Trang nhà > Cuộc sống > Hài hước > Người đóng thế
Người đóng thế
Chủ Nhật 15, Tháng Ba 2009
Nắng gắt. Tôi ngồi trong phòng điều hoà nhiệt độ hút thuốc và mơ màng nghĩ tới bữa cơm chiều. Cửa phòng mở, Hoàng uể oải bước vào, nói thờ ơ:
— Có lệnh, anh sang ngay phòng Tổng biên tập.
1.163 dân chơi tại vũ trường New Century bị tạm giữ sớm 28/04/2007 (LĐ)
Sang thì sang, tôi sang. Tổng biên tập tắt máy, ngừng chơi quay sang nói với tôi:
— Đã lâu rồi, ông toàn viết những bài có cũng được, không có cũng được. Nay nhân đợt thành phố tổng tiến công chống mại dâm - ma túy, ông nên đi thực tế để viết một bài, chấm dứt chuỗi trăm bài viết dựa vào báo cáo đi.
— Vâng, nhưng xin anh hỗ trợ cho ít kinh phí.
— Chuyện vặt, miễn là ông phải có bài viết thực sự sinh động chấm dứt chuỗi bài… Tình là tình như không mà có… là tình… có cũng như không.
Bảy ngày sau, tôi viết xong bài, phải nói là… có thực tế có khác. Tổng biên tập đọc duyệt bài. Tôi lặng ngồi và lén quan sát sắc mặt của ông. Mươi phút căng thẳng trôi qua… Tổng biên tập nói với không trung:
— Hay! Bài hay lắm! Có thế chứ. Đúng là: Thực tế là tiêu chuẩn của chân lý. Sư bố cái anh báo cáo, nó làm phóng viên mình viết cứ như dở hơi, nhạt nhẽo, viết cũng như không.
Ông nói với không trung mà từng khúc ruột tôi cứ nở ra, nở ra mát lòng rượi dạ.
Bỗng ông nhiu nhíu mày… rồi quay sang nói với tôi:
— Bài này ông viết hay lắm, sinh động lắm. Nhưng có lẽ cái tay khách làng chơi mà ông tả thế này là không ổn rồi. Ông có biết vì sao không? Đầu như quả dưa hấu, nốt ruồi thề lề bên mép trái, lại còn từ đó rủ xuống một chùm lông bàng bạc… thế thì đúng là ông Nguyễn Bình phó chủ tịch tỉnh mình rồi còn gì, trệu làm sao được. Ông định đóng cửa toà soạn đấy à?
Nghe tổng biên tập nói, tôi toát mồ hôi hột. Mồm lắp bắp định thanh minh thì… tổng biên tập vẫn nhẹ nhàng nói:
— Không sao, ông chỉ cần sửa lại chỗ đó là được. Sửa xong ông đưa ngay cho tôi, đăng ngay, đang thời điểm cao trào.
Ra khỏi phòng tổng biên tập lòng tôi nhẹ bẫng. Thật hú vía! May mà ông ấy nhạy cảm chứ để in ra rồi, giấy trắng mực đen rồi thì… Tôi ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc và vù một cái, chữa xong ngay. Nhưng để tránh tiếng nhanh nhẩu đoảng, hời hợt tôi đợi đến cuối ngày mới đem bài nộp lại.
Lưng chừng ngày sau, khi tôi đang lơ mơ trong phòng lạnh, nhẩm tính: Sau cú bài đinh này, tôi có thể ung dung dựa vào báo cáo mà ăn dần vài tháng thì… Có lệnh mời lên gặp Tổng biên tập. Lại có việc gì đây? Tổng biên tập chỉ yêu cầu sửa mỗi một chỗ thì đã sửa rồi. Hay có việc gì mới. Cửa mở, tổng biên tập vẫn nói với không trung:
— Anh ngồi xuống, đọc lại bài đi.
Tôi nói ngay:
— Tôi đọc kỹ rồi. Chỗ anh góp ý tôi đã sửa rồi.
— Có thấy gì không?
— Không có gì lạ cả.
— Đúng là gà công nghiệp. Ông đọc to lại chỗ sửa đi.
Tôi đọc to, vừa đọc vừa giải thích: Mắt him híp tôi đã sửa thành mắt lồi; Mụn ruồi có rủ lông tôi đã thay bằng hai lỗ mũi sợi đen, sợi bạc đâm ra tua tủa như chổi quét sơn cùn rồi còn gì; hơn nữa tôi còn thêm cái bụng tròn tròn ủng ủng như bụng đàn bà chửa tám tháng…
— Thôi, đọc thế là được rồi, ông có thấy gì không?
— Tôi chẳng thấy gì cả.
— Ngu! Ngu lâu khó đào tạo. Giờ ông nhắm mắt lại, tưởng tượng xem cái thằng có mắt lồi, có lông mũi đâm ra tua tủa, có bụng to như bụng đàn bà chửa… nó là thằng nào?
Tôi nhắm mắt hướng sự tưởng tượng theo gợi ý của tổng biên tập rồi chợt giật nẩy mình, lắp bắp:
— Xin lỗi anh… xin… lỗi… anh… Tôi đâu có ý định xỏ xiên gì anh, ôi, ngu quá! Ngu quá! - Tôi vỗ tay bôm bốp vào đầu.
Tổng biên tập điềm nhiên:
— Ông thấy chưa, làm báo là phải cực kỳ thận trọng, bút sa là gà chết. Tôi chủ quan không xem lại để báo in ra thì… ông giết tôi còn gì. Mắt lồi, lông mũi đâm ra tua tủa, bụng tròn tròn như bụng bà chửa… ông bảo, vợ tôi, cô ấy đọc bài viết của ông, cô ấy sẽ nghĩ cái thằng ấy là ai… Có mà thanh minh giời.
— Xin lỗi anh! Xin lỗi anh! Tưởng đơn giản nào ngờ…
— Thôi, ông mang bài về nhà, tối làm cho cẩn thận. Sáng mai nộp vậy.
— Vâng! – Tôi cúi đầu lo lắng, lê bước về phòng làm việc.
Tối. Bài học nóng hổi buối sáng nhắc tôi ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc và thận trọng suy nghĩ. Những khuôn mặt. Những hình dáng. Những cử chỉ… lần lượt hiện rõ trong đầu tôi. Răng miệng lởm khởm, cái còn cái mất rủ như thạch nhũ trong hang, cử chỉ xun xoe… thì không được rồi – ông Khảm, phó tổng biên tập lại kêu. Đầu trán láng bóng, ruồi đậu trượt chân, ngón tay ngón chân thu lu múp míp… không ổn rồi – ông Cấn mà tự ái mình có mà ăn cám. Mũi củ tỏi thò lò, dáng oai phong bệ vệ… cũng không được – lão Kháng lão ấy cho mình chết sặc gạch ngay…
Càng nghĩ càng rối, càng bí, chỗ nào cũng động cũng chạm. Làm phóng viên đã nhiều năm giờ mới biết: viết là công việc chẳng dễ chút nào, tôi vò đầu, bứt tai bất lực. Bỗng… một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu. Có thế chứ! Cái chết của anh viết văn làm báo là cứ tự phức tạp hoá vấn đề, việc chẳng có gì mà cứ hoắng cả lên. Việc thật đơn giản, quá đơn giản, cứ mình mà tả, chẳng động chạm tới ai. Tôi hăm hở viết: tóc tai bơ phờ, mồm tóp má teo… Nhưng cậu phóng viên phòng mình cũng vậy! Thế thì ta viết thêm cái bớt ở thái dương trái – chỉ mình mới có. Lưng lòng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoẵng chữ chi… Nhưng… cậu Biên, cậu Tập cũng thế… à, thì ta thêm cái bàn tay trái 6 ngón – dị tật chỉ có ở mình thì lẫn vào ai được… Cứ thế, loáng cái tôi đã viết xong. Bỗng… từ góc giường vẳng lên tiếng vợ, giọng còn ngai ngái:
— Tắt đèn, ngủ đi anh. Hôm nay viết gì mà kinh thế?- Viết cái bài chống mại dâm ấy mà. Mai nộp bài.
— Ôi dào, loại bài ấy năm nào anh chả có vài bài. Mai đến cơ quan lôi mấy bài cũ ra mà sửa, mà nộp. Có ma nào đọc nó đâu mà thức khuya dậy sớm cho uổng sức.
— Không! Bài này khác, đọc thích lắm. Có thực tế có hơn chứ.
— Cái gì! Cái gì! Có thực tế là thế nào?
Chẳng còn ngái ngủ, vừa nói vợ tôi vừa lao ra khỏi giường, chộp lấy bản thảo đọc ngấu nghiến. Chẳng hiểu đọc được đến đoạn nào, bỗng thấy vợ ôm mặt nấc lên:
— Khốn nạn! Khốn nạn! Không biết xấu hổ còn viết ra khoe cho cả thiên hạ biết. Giời ơi, sao số tôi lại khốn khổ nhục nhã thế này. Chồng ơi là chồng!!!
— Ơ hay, năm nào anh chẳng có mấy bài thế này đưa in.
— Trước khác, nay khác. Thảo nào viết hăng thế, say thế. Có thực tế có hơn mà… hờ… hờ… hờ…
— Vớ vẩn. Cái gì cũng vơ vào mình rồi gào, rồi thét. Tôi viết thực tế xã hội chứ viết gì về mình mà gào, mà thét!
— Vơ vào à? Vơ vào à? Thế đứa nào tóc tai bơ phờ, mặt mày hốc hác, có cái bớt ở thái dương trái? Đứa nào lưng lòng khòng dấu hỏi, chân tay ngoằng ngoẵng chữ chi, bàn tay trái có 6 ngón ? Đứa nào? Đứa nào? Rõ như ban ngày còn nói là vơ vào. Đứa nào? Đứa nào ? Hờ… hờ… hờ…
Nghe vợ hờ hờ gào thét, tôi chợt cay đắng nhận ra một điều đơn giản: mình không thể thế chân vào những việc như vậy được. Còn vợ, còn con, còn bên nội, bên ngoại, còn bạn còn bè… còn… Tôi giật tập bản thảo từ tay vợ rồi quả quyết châm lửa đốt. Lửa từ tập bản thảo phần phật réo, phừng phừng soi tỏ ánh lửa từ mắt vợ đang hừng hực loá.
LÊ MAI