KHÁI NIỆM THUẬT NGỮ
standardTrước khi bắt tay vào công việc xây dựng thuật ngữ tin học Việt Nam, thiết tưởng cũng nên thống nhất một số khái niệm chung về thuật ngữ theo thông lệ quốc tế.
I. Thuật ngữ là gì?
a. Định nghĩa thuật ngữ:
— Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học và công nghệ, chủ yếu để dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.
b. Đặc điểm của thuật ngữ:
— Đặc điểm thứ nhất: khác với từ ngữ phổ thông, mỗi thuật ngữ thuộc một lĩnh vực khoa học, công nghệ chỉ biểu thị một khái niệm và ngược lại mỗi khái niệm trong lĩnh vực đó chỉ được biểu hiện bằng một thuật ngữ.
— Đặc điểm thứ hai: khác với từ ngữ phổ thông, thuật ngữ không có tính biểu cảm.
II. Cách định nghĩa từ ngữ
a. Cách thứ nhất (dùng trong sách báo đại chúng):
— Giải thích bằng các đặc tính bên ngoài, dựa trên nhận thức cảm tính hoặc những khái niệm phổ thông (ai cũng có thể hiểu được).
b. Cách thứ hai (dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ):
— Giải thích thông qua các kết quả nghiên cứu bằng phương pháp khoa học và dựa trên những khái niệm khoa học hoặc công nghệ.
III. Sử dụng thuật ngữ
— Muốn thống nhất việc dùng thuật ngữ và hiểu cho chính xác thì phải có định nghĩa hoặc giải thích thuật ngữ trong lĩnh vực khoa học hoặc công nghệ tương ứng và có lưu ý đến văn cảnh sử dụng thích hợp.
— Trong văn bản bên ngoài lĩnh vực, nếu việc dùng một thuật ngữ có thể gây nhập nhằng (vì có nghĩa khác ở lĩnh vực khác) thì phải chú thích, ít nhất cũng cần lưu ý bằng cách in nghiêng hoặc đặt vào ngoặc kép.
— Thuật ngữ không được biểu hiện những sắc thái xúc cảm gây mâu thuẫn về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, chính trị, giai cấp, địa vị, tuổi tác...
— Khác với từ ngữ văn chương, việc công nhận thuật ngữ cần có cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và ban hành.
IV. Cách đặt tên thuật ngữ
a. Kế thừa:
— Sử dụng từ ngữ có sẵn trong từ điển nhưng được định nghĩa lại cho phù hợp lĩnh vực của thuật ngữ.
b. Vay mượn:
— để nguyên: trong trường hợp thuật ngữ đã được dùng phổ biến hoặc không gây hiểu nhầm.
— phiên âm: trong trường hợp từ nước ngoài được phiên âm và dùng phổ biến hoặc từ mới nhưng khó phát âm đúng.
c. Tạo mới:
— dùng từ có âm mới hoặc chữ mới hoặc hoàn toàn mới cả âm và chữ.
— dùng cụm từ có một bộ phận mới hoặc hoàn toàn mới.
V. Tiêu chí chọn thuật ngữ
Mỗi thuật ngữ cần đạt được một số tiêu chí dưới đây và đó cũng là những tiêu chí cho phép đánh giá lựa chọn trong trường hợp có nhiều ứng viên cùng đề xuất cho một khái niệm.
a. Tính khoa học:
— chính xác,
— khách quan,
— quốc tế.
b. Tính tiện dụng:
— dễ nhớ,
— dễ viết,
— dễ đọc.
c. Tính bền vững:
— phù hợp với nhiều cấu trúc cú pháp,
— khó thay đổi theo thời gian.
d. Tính phổ biến:
— được đại đa số dùng quen (dù không chính xác).
Lưu ý:
— phổ biến không đồng nhất với đại chúng,
— không phải ai cũng biết một ngoại ngữ
— không phải nhà khoa học hoặc công nghệ nào cũng biết nhiều ngoại ngữ.
Nguyễn Chí Công,
Trưởng Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn CNTT
TCVN/JTC1
(còn nữa)