Thủ đoạn lừa đảo trong sửa chữa máy tính

Có thể nói với bề dày 5 – 6 năm kinh nghiệm kể từ ngày thành lập, cty này thật sự chẳng đáng là gì cả so với những đàn anh đàn chị của ngành vi tính ở cái đất Sài Gòn, nhưng sự phát triển của nó thì lại nhanh và mạnh khá vượt bậc, đó cũng là một thành công rất lớn của đội ngũ lãnh đạo trong khâu tiếp thị và quảng cáo.

Thủ đoạn lừa đảo trong sửa chữa máy tính

Cũng đã khá lâu rồi rất nhiều người dùng laptop đã biết đến Trung Tâm Xử Lý Sự Cố Máy Tính nay trở thành công ty Viện ... (sau này biết đâu sẽ đổi là công ty Đại học Harvard cho oai) như là một điểm đáp mỗi khi chiếc laptop của mình trở chứng. Nhìn chung tất cả mọi người khi lần đầu bước đến họ đều có chung một tâm trạng nhưng lúc nhận lại máy thì sẽ rất khó lòng mà thống kê được cảm xúc của từng người như thế nào? Có người phàn nàn về giá cả dịch vụ “cắt cổ” quá cao, người khác thì khiếu nại về việc bị tráo đổi phụ kiện, kẻ thì than phiền về cung cách phục vụ quá tồi, cũng có người mĩm cười mãn nguyện, nói chung rất đa dạng…
Suốt khoảng thời gian làm kỹ thuật tại đó chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều chuyện, vui có, buồn có, thậm chí có cả những chuyện khó lường nhất cũng có.
Thật ra ngay từ đầu tất cả chúng tôi đã đều bị lừa khi đã lầm tin vào những lời như rót mật vào tai của vị giám đốc điều hành nơi đó, ai trong chúng tôi cũng đều rất mãn nguyện và tâm huyết với công ty khi đi phỏng vấn, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi cái nụ cười thân thiện của vị giám đốc, cái giọng nói từ tốn đầy vẻ thông cảm trong buổi phỏng vấn, cảm giác của chúng tôi lúc đó rất phấn khích, có cảm tưởng như mình đã quá may mắn khi được dễ dàng nhận vào làm việc ở một nơi quy mô như thế.
Nhưng có ngờ đâu chỉ sau một thời gian ngắn cộng tác cùng y chúng tôi mới dần nhận ra cái bộ mặt thật của vị giám đốc, đằng sau cái nụ cười ấy, lời nói ấy là một con người đạo đức giả rất chuyên nghiệp.
Chúng tôi dám khẳng định chắc như bắp rằng những ai đang lang thang tìm việc trên mạng khi tình cờ lạc vào trang web của ông ta tìm đọc mục tuyển nhân sự thì sẽ rất ưng ý, nể phục, thậm chí còn khen tấm tắt hết lời nữa là đằng khác.
Nào là “Sao mà Pro quá!”, “Mức lương hấp dẫn quá!”, “Mình phải nộp hồ sơ ngay mới được!” tất cả chỉ là ngụy biện khi đã dấn thân vào mới biết thế nào là “mật ngọt chết ruồi”
Trái ngược hẳn với cái quy mô chuyên nghiệp được ngụy trang rất tinh vi bằng cái vỏ bọc bên ngoài, bên trong là cả một công nghệ “luộc đồ” siêu cấp và trắng trợn chưa từng thấy được điều hành bởi Mr Q vị "tổng quản lý" thế hệ 8X, một nhân tài xuất thân từ “Vườn cao su” với thành tích vang dội “chưa tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông” ấy vậy mà y lại có tài “võ mồm” rất đáng nể, nói trắng thành đen, nói không thành có, phán rẻ thành mắc… “Võ mồm” của y có thể trấn áp triệt để bất cứ cuộc khiếu nại quyết liệt nào từ phía khách hàng. Tuyệt chiêu là “cậy thế chủ nhà” to tiếng, quát nạt khách hàng, khách hàng to tiếng một y quát mắng mười, tưởng chừng như đó chỉ là một cách giải quyết khiếu nại “tự đưa mình vào ngõ cụt”, ấy vậy mà không, đã biết bao lần y đã “trấn áp được quần hùng” nhờ cái tuyệt chiêu sặc mùi “con trâu cái cuốc” này.
Đó mới chỉ là tài lẻ, sở trường chính của y là điện tử …”mò” (không có chuyên môn, toàn húp cháo rùa) đã có không ít lần y phán lung tung trước mặt khách hàng và nhân viên về những cái gọi là chuyên môn, kỹ thuật điện tử, máy tính - cái thứ chuyên môn mà chỉ có mình y mới định nghĩa được theo kiểu đó.
Nhưng có lẽ biệt tài đáng nể nhất của y là “luộc đồ siêu cấp không để lại dấu vết”. Sẵn tiện cũng nêu ra luôn cho anh em biết mà cảnh giác: Máy khách hàng đem đến bất kể là cũ hay mới cũng đều là món mồi béo bở cho y xẻ thịt.
Những máy nào phải nhận lại để sữa chữa thì đều cho khách hàng ký tên vào phụ kiện hoặc là dán tem niêm phong lại – một thủ tục vẽ vời để tạo cho khách hàng có nhận định khách quan rằng máy của mình đã được bảo vệ không thể bị tráo đổi, nhưng trên thực tế việc tháo tem niêm phong hoặc giả dạng chữ ký đối với y là một việc làm dễ như trở bàn tay.
Không phải cần đến máy sấy, những con tem vỡ niêm phong đã quá date lớp keo dán đã lão hoá sẽ dễ dàng được tháo ra khỏi máy mà vẫn còn nguyên vẹn như mới chỉ bằng một lưỡi dao lam, có tận mắt chứng kiến y làm bạn mới thấy y điệu luyện và lành nghề đến mức nào.
Tuy nhiên đáng gờm hơn nữa đó là giả chữ ký, màn hình LCD là thứ thường xuyên bị y tráo đổi, lấy của khách hàng này lắp cho khách hàng khác mà vẫn báo giá là hàng brandnew full box, sau đó lấy màn hình bị lỗi thế lại cho máy bị “luộc” màn hình, chữ ký à? Rất đơn giản, ký thử vài lần là bắt chước được liền, cái nào khó quá không giả được y sẽ dùng chiêu “giả mù sa mưa” thoái thác với khách hàng là trong lúc kỹ thuật sửa máy đã dùng dung dịch vệ sinh lau đi mất. Màn hình là cái có giá trị nhất, một khi tem niêm phong bị tháo ra thì phụ kiện bên trong máy sẽ dễ dàng bị tráo đổi mà thần không biết quỷ không hay. Nào là RAM, HDD, Wireless Card…
Kết quả là gì? Y không hề phải bỏ ra bất kỳ đồng vốn nào để nhập linh kiện mới về khi cấp bách thay vào đó là tráo đổi linh kiện còn dùng được của máy người này cho máy người khác, báo với khách là thay đồ chính hãng mới 100% và lấy giá cao ngất ngưỡng cao hơn ngoài thị trường khoảng trên dưới 10 – 20$.
Khi khách quay lại bảo hành sản phẩm đã được thay trước đó (cơ bản không phải là đồ brandnew) thì y lại dùng chiêu nhận lại máy để tiếp tục lấy linh kiện của một máy khác nữa để thay thế vào, cứ thế luân chuyển.
Qua đó có thể nhận thấy chìa khoá vàng để y tiến hành kế hoạch “luộc đồ” là khâu thuyết phục khách hàng để lại máy, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn ma mãnh để ép khách hàng phải vào thế bị động là để máy lại, ví dụ như những máy dù chỉ bị lỗi hệ điều hành y cũng dùng đủ mọi lý do phán rằng máy bị lỗi phần cứng để thuyết phục khách hàng để máy lại, với các máy bị tình trạng không xuất được tín hiệu lên màn hình đó là cơ hội vàng để nhận lại máy, dù có sửa được hay không cũng dễ ăn nói với khách hàng khi trả lại và bao giờ cũng vậy nếu sửa được thì giá sẽ “trên mây” còn nếu không được thì chiếc laptop khi trả lại chỉ còn là một cái xác toàn sắt vụn, mọi linh kiện có giá trị đều đã bị tráo đổi gần hết.
Trên thực tế đôi khi chỉ cần mở RAM ra cắm vào lại là mọi thứ đâu lại vào đấy hoặc cắm lại cáp màn hình… bất kể là dùng cách gì kết quả cuối cùng mà khách hàng nhận được từ y thường là hư chipset, phải thay thế với giá mấy chục $, có khi cả trăm $....
Thế mới nói anh em nên cẩn thận với những thủ đoạn này, dù bất cứ là ai và bất cứ nơi đâu. Chúng tôi những người kỹ thuật nói đằng nào cũng vì miếng cơm manh áo, sống nhờ vào đồng lương 3 cọc 3 đồng của ngành IT đã quá khó khăn, hơn nữa dù gì mình cũng là kẻ làm mướn nên không thể có tiếng nói riêng của mình được, mọi việc đều do những người có thẩm quyền quyết định, chúng tôi chỉ là những người thừa hành.
Những cái gì mà chúng tôi đã từng tâm nguyện nào là trách nhiệm, nào là lương tâm nghề nghiệp ấy vậy mà khi bước chân vào đây những thứ đó đã bị chà đạp không thương tiếc. Đã có không ít những chiếc laptop mà chúng tôi đã từng cài đặt, sửa chữa mà chủ nhân chủ nó không phải bao giờ cũng là những người dư tiền lắm của. Đã từng có những em sinh viên xin tiền gia đình dành dụm mua được chiếc máy mừng vui chưa kịp, ấy thế mà khi đem đến đây sửa chữa vẫn phải chịu mức giá cắt cổ thậm chí là bị “luộc đồ” không còn gì cả, lúc biết ra thì mọi thứ đã quá muộn.
Chúng tôi thực sự cũng xót lắm chứ, có lắm lúc mình muốn chủ động tư vấn thiệt tình và báo giá đúng bệnh cho khách hàng nhưng rồi sau những lần như thế tất cả chúng tôi đều bị y khiển trách là đừng quá thật thà, tôi vẫn còn nhớ hoài câu cửa miệng của y “Nhân đạo gạo đâu ăn” mọi thứ thật sự quá dơ bẩn, quá ma giáo mà không ai có thể ngờ được nó lại đã và đang tồn tại thậm chí đang phát triển trong một công ty có cái vỏ bọc chuyên nghiệp đến vậy.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có cái giá của nó, chúng tôi vẫn còn nhớ có một lần Mr Q vì “luộc” cục pin của một anh chàng trẻ tuổi nọ mà lại vừa có thái độ khiếm nhã đã khiến anh chàng đó quá phẫn nộ về nhà vác dao lên định chém chết y. May sao mà ông bà phù hộ không có chuyện gì, rốt cuộc bắt buộc phải trả lại pin cho người ta.
Thế mới nói, “gieo nhân nào gặt quả đó” đó là một quy luật muôn thuở. Nếu không biết dừng lại đúng lúc trước bờ vực thẳm thì không sớm thì muộn sẽ phải trả giá đắt cho tội lỗi của chính mình đã gây ra. Giờ đây chúng tôi đã không còn là nhân viên của y nữa, bước ra được khỏi đấy anh em chúng tôi ai cũng cảm thấy thanh thản đi rất nhiều.
Theo "tiengnoichung" (còn tiếp)