Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > Tiếng hát buồn như lá rụng

Tiếng hát buồn như lá rụng

Thứ Sáu 27, Tháng Ba 2009, bởi CTV

Tôi vượt gần 400 cây số về tận xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình thăm nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu vì nghe tin bà ốm nặng. Với bà, tên tuổi, sự nghiệp tôi đã đọc quá nhiều trên báo chí, một nghệ nhân lớn, một người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, một tài sản dân gian quý báu, một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà ở thế giới... Bây giờ tôi mới được nhìn thấy bà trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt.

Và tôi choáng váng vì không thể ngờ, một nghệ sĩ tên tuổi như vậy, báo chí ngợi ca như vậy, các cấp quản lý thay nhau tôn vinh như vậy lại đang có cuộc sống khó khăn đến không tin được.

Hát cho khỏi cô quạnh

Ngôi nhà bà Hà Thị Cầu bé tí nằm cận kề trụ sở UBND xã Yên Phong. Ngôi nhà bé thế lại còn chia làm hai, một nửa cho bà Cầu ở, nửa còn lại là nhà thờ họ. Phần ở của bà lại chia đôi, phía ngoài đủ đặt cái giường đôi, bộ bàn ghế uống nước, phía trong là nơi bà ngủ, diện tích cũng chỉ nhỉnh hơn cái giường một chút xíu.

Tôi vào, con gái bà tên là Mận mở cổng. Chị nói bà nằm ốm cả tuần rồi. Tôi đứng ở cửa buồng, thấy bà thiêm thiếp, gương mặt gầy lọt thỏm trong vầng tóc bạc trắng, nhìn như cái lá khô.

Một lát, thấy anh Nới, chồng chị Mận về. Anh Nới nói vợ chồng anh ở nơi khác, nhưng cả tuần nay bà ốm, hai vợ chồng dọn về ở cùng bà, sợ bà ở một mình rồi chẳng may có chuyện gì là không ai hay.

Chị Mận kể, bà nằm liệt giường, nhưng vẫn lầm rầm hát xẩm. Hỏi sao bà hát cho mệt thêm, bà nói, ốm đau buồn, không ai thăm nom, hát cho khỏi cô quạnh.

Tôi hỏi vợ chồng anh Nới, thế không ai đến thăm bà? Tỉnh, huyện, xã, sở văn hoá, rồi các cơ quan quản lý, không ai đến? Anh Nới nói, dạ không. Lâu rồi, từ ngày bà mệt, bà yếu, không còn tham gia hát nữa thì cũng không ai thăm nữa.

Vợ chồng em nghèo, nhưng phải gắng nuôi bà. Em có nghề thả trúm bắt lươn, bắt cá đồng, bán được đồng nào mua thuốc cho bà. Vợ anh Nới nói, bây giờ mỗi ngày bà chỉ ăn được vài thìa cơm thôi, bọn em hoảng quá phải kêu bác sĩ đến truyền thuốc. Nhưng bà chỉ mong có người đến thăm bà là bà khoẻ thôi, nhưng không ai đến.

Chị Mận giật mình nhìn về cửa buồng. Bà Cầu lết từng bước chân. Vợ chồng anh Nới đỡ bà ngồi ở giường. Bà nói, thấy khách đến thăm, bà khoẻ ra nên ra ngồi chơi với con. Tôi rụt rè: "Con ao ước được một lần nghe bà hát nhưng hôm nay thì nghe tin bà yếu, con đến thăm bà". Bà Cầu bảo con gái đưa mình cái nhị. Bà hát. Tôi cản bà không được. Bà cất lời: Đường xa, vạn dặm là xa...

Tôi ứa nước mắt. Vợ chồng anh Nới ngạc nhiên, sao bà nằm liệt giường cả tuần, không ăn uống được, mà thấy anh đến, bà lại khoẻ, lại còn hát...

Bà Cầu nói: "Vui thì khoẻ, có gì mà hỏi. Nó ở xa đến, nó muốn nghe bà hát thì phải hát cho nó nghe chứ. Bà không hát nữa là chết rồi đấy".

Đời bà kể mãi không hết...

Tôi có đọc đâu đó một số thông tin về cuộc đời bà. Nhưng tôi muốn tận tai nghe bà kể chuyện đời mình. Bà kể ngắn thôi vì còn mệt, nhưng sao khi kể về đời hát xẩm, mắt bà lại long lanh sáng rực như thế. Tuổi già sống bằng hồi ức cũng phải.

Bà 87 tuổi, minh mẫn, tiếng nói chắc chắn, trí nhớ rõ ràng. Nhiều tài liệu nói bà sinh năm 1917. Nhưng bà nói năm nay bà 87 tuổi. Con gái bà cũng nói bà 87 tuổi.

16 tuổi bà theo mẹ đi hát xẩm ở các chợ, các khu dân cư từ Hải Dương quê mình sang Ninh Bình. Tới Ninh Bình thì gặp ông Trùm Mậu. Hồi ấy, ông Trùm Mậu là người hát xẩm nổi tiếng, dù mù loà, nhưng nhờ tiếng hát trời phú, đàn giỏi, kéo nhị hay nên dân vùng Ninh Bình coi ông như ông trùm.

Bất cứ ai hát xẩm về đất Ninh Bình, phải qua ông, phải được ông đồng ý, và phải nộp tiền hát cho ông hàng ngày. Ông mù loà thế, nhưng có tới 17 cô gái trẻ "chết" vì cái tài của ông. 17 mối tình ấy cũng qua. Ông Trùm thấy bà Cầu trẻ, hát ngọt, nên đưa bà về. Rồi bà thành vợ chính thức của ông vào lúc ông đã 49 tuổi. Bà có 7 người con với Trùm Mậu, nhưng chỉ nuôi được 3.

Cả mười mấy năm làm vợ ông Trùm Mậu, bà Cầu bị chồng đánh đập tàn nhẫn vì ông trùm... ghen. Năm bà 32 tuổi thì ông Trùm Mậu bị bệnh nặng rồi mất. Cơ nghiệp bán hết, dồn mua thuốc thang cho chồng, chồng chết, mấy mẹ con bà Cầu trắng tay. Có tết, mấy mẹ con phải nấu cháo khoai đặt lên bàn thờ tổ tiên.

Bà nói, cho đến lúc này, đã 87 tuổi, bà chưa thấy sướng. Bà nói, nghề bà còn hát thì còn thoi thóp sống, không hát là chết đói. Đồng tiền thiên hạ cho người hát xẩm chỉ đủ cho họ sống cơm cháo trong ngày.

Hồi bà còn khoẻ, còn trẻ, còn hát nhiều, bà được mời đi nhiều nơi. Hội diễn, hội nghị, đại hội, tham gia truyền nghề cho các nghệ sĩ, hát phục vụ du lịch. Thành tích bà mang về cũng nhiều lắm, huy chương vàng, danh hiệu nghệ sĩ, danh hiệu nghệ nhân, giải thưởng văn nghệ dân gian. Chỉ có duy nhất một điều muôn năm bà không thấy thay đổi: Cái nghèo khổ. Bà vẫn là hộ nghèo nhất xã Yên Phong.

Cần lắm một hành động

Đối với lĩnh vực hát xẩm, ca trù, hát ả đào... cả nước chỉ còn khoảng vài trăm nghệ nhân như bà Hà Thị Cầu. Ngay cả danh hiệu nghệ nhân dân gian, đáng ra chính Nhà nước phải là cấp phong tặng danh hiệu chứ không phải như vừa qua, cấp phong tặng lại là Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Bởi vì họ là tài sản văn hoá vô giá, họ là hiện thân của nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc, là niềm tự hào của đất nước, ai cũng đồng ý như vậy, nhưng vì sao đến hôm nay, Nhà nước vẫn không có lấy một chính sách nào đối với họ, chí ít là một khoản tiền phụ cấp đủ cho họ sống, cho họ còn kéo dài thêm tuổi thọ để truyền dạy vốn văn hoá dân gian quý báu cho con cháu.

Và với những nghệ nhân tên tuổi lừng lững như bà Hà Thị Cầu, tiếc gì một quyết định cấp nhà nước để tôn vinh? Vì đơn giản những nghệ nhân này xứng đáng để tôn vinh, xứng đáng để nhà nước đãi ngộ suốt đời.

Các nghệ nhân đã già yếu. Những cái lá quý giá sắp rụng rồi. Những câu hát dân gian quý báu đã nghe buồn như tiếng lá rơi rồi.

Cần một hành động cấp quốc gia đối với hàng trăm nghệ nhân dân gian của chúng ta.

Còn lúc này, khi Nhà nước chưa có một chính sách đãi ngộ cụ thể, chúng tôi mong tấm lòng nhân ái của bạn đọc đối với nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu như là sự tri ân của chúng ta với một con người đã bằng cả cuộc đời mình, tiếng hát của mình, làm giàu thêm kho tàng văn hoá dân gian quý báu của dân tộc mà thế giới cũng phải ngưỡng mộ.

Nguyễn Quang Vinh (LĐ)