2615 Tam Son pagoda
Chùa Tam Sơn (Cảm Ứng Tự)
Kinh BắcChùa Tam Sơn có từ thời Tiền Lê. Tên chữ: Cảm Ứng Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 4XVG+6VP, Đ. Nguyễn Quán Quang, xã Tam Sơn, TT. Từ Sơn. Cách BĐX Bờ Hồ: 21km (hướng 13h). Điểm dừng bus lân cận: Đối diện BV Đa khoa Từ Sơn trên phố Minh Khai
Lược sử
Chùa thôn Tam Sơn có tên chữ Cảm Ứng Tự, dân sở tại còn gọi là chùa Trăm Gian [1]. Theo sách “Việt sử lược", vào khoảng niên hiệu Ứng Thiên (995-1007) thiền sư Vạn Hạnh đã từng đưa Lý Công Uẩn về đây lánh nạn trước sự nghi ngờ của vua Lê Long Đĩnh [2]. Từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi, chùa Cảm Ứng tiếp tục là nơi tu hành của nhiều vị sư có công đóng góp xây dựng triều đại Lý và nền văn hóa dân tộc.
Các thiền sư Lã Định Hương (mất 1050), Nghiêm Bảo Tính (mất 1034), Phạm Minh Tâm (mất 1034) thuộc đời thứ 7, 8 của thiền phái Vô Ngôn Thông đã từng trụ trì và giảng đạo ở chùa vào nửa đầu thế kỷ XI. Để ghi dấu việc cầu tự ở đây, năm 1063 vua Lý Thái Tông đã cho mở rộng chùa thành một thắng cảnh và trung tâm đào tạo Phật giáo.
- Tam quan chùa Tam Sơn. Photo ©NCCong 2019
Chùa lại được sửa chữa với quy mô lớn vào năm 1519. Đến thế kỷ XVII, bà phi Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh của chúa Trịnh đã hưng công trùng tu, mở rộng chùa, xây bậc từ chân núi lên chùa, dựng lầu chuông (1693) và cột đá Chúc thiên đài (1697) ghi tên những người góp công đức. Nhà chùa còn cho đúc chuông, tô tượng. Pho tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn cao 170cm, tòa sen 37cm và tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ được đời sau xem là những báu vật.
Những năm 1693-1697 chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng, có tới hàng trăm pho tượng. Năm 1826, chùa được hoàn chỉnh với 100 gian, 18 hạng mục công trình, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo vừa hoành tráng vừa cổ kính.
Sau cổng chùa Tam Sơn. Panorama ©2019 NCCong
Năm 1972, máy bay Mỹ ném bom làm nhiều công trình của chùa bị hư hại và tượng Phật bị cháy đen. Vào năm 1975 và 2000, chính quyền và nhân dân thôn Tam Sơn đã tôn tạo, tu bổ, khôi phục chùa với quy mô và kiến trúc gần giống như cũ.
Ngôi chùa đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1992.
Kiến trúc
Chùa được xây theo kiểu "nội Công ngoại Quốc" với hàng chục hạng mục như: tam quan, tiền đường, trung đường, gác chuông, tiền tế, tam bảo hậu, hành lang, đền Đông, đền Tây, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà Mẫu, vườn tháp... Tại ngôi chùa này còn có thờ cả các công chúa nhà Lý và các danh nhân khoa bảng của làng Tam Sơn được bầu là hậu Phật.
- Sân trong chùa Tam Sơn. Photo ©NCCong 2019
Trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, tôn tạo, đặc biệt là giai đoạn từ 2005 tới nay với mức đầu tư trên 16,4 tỷ đồng của chương trình mục tiêu quốc gia, chùa Tam Sơn đã được phục dựng lại gần như nguyên vẹn, trở thành một điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương.
Di sản
Ngoài những báu vật đã nói, trong chùa còn giữ được nhiều hiện vật như: viên gạch chạm nổi hoa sen thời Trần mỗi cạnh 32cm, chiếc khánh đá tạo tác năm 1672 rộng 140cm, chạm khắc 2 mặt, đường viền có các hình hoa, lá, rồng, phượng..., cây hương đá dựng năm 1679, chuông đồng đúc năm 1826 và tấm bia “Tam Sơn xã đăng hoa bi ký” khắc năm 1902…
- Tiền đường chùa Tam Sơn. Photo ©NCCong 2019
Lễ hội chùa được tổ chức hằng năm từ ngày mùng 8 đến 12 tháng 1 âm lịch tại thôn Tam Sơn. Đối tượng suy tôn gồm có: Đức Phật, trạng nguyên Nguyễn Phan Quang, Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường, các vị tiến sĩ của làng, công chúa Thuần Dương, Thổ địa, Quan Công. Đặc điểm: Múa rối nước, cờ bỏi, chọi gà, đập nồi niêu (đựng trấu, nước), thi hát quan họ.
Di tích lân cận
- Tượng Quan Âm chùa Tam Sơn. Photo ©NCCong 2019
Chú thích
[1] "Chùa Trăm Gian" là cách gọi dân dã của một số ngôi chùa lớn ở miền Bắc Việt Nam như: Chùa Vĩnh Khánh Tự (tỉnh Hải Dương); chùa Cảm Ứng Tự (tỉnh Bắc Ninh); chùa Quảng Nghiêm Tự (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
[2] Lê Long Đĩnh 黎 龍 鋌 (15/11/986 – 19/11/1009), là con trai của Lê Hoàn — vị vua thế chân nhà Đinh. Long Đĩnh trị vì 4 năm từ 1005 đến 1009 và trở thành hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê. Cái chết bí ẩn của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc quyền lực rơi vào tay Lý Công Uẩn. Theo sử cũ, Long Đĩnh sau khi mất bị gọi là Ngoạ Triều như một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Thực tế, ông đã lập nhiều công tích được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng và gần đây xuất hiện các ý kiến cho rằng một số điều xấu của ông chỉ là thêu dệt, thậm chí bịa đặt.
2615 Tam Son pagoda ©NCCong 2009-2019