẽ. Đây là một thiếu sót rất lớn trong khâu tổ chức.

- Có ý kiến cho rằng đó là hệ quả từ nền giáo dục của xã hội ta chưa chú trọng đúng mức việc dạy cho người ta biết hổ thẹn trước những sai trái, dù nó nhỏ. GS nghĩ thế nào về điều này?

+ Tất nhiên giáo dục là một biện pháp quan trọng nhưng đó là cả một quá trình. Việc cần thiết là phải tính tới các biện pháp mạnh. Trước mắt, chúng ta phải áp dụng cứng rắn, kiên quyết với các biện pháp bằng luật, mang tính trừng phạt thì có lẽ việc tổ chức lễ hội hoa sẽ hiệu quả hơn và lối ứng xử văn minh cũng sẽ được cải thiện nhiều hơn.

- Xin cảm ơn ông!

MINH CƯỜNG (Pháp Luật Tp HCM) thực hiện


Xem online : Đừng đổ lỗi cho "văn hóa nông thôn"!