Ăn... đất ở Lập Thạch

Tết đến, không chỉ lo sắm sửa bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, kẹo mứt, người dân Lập Thạch (Vĩnh Phúc) còn phải mua một ít đất để dành mời khách trong những ngày đầu năm mới. Thiếu món đất đãi khách có lẽ sẽ là điều sơ suất lớn.

Đến Vĩnh Phúc, ngoài những danh thắng như Tam Đảo, Tây Thiên, Đầm Vạc... còn có Lập Thạch, nơi khiến du khách ngạc nhiên với món ngon người ta trịnh trọng mời nhau để mở đầu câu chuyện: đất.

Người dân Lập Thạch quí nhau tặng nhau món đất hun gói trong lá chuối. Món đất đi vào ẩm thực của nơi này từ bao giờ không ai còn nhớ, chỉ biết khi sinh ra và lớn lên, người Lập Thạch đã quen với mùi thơm nồng của lá sim, của cỏ tế quyện trong hương đất nồng nàn. Ăn đất được mô tả giống như ăn gan lợn, ngon, thơm và bùi... Trước khi vào mâm cơm, có người làm miếng đất cho thoả cơn thèm rồi mới ăn cơm. Đi làm đồng, người ta mang theo đất để ăn ngoài ruộng, lúc ở nhà đất để ở đầu giường cho tiện lúc thèm ban đêm.

Ngày nay, món đất đặc sản này vẫn được bán ở chợ1Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Dương, Yên Lạc... Những miếng đất được đựng trong chiếc rổ con con, ngày chợ đông thì đất là món “cháy hàng”.

Đất để ăn không phải cứ xắn ở ngoài vườn về là dùng được, thứ đất được ưa chuộng phải mềm mịn, không có sạn, nặng mùi bùn và có màu xám tro pha nâu đỏ. Người ta đào đất về rồi xắn ra thành miếng nhỏ khoảng 4-5mm, to cỡ hai, ba đốt ngón tay, đem phơi khô, nắng và gió làm cho đất đổi sang màu xám trắng.

Để ăn được, đất phải được hun bằng lá cây tươi có mùi thơm và nhiều dầu, dễ cháy. Cỏ tế, lá chè và cây sim là những loại cây đem lại cho đất mùi thơm đặc biệt nhất. Sau khi phơi khô, đất được xếp trên một giàn làm bằng gỗ và đan dây leo, bên dưới là một cái hố tròn, nông được đào để xếp cỏ và hun đất. Khi cỏ cây cháy hết cũng là lúc những miếng đất trên giàn đổi sang màu vàng sẫm, mùi khét thơm của khói quyện vào đất tạo nên một mùi hương rất khó tả.

Tất nhiên thứ quà quê độc đáo chỉ có ở vùng quê trung du Bắc bộ này nếu không quen bạn sẽ khó lòng nếm thử. Còn thói quen ăn đất của người dân nơi đây vẫn là một bí ẩn dành cho các nhà nghiên cứu.

DIỆP SA (Tuổi trẻ Chủ Nhật, 11/02/2007)