Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Trung Quốc trở thành một điểm tựa của trật tự thế giới ?

Trung Quốc trở thành một điểm tựa của trật tự thế giới ?

Thứ Ba 17, Tháng Ba 2009, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Trật tự thế giới phương Tây trong 60 năm qua luôn lấy nước Mỹ làm nòng cốt và do Mỹ chủ trì. Trật tự này có hai điểm tựa là Mỹ và Tây Âu. Bởi vậy từ sau đại chiến II, các nhiệm kỳ chính phủ Mỹ đều đặt trọng tâm chiến lược vào châu Âu; mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương trở thành rường cột của trật tự quốc tế.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đồng minh của Mỹ, được Mỹ coi trọng trong một số công việc, nhưng về tổng thể họ chỉ là các vai phụ bên lề sân khấu quốc tế. Trung Quốc không thuộc vào phương Tây, thậm chí trong nhiều thời kỳ còn bị coi là mối đe doạ, do đó Trung Quốc càng ở xa sân khấu thế giới do phương Tây chủ trì. Cũng tức là nói trong mấy chục năm qua tuy trên chiến lược quốc tế Mỹ vẫn coi trọng châu Á, nhưng chưa coi châu Á là trọng tâm của chính sách ngoại giao.

Sức mạnh của điểm tựa châu Âu bị suy giảm

Những năm gần đây so sánh lực lượng của 3 vùng Âu, Mỹ, Á đã có thay đổi rõ rệt. Âu Mỹ đã không thể hành xử mọi việc theo ý muốn của mình để quản lý và đối phó với tình hình quốc tế khác hẳn trước đây. Tại sao vậy?

Trước hết, đó là do mô hình phản ứng đối phó với Liên Xô mà Âu Mỹ từng sử dụng trước đây đã không thể dùng để giải quyết các công việc quốc tế thời nay. Sau khi Liên Xô tan rã, Âu Mỹ liên kết nhau thực thi các biện pháp kiềm chế về chính trị, cô lập về kinh tế và tấn công về quân sự — các biện pháp đó từng áp dụng khá thành công trong cuộc chiến tranh Kosovo, song lại không thể nào áp dụng cho việc quản lý hữu hiệu các công việc toàn cầu.

Thứ hai, cơ chế hợp tác Âu-Mỹ được xây dựng trong thời chiến tranh lạnh đang mất dần sức sống; năng lực và hiệu suất giải quyết các công việc toàn cầu của khối Âu Mỹ đang giảm sút. NATO là công cụ chính để Mỹ thống lĩnh và kiểm soát châu Âu, cũng là kênh chủ yếu để Mỹ phát huy ảnh hưởng của mình. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, chức năng của NATO đã suy yếu rõ rệt. Để tiếp tục giữ được sức sống, NATO muốn kéo Trung Âu và Đông Âu vào phạm vi ảnh hưởng của mình, tiếp đó mở rộng về phía Trung Á. Song vì châu Âu không còn là vùng nhạy cảm của chính trị quốc tế nữa nên NATO không thể dùng sân khấu châu Âu để kiểm soát công việc toàn cầu.

Thứ ba, sức mạnh kinh tế của châu Âu đã không còn như xưa, dẫn tới hậu quả làm suy yếu tính quan trọng của ông bạn chiến lược này. Bản thân Mỹ cũng ở vào tình trạng xuống dốc sau khi đi qua đỉnh cao nhất; những cam kết quốc tế đối với các điểm nóng khắp toàn cầu đã trở thành gánh nặng cho Mỹ. Sức mạnh của châu Âu và Mỹ đồng thời suy giảm có nghĩa là các mục tiêu chiến lược của họ bị co lại, tất nhiên khả năng gánh vác các trách nhiệm quốc tế cũng giảm sút.

Thứ tư, trên thế giới đã xuất hiện hình thái mới: sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi lên, thế lực khủng bố chống phương Tây, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hình thái mới này Âu-Mỹ chưa từng dự kiến được, cơ chế hợp tác Âu-Mỹ chưa từng gặp và lại càng không đủ sức đối phó.

Mỹ phải tìm đối tác chiến lược mới

Dù sao Mỹ vẫn là trung tâm của thế giới và là kẻ dẫn dắt chính trật tự thế giới. Ít nhất là trong một số năm tới, chưa nước nào có thể thay được tác dụng ổn định trật tự thế giới của Mỹ. Trật tự thế giới hiện nay tuy chưa đủ công bằng hợp lý nhưng việc duy trì sự ổn định trật tự này rồi trên cơ sở đó từng bước cải tiến, là phù hợp với lợi ích của đa số các nước. Nhưng Mỹ đã không thể một mình đảm đương nổi gánh nặng duy trì trật tự quốc tế. Các vấn đề gay go như Iraq, Afghanistan, Iran đã làm cho Mỹ bất lực. Mỹ đã mất nhiệt tình và động lực tiến hành đàm phán thương mại nhiều bên. Năm xưa, chính phủ của Tổng thống Bush còn có khả năng thực thi chủ nghĩa đơn phương; còn ngày nay, cho dù Mỹ vẫn muốn làm thế đi nữa thì đã lực bất tòng tâm.

Các quốc gia châu Âu mà Mỹ dựa vào như Anh, Đức, Pháp hiện đã không tự lo nổi các vấn đề kinh tế, xã hội trong nước mình, cộng thêm sự tranh cãi và chia rẽ liên miên nội bộ EU đã làm giảm hiệu suất của các quyết sách họ thi hành. Châu Âu không chỉ thiếu khả năng thực thi trách nhiệm quốc tế mà việc thực thi các ý tưởng chính trị của họ cũng bị tình hình nội bộ ràng buộc.

Vì thế Mỹ phải tìm đối tác bạn bè chiến lược mới để chia xẻ trách nhiệm giữ gìn trật tự quốc tế, chia xẻ địa vị chăm lo các công việc quốc tế và bình đẳng bàn bạc đặt ra các quy tắc luật chơi. Do không thể hy vọng vào các đồng minh cũ và không thể tự mình lo liệu được các công việc toàn cầu nữa, Mỹ phải dựa vào sức mạnh của đối tác bạn bè mới.
Trong 8 năm Tổng thống Bush cầm quyền, nước Mỹ luôn cố gắng xây dựng quan hệ bạn bè chiến lược kiểu mới với Trung Quốc, không chỉ là để hợp tác song phương mà càng chú ý hơn tới các công việc toàn cầu. Trong quá trình đó, Mỹ xác định vai trò của Trung Quốc là một “bên có quan hệ lợi ích”, mong Trung Quốc trở thành bạn bè “có trách nhiệm” của Mỹ.

Đồng thời giữa Trung Quốc với Mỹ đã xây dựng được hai cơ chế đối thoại cấp cao cực kỳ quan trọng — một là đối thoại ở cấp bộ trưởng ngoại giao và một là đối thoại kinh tế chiến lược ở cấp phó Thủ tướng. Hai bên cố tránh né sự khác biệt về giá trị quan và hình thái ý thức, cố đi vào các công việc thực tế và có tầm nhìn xa, cố gắng thăm dò mô hình mới về hợp tác song phương và toàn cầu. Tuy mô hình này chưa hình thành song ý đồ chính trị của hai bên là rất rõ. Nếu tiếp tục nữa thì hai bên rất có thể hình thành một cơ cấu hợp tác song phương vượt Thái Bình Dương, nhằm bổ sung thậm chí thay thế cơ cấu truyền thống Mỹ-Âu vượt Đại Tây Dương.

Một trong các nhiệm vụ đầu tiên của tân chính phủ Obama là ra sức phục hồi tăng trưởng kinh tế; thứ hai là tiếp tục giữ vai trò của Mỹ chủ đạo trật tự quốc tế. Hai nhiệm vụ lớn này chẳng những không mâu thuẫn với mục tiêu phát triển của Trung Quốc mà còn trùng hợp ở mức độ lớn.

“Bên liên quan lợi ích”

Mỹ là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc, rõ ràng việc phục hồi kinh tế Mỹ thì phù hợp lợi ích của Trung Quốc; sự ổn định tương đối trật tự quốc tế do Mỹ là nòng cốt cũng phù hợp mục tiêu phát triển bền vững của Trung Quốc. Trong suốt 30 năm qua, sức mạnh của Trung Quốc đã tăng ổn định, việc này có một nguyên nhân bên ngoài là Trung Quốc giữ được mối quan hệ tương đối ổn định với Mỹ, đồng thời Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ trật tự quốc tế tương đối ổn định.

Bởi vậy, việc cùng Mỹ duy trì sự ổn định của trật tự hiện có, tránh tình trạng thế giới xáo động không có ai đứng đầu dĩ nhiên là có lợi nhất cho Trung Quốc đang ở thời kỳ phất lên thuận buồm xuôi gió. Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh Trung Quốc sẽ phát huy hơn nữa tác dụng có tính xây dựng trong các công việc quốc tế — có thể hiểu điều đó là sự tái cam kết duy trì trật tự quốc tế.

Giữa Trung Quốc với Mỹ còn có nhiều khác biệt, kể cả về giai đoạn phát triển, chế độ xã hội và giá trị quan; các khác biệt đó có thể trở thành trở ngại phá hoại sự hợp tác toàn cầu của hai bên. Mối quan hệ hợp tác này đúng là có nhiều khó khăn so với sự hợp tác giữa Mỹ với châu Âu có cùng đặc trưng văn hoá.

Song chúng ta có thể tìm thấy một tiền lệ ngược lại. Kể từ Tổng thống Nixon trở đi, tất cả các đời Tổng thống Mỹ cuối cùng đều vượt qua hoặc bỏ qua các trở ngại đó, qua đấy thực hiện sự bành trướng lợi ích của Mỹ. Nếu trong quá khứ, khi Trung Quốc và Mỹ coi nhau là kẻ địch mà còn làm được như vậy thì người ta không có lý do để nghi ngờ hiện nay và trong tương lai lại không làm được. Đặc điểm của mối quan hệ hợp tác Mỹ - Trung Quốc hiện nay là hai bên ngày một cần tới nhau chứ không phải là chỉ một bên này cần tới bên kia mà thôi. Nói đơn giản, nếu không giúp nhau, không hợp tác với nhau thì cả hai bên đều không thể đạt được một số mục tiêu chiến lược toàn cầu.

So với tất cả các Tổng thống tiền nhiệm thì tân Tổng thống Obama ít thành kiến nhất với nền chính trị của Trung Quốc. Bởi vậy, trên vấn đề quan hệ với Trung Quốc, ông Obama sẽ có tầm nhìn, sự mạnh dạn và quyết đoán, thoát khỏi sự ràng buộc truyền thống về địa-chính trị và tư duy ngoại giao để coi việc đẩy mạnh mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ trở thành mục tiêu chính trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Tác giả: Đỗ Bình. Bài đăng trên “Liên hợp Tảo báo” ngày 19-12-2008.

Ghi chú: Đỗ Bình là cây viết bình luận của “Liên hợp Tảo báo”, một tờ báo Hoa ngữ xuất bản tại Singapore, có xu hướng thân Bắc Kinh.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch.