A Letter to the Future From an IT Worker

Thư gửi tương lai của một người làm tin học

[e-CHÍP] - Sanh năm Kỷ Sửu 1949, đến năm Kỷ Sửu 2009 này, tác giả Nguyễn Chí Công tròn 60 tuổi song nét mặt ông vẫn trẻ trung, cách nghĩ và xử sự của ông càng làm trẻ thêm hàng chục tuổi. e-CHÍP xin trân trọng gởi đến bạn đọc lá thư tâm huyết của tác giả, kèm theo lời hứa của ông về việc sẽ tiếp tục trao đổi cùng bạn đọc trên diễn đàn của e-CHÍP Online trong năm 2009.

Dù ở trong hay ngoài nước, biết bao người Việt Nam khi du học hoặc kiếm sống xa nhà đã từng lặng nghe bài hát Quê hương với lời thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân. Tôi cũng thế, càng lớn lên tôi càng hiểu và yêu hơn những tiếng thơ dung dị mà sâu sắc :

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
...

Câu ca gợi lên những hình ảnh thân quen về nơi chôn rau cắt rốn của tôi :

Vườn xưa có lá me chua
Tay ai làm bát canh cua ngọt ngào

Nhiều năm sau khi vào đời, dường như tôi thực hiện được các mong ước từ ghế nhà trường, nhưng người mẹ yêu đã khuất bóng. Còn làng tôi đã đô thị hoá và dòng sông chảy qua nay đang bị ô nhiễm.

Thời gian trôi đi có bao giờ trở lại. Quê hương không chỉ là kỷ niệm và người ta cũng không thể sống mãi bằng hoài niệm. Trải qua những ngày đêm chăm sóc, dạy dỗ con cái của vợ chồng mình, tôi hiểu ra cách tự nhiên nhất để nối liền với quá khứ là gieo hạt và ươm mầm tương lai ngay trong hiện tại.

Từ khi lọt lòng, các con tôi được ăn no mặc ấm hơn mẹ. Rời mái trường trung học, chúng đều cao vượt bố hẳn một cái đầu. Và khác thế hệ trước, chúng được lướt mạng Internet để phiêu lưu đến mọi chân trời góc bể, dù rằng thực ít ảo nhiều... Mừng sao khi bỗng nghe được ước mong "chúng con sẽ góp phần làm cho nước sông trong và đôi bờ xanh rợp bóng cây".

Có lẽ điểm còn yếu nhất hiện nay của các con tôi là chưa biết tự lập sống và giúp đỡ những người khác. Nhưng trẻ em chính là chủ nhân tương lai, cho nên hướng dẫn giải quyết các vấn đề của chúng là trách nhiệm của người lớn.

Nhìn ra cả nước, chiến tranh kết thúc đã hơn 30 năm, mặc dù các vết thương để lại vẫn nhức nhối dai dẳng. Với nhiều quan hệ mới, Việt Nam đã có vị trí khác xưa trên thế giới này. Cánh cửa Khoa luật của trường đại học đã mở trở lại. Và thời đại kinh tế tri thức đang tới, trong đó những chiếc máy tính có thể giúp các bạn làm biết bao việc, từ học tập, thiết kế,cho đến xem phim, nghe nhạc...

Nhưng mỗi cuộc sống sinh ra biết bao nhiêu điều mới lạ, vì vậy xã hội càng ngày dĩ nhiên càng phức tạp. Dư luận từ lâu đã chỉ trích sự xuống cấp của văn hoá, và chính quyền cũng phải thừa nhận bên cạnh các tiến bộ đã có nhiều thụt lùi, đặc biệt trong giáo dục.

Thành ngữ có câu "con hơn cha là nhà có phúc". Các cụ già thường bảo "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà""không thầy đố mày làm nên", đồng thời lại nói "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng""học thầy không tầy học bạn". Ai cũng đồng ý gia đình, nhà trường và xã hội có ảnh hưởng quyết định đến giáo dục con người. Tôi cho rằng nhìn rõ sự thật và phê bình cái xấu luôn luôn là quan trọng, nhưng tìm nhanh ra phương thuốc còn bức thiết hơn, dù chưa chữa ngay được tận gốc.

Cơ hội được giáo dục và thực hành hiện nay rõ ràng lớn hơn xưa. Nghe nói nhiều nơi đã hoặc sẽ mọc lên những "vườn ươm công nghệ". Thật là một ý tưởng tuyệt vời khi định kết hợp trong cùng một môi trường cả ba khâu đào tạo, nghiên cứu và triển khai sản xuất, ứng dụng. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn con mình chọn được nơi nào cho phép phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, và tránh xa những khuôn đúc ra một bầy robot vô hồn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội là hậu quả tất yếu của sự "bóc ngắn cắn dài" do lòng tham quá mức, lại được xổ lồng trong xu hướng toàn cầu hoá một cách bất bình đẳng. Những ai nhắm mắt làm giàu bằng vội vã vắt kiệt thiên nhiên thực ra đang tự sát. Bức tranh về đa số các thành phố ven biển bị ô nhiễm và lụt lội từ sự đốt nóng Trái đất là cảnh báo mới nhất của Liên hợp quốc. Nhưng "cùng tắc biến, biến tắc thông", âu đó cũng là một cơ hội bất đắc dĩ cho thế hệ trẻ và họ sẽ dần dần thay đổi thế giới cũ bằng một trật tự khác đang hình thành, với những hiểu biết đúng hơn.

Cùng Internet, các ngành khoa học và công nghệ hiện nay cũng đang mang lại sự lựa chọn rộng rãi hơn cho mọi người; dường như không phân biệt gái trai, già trẻ, sức khoẻ, biên giới, hoặc ý thức hệ. Khi đã học tốt ở trường dạy nghề, bạn có thể kiếm được một việc làm vừa sức mà không mất nhiều thời gian lắm. Dĩ nhiên kiến thức hôm qua khó đủ cho ngày mai, cho nên mới cần học thêm trong lúc chờ việc và tiếp tục cập nhật suốt đời.

Còn nếu không muốn làm thuê, bạn có thể lập doanh nghiệp, tổ chức lao động, mua công nghệ và chế tạo sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ nào đó. Tuy ở nước ta nguồn tài chính không còn hiếm như trước kia, vấn đề chủ chốt vẫn là phải biết cách tạo đầu ra có chất lượng hoặc phù hợp khách hàng, cho phép thu hồi vốn và trả được các khoản vay. Tất nhiên khó tránh khỏi cạnh tranh dữ dội, nhưng thị trường toàn cầu cũng dễ mang lại lợi nhuận lớn hơn.

Vậy phải chuẩn bị những gì để không bị lỡ chuyến tàu này?

Tôi không thể trả lời đầy đủ ngay cho tất cả các bạn, bởi vì thông thường hoàn cảnh riêng của từng người khác nhau khá xa. Nhưng kinh nghiệm hội nhập từ những năm gần đây cho thấy trước hết cần nắm vững kiến thức về những quy trình nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ đang chuyển sang một bình diện lớn gấp bội. Thực tế khắc nghiệt của toàn cầu hoá đang áp đặt nhiều luật chơi vượt biên giới. Các nước yếu kém đã mất hàng chục năm đàm phán ở thế bị động để được vào WTO. Muốn tham gia làn sóng công nghiệp hoá, dù nó chỉ mới bắt đầu ở Việt Nam, các bạn vẫn phải có cùng một hành trang hiện đại như những người đang sống ở nơi văn minh nhất Trái đất. Nghĩa là cần nhanh chóng thích nghi với họ, và vứt bỏ những thói quen của mình đã tỏ ra lạc hậu trong học tập, lao động và cả giải trí, hưởng thụ.

Xin nêu ra một số việc cấp bách:

  • Đề cao tinh thần cởi mở cùng có lợi.
  • Tôn trọng sáng tạo và tự do cá nhân.
  • Hoà hợp trong kỷ luật làm việc tập thể.
  • Sử dụng tốt tiếng Anh và Internet.
  • Tin học hoá đến mức cao nhất có thể.
  • Thông suốt dòng tin nội bộ và đối ngoại.
  • Tuân thủ lịch công tác và nghỉ ngơi.
  • Áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn quốc tế.

Tôi hy vọng có thể đóng góp phần nào giúp bạn đọc tự xác định và trả lời được nhiều câu hỏi xuất phát từ những hoàn cảnh cụ thể, tương tự như chính tôi đã từng được thế hệ trước nâng bước vào đời.

Mong các bạn hãy chia sẻ cho nhau những ý nghĩ và kinh nghiệm riêng thông qua Internet và tạp chí e-CHÍP.

Chúc tất cả các bạn gặp nhiều may mắn và tìm thấy hạnh phúc của riêng mình!

Nguyễn Chí Công
Tạp chí eChip số Tết
Xuân Kỷ Sửu 2009