Học giả Đào Duy Anh (1904-1988)
Một học giả uyên thâm ở thế kỷ XX, có công đóng góp vào việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Ðào Duy Anh hiệu Vệ Thạch, nguyên quán làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc tỉnh Hà Tây. Từ nhỏ học chữ Hán, sau đó học trường Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp trung học, ra dạy học trường Đồng Hới (Quảng Bình). Năm 1926, tham gia sáng lập báo Tiếng Dân cùng Huỳnh Thúc Kháng; gia nhập Việt Nam Cách mạng Đảng (sau là Đảng Tân Việt). Từ tháng 7-1928, ông được cử làm Tổng bí thư đảng Tân Việt, lập ra Quan Hải tùng thư làm cơ quan văn hóa của đảng này, bước đầu truyền bá những tri thức khoa học xã hội và các tư tưởng tiến bộ khác. Năm 1929-1930 ông bị thực dân Pháp bắt giam. Từ 1931, ông chuyển sang hoạt động văn hóa, dạy các trường tư thục ở Thuận Hóa vừa nghiên cứu lịch sử, biên soạn Hán Việt từ điển (1932), Pháp Việt từ điển (1936), viết một số công trình như Việt Nam Văn hóa sử cương (1938), Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943), Khổng giáo - phê bình tiểu luận (1938), và sưu tầm vốn cổ văn hóa dân tộc.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc Trung Kỳ, ủy viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1946 giảng dạy tại ĐH Văn khoa Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông tham gia Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Từ 1950 ra Việt Bắc, phụ trách Ban Văn Sử Địa thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1952 làm giáo sư dự bị ĐH Liên khu IV, từ 1955 làm giáo sư, chủ nhiệm khoa Sử trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1960, làm chuyên viên Viện Sử học thuộc Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, biên soạn các công trình văn hóa: Cổ sử Việt Nam (1955), Giáo trình Lịch sử Việt Nam (1955), Đất nước Việt Nam qua các đời (1964), Nguyễn Trãi toàn tập (1969), Từ điển truyện Kiều, Chữ Nôm nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nhớ nghĩ chiều hôm...