Tình hình Trung Đông đầu năm Kỷ Sửu
Trung Đông27-12-2008 Israel ném bom các cơ quan Hamas tại Gaza và từ đêm 3-1-2009 đưa bộ binh tiến vào đây. Cho tới 6-1 phía Palestine đã chết hơn 700 người, bị thương ngót 3000 (theo LHQ có 25% số thương vong là dân thường), phá hủy nhiều nhà cửa. Dư luận thế giới đều lên án hành động của Israel và kêu gọi ngừng bắn.
Ai cũng biết nước Mỹ xưa nay vẫn là đồng minh số một của Israel. Từ sau đại chiến II, Mỹ dần dần thay thế vai trò của Anh tại Trung Đông nhằm kiểm soát khu vực có tầm chiến lược quan trọng toàn cầu do nơi đây cung cấp phần lớn dầu mỏ cho cả thế giới, và cũng là vùng đất được gọi là “thùng thuốc súng” do các mâu thuẫn tôn giáo dân tộc gay gắt kéo dài mấy nghìn năm giữa người A Rập với người Do Thái – hai dân tộc này đều nhận xứ Palestine (thời cổ là một phần của xứ Canaan) là đất của mình. Tháng 11/1947 Liên Hợp Quốc (LHQ) ra nghị quyết 181 quy định trên mảnh đất rộng 27 nghìn km2 của xứ Palestine sẽ thành lập một nhà nước cho người A Rập và một nhà nước cho người Do Thái, riêng thành phố Jerusalem được quốc tế hoá. Ngày 14/8/1948 người Do Thái lập quốc gia Israel hai triệu dân trên xứ Palestine. Người A Rập không tán thành nghị quyết 181, họ không lập nhà nước của mình mà còn cùng quân đội 5 nước A Rập xung quanh tấn công Israel; ai ngờ bên A Rập thua to. Sau đấy giữa hai bên còn nổ ra mấy cuộc chiến tranh đẫm máu khác, kết cục Israel đều thắng, họ chiếm thêm nhiều lãnh thổ của người A Rập và toàn bộ phần đất LHQ định thành lập nhà nước Palestine - gồm Dải Gaza và vùng Bờ Tây sông Jordan (viết tắt Bờ Tây). Người Palestine mất đất phải sống lưu vong ở các nước A Rập hoặc trong các trại tị nạn trên đất bị Israel chiếm. Năm 1964, ông Arafat thành lập Phong trào Giải phóng Palestine PLO lãnh đạo dân Palestine đấu tranh vũ trang đánh đuổi người Israel chiếm đóng. PLO được nhân dân thế giới ủng hộ, năm 1974 được LHQ công nhận là đại diện của nhân dân Palestine. Israel lập nhiều khu định cư cho người Do Thái trên đất của Palestine, gồm 21 khu ở Dải Gaza và 145 khu ở Bờ Tây, ở xen lẫn với người Palestine, cho nên hai bên thường xuyên xung đột mà kết cục người Palestine đều bị thiệt. Israel ngày một mạnh về kinh tế và quân sự lại được Mỹ viện trợ, các nước A Rập không đánh lại nổi bèn hoà giải với Israel, đầu tiên là Ai Cập (1979) rồi Jordan (1994). Do lực lượng yếu nên các cuộc chiến đấu của PLO thường thất bại; tuy vậy do họ không ngừng đánh bom liều chết tấn công người Do Thái ở lẫn với họ nên phía Israel cũng không được yên ổn. Sau khi Liên Xô tan rã, PLO mất chỗ dựa quan trọng, Mỹ kiểm soát tình hình Trung Đông, vì thế PLO bắt đầu muốn chuyển từ đấu tranh vũ trang sang hoà giải. Chính phủ Mỹ ủng hộ xu hướng này, Tổng thống (TT) Clinton đứng ra dàn xếp hai bên đàm phán với nhau. Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh, tháng 9-1993 hai bên ký hiệp định hoà bình đầu tiên. PLO tuyên bố thừa nhận quyền tồn tại nhà nước Do Thái; Israel thỏa thuận trả lại Dải Gaza và Bờ Tây cho PLO, Từ tháng 5/1994 người Palestine được hưởng quyền tự trị trên hai mảnh đất tách rời nhau này. Tự trị nghĩa là PLO tuy có chính phủ nhưng chỉ được có cảnh sát, không có quân đội, tức chưa có nhà nước chính thức. Tuy vậy hai bên còn bất đồng về các vấn đề chủ quyền đối với Jerusalem, giải quyết các khu định cư Do Thái và hồi hương người Palestine tị nạn. Tháng 6-2001, tướng Sharon theo đường lối cứng rắn lên làm Thủ tướng Israel, cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên lại nổ ra. Phía Palestine tăng cường tấn công tự sát giết dân Do Thái. Dải Gaza bị Israel phong tỏa 3 mặt, mặt còn lại giáp giới Ai Cập cũng bị rào kín; do đó đời sống của dân Palestine ở đây rất khó khăn. Sau khi sa lầy trong chiến tranh Iraq, Mỹ chủ trương tích cực hoà giải giữa hai bên. Tháng 6-2003, TT Bush đạo diễn Sharon gặp Thủ tướng Abbas của Palestine, hai bên ngừng bắn. Tuy vậy các phái quá khích của hai bên vẫn chủ trương đánh nhau, nhất là phía Palestine nội bộ chia rẽ sâu sắc dần. Sau khi lãnh tụ Arafat qua đời (11-2004), ông Abbas theo quan điểm hoà giải lên lãnh đạo Cơ quan Quyền lực tối cao Palestine, tình hình căng thẳng giảm đi rõ rệt. Israel chủ động phá hết các khu định cư Do Thái tại Dải Gaza và rút quân ra khỏi vùng này sau 38 năm chiếm đóng.
Nhưng các phái quá khích Palestine như Hamas và Jihad vẫn chủ trương tiêu diệt nhà nước Israel và chống lại phái Fatah của ông Abbas. Do Hamas làm từ thiện tốt và xây dựng được một số công trình công cộng tại Gaza nên họ được lòng dân và trong cuộc bầu cử Ủy ban Lập pháp Palestine (1-2006), Hamas thắng cử, trở thành lực lượng lãnh đạo chính phủ liên hợp Palestine. Bất đồng nội bộ Palestine ngày một gay gắt rồi trở thành đấu tranh bạo lực, Hamas mạnh hơn đã thắng Fatah và từ 6-2007 chiếm quyền kiểm soát vùng này. Sau khi bị chết 400 người do xung đột với Hamas, phái Fatah phải rút hết sang Bờ Tây – vùng này rộng gấp 16 lần Dải Gaza nhưng lại có nhiều khu định cư Do Thái). TT Abbas tuyên bố coi Hamas là bất hợp pháp, ông đã giải tán chính phủ liên hợp, thành lập chính phủ quá độ ở Bờ Tây. Mỹ ra sức viện trợ chính phủ của ông Abbas. Tại Dải Gaza, Hamas ráo riết chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Họ thành lập một lực lượng vũ trang mạnh, nhập vũ khí qua hầm ngầm thông sang Ai Cập, xây dựng nhiều công sự và địa đạo, sang Iran học kỹ thuật tên lửa. Từ Gaza, họ thường xuyên bắn rocket sang miền Nam Israel (từ 2001 tới 2008 đã bắn hơn 10 nghìn rocket).
Rocket cải tiến của họ bắn xa tới 42 km đe doạ đời sống của 10% dân Do Thái. Thị trấn Sderot của Israel cách dải Gaza có 1 dặm hầu như ngày nào cũng bị pháo kích, dân Do Thái hoảng sợ phải bỏ đi, tuy thiệt hại không lớn (từ năm 2001 tới nay Sderot chết có 13 người). Dưới sự dàn xếp của Ai Cập, ngày 18-6-2008, Israel và Hamas ký hiệp định ngừng bắn 6 tháng. Tuy vậy vẫn xảy ra xung đột nhỏ, Israel nhiều lần trả đũa bắng việc phong tỏa cục bộ Dải Gaza.
Trước ngày hiệp định hết hạn, Ai Cập đứng ra dàn xếp kéo dài ngừng bắn nhưng Hamas và 3 phái Palestine cực đoan khác tuyên bố phản đối, viện cớ Israel phong tỏa Dải Gaza. Hamas còn yêu cầu trong vòng 60 ngày sau khi ông Abbas hết nhiệm kỳ (9-1-2009), phải tổ chức bầu cử chức vụ chủ tịch Cơ quan Quyền lực Tối cao Palestine mà Hamas tin chắc sẽ thắng. Ngày 16-12, Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết 1850 yêu cầu Israel và Hamas tiếp tục đình chiến. Ông Abbas hoan nghênh nghị quyết này, nhưng Hamas phản đối. Từ 19 đến 26-12, Hamas bắn hơn 200 rocket và pháo sang đất Israel. Dân Do Thái bất mãn, cho là chính phủ họ mềm yếu. Để tranh phiếu trong cuộc bầu Quốc hộ Israel tháng 2-2009, hiện nay các lực lượng chính trị Israel (kể cả đảng Kadima của bà Livni trước đây từng tỏ ra ôn hoà) đều chủ trương đánh trả Hamas.
Với lý do tự vệ, trả đũa các cuộc bắn rocket nói trên, từ 27-12-2008 Israel ném bom các cơ quan Hamas tại Gaza và từ đêm 3-1-2009 đưa bộ binh tiến vào đây. Cho tới 6-1 phía Palestine đã chết hơn 700 người, bị thương ngót 3000 (theo LHQ có 25% số thương vong là dân thường), phá hủy nhiều nhà cửa. Dư luận thế giới đều lên án hành động của Israel và kêu gọi ngừng bắn. Đáp lại, Ehud Barak Bộ trưởng Quốc phòng Israel nói “yêu cầu ngừng chiến với Hamas thì chẳng khác gì yêu cầu Mỹ ngừng bắn với Al-Qaeda” và tuyên bố Israel chỉ nhằm tiêu diệt Hamas chứ sẽ không để xảy ra một cuộc chiến tranh Trung Đông. Lực lượng chủ lực của Hamas gồm 35 nghìn quân tới nay chưa bị thiệt hại đáng kể, họ kiên quyết chống trả không ngừng bắn và tin là Israel sẽ thất bại như trong cuộc tấn công vào Li-băng năm 2006. Trên thực tế, từ khi đưa bộ binh vào Gaza, thương vong của kính Israel tăng lên rõ rệt.
Cuộc chiến ở Dải Gaza sẽ chỉ gây đau thương cho dân thường Palestine vốn đã chịu nhiều khổ ải. Dải đất này hình chữ nhật hẹp chiều dài khoảng 50 km chạy dọc bờ biển, mật độ dân cao nhất thế giới, kinh tế không phát triển vì bị Israel bao vây 3 mặt cả trên bộ lẫn trên biển, biên giới với Ai Cập cũng bị rào kín. Toàn bộ dầu mỏ phải nhập từ đường ống đi qua It-xra-en, 80% dân sống bằng lương thực quốc tế viện trợ, cũng đi qua Israel. Bởi vậy mỗi lần Gaza bị phong tỏa thì dân vùng này không có điện, chất đốt, lương thực và dược phẩm. Từ khi Hamas hoàn toàn kiểm soát Dải Gaza, Israel lại càng tăng cường phong tỏa với hy vọng dân Palestine vì khổ sẽ chống lại Hamas. Nhưng vấn đề cấp thiết nhất là phải ngừng bắn ngay lập tức, không để thảm hoạ nhân đạo tiếp diễn.
EU hăng hái nhất trong việc này. Chủ tịch luân phiên của EU năm 2008 là Pháp lập tức đề nghị ngừng bắn 48. Tân chủ tịch EU là CH Czech lại tỏ ra thông cảm với nhu cầu tự vệ của Israel. Dân chúng châu Âu hăng hái biểu tình phản đối Israel. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp nói: bây giờ không phải là lúc nói này nói nọ mà phải cứu ngay các nạn nhân của cuộc xung đột.
Vì muốn để Israel tiêu diệt Hamas nên Mỹ chưa đồng ý ngừng bắn ngay – đây là lý do LHQ chưa ra được một nghị quyết nào để giải quyết cuộc chiến Dải Gaza. Tân TT Obama khi tranh cử từng nói nếu trúng cử thì sẽ triệu tập họp thượng đỉnh toàn cầu các nước theo đạo Islam; sau khi đắc cử ông lại ngỏ ý sẽ đến thủ đô một nước Islam đọc diễn văn ngoại giao thanh minh Mỹ “không muốn thù địch với đạo Islam”. Nhiều người hy vọng tân TT Obama sẽ có thái độ mềm dẻo hơn với các nước Islam và hạn chế Israel sử dụng vũ lực, nhưng từ hôm Israel bắn phá Dải Gaza đến nay ông lại chưa phát biểu gì, với lý do vì chưa nhậm chức nên không tiện nói, tuy ông vẫn theo sát tình hình. Dư luận cho rằng việc Obama chọn một người Do Thái là Rahm Emanuel làm Chánh văn phòng Nhà Trắng và bà Clinton có quan điểm thân Israel làm Quốc vụ khanh, cũng như việc Israel kiên quyết phản đối Mỹ đàm phán với Iran cho thấy Obama sẽ gặp khó khăn trong việc thực thi đường lối Trung Đông của mình.
Iran đang trở thành nhân tố đối trọng với Mỹ trên các vấn đề ở Trung Đông. Chính phủ Iran hết lòng giúp đỡ Hamas về tinh thần và vật chất. Liên đoàn A Rập tuy lên án Israel nhưng thái độ thiếu nhất trí. TT Palestine
Abbas vừa qua cũng lên án Israel là kẻ xâm lược dã man và doạ rút khỏi đàm phán với Israel. Các nước khác hầu như chỉ quan tâm đến khía cạnh nhân đạo của cuộc xung đột ở Dải Gaza, họ tăng cường viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân Israel. Anh và Nhật mỗi nước viện trợ 10 triệu USD, Ấn Độ - 2 triệu, TQ -1 triệu USD...
Xu hướng diễn biến cuộc chiến ở Dải Gaza
Hiện nay hơn 50% dân Israel ủng hộ biện pháp ném bom cơ sở Hamas ở Dải Gaza, 19% ủng hộ đưa bộ binh vào, chỉ có 20% chủ trương ngừng bắn. Chính phủ Israel phản đối yêu cầu ngừng bắn do cộng đồng quốc tế đưa ra. Phía Hamas cũng vậy, họ hy vọng sẽ tiêu hao lực lượng Israel khi bộ binh Israel tiến vào các đường phố ở Gaza.
Do thái độ cứng rắn của hai bên và do quốc tế chưa can thiệp đủ mạnh nên xem ra cuộc xung đột quân sự ở Dải Gaza sẽ lại như mọi lần trước, nghĩa là tăng nhiệt trong một thời gian không dài rồi mới chấm dứt.
Đây là một cuộc chiến không cân sức nhưng cuối cùng không bên nào tiêu diệt được đối phương. Bởi vậy dứt khoát phải có sự can thiệp tích cực của cộng đồng quốc tế thì cuộc xung đột này mới sớm giải quyết được. Trong tình hình hiện nay xem ra tiến triển can thiệp còn rất chậm, dường như nước nào trước hết cũng chỉ lo chống lại cơn bão táp khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều đó thể hiện ở chỗ tin về cuộc chiến ở Dải Gaza ít khi chiếm vị trí hàng đầu trên các báo in và báo điện tử của các nước.
Nguyễn Hải Hoành