Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Quan niệm > Nhân văn > Lời giới thiệu Utopia và Thomas More

Dịch giả Trịnh Lữ

Lời giới thiệu Utopia và Thomas More

Thứ Năm 12, Tháng Hai 2009, bởi Cong_Chi_Nguyen

Lời giới thiệu Utopia

Bạn đang tự hỏi: đây là sách gì vậy? Không thấy đề là tiểu thuyết, cũng chẳng phải sách lịch sử, triết học, ngụ ngôn, du ký, ma quỷ... Mà tác giả lại là một vị thánh tử vì đạo rất xa lạ nữa chứ. Có đáng đọc không đây?

Hãy bình tĩnh một chút, bạn đang cầm trên tay một cuốn sách độc nhất vô nhị trên thế giới này đấy. Và đọc nó rồi, thể nào bạn cũng phải bàn tán về nó, tranh cãi về nó, cười bò ra vì nó, nổi giận với nó, cười nhạo nó, bâng khuâng buồn bã vì nó, và cảm thấy rằng – tôi hi vọng thế – cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của chúng ta vẫn còn có hi vọng đến đích.

Nhẽ ra chỉ cần nói thể là đủ. Nhưng có lẽ bạn cũng thắc mắc không biết cuốn sách đã ra đời như thế nào? Tại sao tôi lại chọn dịch nó vào lúc này? Và rốt cuộc thì nó nói chuyện gì?

Về điểm thứ nhất, tôi thấy không cần có một đoạn dài dòng về bối cảnh lịch sử và xã hội của tác phẩm ở đây. Một là nó rất dễ chán. Mà hai là khi đọc vào chuyện, bạn sẽ có các thông tin này qua những chú thích cụ thể, đúng lúc, đúng chỗ, và sẽ thấy bối cảnh của cuốn sách hiện dần lên, sinh động và thú vị hơn nhiều.

Về chuyện tại sao tôi lại chọn dịch Utopia, thì phải xin phép được dài dòng một tí như sau:

Những năm đầu của thập kỷ 70 thuộc thế kỷ trước, tôi đang làm cho chương trình tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mỗi tháng chúng tôi nhận được khoảng bốn đến năm trăm bức thư của các thính giả Âu Mỹ. Rất nhiều người trong số này thuộc thế hệ thanh niên Mỹ phản đối cuộc chiến tại Việt Nam, và tự nhận là nhân tố của một cuộc cách mạng mới đang biến nước Mỹ tư bản chủ nghĩa thành một vườn địa đàng trong đó tư hữu sẽ bị tiêu diệt và mọi người sẽ sống với nhau như anh em, chỉ còn tình yêu, không còn lòng tham và đố kỵ. Những bức thư ấy thường nhắc đến một cuốn sách được coi là bản tuyên ngôn cách mạng của thế hệ sinh viên Mỹ lúc bấy giờ, là cuốn The Greening of America (Làm xanh đất Mỹ) của một giáo sư luật tại trường Đại học Yale là ông Charles Reich, xuất bản lần đầu vào năm 1970. Tôi đã được đọc nó. Cuốn sách tuyên bố tuổi trẻ Mỹ đã tiến hoá lên một lương tri mới, hết mặc cảm và lo âu, không phán xét, không cạnh tranh, không sống vì vật chất, đầy lòng cảm thông, trung thực, không lừa mị, không hung hăng, vì cộng đồng, và không màng gì đến địa vị và sự nghiệp. Lương tri mới mẻ ấy đang nở rộ như hoa tươi đâm lên từ hè phố, và hứa hẹn “một lí trí cao cấp hơn, một cộng đồng nhân bản hơn, và một cá nhân mới tự do hơn. Tạo tác cuối cùng của nó sẽ là cái đẹp và cái lành mạnh mới mẻ tồn trường – tái tạo lại mối quan hệ của con người với chính mình, với mọi người, xã hội, thiên nhiên và đất đai.”

Hồi mới đọc nó, tôi chưa biết nước Mỹ là thế nào, và lấy làm nghi ngờ lắm. Tại sao thanh niên Mỹ lại say mê chính những gì mà chúng tôi đang được giáo dục thời bấy giờ? Rõ ràng là họ chưa biết đến mặt trái của tấm huy chương. Nhưng niềm say mê ấy là có thực. Vừa ra đời, cuốn sách đó đã bán được hàng triệu bản, được đăng tải nhiều kỳ trên tạp chí New Yorker, và được các nhà trí thức hàng đầu của nước Mỹ luận bàn sôi nổi trong hàng chục bài báo đăng liên tiếp trên tờ New York Times. Năm 1995, nó vẫn được tái bản trang trọng để kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của mình. Và người ta gọi nó là một Utopia của thời hiện tại. Một lần nữa, ước vọng lại trở thành không tưởng.

Cũng trong những năm 1970 ấy, tôi được chị Linda Mearing, một đảng viên cộng sản từ Úc sang giúp chúng tôi biên tập bài vở hàng ngày tại đài phát thanh, tặng một cuốn Utopia. Cuốn sách đầy những gạch chân, những câu cảm thán, những dấu chấm than và dấu hỏi bằng bút chì của chị. Đang nghi ngờ The Greening of America, tôi cố đọc Utopia mà chẳng có chữ nào vào đầu, đành cất nó vào một chỗ.

Sau chiến tranh, công việc phát thanh tiếng Anh buồn tẻ dần, tuổi trẻ qua đi, số phận đưa tôi rời xa quê hương, xa chính bản thân mình, để gần 20 năm sau lại đem tôi trở về với tất cả. Một đêm gió bấc mưa rơi tí tách đầu xuân năm nay - 2005, tôi tình cờ thấy lại cuốn Utopia nhỏ bé trong đống sách cũ lăn lóc của mình. Tôi giở từng trang giấy ngả vàng, và cảm thấy như tìm lại được một cuốn nhật ký đã bị quên lãng từ lâu. Khi tôi đọc hết cuốn sách thì đồng hồ chỉ 3 giờ sáng. Tôi ngồi dậy, tắt đèn, lòng xốn xang. Những chuyện đã qua hiện lại trong đầu như một cuốn phim câm lộn xộn. Rồi tôi lại bật đèn, giở lại cuốn sách vẫn còn nguyên lần bọc bằng giấy nilông dán băng dính, nhìn lại những nét bút chì của người bạn cộng sản xưa, và bỗng bồi hồi thấy như mình đang bắt đầu xanh trở lại với những hi vọng và niềm tin ngỡ như đã lụi tàn từ lâu. Phải, The Greening of America đã bắt rễ từ Utopia. Ước mơ hôm nay đã có trong lòng nhân loại ngay từ thuở nó bắt đầu bị lòng tham cám dỗ. Nhưng chính thế mà ta không thể tuyệt vọng. Khi con người còn tiếp tục mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn, thì nó còn có cơ hội vượt qua được chính mình. Và quả tình, tôi rất mong được chia sẻ niềm hi vọng này với mọi người.

Đấy, chính vì thế mà tôi dịch Utopia, sau khi từ chối đề nghị dịch một kiệt tác văn chương buồn thảm của Nhật Bản. Ta buồn thảm nhiều rồi, cần cái gì tích cực và có hi vọng hơn, và hi vọng ấy càng ngây thơ càng đẹp và càng đáng trân trọng.

Trong suốt 5 thế kỷ qua kể từ ấn bản đầu tiên, Utopia vẫn được cả thế giới tìm đọc – bất kì lúc nào và ở đâu, nó cũng làm cho người đọc phải giật mình, xúc động, và bâng khuâng suy ngẫm về nhân tình thế thái. Nó nhắc nhở, bàn luận, phân tích, giải thích, gợi ý... về tất cả những vấn đề mà tôi và bạn vẫn quan tâm và đối mặt hàng ngày, từ chuyện trộm cắp nghiện ngập đĩ điếm nghèo khổ tham nhũng cho đến chuyện trách nhiệm của người trí thức, chuyện trọng dụng nhân tài, và tư chất của những người cầm cân nẩy mực trong xã hội. Nó bàn đến thế nào là khoái lạc, là hạnh phúc, cái gì là đáng quý, cái gì không. Nó lột trần những giả nguỵ của luật pháp hiện hành, những cái thậm vô lí của thói thường. Giải pháp tín ngưỡng của nó thật đáng kinh ngạc và rất đáng được cổ vũ trong thế giới khủng bố hiện nay. Nó thiết kế một chế độ chính trị và xã hội mà nó tin rằng sẽ giúp cho con người được no ấm và hạnh phúc. Và nó khẳng định rằng con người chính là rào cản của chính mình, bắt nguồn từ lòng ngạo mạn, ý thích được hơn người, được coi là quan trọng, vốn bắt rễ rất sâu trong mỗi cá nhân. Những giải pháp cho mọi vấn nạn nhân gian trong Utopia có thể là ngây thơ, là không tưởng, nhưng những ước mơ và nền tảng tư tưởng của nó thật sự làm kinh ngạc và xúc động lòng người. Thế giới phương Tây gọi nó là “cuốn sách nhỏ vĩ đại”. Chữ Utopia đã trở thành một danh từ trong ngôn ngữ của rất nhiều nước trên thế giới, đứng tên cho cái mơ ước và cũng là niềm thất vọng triền miên của nhân loại trên con đường tự hoàn thiện mình.

Hình thức văn chương của Utopia cũng rất đặc biệt. Thomas More biết rằng những phê phán hiện thực và tư tưởng mới lạ của ông sẽ bị trừng trị thẳng tay, nên ông đã dùng hình thức lấy những sự kiện và con người có thật làm bối cảnh cho một câu chuyện có vẻ không tưởng, trong đó tất cả tên người, chức danh và địa danh đều do ông tạo ra từ gốc ngôn ngữ Hi Lạp và đều có nghĩa là không có thật, là tưởng tượng. Và để cuốn sách được phổ biến rộng rãi hơn trong thế giới phương Tây lúc bấy giờ, ông đã viết nó bằng tiếng Latin. Hình thức này đã khiến cho Utopia vừa có không khí hấp dẫn bay bổng của một cuốn sách du kí, vừa mang giọng điệu học thuật chắc nịch và nghiêm túc của một công trình nghiên cứu cổ điển. Quả thực, cấu trúc và lối viết của Utopia thành công đến mức nó đã khởi đầu cho một thể loại văn chương rất phát triển trong những thế kỷ tiếp theo, mà nổi tiếng và gây tranh cãi nhiều nhất là những cuốn Tân Atlantis (1626) của Bacon, Gulliver du ký (1726) của Jonathan Swift, Tân thế giới dũng cảm (1932) của Aldous Huxley, và cuốn Năm một nghìn chín trăm tám mươi tư (1949) của George Orwell. Cho đến nay, vẫn có nhiều nhà khoa học tin rằng Tân Atlantis là câu chuyện có thật, và vẫn cất công tìm kiếm dấu vết của đảo quốc bí hiểm đó. Còn cuốn sách của Orwell thì đã trở thành gần như một tiên tri xác thực.

Còn cuốn Utopia này hay đến đâu thì bạn phải tự đọc mới biết được.

Bản tiếng Anh mà tôi dùng để dịch đã có nhiều chú thích sẵn rồi, nhưng khi gặp những chi tiết vốn chỉ hiển nhiên với người đọc phương Tây có học vấn về lịch sử và văn hoá cổ đại, tôi vẫn cố tra cứu để chú thích thêm cho bạn đọc Việt Nam. Những chú thích thêm của tôi có đánh dấu (ND). Nếu chúng có sai sót gì thì trách nhiệm hoàn toàn là của tôi, và rất mong được bạn đọc chỉ giáo.

Lời không thể hết được ý, chỉ mong bản dịch này sẽ phần nào làm được cái việc mà tác giả của Utopia mong muốn, tức là “lấy giọng cười ngông mà bàn ra chân lí” vậy.

Trịnh Lữ
Hà Nội, Xuân 2005

Thomas More

Tiểu sử
Thomas More sinh năm 1478 tại London, thời trẻ làm gia nhân trong nhà đức Tổng Giám mục Morton, người đã nhận thấy những tư chất đặc biệt của More và gửi anh vào đại học Oxford. Nhờ thành tích học tập rất xuất sắc, More được cử vào Luật sư Đoàn của kinh thành London ngay sau khi tốt nghiệp, nhanh chóng trở thành một luật sư danh tiếng, được bầu vào Hạ Viện, và kiêm chức Phó Giám Quản kinh thành London.

Trong một chuyến công du sang xứ Flanders, ông bắt đầu viết Utopia và hoàn thành cuốn sách này vào năm 1516. Hai năm sau, ông được đề cử làm trưởng quan cơ mật của vua Henry VIII, và năm 1525 thì được bầu làm Thượng thư Hạ viện, rồi lên Thượng thư Thượng viện, trở thành người bình dân đầu tiên trong lịch sử nước Anh được cử vào chức vụ này [1].

Vì phản đối những đề nghị chi tiêu hoang phí của nhà vua, không chịu công nhận ngai vàng cao hơn Giáo hội, và đặc biệt là không chấp nhận vụ ly hôn của vua Henry VIII với công chúa Catherine của công quốc Aragon, More treo ấn từ quan vào năm 1532, nhưng bị nhà vua buộc tội phản quốc và tống vào ngục tối. Ông bị xử trảm tại bãi hành hình của kinh thành London ngày 6 tháng 7 năm 1535. Lời cuối cùng của ông ở trên đoạn đầu đài là “Ta tận tuỵ với ngai vàng, nhưng tận trung trước hết với Thượng đế.”

Bốn trăm năm sau, ông được Giáo hội Cơ đốc phong thánh, và trở thành một trong những vị thánh tử vì đạo danh tiếng nhất thế giới.

Tác phẩm
Ngoài Utopia, Thomas More còn viết Cuộc đời của John Picus - Tử tước xứ Mirandula, Lịch sử vua Richard III, và Đối thoại giữa Sung sướng và Khổ đau [2].

Nguồn: Thomas More, Utopia, Trịnh Lữ dịch từ bản tiếng Anh của Nhà xuất bản Cox & Wyman Ltd., London. Bản tiếng Việt của Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam. Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam xuất bản, Hà Nội, 2006.


[1Thượng viện Anh là đại diện của giai cấp quý tộc. Hạ viện là đại diện của bình dân. Theo truyền thống, phải là đại quý tộc mới được quyền làm Thượng thư (chủ tịch) Thượng viện. Thomas More là người bình dân đầu tiên phá vỡ truyền thống này, chứng tỏ ông phải là người cực kỳ đặc biệt (ND)

[2Thomas More viết Đối thoại này trong thời gian bị giam trong ngục tối để chờ ngày ra pháp trường (ND)