An Dương Vương

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc

Năm 222 TCN, nhà Tần chinh phục nhà Chu và đến năm sau, Tần Thủy Hoàng, vị đệ nhất Hoàng Đế của Tần sai nửa triệu binh mã xâm nhập đất Việt (Yueh). Bút lục đầu tiên còn lại về chiến dịch này được ghi lại bởi một sử gia người Hán chưa đầy một thế kỷ sau khi biến cố xảy ra và đáng được trích lại như sau:

... "Tần Thủy Hoàng quan tâm đến những thứ như sừng tê giác, ngà voi, lông chim trả và ngọc trai của đất Việt nên đã sai Đồ Thư chỉ huy 500.000 quân chia ra làm 5 đạo…Trong 3 năm trời, cung tên gươm giáo lúc nào cũng sẵn sàng. Giám quan họ Lư chuyên về tiếp liệu được phái đi theo và vì không có cách nào bảo đảm được việc chuyên chở lương thực, nên ông đã bắt quân sĩ đào 1 con kinh để chở lúa gạo. Vì thế nên mới gây chiến tranh với dân Nam Việt (Yueh). Thủ lãnh Tây Âu là Địch Hồ Long bị giết và dân Việt bỏ vào sống trong các vùng rừng hoang dại với các súc vật của họ; không ai chịu làm nô lệ cho quân Tần. Họ lựa chọn những người dũng mãnh tôn lên làm thủ lãnh và tấn công quân Tần vào ban đêm, gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Tướng Đồ Thư bị giết, còn chết và bị thương vô số kể. Sau vụ ấy, Tần Thủy Hoàng lại sai giải những tù phạm đến để bắt phòng vệ doanh trại, chống lại quân Việt."

Năm đạo quân tiến xuống miền Nam năm 221 TCN. Một đạo khuất phục được Đông Âu và Mân Việt; hai đạo tiến đánh Nam Việt (Nan Yueh). Hai đạo còn lại tiến vào Quảng Tây ngày nay, nơi mà Giám quan Lư được sai đến để lo việc tiếp liệu. Con kinh ông đào là con kinh Hằng An (Hsing An), đào xuyên qua phiá cực Tây của 5 ngọn đèo mở đường xuống Nam. Kinh này nối hệ thống sông Dương Tử với hệ thống sông Tích.

Quân Tần tấn công Tây Âu sau khi hoàn thành con kinh vào năm 219 TCN, và thắng lợi đầu tiên là giết được Địch Hồ Long. Nhưng sau đó là bao nhiêu năm chinh chiến đưa đến cảnh bại trận sâu cay với cái chết của Đồ Thư. Những sự kiện này được người Trung Quốc nhớ lại như sau:

... "Người Việt bỏ trốn vào những vùng sâu xa trong rừng núi và quân Tần không thể nào đuổi đánh dược họ. Quân sĩ đóng trong các đồn trại để canh chừng những vùng đất bỏ trống. Cứ thế kéo dài không biết bao lâu, rồi quân sĩ bị hao mòn và kiệt lực. Lúc đó, người Việt lại kéo đến tấn công và gây tổn thất nặng nề cho quân Tần. Cuối cùng những tù phạm được gởi đến để cho đóng ở những dồn trại chống quân Việt."

Thế là Tần bị sa lầy trong vùng núi non rừng rậm Quảng Tây. Đến năm 214 TCN, các tội phạm được gởi đến nơi để đóng giữ các đồn trại và đi theo bọn này còn có cả "những tên lưu manh, lười biếng và nhóm thương gia đến định cư ở những vùng đất chiếm được." Thái Úy Triệu Đà được cử đến để tổ chức việc chiếm đóng quân sự . Ông đòi phải gửi đến cho ông 30.000 phụ nữ và goá phụ để lập gia đình cho quân sĩ.

Trong những năm kế tiếp, quân đội Tần và quân Yueh chiến đấu sống còn để giành miền Nam. Trên phương diện chính thức, Trung Quốc chia đất Yueh (Việt) ra thành từng quận và sử liệu ghi rằng các hoàng thân trong số dân Bách Việt, đầu cúi xuống, giây thừng quấn quanh cổ, đến nộp mình xin qui hàng các viên chức Tần. Điều này có vẻ quá lạc quan bởi vì một sử gia Trung Quốc, gần một thế kỷ sau, khi viết lại việc này, xác nhận rằng quân Tần

... "vẫn giằng co với quân Việt. Quân Tần đóng ở những nơi chẳng có giá trị gì, vì đã tiến lên rồi, khó mà rút lui được. Trong hơn 10 năm, đàn ông thì lăm lăm gươm giáo, đàn bà lo việc tiếp tế. Dọc đường người ta thấy cả những người treo cổ lên những cành cây vì không chịu nổi đau đớn hành hạ phải tự vẫn. Thế rồi xảy việc Tần Thủy Hoàng chết, và đất nước lại lâm vào cảnh đại loạn."

Tần Thủy Hoàng chết năm 210 TCN. Những tham vọng của ông đã gieo lên đất Việt như một con thú hung dữ, gây ra đợt tàn phá tan hoang bối cảnh yên tịnh của người Việt thời thượng cổ.

Vua Hùng Vương cuối cùng bị mất ngôi về tay một người đã áp đặt quyền hành của ông lên các Lạc Hầu, lập ra nước Âu Lạc và lấy tên là An Dương Vương. Tổ tiên của An Dương Vương không đuợc rõ rệt; điều duy nhất mà sử liệu nói đến, ông là người họ Thục, phiên âm tiếng Việt của Shu, và chính tên ông là Phán.

Thục Phán là ai và từ đâu đến là 2 vấn đề quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ buổi sơ khai. Họ Thục của ông khiến ta nghĩ rằng ông có liên hệ đến cấp cầm quyền của nước Thục ở Tứ Xuyên năm xưa, và đây là tư duy cổ của các sử gia Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng dù có thực là như thế, Tứ Xuyên đã bị nhà Tần lấy từ 1 thế kỷ trước rồi, và gia đình Thục Phán tất đã phải đi định cư ở 1 nơi khác trong thời gian ấy.

Một lập luận khác được truyền khẩu, nhưng cũng chỉ mới thôi, cho rằng họ Thục sống ở thung lũng Cao Bằng, nơi mà sông Tích ở Hoa Nam ăn thông với đồng bằng sông Hồng. Theo ý kiến này, mà sự chính xác còn nhiều nghi ngờ, vào cuối thời các vua Hùng, họ Thục đang cai trị 1 xứ là Nam Cương, tức "biên cương phía Nam", gồm đất Cao Bằng và những phần đất thuộc Quảng Tây ở quá phía Bắc. Khi phụ thân ông mất, Thục Phán vẫn còn bé. Nhưng tính thông minh xuất chúng của ông khiến ông đã bảo tồn được ngai vàng của vua cha. Xứ "Nam Cương" mạnh lên, và nước Văn Lang thành yếu đi; thế là Thục Phán chiếm lấy Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc.

Việc họ Thục lập nghiệp ở biên thùy Văn Lang trải qua nhiều thế hệ được hậu thuẫn bởi 1 huyền tích về cuộc đánh nhau giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, ghi trong 1 đoạn trích dẫn hồi thế kỷ 14 từ một thư tịch của thế kỷ 9. Theo thư tịch này, một tiền bối của Thục Phán đã đến cầu hôn với một công chúa của vua Hùng. Mặc dầu vua Hùng bằng lòng, nhưng các Lạc hầu lại không ưng và nói: "Họ chỉ muốn dòm ngó đất đai của ta thôi." Lại một nguồn thư tịch khác ở thế kỷ 14 thuật lại thời kỳ này để giải thích rằng về sau Thục Phán chiếm cứ Văn Lang để trả thù cho tiền bối của ông. Một bài thơ viết về Mê Linh của một quan chức Việt Nam ở thế kỷ 14 có câu viết: "Ôi hào quang rực rỡ của Văn Lang; Soi sáng cả non sông đất Thục." Ý muốn gợi nhớ đến họ Thục là láng giềng cũ của Văn Lang.

Việc họ Thục cai trị một xứ tên là "Nam Cương" có những chứng cứ như sau: Về mặt địa lý, đất Cao Bằng và những phụ cận gồm có miền biên thùy thiên nhiên ở phía Nam bộ lạc Tây Âu. Với tư cách là một giòng họ, Thục có lẽ đã truy cập giòng dõi của mình lên tới thời nhà Thục ở Tứ Xuyên, nhưng thực tế chính trị của thời ấy và địa điểm chắc chắn đã buộc họ Thục phải có liên kết giữa họ với các thủ lãnh Âu Việt ở Quảng Tây.

Khi quân Tần tiến vào Quảng Tây và giết thủ lãnh Tây Âu, dân chúng bỏ trốn vào những vùng hoang dã, và lãnh thổ của họ Thục là một nơi ẩn trốn thiên nhiên rất tốt. Dưới sự chiếm đóng của quân Tần, họ Thục có thể đã lôi kéo được những thủ lãnh Tây Âu khác thất thế đang muốn lấy lại giang sơn của mình, và nhờ họ cùng thế lực ảnh hưởng của họ mà Thục trở nên cường thịnh và hiếu chiến đối với dân tộc láng giềng ở phiá Nam tức vùng đồng bằng sông Hồng. Cuộc chinh phục sau đó đã đưa đến 1 sự pha trộn ngưòi Âu kéo đến với dân Lạc thường trú mà thành nuớc Âu Lạc.

Sự hiểu biết của chúng ta về nước Âu Lạc là một sự lẫn lộn huyền tích với lịch sử. Vua An Dương là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được minh xác bằng tài liệu xuyên qua những thư tịch đáng tin cậy, nhưng phần lớn những am hiểu của chúng ta về triều đại của ông lại đã tồn tại qua hình thức những huyền tích. Đất Mê Linh vẫn là một trung tâm quyền lực của Lạc. Các thủ lãnh Âu mới đến đã lập trị sở của họ ở Tây Vu, nơi đây họ xây thành mới gọi là Cổ Loa hay Cổ Loa Thành tức là "thành hình xoắn ốc". Danh hiệu này được gọi theo những bức tường thành được xây xoáy vào giữa như 1 con ốc. Những di chỉ khảo cổ ở Cổ Loa đã cho thấy một ảnh hưởng rất lớn của kiến trúc miền Bắc, nhưng những đồ gốm và những mũi tên bằng đồng lại là những phát triển của công nghiệp địa phương. Những sự kiện quanh viêc xây thành Cổ Loa đã được nhớ lại trong huyền tích con rùa vàng.

Huyền tích kể rằng việc xây thành bị bế tắc vì mỗi đoạn xây xong lúc ban ngày lại bị bí mật phá vỡ trong đêm bởi các thần linh đất Cổ Loa. Những thần này muốn trợ giúp cho vị hoàng tử của vua trước trả thù việc ông bị mất ngôi kế vị. Các thần này được chỉ huy bởi một con gà trắng tuổi đã ngàn năm đậu ở núi Tam Đảo gần đó. Một con rùa vàng xuất hiện, khuất phục đuợc con gà lông trắng và đã ở lại với vua An Dương cho tới khi thành xây xong. Khi từ biệt, thần rùa đã đưa cho vua một cái móng rùa của mình để chế tạo thành 1 cái lẫy cho chiếc nỏ của nhà vua và quả quyết rằng với lẫy nỏ đó, vua có thể tiêu diệt được bất cứ kẻ thù nào. Vua An Dương trao trách nhiệm cho 1 ngưòi là Cao Lỗ làm nỏ và đặt tên là "Chiếc Nỏ Thần Của Móng Rùa Vàng Thiêng Liêng".

Câu chuyện nỏ thần dường như đã được truyền vào Trung Quốc bởi các dân tộc Đông Nam Á ở phía Nam trong thế kỷ thứ 3 và 4 TCN. Vũ khí này nhanh chóng được công binh Tần nghiên cứu làm theo; lẫy nỏ có thể chịu được 1 sức ép rất lớn và có thể bắn đi 1 mũi tên với sức mạnh lớn hơn bất cứ loại nỏ nào. Việt Nam đã đào được 2 cái lẫy nỏ bằng đồng như thế và hầu hết những bộ phận khác được làm bằng tre. Chiếc móng rùa dùng làm lẫy nỏ chứng tỏ tính cách quân sự của những cuộc chinh phục của An Dưong Vương và có lẽ nền cai trị của ông được căn cứ trên sức mạnh hay sự đe doạ dùng sức mạnh.

Việc xây thành Cổ Loa và huyền tích móng rùa gợi lại kiểu kiến trúc thành được nhà Tần xây dựng ở Tứ Xuyên sau khi phá được nhà Thục một thế kỷ trước đó. Những nỗ lực cai trị trong suốt thế kỷ thứ 3 cũng được cho là có liên quan đến quyền lực của các vị thuỷ thần.

Chủ đề chính trong huyền tích An Dương Vương là sự so tài đọ sức giữa thần Bạch Kê (gà trắng) và thần Kim Quy. Gà là một biểu tượng bản xứ rất cổ. Một bức tượng gà bằng đồng từ cuối thiên niên kỷ thứ nhất TCN đã được khảo cổ đào thấy ở Mê Linh. Mặt khác, rùa chính là biểu tượng thần Chiến Tranh của Trung Quốc (tức là thần Trấn Vũ). Những câu chuyện về vật tổ (totem) cũng nói lên sự thay đổi vận mệnh chính trị. Theo một huyền tích khác cũng vào thời kỳ đó, vua An Dương được miêu tả như hiện thân của thần Kim Kê và các Lạc Hầu cầm tinh Khỉ Trắng (Bạch hầu). Sau khi đã khuất phục được Bạch Kê nhờ sự trợ giúp của thần Kim Quy, vua An Dương được cho là đã thâu hút được linh khí của Gà vào mình biến màu trắng của nó ra thành màu rùa vàng; còn màu trắng nguyên vẫn là biểu tượng của uy quyền bản xứ, tuy là màu của các Lạc Hầu.

Huyền thoại rùa vàng được thuật lại từ cái nhìn của kẻ đi chinh phục, tức vua An Dương, cũng như việc xây thành Cổ Loa và chuyện đánh đuổi được những lực lượng có ý cản trở công cuộc xây thành. Chuyện Rùa Vàng có truyền thống từ những chiến dịch xâm lược ở phía Bắc để tượng trưng cho thế thượng phong quân sự. Thế nhưng huyền tích này đã được lưu truyền với hàm ý Rùa Vàng là hiện thân của Lạc Long Quân trú đóng ở địa thế trong đồng bằng sông Hồng. Điều này biểu lộ chuyện các Lạc Hầu đã hội nhập cấu trúc chính trị mới vào những huyền thoại lập quốc sẵn có.

Tương tự, danh hiệu Âu Cơ có lẽ cũng đã được lồng vào huyền thoại Lạc lúc đó để tượng trưng sự kết hợp chính trị của Âu và Lạc qua cuộc hôn nhân của Âu Cơ là người đến cùng với kẻ xâm lăng từ phương Bắc, lấy Lạc Long Quân, người anh hùng văn hoá của phương Nam. Âu Cơ nguyên thủy là mẹ sinh ra các vua Hùng, nhưng lại có thể có liên quan đến Ngu Cơ, con hươu thần trong huyền thoại của người Mường là những bà con miền núi của người Việt.

Huyền tích Lý Ông Trọng duy chỉ nói đến sự tiếp xúc của vua An Dương với nhà Tần. Lý Ông Trọng là một người Việt Nam to lớn đã được vua An Dương đem triều cống Tần Thủy Hoàng; và sau khi làm nhiệm vụ xuất sắc đánh được quân Hung Nô, ông đã được cho về quê cũ rồi chết ở đó. Tuy nhiên, việc tế thờ Lý Ông Trọng chỉ được khởi xướng vào thế kỷ 9 bởi một quan Thứ Sử ở Giao Chỉ; nên huyền tích về ông có lẽ ít liên quan đến những biến cố thời vua An Dương.

Triều vua An Dương là một thời đại chuyển tiếp. Ông đến từ miền Bắc, xây được 1 toà thành lớn. Mặc dầu đã khuất phục được các Lạc Hầu, nhà vua đã không tước mất quyền hành của họ. Chính ra, nhà vua đã được hấp thụ bởi chính truyền thống của dân tộc mà ông đã chinh phục. Về sau, ông lại bị làm mồi cho những lực lượng mạnh hơn từ miền Bắc kéo đến.

Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org