Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Thi ca > Jaroslav Seifert (1901-1986)

Jaroslav Seifert (1901-1986)

Nobel văn học 1984

Thứ Tư 7, Tháng Giêng 2009, bởi Cong_Chi_Nguyen

Tiểu sử

Jaroslav Seifert (1901-1986) là nhà văn, nhà thơ và nhà báo người Séc sinh tại Žižkov, ngoại ô TP Praha dưới thời đế quốc Áo-Hung. Bố ông, Antonín Seifert (sinh 1861), từng làm thợ khoá, viên chức, nhà buôn tranh và thợ chỉnh hình. Mẹ ông là Marie Seifertová (tên khai sinh Marie Borutová), sinh 1873.

Jaroslav Seifert theo học một số trường gymnázium (một loại trường trung học tại Séc), nhưng bỏ học sau năm thứ sáu vì nghỉ nhiều. Trong thời gian này ông hay đi bán thơ của mình tại những quán bia Praha. Tập thơ đầu tiên của ông được xuất bản năm 1921.

Jaroslav Seifert là thành viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, biên tập viên của nhiều tờ báo và tạp chí cộng sản như Rovnost, Srsatec, Reflektor và từng làm nhân viên của một nhà xuất bản cộng sản. Trong thập niên 1920, ông được coi là lá cờ đầu trong văn học nghệ thuật tiền phong của Tiệp Khắc. Ông là một trong những người sáng lập của tạp chí Devětsil,

Tháng 3 năm 1929, ông và sáu nhà văn cộng sản khác bị đuổi ra khỏi đảng vì ký tên vào bản tuyên ngôn chống đối lại xu hướng Bolshevik của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Cũng năm đó Seifert bỏ nghề báo để chuyên tâm vào văn học.

Thơ của ông nhận được nhiều giải quốc gia quan trọng trong những năm 1936, 1955 và 1968. Năm 1967 Seifert được phong là Nghệ sĩ quốc gia. Ông trở thành chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Tiệp Khắc trong nhiệm kỳ 1968-70. Năm 1977, ông là một trong những người ký tên vào Hiến chương 77 đối lập với chế độ đương thời. Năm 1984, Seifert nhận được Giải Nobel văn chương. Ông mất năm 1986 và được chôn cất tại nghĩa trang thành phố Kralupy nad Vltavou, nơi ông bà ngoại của ông từng sống.

Tác phẩm

Thơ Jaroslav Seifert đã được các dịch giả Dương Tất Từ và Lương Duyên Tâm giới thiệu và dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Séc.

Những người chết ở Liđixe  [1]

Bầy chim én bay về không thấy tổ
cũng không tìm thấy cả những mái nhà đơn sơ
chúng thầm lặng lượn vòng quanh thương xót
những hàng cây gục ngã bên đường
như vương trượng nhà vua gãy gục
Còn các anh những người nằm dưới mộ
các anh lê gót trên con đường vực thẳm
trong đêm tối các anh đi và vươn cao lồng ngực
như muốn lấy thêm nghị lực luống cày những mùa sau
Chim chiền chiện sẽ tìm đến các anh nơi âm phủ
chúng sẽ nghe thấu các anh hơn con người nhắn nhủ
cái loài chim hiểu thấu tiếng người
và biết đâu các anh sẽ nghe được lời ca của chúng
Chúng sẽ hót ngợi ca về mảnh đất các anh nằm
về nỗi căm thù chưa kịp thốt lên khi môi các anh khép lại
hót về tấm bia đá đặt trên bao ngôi mộ
thầm lặng khắc tên các anh
Chúng hót về nỗi đau khi quân thù mang con các anh đi
về tiếng khóc khiến các anh thắt lòng nơi góc xóm
khi đạn lên nòng chúng sắp sửa bắn các anh
sự điên rồ không cần thời gian suy ngẫm
Chim hót về nỗi kinh hoàng trên khóe mắt
những người phụ nữ bị nhốt trong thùng xe khép chặt
những thân cỏ héo khô không còn biết đau nữa
không còn ánh sáng, không còn hy vọng
Chim hót về cái khoảnh khắc tĩnh lặng tuyệt vời
khi chỉ còn lại một tiếng thở dài thôi
chúng ngợi ca tất cả những gì đẹp đẽ của nhân dân
với lòng tôn kính, chúng tôi đi vòng quanh nấm mộ
Cho đến hôm nay những con chiền chiện vẫn hót
mãi mãi ngợi ca mảnh đất thanh bình
ngợi ca những bông hồng đang đắm mình trong suy tưởng
mà bọn chúng ngày nào đã dẫm đạp dưới giày đinh

Bài thơ trên tấm thảm treo tường

Praha!
Ai đã một lần trông thấy
cái tên đó sẽ mãi còn vang vọng
và đọng lại trong tim
Thành phố là một bài ca
được chăm chút qua bề dày năm tháng
hãy để cho bài ca đó ngân vang
cho chúng ta mến yêu
Những ngày đầu hạnh phúc của đời tôi
đã tung bay trên các mái nhà thành phố
như những chiếc đĩa bay
rồi chúng biến đi đâu - nào ai biết
khi tôi còn trai trẻ
Có một lần tôi áp má
vào một phiến đá chân tường
đâu đó trên sân Lâu đài [2]
trong tai tôi bỗng nghe vọng lại
Những tiếng gầm thảm thiết
Một thứ tiếng gầm đã rền vang bao thế kỷ
nhưng phiến đá vẫn nồng ấm nguyên si
sự nồng ấm của thời Bila Hora [3]
phiến đá thì thầm bảo tôi:
bạn hãy đi và sẽ ngạc nhiên
bạn hãy cất lời ca và phải biết hát cho ai
nhưng đừng nói dối!
Tôi đã đi
và không nói dối
Riêng với tình yêu
có đôi chút ngoại lệ.

Dương Tất Từ dịch

CHIẾC GƯƠNG CỦA MẸ

Chiếc gương khung mạ vàng của mẹ
Theo thời gian lớp bạc mờ dần
Gần nửa đời mẹ soi gương chải tóc
Những ngày đầu gương hãy còn trong
Chiếc gương treo bên cửa sổ, trên chiếc đinh
nó nhìn mẹ, nhìn con
mà sao không cười nhỉ?
Hồi ấy mẹ trẻ trung vui vẻ
gương mặt người chưa có nếp nhăn
mà nếu có chắc là rất ít
Bên chiếc cối xay mẹ hát
mẹ nhảy cùng cha điệu valse hạnh phúc
Mỗi khi nhớ về thời tuổi trẻ đã qua
mắt người ánh lên những tia lấp lánh
Những sợi tóc lấy ra từ chiếc lược
mẹ cuộn tròn nhằm phía cửa ném đi
Tôi nhìn thấy những nếp nhăn nho nhỏ
Trên thái dương quanh khoé mắt người
Rồi khung gương theo tháng năm biến dạng
lớp thuỷ tinh ngày một rạn dần
Khi chiếc gương chỉ còn một nửa
mẹ vẫn soi khi chải tóc mình
Thời gian trôi, tóc mẹ dần bạc hết
mẹ chẳng còn nhìn ngắm bản thân
Sống một mình đã quen, khi có người gõ cửa
mẹ đi ra cùng chiếc tạp dề đen
Tôi bước vào nhà. Giờ tôi không dám
không còn ai nơi ngưỡng cửa nắm tay tôi
Chiếc gương vẫn treo trên tường mà tôi không thấy
bởi lệ trào nhoè ướt mắt tôi.

CHIẾC TẨU CỦA CHA

Buổi tối trước giờ đi ngủ
Cha tôi thường hút thuốc nơi hành lang
Lấy thuốc từ chiếc túi con, cha tra vào tẩu
Một đám khói xanh lặng lẽ tan dần
Những gì ta hằng mến yêu
Ta sẽ còn yêu mến mãi.
Rồi khi bóng đêm chìm xuống
Tôi thấy vầng trán cha bừng sáng
Trong ánh lửa que diêm
Cuộc đời ta rồi sẽ ra sao
Nếu không còn ký ức?
Với tôi, những quầng khói xanh tỏa ra từ chiếc tẩu của cha
Là kỷ niệm đẹp nhất đời.
Nhưng mẹ không hài lòng
Vì cha để vương vụn thuốc lá ra sàn
Dù mẹ chỉ hơi bực mình cho có lệ.
Khi chiếc tẩu nguội dần
Cha rụt rè thanh minh:
Ai hút thuốc mà không để rơi một ít tàn.
Đám khói xanh lặng lẽ tỏa lan
Những gì ta hằng mến yêu
Ta sẽ còn yêu mến mãi.
Bên cửa sổ hành lang
Nghiêng mình trước cái tẩu của cha
Mẹ cố kìm tiếng khóc
Cái tẩu đã không còn làm mẹ ưu phiền
Nó như bông hoa tỏa mùi hương thơm ngát
Mẹ nhẹ nhàng vuốt ve cái tẩu
Rồi đặt nó giữa những viên ngọc trai
Quầng khói xanh
Lặng lẽ tỏa lan
Những gì ta hằng mến yêu
Ta sẽ còn yêu mến mãi.

Lương Duyên Tâm dịch


[1Lidice: Một địa điểm ở ngoại ô Praha. Nơi đây, ngày 10/6/1942 phát xít Đức đã thiêu hủy và bắn chết 184 người đàn ông, 196 phụ nữ và 96 trẻ em bị đưa vào trại tập trung. Sau năm 1945, làng này dã được xây dựng lại cùng với một vườn hoa hồng do nhiều nước trên thế giới gửi đến trồng.

[2Lâu đài Hradcany: khu di tích thuộc hàng số một của Cộng hoà Séc, cung điện của vua chúa ngày xưa ở thủ đô Praha, nay là Phủ Tổng thống.

[3Bila Hora (Núi Trắng): một địa danh cổ ở phía tây thành phố Praha. Nơi đây, vào năm 1620 đã diễn ra một trận giao tranh trong hai tiếng đồng hồ. Đội quân của những người yêu nước thất bại, từ đó nước Tiệp lâm vào cảnh gần 300 năm bị ngoại bang đô hộ (1620 - 1918).