Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > Đêm cuối cùng ngày đầu tiên

Đêm cuối cùng ngày đầu tiên

Thứ Tư 29, Tháng Tư 2009

Vào ra Sài Gòn đã bao lần. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp non nửa sống trong đây. Nhưng, thú thực là chưa khi nào tôi có thể hoà mình, có thể nhập thân được vào với không gian, với nhịp sống đương thời hàng ngày của Thành phố vĩ đại này. Không phải chỉ vì đã không sinh ra lớn lên ở đây, mà còn vì chưa bao giờ tầm nhìn của tôi vượt ra được khỏi những ký ức, những ấn tượng về Sài Gòn trong hai ngày 29 và 30 tháng Tư của 34 năm về trước.

Hầu như lần nào vào Nam tôi cũng tìm về quận lỵ Củ Chi, điểm khởi đầu cuộc tấn công vào nội đô của Trung đoàn. Tất nhiên là ngày đó bây giờ khác nào kiếp này kiếp trước. Thật khó mà nhìn thấy lại một dấu mờ nào của dĩ vãng. Đâu rồi Cầu Bông ? Đâu thành Quan Năm, trại Quang Trung, cầu Tham Lương, dệt Vinatexco, Bà Quẹo, đường Lê Văn Duyệt, ngã tư Bảy Hiền, nhà thương Vì Dân ? Từ quận lỵ Củ Chi về tới Bảy Hiền, chặng đường chẳng bao xa, nhưng cái ngày 29 ba mươi lăm năm trước ấy thì thật là dài, có thể nói là ngày dài nhất trong cuộc đời của mỗi chiến sĩ Trung đoàn 24 Bộ binh, Trung đoàn 273 Thiết giáp và Trung đoàn 234 cao xạ, thê đội quân binh chủng hợp thành đột kích thọc sâu hướng tây bắc Sài Gòn. Mức độ ác liệt của những trận chiến ngày 29 chẳng thua kém gì so với các trận trong Chiến dịch Buôn Ma Thuột, thậm chí cả so với những ngày cao đỉnh của Mùa khô 1972...

Ngày 30, bốn giờ sáng, pháo lớn Quân đoàn 3 bắt đầu lên tiếng, càng lúc càng dữ dội, cấp tập bắn phá phi trường. Bảy giờ, tiểu đoàn 5 mà mũi nhọn là đại đội 7 cùng gần chục xe tăng T54 tấn công ngã tư Bảy Hiền.

Sau non một tiếng đồng hồ cận chiến qua từng ngôi nhà, C7 mở thông được ngã tư. Trước mắt đã là những thời khắc cuối cùng, những thước đất cuối cùng của cuộc chiến tranh đằng đẵng cả đời người. Và cũng là thử thách cuối cùng, thương vong cuối cùng.

Từ ngã tư Bảy Hiền, K5 của 24 đánh cắt ngang qua Tân Sơn Hoà tấn công cửa số 5, K4 và K6 tấn công cửa sổ 4 phi trường. Trung đoàn 28 theo đường Võ Tánh qua Lăng Cha Cả tấn công Bộ Tổng tham mưu. Trung đoàn 66 xuôi đường Lê Văn Duyệt tiến vào trung tâm thành phố. Đến đúng 10 giờ 30 quân dù trấn giữ Cửa số Năm vỡ trận, lối vào phi trường mở toang. Các đại đội của trung đoàn 24 cùng các phân đội xe tăng Trung đoàn 273 đánh địch liên tục qua các khu vực phòng thủ của Sư bộ sư đoàn 5 không quân, Bộ tư lệnh dù, khu ra đa, khu cố vấn. Trung đoàn trưởng Vũ Tài trực tiếp chỉ huy K6 phát triển nhanh đến trại Đavít để hội quân với Phái đoàn quân sự của tướng Hoàng Anh Tuấn. Đến đúng 11 giờ 30 thì anh em tiểu đoàn 6 đã kéo được lá cờ Quyết Thắng của Sư đoàn lên đỉnh lầu chỉ huy không lưu. Song, qua trưa đến chiều tiếng súng chống trả của quân dù vẫn lúc thưa lúc rộ lên. Mãi tới 14 giờ 30 quân ta mới dứt điểm được ổ đề kháng cuối cùng ở góc tây phi trường.

Chiều Sài Gòn vội vã rào xuống một cơn mưa để làm nguội đi không gian nóng bỏng của trận quyết chiến vừa kết thúc.

***

Cơn mưa chiều 30 đã giúp dập tắt hầu hết các đám cháy đang loang rộng khắp phi trường. Nắng lên, gió mạnh, những cồn khói đen ngòm lụi dần chỉ còn tro than bay tung toả.

Những toán lính dù cuối cùng lóp ngóp bò ra khỏi các công sự, hai tay đưa cao hoặc chắp sau gáy. Nhưng chẳng ai chĩa súng vào họ, chẳng ai thiết gì bắt họ làm tù binh. Các “thiên thần mũ đỏ” trút bỏ mọi thứ vũ khí có trên người, rũ bỏ binh phục, người ngợm trần trụi còn độc cái quần cụt, rồng rắn lũ lượt nối nhau tà tà đi ra phố. Tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn, dao găm, mũ sắt, áo trận, giày đinh lăn lóc la liệt trên dọc các đường băng.

Khắp sân bay ngổn ngang chồng đống đen xì những hậu quả của trận đánh trong ngày, của những đợt pháo kích và oanh kích liên tục suốt từ đầu chiến dịch. Bộ đội trung đoàn 24 lại phải lo thu dọn tử thi. Không nhiều, nhưng rải rác, dụi dọ trong khắp các xó xỉnh hầm hố công sự, trong bụng máy bay, trong xác xe hơi, xe thiết giáp. Đa phần là lính nhưng cũng vài xác dân thường. Có những người đã chết từ mấy ngày trước rồi.

Riêng trung đội chúng tôi thì phải nhận một trọng trách rất lạ đời là đi săn cẩu. Từ góc phía đông đường băng quân sự cả trăm con bẹc- giê vỡ chuồng chạy toả ra khắp sân bay. Không phải loại cẩu giữ nhà vẫn thường thấy mà là những con thú hình thù ghê sợ, to như con bò, gầm hú như cọp, lao nhanh như tên bắn, dữ tợn, điên dại lồng lộn. Mãi gần tối chúng tôi mới quăng thòng lòng chụp được con “Ních” cuối cùng kịp trước khi nó lao xổng ra khỏi cổng Phi Long.

Chiều buông. Tất cả các đám cháy đã tàn hết. Ánh tà nhuộm đỏ phi trường. Tay chiến binh chót cùng của Quân lực Cộng hoà từ trong một chiếc C130 đột nhiên chui ra đầu hàng ! Cái gã nực cười ấy chẳng phải phi công chẳng phải quân dù, chỉ là một tay trung sĩ trong pháo đội phòng không mà lính tráng với uý tá đã tan chạy từ tám hoánh. Chiếc máy bay mà gã chúi vào ẩn từ sáng sớm bị đạn cối phá toang buồng lái, bị đạn tiểu liên bắn rỗ nát hai bên sườn, vậy mà may phúc cho gã là máy bay không bốc cháy. Chiếc C130 ấy cũng là chiếc phi cơ rất nực cười. Đấy là chiếc máy bay cuối cùng đáp xuống ngay trước khi tất cả các phi đạo bị hoả lực quân ta khoá cứng lại. Nhưng chuyến bay liều mạng ấy lại chỉ tha xuống cho thành phố đang bị bao vây toàn những thứ tầm phào : những hồm gỗ chất đầy ly tách thuỷ tinh, hòm thì chứa toàn giày da, hòm thì mỹ phẩm đàn bà... Và báo ! Hàng trăm tờ Nation số ra ngày 28 ở Bangkok, tờ Kinh tế Viễn Đông ra cùng ngày ở Hồng Công, tờ Người hướng đạo Thiên Chúa giáo, tờ Playboy, tờ Sao và Vạch. Chặt chẽ, răm rắp, hiệu quả xiết bao cơ chế vận hành của bộ máy quân sự Mỹ, nhưng mà cũng là kỳ quài và nực cười quá sức tưởng tượng...

***

Chiến quả đầu tiên của quân ta trong buổi chiều tối ngày 30 tháng Tư là giấc ngủ ! Khắp nơi trong phi trường la liệt những cánh võng. Có tay chẳng buồn võng, cứ vậy lăn ra làm một giấc trên thềm đá hoa nhà ga, trên ghế phòng chờ, trên mặt bàn buồng vé...

Nhưng tổ ba người chúng tôi thì không được hưởng cái sung sướng đó. Chúng tôi đang đi vào trong nhà ga sân bay để tìm chỗ ngả lưng thì “đụng” phải chính uỷ Bùi Hoè. Anh dắt theo hai đứa nhỏ, thằng bé chừng mười tuổi, con bé mới khoảng lên sáu lên bảy. Lính ta tìm thấy hai đứa trong một chiếc xe hòm đậu vạ vật trong bãi xe hàng trăm chiếc vô chủ ngoài cổng Phi Long. Cha mẹ hai đứa chở chúng tới phi trường. Để chúng ngồi lại trong xe, họ vào nhà ga, rồi không thấy quay ra nữa. Như vậy là hai đứa bé bị nhốt trong cái cũi bí thở, nóng như thiêu, không giọt nước hột cơm, giữa cảnh hổn loạn, pháo dập, đạn lia. Khi bộ đội phá cửa xe đưa chúng ra hai đứa chỉ còn thoi thóp. Tuy nhiên được uống được ăn và tắm táp chúng hồi lại rất nhanh. Gia đình chúng vừa từ Huế chạy vào, ngụ ở nhà ông cậu trước khi ra sân bay. Nhà ông cậu ở đường Đồng Khánh, thàng bé nhớ vậy nhưng không nhớ số nhà.

Đưa hai cháu về cho gia đình. Chính uỷ ra lệnh. Đã mệt lử, đã buồn ngủ đến muốn gục ngã ngay, nhưng biết làm sao được. Chúng tôi kiếm trong bãi xe một chiếc Zeep lùn và moi được từ trong đám dù vừa buông súng một tay tài xế.

Chúng tôi đưa hai đứa nhỏ rời sân bay hướng về thành phố mới giải phóng. Thành phố vĩ đại, mênh mông, sâu thẳm, chằng chéo muôn ngả. Tay tài xế tiếng là lính dù nh­ưng đại lớ ngớ, lại là dân miệt vườn Mỹ Tho chẳng rành gì đường xá Sài Gòn nên cứ chạy loanh quanh phập phù. Vòng vo, chậm rề mà cứ lạc mãi. Quân ta tuy đông, những năm quân đoàn, nhưng vì Sài Gòn quá rộng lớn nên tới khuya ngày 30 còn rất nhiều đư­ờng phố chưa xuất hiện bóng dàng bộ đội. Mà tiếng súng, không rõ ràng là chỉ thiên hay bắn thẳng thì càng lúc càng rộ lên loạn trời. Ba đứa tôi ngồi trên xe súng vẫn lăm lăm trong tay, đạn vẫn lên nòng, dò dẫm qua từng ngã tư, ngã năm, ngã bảy, chỗ đông nghịt người xe ùn tắc, chỗ vắng tanh vằng ngắt. Gần 9 giờ đêm mới thấy biển đề tên đ­ường Đồng Khánh. Chiếc Zeep gắn đại liên bò rù rù dọc con phố với hy vọng thằng bé nhận ra được nét quen nào đấy. Chạy suốt một lượt, vòng lại chạy lượt nữa. May làm sao, chính là con bé em nhận ra mặt tiền nhà ngoại.

Chúng tôi bấm chuông, đập cửa. Hồi lâu mới có người rón rén ra mở. Không ai khác chính là mẹ của hai đứa bé. Thật không sao tin được. Hai vợ chồng họ đã chở con ra phi trường vào buổi tối ngày 28, hy vọng là có thể kiếm được chỗ trên tàu bay Mỹ. Nh­ưng vừa đỗ xe lại ở cửa phi trường thì gặp pháo kích, lập tức tất cả rồ loạn lên, bố đằng bố, mẹ đằng mẹ, quăng hai đứa con lại trong xe. Suốt đêm 28, cả ngày cả đêm 29, gần trọn ngày 30 cũng không một mống nào dám lai vãng tới phi trường để tìm hai đứa nhỏ. Mệt, chán, buồn ngủ, chúng tôi “bàn giao” hai đứa con cho người mẹ rồi bỏ đi luôn.

Chiếc xe đã hết xăng nên chúng tôi trả tự do cho tay tài xế, rồi đi bộ tìm lối trở về Tân Sơn Nhất. Ba đứa, một hàng dọc, dãn cách thưa, lặng lẽ bước, y như là mấy chàng Vệ Quốc “một lần vào thành phố” của Trần Đăng.

Đã quá mệt, quá buồn ngủ, lại chắc chắn là đã hoà bình rồi, không cần phải quá khẩn cấp nữa, chúng tôi chọn một chỗ để qua đêm. Chỗ ấy có vẻ như là một công viên, không nhà cửa, nhiều cây cối (có lẽ là khu nghĩa trang Mạc đĩnh Chi ?). Tôi gác phiên đầu, tới nửa đêm. Quang rồi Nghi phiên nửa đêm về sáng. Nghi gác phiên cuối, khi trời rạng sáng đã không lay mọi người dậy mà lại ngả người ra võng chủ quan đánh tiếp một giấc ngủ nướng...

Những tiếng động lạ khiến tôi choàng tỉnh. Theo bản năng tôi chực vồ lấy AK, nhưng rồi lại nằm im.

Trời đã sáng bạch. Một đám khá đông dân tình hiếu kỳ quây thành một vòng rộng bao quanh “bãi khách” của ba anh bộ đội Giải phóng. Qua khe bọc võng, tôi nhìn lên tán cây, lên cao nữa, lên bầu trời tháng Năm cao xanh vời vợi. Hoà bình, phải, đã
hoà bình rồi, tôi chợt nhớ ra, và đến lúc ấy tôi mới thực sự cảm thấu vẫn tận tim mình rằng mình đang giữa lòng Sài Gòn, trung tâm của giấc mơ lớn lao, đoạn trường của bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu con người còn sống hay đã chết trong cuộc trường chinh này.

Nước mắt ngày thắng lợi nóng rực đau nhói. Sắp sửa 35 năm trời rồi, nhưng tôi nghĩ rằng đến nay đêm đêm trong lòng Thành phố vẫn còn biết bao nhiêu con người mất ngủ vì ký ức chiến tranh. Nỗi buồn thương vẫn khiến cặp mắt của bao người phải âm thầm nhoà lệ. Hàng bao nhiêu người cha người mẹ mất một, mất hai, mất ba, thậm chí mất tất cả những người con của mình trong chiến tranh. Những người vợ mất chồng. Những cặp tình nhân bị chiến tranh chia lìa, mãi mãi không bao giờ còn gặp lại nhau.

Ngày 30 tháng Tư. Niềm vui chiến thắng, hạnh phúc hoà bình và nỗi đau mất mát. Hương hoa và khói hương. Những nỗi niềm ấy trong lòng người dân luôn luôn là một chứ không tách bạch ra như là nhiều người vẫn tưởng.

Bảo Ninh (Văn nghệ)