Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Văn chương > Nghiên cứu > Thân phận "công dân toàn cầu" trong tiểu thuyết của Thuận

Thân phận "công dân toàn cầu" trong tiểu thuyết của Thuận

Thứ Ba 5, Tháng Năm 2009

1. Xu hướng toàn cầu hoá đã mở ra những địa hạt mới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế tới chính trị, văn hoá, văn học - nghệ thuật... Cùng với khái niệm toàn cầu hoá văn hoá là sự ra đời của khái niệm giải lãnh thổ hoá văn học hay chính là: “sự đánh mất mối quan hệ tự nhiên giữa văn hoá và lãnh thổ địa lý cũng như xã hội. Văn hoá không nhất thiết gắn liền với một vùng đất nhất định nào nữa” [9]. Và một vấn đề đặt ra cho những người sáng tạo văn học: biên giới của văn chương có dừng lại trong phạm vi lãnh thổ địa lý của một quốc gia nữa hay không?

Dù “sống giữa các nền văn hoá” khác nhau, song điểm đầu tiên và là cái đích cuối cùng mà các nhà hậu hiện đại trên thế giới đang nỗ lực đạt tới là khám phá những ngõ ngách đặc biệt của những thân phận “công dân toàn cầu”.

Trong bầu khí quyển đó, văn học Việt Nam cũng đang chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt cây bút đang nỗ lực làm mới văn học nước nhà như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Châu Diên, Hoà Vang, Nguyễn Bình Phương, Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Viện, Inrasara, Hồ Anh Thái, Đoàn Minh Phượng, Phan Việt, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư,... Và Thuận cũng không phải là một ngoại lệ.

Cái tên Thuận không phải là mới với giới phê bình, nghiên cứu; nhưng với độc giả rộng rãi thì đây còn là cái tên xa lạ. Chị tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Cộng hoà Liên bang Nga), cao học Đại học Paris 7 và Đại học Sorbonne. Thuận hiện đang sống tại Pháp.Chị là một trong số ít các nhà văn hải ngoại viết bằng tiếng Việt và có hầu hết tác phẩm được xuất bản ở trong nước. Với 5 tiểu thuyết “trình làng” liên tục trong 5 năm: Made in Việt Nam (Nhà xuất bản Văn mới, California, 2003), Chinatown (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2004), Paris 11 tháng 8 (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005), T mất tích (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2006), Vân Vy (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2008); Thuận đang từng bước chứng tỏ bản lĩnh và tài năng của một cây bút chuyên nghiệp, đam mê với nghề. Những tác phẩm của Thuận “tiếp tục khẳng định sức viết dồi dào và khả năng chạm đến những ngõ ngách đặc biệt của cuộc sống thời đại chúng ta” (Cao Việt Dũng giới thiệu T mất tích). Đặc biệt, bước vào tiểu thuyết của Thuận độc giả luôn bị ám ảnh bởi nhiều suy tư, trăn trở của chị trước những thân phận “công dân toàn cầu”.

2. Đi sâu khám phá thân phận của kẻ tha hương bơ vơ trong một bối cảnh xa lạ là một thành công nổi bật trong tiểu thuyết của Thuận.

Nếu ở Made in Việt Nam bối cảnh để xây dựng tác phẩm chủ yếu là Việt Nam thì tới Chinatown, Thuận tái hiện cuộc sống phồn tạp của những người lưu vong trên đất khách. Ngay nhan đề tiểu thuyết Chinatown - tên gọi những khu phố hay cụm khối phố tập trung Hoa kiều hoặc phần lớn cư dân là Hoa kiều, có ở hầu hết các thành phố lớn của hầu hết các nước trên thế giới đã gợi lên ấn tượng của sự tha hương. “Chinatown” dần dần trở thành một biểu tượng văn hoá- biểu tượng của sự tha hương, lữ thứ. Thời gian của câu chuyện được kể lại bắt đầu từ lúc “đồng hồ đeo tay chỉ số mười” và kết thúc khi “đồng hồ đeo tay chỉ số mười hai”. Giữa khoảng đó suốt hai tiếng đồng hồ bị kẹt cùng một đứa con trai mười hai tuổi tại một ga xe điện ngầm ngoại ô Paris vì một túi du lịch vô chủ được phát hiện quanh đó làm cho người ta nghĩ “âm mưu đánh bom một cái ga hiu hắt như thế này chứa một âm mưu khác nguy hiểm hơn nhiều”, người kể chuyện, một phụ nữ Việt Nam tha hương, một Việt kiều bất đắc dĩ mấp mé tứ tuần, mặc sức thả mình vào những hồi ức và những suy nghĩ miên man về thời đi học, về những ngang trái của thế sự và hoàn cảnh khiến cuộc hôn nhân của mình đâm dang dở và bất hạnh. Nỗi ám ảnh về thân phận tha hương được người kể chuyện láy đi láy lại qua nhiều mảnh đời khác nhau. Đó là cuộc sống phiêu bạt không quê hương, không rõ tăm tích của Thuỵ - một Hoa kiều luôn bị cộng đồng kỳ thị, tẩy chay “Không ít học trò của tôi có số phận khác thường. Nhưng tôi chưa thấy số phận nào như số phận Thuỵ. Người Việt khổ, người Hoa khổ, không ai khổ bằng người Việt gốc Hoa” [10]. Đó còn là cuộc đời lầm lũi, cô đơn của những mảnh đời tha hương như cô Fèng Shao. Đó còn là cuộc đời dang dở, bất hạnh của chính nhân vật “tôi” không có tuổi thơ tinh nghịch, tới những tháng ngày vất vả ở đại học Lêningrat, cuộc hôn nhân tan vỡ với Thuỵ là vết thương rỉ máu suốt 12 năm qua, hay hiện tại chua chát của một giáo viên tiếng Anh ở ngoại ô Paris nhạy cảm... Cuộc sống tù đọng, vô vị với những nỗi lo ập đến tức thì về thu nhập, về hộ chiếu,... Chỉ trong 2 giờ đồng hồ tại một ga xe điện ngầm, dòng hồi tưởng của nhân vật tha hương làm sống dậy bao mảnh đời bất hạnh. Người kể chuyện bị ám ảnh bởi quá khứ đau thương: “Tôi không biết Thuỵ ở đâu, gặp ai, làm gì. Đến bây giờ tôi cũng không biết Thuỵ ở đâu, gặp ai, làm gì. Mười hai năm rồi tôi muốn gặp Thuỵ để hỏi. Cuộc sống riêng của Thuỵ hiện nay ra sao. Tôi không cần biết. Nhưng tôi muốn biết những ngày ấy Thuỵ gặp ai, ở đâu, làm gì” [10]; bởi hiện tại mờ mịt: “Mọi thứ trong tôi đều mờ mịt” [10]; bởi tương lai vô định: “Ba mươi chín tuổi tôi biết thế nào là đợi. Ba mươi chín tuổi tôi biết thế nào là thất vọng... Cái túi vô chủ vẫn đang đợi đội đặc nhiệm đến điều tra. Tôi vẫn không biết nên ngồi đợi hay ra bắt xe buýt mà đi tiếp. Đồng hồ đeo tay chỉ số mười hai” [10]. Quá khứ và hiện tại vỡ vụn nhập nhằng xen kẽ vào nhau với ngổn ngang bao mảnh đời éo le; còn tương lai thì chỉ như một ảo giác chưa xác định, Chinatown đậm đặc một thứ humour xót xa, “một câu hỏi đau đớn mà Paul Gauguin dùng đặt tên cho một kiệt tác cuối đời của ông: D’OU VENONS-NOUS? QUE SOMMES-NOUS? OU ALLONS-NOUS? (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là cái gì? Chúng ta đi đâu?)...” (Dương Tường, giới thiệu cuốn Chinatown). “Nếu ví von một cách hình ảnh về Chinatown, tôi sẽ không ngần ngại ví nó với một bản nhạc Jazz; một nhịp điệu đều đều, lặp đi, lặp lại qua các giai điệu khác nhau. Toả ra từ nhịp điệu ấy là sự day dứt, cay đắng về thân phận của kẻ tha hương, lữ thứ, thậm chí ba quốc tịch mà vẫn vô tổ quốc. Nhưng với người viết bài này, sự tha hương chỉ như phần nổi của tảng băng, mà phần chìm, cái phần sâu hơn, khó nhận thấy hơn là những cảm thức về sự tan vỡ, sụp đổ của hệ thống niềm tin” [7]. Đọc Chinatown, người ta biết chắc tác giả đang sống ở thời điểm nào trong lịch sử. Điều đó cũng có nghĩa là Thuận luôn đóng dấu ấn của thế hệ và thời đại mình lên văn học. Tác phẩm của chị là hành trình của những công dân toàn cầu tương lai. Chính chiều kích này làm nên cái mới của Chinatown, tiểu thuyết thường chỉ được đọc như một cuộc tình tan vỡ và một “câu hỏi đớn đau” về thân phận lưu vong.

"Câu hỏi đớn đau" về thân phận lưu vong không chỉ ám ảnh Thuận trong những trang viết ở Chinatown mà còn là nỗi niềm day dứt, trăn trở nhà văn xuyên suốt hơn hai trăm trang Paris 11 tháng 8. Với hai mươi hai chương miên man thật giả lẫn lộn với nhiều sự kiện chồng chất lên nhau, Thuận đã đưa người đọc đến với cuộc sống của những con người nơi đất khách quê người. Hai mươi hai chương là hai mươi hai góc nhìn xoay quanh trận nắng nóng 11-8, thủ phạm giết chết 15.000 người dân Pháp. Trên cái nền ngột ngạt của thiên tai, chân dung con người lần lượt được tô đậm, dần tạo thành tổng thể cấu trúc xã hội, với những lỏng lẻo, những thối rữa, và ngồn ngộn những thân phận tha hương. Hai đường thẳng song song suốt chiều dài cuốn sách (một phân tích trận nắng nóng, một xoay quanh số phận hai nhân vật: Liên và Mai Lan) càng kéo dài càng bộc lộ rõ nét những nỗi hổ thẹn của một xã hội hậu-tư-bản viên mãn không chỉ thuộc về nước Pháp, đồng thời xoáy vào tim độc giả ấn tượng đối lập sắc nét về những góc sáng tối trong tâm hồn hai nữ nhân vật chính. Không phải ngẫu nhiên mà Thuận chọn những con người như Mai Lan, như Liên (Việt Nam) như Pát (Cu Ba), như Nát (Li Băng),... họ là những người đến từ những nước còn nghèo đói, còn Paris là kinh đô của ánh sáng, đại diện cho văn hoá phương Tây và họ từ các nước đến đây với hy vọng, mong muốn được tiếp thu những gì là tốt đẹp nhất của nền văn hoá hưng thịnh. Tuy nhiên, một con người thành đạt ở quê nhà như Mai Lan vậy mà khi sang đây phải sống bằng những đồng tiền trợ cấp của người chồng dành cho đứa con gái. Còn như Liên, cô dù đã tốt nghiệp trường Mỏ - Địa Chất nhưng khi sang đây cô cũng phải sống bằng nghề tắm thuê cho những người già và bằng những đồng trợ cấp ít ỏi của xã hội dành cho những người không có việc làm. Người xinh đẹp như Mai Lan đi phiên dịch thuê kiếm tiền nhờ cả những đồng tiền của khách cho còn lo lắng không biết vài năm nữa khi đã có tuổi, đã hết nhan sắc thì sẽ sống ra sao thì thử hỏi người như Liên sẽ như thế nào? Cũng là tại một thành phố lớn, cũng những văn hoá chung ấy nhưng Mai Lan đã tiếp cận từ từ và thích nghi với nó nên cô đã sống, dù sống trong khó khăn. Còn Liên do quá ỷ lại vào người khác, không có ý chí vươn lên cô đã nhận về mình cái chết trong cô đơn tuyệt vọng với một ông già. Pát tiếp cận văn minh phương Tây một cách ồ ạt và hơi thái quá, lối sống buông thả với chính bản thân mình nên cô mang trong mình căn bệnh của thế kỷ HIV/AIDS. Những thân phận tha hương Việt Nam, Cu Ba, Tiệp Khắc, Li-băng... vật vã với vòng xoáy của cuộc kiếm tiền nhục nhằn nơi xứ người, xung quanh hai cái trục chính là Mai Lan người mẫu, kiếm sống bằng thân hình đẹp đẽ, luôn có đàn ông nhưng cả đời cô đơn, nuôi con một mình từ nhỏ tới lớn và (đối lập) Liên mắt gườm gườm, mặt đầy mụn, không gia đình, không một lần yêu. Sự khốn cùng của cuộc sống ở dưới đáy xã hội hậu-tư-bản viên mãn được phản ánh bằng bút pháp hài hước khiến người đọc bật cười với lối hành xử ngộ nghĩnh của các nhân vật, để rồi con sóng dội ngược lại là nỗi tận cùng đau xót khi sự thật tuyệt vọng đẩy các nhân vật đến bên bờ sinh tử. “Là kinh đô của ánh sáng nhưng quy luật sinh tồn ở đây
thật khắc nghiệt, ai nhanh, ai khôn thì sống không thì muôn đời không ngóc đầu lên được. Cách viết của Thuận làm hiện lên một xã hội nhếch nhác, hỗn độn theo vòng xoáy thường ngày của cuộc sống, con người cần phải nắm bắt cơ hội, nắm bắt thời thế để có thể tồn tại được... Thuận đã làm cho người đọc thấy được một góc của những con người nhập cư sống ra sao. Đây không phải là điều ai cũng làm được!” [2]. Và chị đã thành công trong việc dựng nên một xã hội Pháp thu nhỏ dành cho những người nhập cư và cuộc sống khổ cực của họ. Giữa sống và chết cái ranh giới đó thật mỏng manh và để tồn tại được không phải là chuyện dễ dàng. Paris 11 tháng 8 lại là một câu hỏi về cuộc sống của những người Việt tha hương ở trên đất Pháp. Rút cục họ là ai, họ thuộc về đâu, cái gì đã làm họ đến một nơi xa xôi thế, và cái gì đã giữ họ ở lại đó? Thuận đã đem đặt trong thế tương phản cuộc đời của hai nhân vật nữ, một xinh đẹp, một xấu xí, cùng vật lộn với đời sống (đúng hơn là bị cuốn trôi bởi cuộc sống) trong một xã hội xa lạ. Hình như không có chỗ nào trong đó tác giả cho các nhân vật tự vấn, tự hỏi mình những câu hỏi như họ là ai, họ thuộc về đâu, tại sao họ lại làm thế? Phải chăng, ý của Thuận là muốn qua đó để phản ánh sự nhạt nhẽo của kiếp người, và con người rút cuộc chỉ là những con rối cứ bị cuốn đi theo đà quay của số phận và hoàn toàn thờ ơ ngay cả với chính bản thân mình? Việc viết về xã hội Pháp đương đại vừa với tư cách của người sống trong đó, vừa với tư cách của một kẻ bên lề đã cho Thuận quyền tự do trong sáng tác và câu hỏi “tại sao người ta lại đến Pháp” đã trở thành phản xạ tự nhiên thôi thúc chị tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc của tất cả.

Đề tài thân phận tha hương đã trở thành mạch ngầm xuyên suốt các sáng tác của các nhà văn hải ngoại. Vậy cái gì làm nên sự khác biệt của Thuận? Sự độc đáo của Thuận không nằm ở đề tài mà là cách xử lý đề tài ấy. Vì thế, thân phận tha hương hiện lên trong tác phẩm của chị không chỉ là sự ám ảnh về quá khứ, mà còn là sự bất an ngay trong hiện tại và tương lai. Thuận chia sẻ: “Con người nhỏ bé” luôn là mối quan tâm của nhiều người viết. Trong trường hợp của tôi, với tư cách một nhà văn di dân, “con người nhỏ bé” đã chuyển thành “di dân nhỏ bé”. Vâng, đúng là người ta chỉ cần có mấy tiếng đồng hồ để bay từ Paris sang Dakar, Bagdad, Bombay hay Hà Nội, nhưng có lẽ người ta chẳng bao giờ có thể rút ngắn khoảng cách giữa các mức sống, các niềm tin, các nền văn hoá... Theo đánh giá của tôi, một trong những nạn nhân chính của cái hố ngày càng sâu giữa phương Tây và Thế giới thứ ba không ai khác ngoài “di dân nhỏ bé”. Mặc cho bộ luật chống phân biệt chủng tộc lâu lâu lại được tặng thêm vài điều khoản, người nước ngoài hạnh phúc nhất ở Pháp bao giờ cũng đến từ các quốc gia hùng mạnh, còn người nước ngoài bất hạnh nhất suốt thế kỉ qua vẫn giữ nguyên màu da từ rất đậm đến hơi đậm. Đọc bản thảo Chinatown dịch ra tiếng Pháp, người ta xua tay: nhà văn Việt nên viết về vịnh Hạ Long, về tình yêu đôi lứa, về thiện thắng ác... chỉ các nhà văn Trung Hoa và Nhật Bản mới có quyền làm độc giả Pháp đau đầu! Anh thấy đấy, phân biệt chủng tộc không giảm đi chút nào, mà ngày càng tìm được những hình thức tinh tế hơn để trú ngụ một cách yên ổn” [8]. Thân phận tha hương, lưu vong trên đất khách luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi của các nhà văn xa xứ. Qua những hình tượng văn chương, họ đang viết lên gương mặt, tư duy, niềm thương nỗi nhớ từ bản thân mình. Nếu ở Chinatown của Thuận là những mảng hồi ức đan lớp của một phụ nữ Việt Nam tha hương, những đổi thay kể từ khi trở thành Việt kiều về một hoặc nhiều nơi mình coi là bản quán thì gần hai trăm trang Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng là sự chất chứa cả một hành trình tìm về với chính mình, với gốc gác bị quá khứ buồn thương và dòng thời gian chảy trôi xoá nhoà. Còn Phan Việt (hiện đang học chương trình tiến sĩ tại ĐH Chicago - Mỹ) trong hai tác phẩm đã công bố - Phù phiếm truyện và Tiếng Người - đã đặt nhân vật trên những nẻo đường tìm kiếm bản thân mình... Mỗi nhà văn có những cách thể hiện riêng, song ở cả ba chị đều có sự gặp gỡ ở cách viết mang dấu hiệu hậu hiện đại và cao hơn hết thảy là khát vọng khám phá những góc khuất của cuộc sống hiện đại.

3. Không chỉ dừng lại ở việc phản ánh thân phận tha hương trong bối cảnh toàn cầu, tiểu thuyết của Thuận còn đẩy xa hơn, một bước rất dài sự vong thân của con người trong xã hội hiện đại bất an, hoang vắng và cô đơn. Với T mất tích, Thuận đã làm được điều đó.

Tiếp nối Chinatown và Paris 11 tháng 8, T mất tích là sự vong thân của cá nhân trong thế giới hiện đại, những con người mà ngay đến cái tên cũng chỉ còn là một chữ cái viết tắt - T. “Con người trong T mất tích không còn mang thân phận của kẻ tha hương bơ vơ trong một bối cảnh xa lạ, mà lâm vào một tình thế khác, không kém phần tuyệt vọng: bị kết án biến mất, nhân vật của Thuận thậm chí không có chỗ đứng dưới chân, quá khứ nhạt nhoà và tương lai đơn giản là không tồn tại” (Cao Việt Dũng, giới thiệu T mất tích). Vì vậy mà Thuận bắt buộc phải để T mất tích làm câu đầu tiên của tiểu thuyết, rồi nhường toàn bộ tác phẩm cho nhân vật “tôi”, một người Pháp chưa từng đưa chân ra khỏi biên giới, cùng cái xã hội đã tạo nên anh ta: từ ông bố đỏm dáng và ích kỉ đến bà mẹ kế khôn ngoan nhưng thiếu may mắn, từ những người tình đầu nhạt nhẽo đến nàng Anna bí hiểm cuối cùng, từ lão trưởng phòng râu quặp đến mụ vợ quý tộc loạn dâm… Câu chuyện bắt đầu từ việc T. cô vợ sáu năm của người đàn ông Pháp, xưng tôi trong truyện đột ngột biến mất từ cái buổi chiều cô ấy không đón con từ trường mẫu giáo về nhà. Tôi phải đón con từ đồn cảnh sát, rồi trước khi ngủ phải điện thoại báo với cảnh sát T. vẫn chưa về. Để sau 48 tiếng luật định, T. chính thức là đối tượng của cơ quan truy tìm người mất tích trên toàn nước Pháp. Rồi sự việc được tác giả khéo léo dẫn dắt: từ bảng lương, bảng kê tài khoản ngân hàng… nói nhiều hơn những con số trên đó về thân phận, địa vị con người… đến hai ngày cuối tuần tôi lôi đứa con mẫu giáo theo dấu sếp, chỉ vì sếp là người duy nhất phát âm đúng tên T. âm tiếng Việt có dấu trên và dấu bên dưới, người duy nhất ở Công ty dược đã hỏi thăm T. và cũng là người có giao dịch với một ngân hàng không quen thuộc, cái ngân hàng của khoản 10 ngàn Euro bí mật trong tài khoản T. vừa được nhập, trước khi cô biến mất. Câu chuyện tiếp diễn về đám tang ông bố tuốt dưới miền Nam nước Pháp mà tôi cùng con gái vượt ngàn cây số về dự. Cuộc tang với nhiều bi hài, việc chia tài sản thừa kế khá lạ lẫm cùng bà mẹ kế chỉ vừa gặp mặt với cuộc hoan lạc cùng y tá Anna bí ẩn của cha tôi, về lại Paris với chuyện anh chàng Paul đồng nghiệp đột quỵ, và tay sếp có mụ vợ hoang dâm cùng cực luôn nghỉ phép cùng ngày tôi nghỉ…. Từ cái bạt tai tên nhóc đã thét “ đồ đĩ điếm” trước T., mà khi tôi buộc nó xin lỗi, nó đã chẳng bảo là người lớn cả khu nói thế (với những người phụ nữ da màu lấy chồng da trắng) đến những bữa trưa căng tin công ty dọn món bò bít tết thì hệt như câu chuyện sau đó của những đồng nghiệp nam là chuyện giường chiếu... Câu chuyện kết thúc với số phận của một bà cụ nằm đường ray tàu quá chục lượt chỉ để vượt thoát vòng đời, nhưng không may các lái tàu luôn phát hiện được bà lão đã 84 tuổi này và người ta buộc phải trói tay chân bà lại, nhắc ra khỏi đường tàu, đưa về đồn cảnh sát, rồi đưa trở vào tù trong cái gọi là viện dưỡng lão. Họ không thể để cho bà muốn làm cái việc mình muốn làm: tự mất tích, biến khỏi cái vòng lặp đến chán của xã hội hiện đại. Việc T. mất tích chỉ là cái cớ để tác giả khắc hoạ sự vong thân của con người trong xã hội hiện đại. “T. mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm”, còn với người chồng chỉ cảm thấy sự phiền phức trước sự nghi ngờ của viên đại uý Delon, bởi vì “Cái tin T. mất tích chưa bao giờ khiến tôi phát điên phát cuồng như bất cứ ông chồng nào trong hoàn cảnh ấy. Lý do đơn giản là tôi không ngạc nhiên về chuyện cô ấy bỏ đi. Tôi có cảm giác ngay từ khi nghe thấy tiếng cảnh sát ở điện thoại, tôi đã hiểu người ta gọi đến chỉ để thông báo chuyện đó” [11]. Thế giới của T. mất tích là một thế giới lạnh lùng, vô cảm; ở trong đó mỗi thân phận người là một thế giới cô độc, bị đẩy về biên giới cùng cực cô đơn, lạnh lẽo và chỉ biết tới nhau qua trách nhiệm, bổn phận và những “hợp đồng” vô hình. Trong thế giới ấy, sự mất tích của T. dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán và cô đơn.

Cuộc sống nhàm chán khi mọi thứ biến thành công thức và say mê nhường chỗ cho trách nhiệm. Bất an là trạng thái thường trực mà con người hiện đại không thể tránh khỏi. Giống như chiếc đồng hồ xoay tròn, cuộc sống con người là một sự tiếp diễn nhưng lặp lại những công việc thường nhật từ ăn uống, làm việc, sinh hoạt... như cách lý giải trong tác phẩm “bà giải thích một cách giản dị là đến năm bảy mươi tuổi, bà bỗng dưng nhận thấy cuộc đời không là gì khác ngoài những sự lặp lại vô nghĩa, bà không còn muốn gặp lại cô con gái và nhìn thấy cô ta là bà lại thấy mình ba mươi năm về trước, bà cũng không còn muốn gặp lại đứa cháu gái vì nhìn thấy nó là bà gặp lại bà sáu mươi năm trước...” [11]. Sự cô đơn của thân phận người ở đây được đẩy lên tới mức cùng cực, con người cô đơn ngay chính trong gia đình mình, trong chính bản thân và “mất tích” ngay trong chính mình. Thuận đã thành công khi phản ánh sự vong thân của con người trước ngưỡng cửa bất an và hoang vắng trong xã hội hiện đại. Và trong T mất tích, Thuận đã lý giải hành động mất tích của nhân vật rằng “Đó dường như là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Và chỉ người còn đôi chút dũng cảm mới hành động như thế” [11]; đồng thời hai lần khẳng định “Thử nhìn xung quanh, có ai dám thay đổi điều gì?” [11]. Với T mất tích, Thuận tiếp tục khẳng định sức viết dồi dào và khả năng chạm đến những ngõ ngách đặc biệt của xã hội chúng ta.

Xã hội hiện đại với nhiều cám dỗ, lo toan khiến con người dễ trở nên vô cảm, cô đơn và bất an. Và trước ngưỡng
cửa ấy, con người sống với nhau vì trách nhiệm và bổn phận, vì những “hợp đồng” vô hình. Trong tiểu thuyết của Thuận, tần số hình ảnh các bản hợp đồng, vì thế, xuất hiện rất nhiều. Đó là “hợp đồng” giữa bố và mẹ người kể chuyện, là bản “hợp đồng” về kết quả học tập từ học sinh giỏi phổ thông tới tấm bằng màu đỏ của Liên Xô, rồi của Pháp giữa bố mẹ và “tôi”; đó còn là một chuỗi hợp đồng ngắn hạn, dài hạn giữa “tôi” trong I’m yellow với Loan và với đứa con... trong Chinatown. Hay trong T mất tích, đó là “hợp đồng” giữa “tôi”, T. và Hanah; là “hợp đồng” giữa Brunel với vợ và cậu con nuôi... Đặc biệt tới Vân Vy, ngoài việc mô tả các hợp đồng, Thuận còn phác hoạ đậm nét hai hợp đồng (một “hợp đồng cộng tác song phương” gồm bốn điều khoản: trách nhiệm, chi phí, bồi thường và khiếu nại, điều khoản đặc biệt giữa anh Cả và cô Trâm; một “hợp đồng thoả thuận liên doanh” gồm thêm một điều khoản đặc biệt giữa Vượng và cô gái trẻ Hà Nội) qua tưởng tượng của nhân vật Vy. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiểu thuyết của Thuận xuất hiện hàng loạt hình ảnh “hợp đồng” cả hữu hình lẫn vô hình. Phải chăng Thuận muốn cho độc giả thấy cuộc sống bộn bề, nhàn nhạt, vô vị của con người trước ngưỡng cửa bất an trong cuộc sống hiện đại.

Để thoát khỏi cuộc sống nhàm chán, vô vị ấy, nhân vật trong tiểu thuyết của Thuận đều tìm cách ra đi, tự giải thoát chính mình. Vì vậy, mô típ con người ra đi xuất hiện nhiều lần trong tiểu thuyết của chị. Trong Chinatown, đó là sự ra đi của Thuỵ “Ngay từ khi tôi bắt đầu yêu Thuỵ. Tôi đã biết là Thuỵ sẽ ra đi. Ra đi rất nhanh. Không có gì để nuối tiếc” bởi vì “Người ta luôn tìm được cớ để ra đi”; đó còn là sự ra đi của “tôi” trong I’m yellow: “Chúng tôi bước mải miết. Ngày đi đêm nghỉ. Những con sông ở lại sau lưng. Những cánh rừng ở lại sau lưng. Hà Nội đã hoàn toàn ở lại sau lưng”. Ở Paris 11 tháng 8, đó là sự ra đi từ quê hương tới kinh đô ánh sáng Paris của Mai Lan, Liên, Pát, Nát...; đó là sự giải thoát bằng cách nhảy lầu của My, là sự ra đi vì căn bệnh HIV/AIDS của Pát, là cái chết bên cạnh một ông già của Liên... Hay trong T. mất tích, đó là hình ảnh một bà già 84 tuổi tìm mọi cách để bỏ đi; đó còn là sự mất tích vô cớ của T. “Mai danh ẩn tích để được mãi mãi nằm trong danh sách mất tích của sở Nội vụ thành phố”... và cũng trong tiểu thuyết này tác giả đã phản ánh trung thực sự “mất tích” của con người trong xã hội hiện đại “Theo thống kê, mỗi năm có hàng nghìn người ra đi không để lại dấu vết, có người vì chán cuộc sống hàng ngày, có người muốn trốn nợ, có người quyết tâm lập nghiệp ở thành phố lớn, nhưng cũng có người sau khi xem một phim tài liệu mười lăm phút về hoang mạc Arizona thì bỏ công việc giải phẫu hái ra tiền, đeo ba lô lang thang khắp nơi, hoang mạc Arizona cuối cùng vẫn chưa đặt chân tới”...[12]. Đến Vân Vy, hình ảnh con người ra đi lại hiện lên qua hình ảnh cái chết của nhà văn đồng tính luyến ái B vì căn bệnh HIV/AIDS; đó là việc bỏ đi xuống miền Nam với Vân của Vy kết thúc bằng một “happy end” không bền... Và trong tiểu thuyết của Thuận chúng ta bắt gặp rất nhiều chuyến đi, rất nhiều hình ảnh ga tàu... Phải chăng Thuận đang muốn cho độc giả thấy cuộc đời con người là một hành trình dài nhàm chán, đơn điệu và ra đi chính là một cách giải thoát. Cũng viết về cuộc sống nhàm chán, nhạt nhẽo vô vị của con người trong xã hội bất an này, trong Nhân sứ, Hoà Vang cho rằng Sa Tăng xứng đáng được xem là “nhân sứ” vì cuộc đời mỗi con người chính là một chuỗi những gồng gánh, những lo toan tất bật...

4. Một đóng góp nổi bật của Thuận là khám phá và phản ánh những vấn đề nhạy cảm của thân phận con người trong xã hội hậu hiện đại như vấn đề tình dục; vấn đề đồng tính luyến ái; căn bệnh HIV/AIDS... Đi sâu khai thác những đề tài nhạy cảm này là một nỗ lực làm mới mình, làm mới văn chương nước nhà của Thuận. Các đề tài này đang trở thành tâm điểm trong sáng tác của một số cây bút như: Vi Thuỳ Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái, Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Viện, Nhóm Mở miệng, Nhóm Ngựa trời,... Vậy điều gì làm nên nét khác biệt của Thuận?

Sex là một vấn đề luôn “mới” nhưng không “lạ” trong văn chương. “Tình dục hấp dẫn và là đề tài muôn thuở, nên với người cầm bút, văn chương không tình dục là thử thách, văn chương có tình dục cũng là thử thách: viết thế nào để vắng nó vẫn hay, mà thừa nó cũng không nhàm. Hành trình của tôi từ không tới có. Chắc chắn có những người đi từ có tới không. Quan trọng là có dám đương đầu với thử thách” [4]. Ba tiểu thuyết đầu của Thuận, yếu tố tình dục rất mờ nhạt, nhưng đến T mất tích, Thuận cũng viết về sex với những từ ngữ rất... sex. Thuận quan niệm: “Bản chất tình dục là hấp dẫn. Mới đánh hơi thấy mùi, độc giả đã tấp nập kéo đến. Người làm nghệ thuật lười biếng thường nhanh nhanh thoả mãn đám đông. Với tôi, văn chương là mạo hiểm. Nếu T mất tích thu hút không phải vì tình dục, thì có thể tôi đã thành công phần nào. Tình dục như một đề tài văn chương, không vồn vã, không hắt hủi, nhưng nhất định phải trung thực, đó là cách tôi chọn để đối xử với nó” [4]. Trong các tiểu thuyết của Thuận, chị đã đi sâu khai thác các khía cạnh của tình dục không phải bằng những từ lâm li mà bằng sự chân thật cao độ với nhiều khía cạnh khác nhau như: bệnh lãnh cảm ở phụ nữ (nhân vật “tôi” trong Chinatown, 39 tuổi mà trơ lì cảm giác ái ân hay Liên trong Paris 11 tháng 8 chưa biết mùi tình dục mà dám từ chối tình yêu, chưa bao giờ hi vọng mà đã kịp thất vọng, chưa từng có kinh nghiệm chăn gối mà đã chai sạn hoàn toàn...); bệnh bất lực ở nam giới (nhân vật Vượng trong Vân Vy); bệnh thủ dâm qua SMS của Vân và Vy... Đặc biệt, “Tình dục trong Vân Vy được viết một cách trực tiếp, không rào trước đón sau, không khẽ khàng che đậy. Và đương nhiên không chút ngượng ngập”[4]. Thuận chia sẻ: “Tình dục, cũng như xe hơi, được nhập khẩu vào Việt Nam quá muộn nên người Việt cứ ngỡ mang sex vào văn chương và di chuyển bằng xe bốn bánh đang là trào lưu trên toàn thế giới. Với tôi, những cái chưa viết đều là thử thách. Tuy vậy, thử thách không nằm ở đề tài, mà là cách xử lý đề tài ấy. Vân Vy là tuổi trẻ và tình dục”[4]. Vân Vy có thể được coi là tiểu thuyết về một thế hệ trẻ không còn thuần nhất. Trẻ thiêu thân như kiểu B, cái chết song hành cùng hoan lạc. Trẻ khôn ngoan như kiểu Vy, sống đồng nghĩa với hưởng thụ. Cả hai đều ham muốn tình dục và tôn thờ tự do. Với Vân Vy, Thuận đã phản ánh cách sống của một bộ phận thế hệ trẻ. Đóng góp của Thuận không phải ở phương diện đề tài mà ở cách đối xử với đề tài của Thuận “Trên bản đồ văn chương thế giới, vài cái đỉnh rất cao về tình dục là Nobokov, Coetzee, Houellebecq... Tôi luôn ngạc nhiên rằng những phong cách rất khác nhau này lại có một điểm khá chung, ấy là sự chân thật cao độ... Có lẽ bản chất của tình dục đã hấp dẫn (hình như không một cái gì có thể vừa ám ảnh vừa bất thường hơn thế), nên cứ đưa được nó vào tác phẩm một cách nguyên lành cũng đã là một thành công. Thật sai lầm khi bắt tình dục phải đeo kính, đội mũ, trịnh trọng đóng vai các nhà tư tưởng, các nhà triết học, các nhà nữ quyền...” [4].

Bên cạnh sex, tiểu thuyết của Thuận còn đề cập tới vấn đề nhạy cảm trong thế giới hiện đại đó là vấn đề đồng tính luyến ái với một cách nhìn mới mẻ. Vân Vy bao gồm hai phần, hai câu chuyện riêng biệt được viết xen kẽ vào nhau. Một là của B, đồng tính luyến ái, từ chức quan toà để cầm bút viết văn, mười năm vật tay đôi với vi khuẩn HIV. Một là của Vy, thiếu nữ Hà Nội lấy chồng Việt kiều, và cuộc sống vừa đơn điệu vừa phức tạp của nước Pháp đương đại. Cô Trinh hay nhà văn B trong Vân Vy của Thuận dường như là nhân vật phụ, nhưng lại ám ảnh hơn nhiều so với các nhân vật chính. Với Vân Vy, thông qua cô Trinh và nhà văn đồng tính B, Thuận không chỉ làm độc giả ám ảnh về một hiện tượng đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, mà con đưa ra một cách nhìn, một quan niệm khác về hiện tượng này. Vậy điều gì khiến chị quyết định viết về vấn đề nhạy cảm đồng tính? Thuận tâm sự: “mục đích của tôi là bình thường hoá vấn đề đang được coi là rất nhạy cảm này. Đó có thể là một cách phản ứng trước sự phân biệt thô bạo của xã hội mà những người đồng tính đang phải chịu đựng. Trong khi, phần đông các tác giả khác tìm cách giải thích hay thanh minh cho hiện tượng đồng tính, tôi lại muốn viết về nó một cách tự nhiên, không vồ vập, cũng chẳng thờ ơ, và đương nhiên là với nhiều hài hước, như tôi vẫn “đối xử” với các nhân vật của mình. Sẽ vô lý khi cứ xem đồng tính là bệnh hoạn, xấu xa, đồi trụy; nhưng cũng vô lý không kém khi đồng tính có nghĩa là sâu sắc, tài hoa, phóng khoáng… Với tôi, mọi thiên vị đều dẫn đến bất công”[5].

Ngòi bút sắc lạnh của Thuận không chỉ dừng lại ở đó, trong các tiểu thuyết của mình chị còn đi vào phản ánh và lí giải về căn bệnh HIV/AIDS - một thảm hoạ nhức nhối trong xã hội hiện đại này. Ở Paris 11 tháng 8, là kết cục thảm hại của Pát vì mắc căn bệnh HIV do lối sống buông thả... Đến Vân Vy, HIV đã trở thành một nỗi ám ảnh, day dứt độc giả trước cái chết đau đớn của thẩm phán kiêm nhà văn đồng tính B. Từ đó, nhà văn muốn gửi gắm một thông điệp dành cho một thế hệ trẻ thiêu thân như B, cái chết song hành cùng với hoan lạc. Đọc tiểu thuyết của Thuận, người đọc cảm thấy day dứt, bức bối trước những mảnh đời xám xịt, toàn tai nạn, đám tang và những cuộc vật lộn mệt mỏi... Song bóc đi chiếc áo bên ngoài ấy là những trăn trở, suy tư; là bức thông điệp về số phận con người với nhiều khám phá mới về tình trạng cuộc sống và nội tâm của những con người sống giữa các nền văn hoá của Thuận.

5. Với bản lĩnh, tài năng và tấm lòng yêu thương con người, Thuận đã phản ánh thành công cuộc sống và thế giới nội tâm phức tạp của những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh mới. Và Thuận đang chứng minh “Ngôn ngữ Việt thừa hiện đại và tinh tế để sáng tạo trên những đề tài khác bên ngoài phạm vi hình chữ S. Khi mà mọi ngành nghề đều tìm cách toàn cầu hoá thì không lẽ gì văn chương
lại chịu bó tay buộc chân”[6]. Chị nói “Một trong những lý do chủ yếu để người ta tiếp tục viết đó là khao khát muốn khám phá khả năng sáng tạo của bản thân. Mỗi tác phẩm là một chuyến đi xa, để tác giả tìm thấy một “cái tôi” khác, còn độc giả thì được đưa đến một “miền đất” mới”[8]. Và mới đây, tháng 02-2009, tiểu thuyết Chinatown của Thuận đã được dịch giả Đoàn Cầm Thi chuyển ngữ và xuất bản tại Pháp. Với năm tiểu thuyết xuất bản liền tay trong 5 năm liên tiếp, Thuận đang tiếp tục khẳng định sức viết dồi dào với khả năng chạm đến những ngõ ngách đặc biệt của cuộc sống thời đại chúng ta.“Nhưng trong cuốn tiểu thuyết của Thuận, trước niềm hạnh phúc lớn nhất của độc giả, có một thứ. Cái đó có tên là tài năng”[1]. Với quan niệm "Càng viết là càng khám phá nghệ thuật viết, càng viết càng tạo được kỹ thuật viết" (http://phongdiep.net), chúng ta chờ đợi, hi vọng và tin tưởng Thuận sẽ không "mất tích" trên văn đàn. Độc giả đang chờ đợi ở chị- một “nữ tiểu thuyết gia thực thụ”[1] - một nhà văn chuyên nghiệp đầy ý thức đang nỗ lực làm mới mình và làm mới văn học nước nhà!

Vinh, tháng 4/ 2009

Chú thích:

[1] Janine Gillon, Về ba tác phẩm Việt Nam mới xuất bản tại Pháp,
http://WWW.BBC.CO.UK/VIETNAMESE.

[2] Nguyễn Thị Thu Hà, “Pari 11/8 - Con người và số phận” (Đọc Pari 11/8 của Thuận),
http://www.vietvan.vn/index.php/viet-van/nghien-cu-ly-lun-phe-binh-vn-hc/99-pari-118-con-ngi-va-s-phn.html.

[3] Lương Văn Hồng (2007), “Giải Nobel văn học và toàn cầu hoá văn hoá”, http://phongdiep.net.

[4] Cát Khuê, Thuận, “Trong văn chương, cách thể hiện mọi đề tài bình đẳng”, http://www.phongdiep.net/default.asp?action=article&Id=5521.

[5] Khánh Lam, Thuận (2008), “Nhà văn Việt ghi dấu ấn văn chương ở Pháp”, http://lethieunhon.com/read.php/3253.htm.

[6] Lan Ngọc, Thuận (2006), “Ngôn ngữ Việt thừa hiện đại và tinh tế để sáng tạo”, http://evan.vnexpress.net/News/chan-dung/2006/12/3B9AD5DF.

[7] Hoàng Nguyễn (2005), “Đôi nét về thi pháp kết cấu của Chinatown”, http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/2005/04/3B9AD3D5/.

[8] Thụ Nhân, Thuận (2006), “Tôi rất muốn biết vì sao mình được tặng thưởng”, http://vietnamnet.vn/vanhoa/tintuc/2006/10/624508.

[9] Nguyễn Hưng Quốc (2008), “Giải lãnh thổ hoá trong văn học Việt Nam”, http://www.tienve.org.

[10] Thuận (2004), Chinatown, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

[11] Thuận (2005), Paris 11 tháng 8, Nhà xuất bản Đà Nẵng.

[12] Thuận (2006), T mất tích, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

[13] Thuận (2008), Vân Vy, Nhà xuất bản Hội nhà văn.

(Nguồn: Hội nhà văn)