Phát hiện mới nhất về người Hoà Bình cách đây 20.000 năm

Trong quá trình tu bổ khu di tích khảo cổ học hang Xóm Trại thuộc văn hoá Hoà Bình tháng 10/2008, Bảo tàng tỉnh Hoà Bình cùng các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã có nhiều phát hiện mới quan trọng về hoạt động kiếm ăn, chôn cất, đi lại và nghệ thuật của các thế hệ cư dân sinh sống trong hang này. 18h ngày 9/1/2009, viện Goethe Hà Nội đã tổ chức buổi diễn thuyết và thảo luận với sự trình bày của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, “Phát hiện khảo cổ học mới nhất về người tiền sử cách đây 20.000 năm tại khu di tích Xóm Trại, Hoà Bình”.

 Ngách lối đi cổ sớm nhất, phát hiện năm 2004. Nguồn: drnguyenviet.com

Dấu vết một nền văn hoá cổ

Hang Xóm Trại là một hang tiêu biểu của văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hang nằm trong phạm vi Mường Vang cổ thuộc địa phận Xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Theo tài liệu nghiên cứu, dân cư sống phổ biến ở hang động đá vôi ở Đông Nam Á lục địa, tập trung nhiều nhất ở vùng núi tỉnh Hoà Bình. Niên đại: từ 20.000 năm trước, từng bộ phận tách ra phát triển thành nền văn hoá như Đa Bút hoặc hội nhập thành những cư dân trồng lúa thung lũng miền núi tiền Việt Mường. Lối sống đặc trưng của dân cư vùng này là ở hang, dùng công cụ cuội ghè đẽo, mài lưỡi, mảnh tước và xương, sừng, tre, nứa, gỗ. Khai thác thức ăn tự nhiên như ốc, thú nhỏ, hạt quả củ thuộc sinh thái thung lũng đá vôi. Họ đã bắt đầu tư duy nghệ thuật nhưng chưa có táng tục, mộ táng rõ nét.

Cách nay 20.000 năm, con người đã đến sinh sống trong hang Xóm Trại. Cách kiếm ăn của họ là săn bắt và hái lượm trong thung lũng quanh hang. Các dấu vết vật chất để lại cho thấy, con người sống ở đây đã biết sử dụng các hòn đá cuội suối và xương rừng động vật để ghè đẽo và mài lưỡi thành các loại công cụ. Tàn tích thức ăn còn lại trong hang gồm nhiều loại ốc suối, xương các loại thú lớn nhỏ và các hạt quả cây rừng. Trong hang còn để lại nhiều dấu tích của bếp lửa và đôi chỗ phát hiện xương người chết chôn theo tư thế nằm co chân cạnh bếp.

Biển Đông 16000 năm TCN

Vùng đất ven Biển Đông vào khoảng 16.000 năm TCN

Những tác phẩm nghệ thuật sớm nhất của người tiền sử Việt Nam cũng được phát hiện ở hang này. Tại đây người ta tìm thấy nhiều mảnh gốm, trong đó sớm nhất là những mảnh gốm thuộc văn hoá Đa Bút cách nay 5-6000 năm. Có những mảnh gốm được trang trí hoa văn rất đẹp và những chiếc rìu nhỏ mài nhẵn toàn thân có niên đại khoảng 3.500 đến 3.200 năm. Hang được phát hiện năm 1974-75 sau đó đã được thăm dò khai quật 4 lần (1981, 1982, 1986 và 2004. Năm 2005 Bộ Văn hoá đã cấp bằng Di tích Khảo cổ học cấp quốc gia. Hiện tại hang đang được Bảo tàng Tỉnh Hoà Bình phối hợp với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đầu tư bảo quản và tôn tạo. Và hiện nay, đã có một trạm nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Hoà Bình để phục vụ công việc nghiên cứu của các nhà khảo cổ.

Vào những năm 1920, khi Pháp tiến hành làm những con đường quốc lộ, đường sắt họ cũng lập tại đây Sở địa chất Đông Dương. Các nhà địa chất Pháp đã tham gia phục vụ quá trình làm đường, tìm các mỏ, ở Châu Âu, đa số các nhà địa chất đều có rất nhiều kinh nghiệm về khảo cổ dù khảo cổ chưa được công nhận là ngành độc lập mà chỉ là ngành “con” của địa chất và mỹ thuật. Đầu thế kỉ 20, các nhà khoa học đã quan tâm và xác nhận tồn tại một nền văn hoá Hoà Bình và đã thống nhất lấy tên tỉnh để đặt tên cho nền văn hoá nơi đây. Văn hoá Hoà Bình được coi là khởi nguyên cho các thời kì đá mới lấy tên là văn hoá Đa Bút, sau đó là văn hoá hậu kì đá mới như Phùng Nguyên, Bàu Tráu, Đông Sơn… Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã chứng nhận 4 địa điểm đã được định tuổi carbon phóng xạ: Xóm Trại, Làng Vành, Hang Muối, và Xóm Tre có tuổi từ 16-20.000 năm.

18.000 năm - kết quả gây bất ngờ giới khảo cổ

Một trong những đặc trưng của nền văn hoá Hoà Bình là thực phẩm chính của dân cư nơi đây là ốc. Loài nhuyễn thể này thích hợp với khí hậu nên sinh trưởng với số lượng rất nhiều và đã trở thành nguồn thức ăn phổ biến và những hang của những người ăn ốc đã hình thành. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều vỏ ốc trắng ở trên núi.

Kết quả khảo cổ đầu tiên về hang Xóm Trại do GS Hoàng Xuân Chinh gửi sang CHLB Đức đã gây ngỡ ngàng giới nghiên cứu Việt Nam và Đức. Các nhà khoa học trong nước chỉ “ước lượng” kết quả khảo cổ vào khoảng 7-8000 năm như đã tìm thấy ở Thái Lan hay các ở các nước khu vực. Trước khi giám định bằng hệ thống carbon phóng xạ, phương pháp xác định bằng vỏ nhuyễn thể đã cho kết quả là …18.000 năm -con số hết sức gây ngỡ ngàng trong giới. Một điều tế nhị: các nhà khảo cổ VN không “dám” dùng kết quả đó, còn các nhà khảo cổ Đức thì tự hào và họ rất tin tưởng đó là kết quả đúng. Công cuộc xác định tiếp tục, các nhà khoa học đã tìm vật liệu khác như than, than gỗ, các hạt quả…Và khi khảo sát bằng vật liệu này cũng cho kết quả là 18.000 năm. Vẫn chưa hoàn toàn …tin, mẫu vật được gửi đến các phòng thí nghiệm Hàn Quốc dùng phương pháp khác cũng xác nhận là 18.000 năm. Các kết quả đã cho thấy những phát hiện ở Xóm Trại đã thực sự có giá trị và đáng quan tâm nghiên cứu hơn nữa.

 Toàn cảnh lòng hang Xóm Trại. Nguồn: drnguyenviet.com

Lối mòn ra vào hang Xóm Trại - lối vào của một nền văn hoá

Trong quá trình nghiên cứu lập dự án bảo vệ và tôn tạo năm 2004, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Hoà Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện dấu mòn đi lại tiền sử dài chừng 6 m ở phía nam cửa hang. Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá Hoà Bình 60-70cm, tương đương niên đại 8-9.000 năm cách ngày nay, trong tình trạng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Tháng 10/2008, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tìm ra dấu đi dài chừng 10m nối đoạn đường trên từ cửa hang xuống phía dưới chân núi. Cũng từ năm 2004, nhóm nghiên cứu liên hợp của Bảo tàng Hoà Bình với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện ngách đi vào hang sớm nhất của những người Hoà Bình đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá cổ chừng 4 mét, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang.

Tuy nhiên, do thời gian và điều kiện tầng văn hoá bị nước nhũ kết cứng, năm 2004 các nhà khảo cổ chưa phát hiện ra những dấu mòn đi lại. Đợt nghiên cứu tu bổ tôn tạo năm 2008 đã cho phép các nhà nghiên cứu phát hiện hệ thống dấu mòn đi lại cổ vào loại nhất thế giới này.

Hiện tại 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng văn hoá Hoà Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. Khả năng các vết mòn này có thể còn được phát hiện nhiều hơn. So với hệ thống vết mòn muộn hơn ở vách nam cửa hang thì những dấu vết này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt hơn nhiều. Chứng tỏ con đường này tồn tại trong nhiều ngàn năm, từ trước 21.000 năm cho đến khi những đợt đá rơi đầu thời kỳ địa chất toàn tân diễn ra trong khoảng 10.000 năm trước.

Phát hiện các lối đi cổ thời tiền sử là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Phát hiện hệ thống dấu mòn lối đi có niên đại trên 21.000 năm có thể coi như phát hiện đầu tiên ở Đông Nam Á và thuộc loại những phát hiện hiếm có trên thế giới. Hiện tại, các dấu mòn này đang được dự kiến làm khuôn silicon và bảo quản bằng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Ngày 20.11.2008, các nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã tiếp tục phát hiện hệ thống dấu mòn đi lại của người nguyên thuỷ ở ngách hang phía bắc.

Các trầm tích văn hoá của cư dân nguyên thuỷ thuộc văn hoá Hoà Bình có tuổi carbon phóng xạ sau khi hiệu chỉnh vòng cây là 21.000 năm phủ trực tiếp trên các vết mòn này xác nhận các dấu mòn đi lại này diễn ra từ cùng thời hoặc trước 21.000 năm nay.

Nguồn thức ăn ở Xóm Trại - nét đặc trưng thú vị

Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận ốc là nguồn thức ăn điển hình nơi đây. Nếu như ở hang Con Moong đã được Unesco công nhận có số lượng 90.000 con/1m3 trầm tích thì ở hang Xóm Trại 1m khối trầm tích có 44.000 con cũng là một con số đáng kể, khá lớn so với các hang khác. Những con ốc đã được mang đi phân tích dinh dưỡng, tương đương với số lượng ốc đó, có thể cung cấp khoảng 35kg có thể ăn được.

Ngoài ra các nhà khoa học cũng tìm được rất nhiều xương rùa. Theo TS Nguyễn Việt, vào năm 1982 số lượng rùa ở đây vẫn còn rất nhiều, nếu đứng đường đón mua thì một ngày có thể mua đc 8-10 con, điều đó cho biết sinh thái ở đây thích hợp cho rùa sinh sống. Hơn nữa, ở đây cũng có nhiều loài gặm nhấm như dúi, chuột, cầy, cáo, các loài động vật lớn đa số là các loài ăn cỏ như hươu, nai, hoẵng, tê giác chiếm số lượng khá nhiều. Hang nằm trong thung lũng tên là mường Vang, có người giải thích theo tiếng Mường, “Vang” còn dùng để chỉ hươu, nai, hoẵng. Ngoài sử dụng thịt để ăn, sừng và xương chân của chúng còn được dùng để làm công cụ. Tuy nhiên, không phải tất cả xương tìm được trong tầng văn hoá Hoà Bình đều được người xưa dùng làm thức ăn, vì nếu vậy phải tìm thấy xương đầy đủ của con vật trong hang. Ngoài ra để đánh giá đúng, cần tìm nhiều bằng chứng, giả thuyết hiện tại cho rằng người xưa có thể lấy xương thú lớn về làm công cụ, còn rùa, ốc thì có bằng chứng rõ ràng đó là nguồn thức ăn chính. Một điều thú vị, TS Nguyễn Việt còn đưa ra các hiện vật đá khoáng vừa tìm được - cũng được coi là một trong những nguồn thức ăn ở hang. Theo tiến sĩ, người xưa đã sử dụng đá khoáng như một loại muối để cân bằng vi lượng qua rất nhiều bằng chứng chứng tỏ người xưa có ăn những lớp vỏ của những hòn đá. Khi đem những mẫu đá tìm được đi phân tích, kết quả cho biết đá khoáng có nhiều dinh dưỡng có lợi cho cơ thể như canxi, kali, mangan… Những người xưa, đã để lại vết cào trên đá bằng dụng cụ, ngoài ra còn có 30% dấu răng của các loài chuột để lại chứng tỏ chúng đã ăn hoặc mài răng.

Lục Bảo, VT