Chính Hữu, chàng thi sĩ hiền như đất

Anh Chính Hữu ra đời ở thành Vinh, trong một gia đình bình dân, có quê gốc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Học xong chương trình tiểu học và thành chung tại Vinh anh tìm ra Hà Nội để tiếp tục học lên tú tài. Tú tài phần một anh làm ở trường Văn Lang, phần hai làm ở trường Louis Pasteur. Mười chín tuổi đã có tú tài toàn phần, tú tài triết học, nếu còn học lên nữa thì ngày đó ở ta chỉ có một con đường là vào trường Luật, xong cử nhân luật thì tùy đấy, có thể làm báo viết văn, lại có thể đi dạy học mà nếu muốn thì đi thi tri huyện, đã tri huyện hành chính, lại còn tri huyện tư pháp. Anh Chính Hữu cầm mảnh bằng tú tài trở về nhà, tham gia phong trào Việt Minh, làm Bí thư thanh niên cứu quốc thành Vinh sau Cách mạng Tháng Tám. Được đúng một năm anh trở lại Hà Nội gia nhập Trung đoàn Thủ đô, đảm nhiệm công tác chính trị viên một đại đội. Suốt chín năm kháng chiến lần thứ nhất anh hầu như chỉ ở Đại đoàn 308, chức vụ cao nhất khi về giải phóng Thủ đô là Chính trị viên Tiểu đoàn 322 của Trung đoàn 88. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đó là anh Tiến Trang, bạn chí cốt của anh, những năm cuối đời anh Trang về sống với gia đình trên làng Xuân Đỉnh, lâu lâu lại đạp xe xuống ngồi với anh Chính Hữu một lúc.

Có một lần tôi được mời đến ăn cơm ở nhà anh Chính Hữu, trong bàn có anh Trang, anh Hà Xuân Trường và anh Huy Cận. Tôi hỏi anh Trang, anh Chính Hữu mắt mũi thế thì hành quân xung trận làm sao, lúc còn trẻ đã phải đeo kính cận chưa? Anh Trang nói, cận nặng rồi, ấy thế mà vẫn mò mẫm ra tận chiến hào một đấy, ở Điện Biên các cán bộ cấp tiểu đoàn chúng tớ đều phải có mặt trên tuyến đầu, lúc lao lên là người dẫn đầu.

Anh Trường kể, mình hơn Chính Hữu hai tuổi, hai thằng cùng dắt nhau ra Hà Nội làm tú tài, nhà nghèo nên vào trọ trong chùa Bà Đá, trước cổng toà báo Nhân dân bây giờ, nhà sư quý mến, không lấy tiền, thỉnh thoảng còn được mời cơm chay. Chính Hữu ăn cơm chay rất thích, bảo mình có thể có căn tu, đi tu cũng hay. Chính Hữu ít tuổi hơn nhưng học lại giỏi hơn, bài vở kỹ lưỡng, đi thi là đỗ liền.

Anh Huy Cận vốn là thày dạy thêm tiếng Pháp của hai anh hồi đó, bây giờ họ ngồi với nhau như bạn bè, nhưng không phải vì thế mà thiếu sự quý trọng. Chính Hữu chín chắn từ trẻ, khả năng tự học tốt, anh Huy Cận nói, "lúy" là người sớm có tư chất, tư duy triết học giúp hắn có thơ hay.

Tôi có một người thày, ông tên là Trần Bá Tuyền, nguyên là Hiệu trưởng trường Hàn Thuyên bên Bắc Ninh. Một hôm tôi nói với anh Chính Hữu là tôi đến thăm cụ Tuyền, anh Chính Hữu bảo cho mình đi với, mình biết cụ Tuyền, lâu lắm không gặp nhau. Hai anh em đi vòng vo trên con đường lát gạch trong làng Ngọc Hà, gia đình cụ Tuyền lúc đó đã mua được một mảnh vườn, dựng một nếp nhà nhỏ ở đó. Vừa thấy anh Chính Hữu ông cụ đã ôm chầm lấy mà bảo, ồ anh Chính Hữu, xa nhau lâu quá rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc thơ của anh trên báo, nhưng sao làm ít thế, việc gì anh cũng muốn chậm. Bây giờ anh làm to, chắc bận nhỉ.

Anh Chính Hữu nắm tay ông già. Anh vẫn khoẻ? Tôi khoẻ. Vậy là tốt rồi. Tôi bao giờ cũng chỉ là một công chức nhà nước, làm thơ tay trái thôi, có gì đâu mà anh bảo là làm to. Anh em mình tuy ít có dịp gặp nhau, nhưng trong lòng tôi chẳng quên một ai.

Tôi ngồi nép bên cạnh nghe những bậc trên trò chuyện. Lúc sắp chia tay cụ Tuyền quay sang tôi kể, sau Hiệp định Genève thày đang dạy học thì được điều động đi làm thông dịch cho phái đoàn quốc tế kiểm sát việc thực hiện Hiệp định đình chiến, đi suốt trong Nam ngoài Bắc, người ta đến đâu thì mình theo chân đến đó. Anh Chính Hữu làm thủ trưởng của thày. Anh ấy làm việc giỏi lắm, tiếng Pháp rất tốt.

Họ lại ôm lấy nhau một lần nữa, lúc ra ngoài ngõ anh Chính Hữu bảo, ông cụ là bậc đàn anh của mình, một chuyên gia bậc thày về tiếng Anh và tiếng Pháp, sao lại có một trí thức nhã nhặn mà sang trọng đến vậy.

Thày tôi suốt đời chức vụ lương bổng chỉ là một cán bộ hàng trưởng phó ty của ngành giáo dục, khi anh Chính Hữu còn đang học ở bậc tú tài thì ông cụ đã là cử nhân luật, sau mấy năm đi làm thông dịch cho phái đoàn quốc tế ông trở về Bắc Ninh, vài năm sau lại thấy có lệnh điều đi Thượng Hải dạy tiếng Anh, rồi sau đó đi Bình Nhưỡng dạy tiếng Pháp, lúc trở về ông cụ được ngành ngoại giao hai nước tặng Huy chương Hữu nghị và Huân chương Lao động.

Hôm đám tang nhà thơ Xuân Diệu tổ chức tại 51 Trần Hưng Đạo, tôi được cắt cử vào chân đứng canh linh cữu, đứng một mình, suốt buổi. Anh Nguyễn Đình Thi giải thích vì trong cơ quan cậu là người trẻ nhất, anh Xuân Diệu lại không con cái gì, vì thế cũng phải có một người làm mụ gậy cho anh ấy.

Còn rất sớm, ngoài sân chưa có khách, nhạc thiều chưa cử lên thì chợt thấy đồng chí Lê Đức Thọ từ đâu bước vào, ông đi một mình, không mang hương hoa gì hết. Ông đi thẳng tới chỗ anh Xuân Diệu nằm, nhưng tới đấy chỉ là để hỏi tôi, lúc anh Xuân Diệu mất, lãnh đạo Hội Nhà văn có ai ở đấy không? Tôi thưa, có anh Hữu Mai, chị Ngọc Tú. Ông gật đầu và hỏi tiếp, hiện giờ ở đây có ai? Tôi thưa, đang có anh Chính Hữu, anh ấy đứng góc phòng đằng kia, để cháu gọi. Ông Thọ xua tay, thôi không cần, có Chính Hữu là tốt rồi, nói là tôi đã đến, cứ thế mà làm. Nói rồi ông cụ lại cửa ngách mà ra. Ông cụ đi rồi mới thấy anh Chính Hữu đến gần tôi hỏi, ông ấy nói gì, có dặn gì không? Tôi phải nhắc lại lần lượt câu chuyện không sót một lời, lại đến lượt anh Chính Hữu gật đầu, thế là tốt rồi. Tôi hỏi lại, sao thấy ông cụ anh không chạy đến một chút, anh Chính Hữu hấp háy cười, việc ai người ấy làm. Anh Chính Hữu buổi ấy vận complé màu nâu sẫm, giầy da đỏ sẫm, cà vạt đen, đứng lặng lẽ, bước đi cũng lặng lẽ, quanh quẩn ở đó suốt buổi.

Giữa buổi mới thấy có Đoàn Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới viếng anh Diệu. Tôi để ý anh Chính Hữu vẫn cứ một mình đứng nguyên ở góc đằng kia, giữa chỗ đông người, vốn đã ít lời anh lại càng ít lời và hình như không muốn làm bận, làm rối thêm trước mọi tình huống.

Lần này anh ốm nặng, tôi vội vào viện thăm, cầm tay anh rất lâu, tay tôi đã lạnh, tay anh còn lạnh hơn. Lúc sắp ra về tôi ghé tai hỏi anh, anh có dặn gì bọn em không, anh Chính Hữu nháy nháy má mấy cái liền rồi bảo, cố gắng bảo nhau viết cho sang, sống cho sang, thiếu yêu thương thì không thể sang được.

Trong cuốn Sơ yếu lý lịch hội viên hiện đang lưu ở Ban công tác hội viên, anh Chính Hữu có ghi loằng ngoằng một phần anh gọi là chân dung, ở đó là ngày sinh, quê quán, quá trình công tác, và tên mấy tập thơ mỏng đã xuất bản. ở phần tiếp sau anh gọi là một chút tâm sự sáng tác.

Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan man. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang. Câu chữ càng ngắn thì ngân vang càng dài. Tất nhiên phải là những câu chữ làm bằng tinh chất đã được cô đúc ở mức tối đa (Thích thế là một việc nhưng làm được lại là một việc khác). Tôi học tập các nhà thơ phương Đông khi họ nói: Phải kết hợp "Xảo" (kỹ thuật tinh vi) với "Phác" (mộc mạc). Phải học tập Baudelaire khi ông khuyên "Mỗi nhà thơ phải là một nhà phê bình" (của chính mình). Và khi ông chủ trương một sự "chậm rãi minh triết" (sage lenteur). Tôi không thấy có sự cần thiết phải làm nhiều, làm nhanh để làm ẩu. Tôi tự xác định chỉ nên là, và chỉ có thể là một người làm thơ nghiệp dư, tài tử. Để có thể tự do. Để tự do chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết. Và tự do hủy bỏ những cái viết ra nhưng không vừa ý. (Viết tháng 8 năm 1996).

Thơ anh Chính Hữu không nên ngâm, khó ngâm, chỉ có thể đọc và đọc thầm càng hay. Anh viết không nhiều nhưng bài nào ra bài ấy, câu chữ nào ra câu chữ ấy, như những hạt ngô hạt thóc mẩy trên sàng. Thơ anh nói nhiều đến đồng chí, đồng đội và đất nước, nhưng cũng thật dễ hiểu, anh đã dành một góc đẹp cho những người gần gụi nhất đời mình. Đấy là mẹ anh, là vợ anh, là các con và thằng cháu nội Trần Vinh Huân của anh. Anh nói, có một người yêu quý nhất thì đi qua đời mình lại không về kịp. Và sau một lần về quê viếng mộ anh đã viết bài Gửi mẹ. Con mang tấm lòng thương mẹ/ Đi qua nghìn dặm quê hương/ Này đây núi này đây sông/ Này đây buổi chiều khói thổi cơm lặng lẽ/ Nơi nào cũng hiền như đời của mẹ.

Trên xe lửa từ Matxcơva đi Rumani anh đã lầm rầm làm bốn câu tứ tuyệt gửi cho vợ lúc đó đang làm tiến sĩ ngành thư viện trên Leningrat: Em có bao giờ nửa đêm thức dậy/ Nghe gió phương này thổi sang phương ấy/ Đấy là hồn anh thức với đêm đêm/ Đi giữa đất trời đến hát ru em. Có người lấy làm tiếc, bài thơ hay nhưng ngắn quá. Chỉ có chị Lịch là hiểu chồng nhất, nhận được bài thơ qua đường bưu điện chị cười bảo, với anh ấy nhà tôi thì thế đã là dài lắm rồi.

Thơ anh mang một khả năng gợi mở, giản dị mà sâu lắng. Gợi mở thời gian, gợi mở không gian, gợi mở tình cảm và tư tưởng. Khi bàn đến Truy kích, rất dễ nghĩ đến những cuộc đuổi giặc vài cây số, dài nữa là vài chục vài trăm cây số, ở đây, Chính Hữu bàn xa đến tư tưởng của thời đại ta đang sống.

Đi thật chậm
Đi thật dềnh dàng
Đi suốt chiều ngang
Lại sang
Chiều dọc
Đi xuống mép nước
Rồi ngược
Lên ngàn
Việt Nam
Vạn dặm
Mênh mang.

Trong những bài viết của mình tôi thường chủ trương chép lại những bài thơ cần trích dẫn theo cách viết của văn xuôi, nhưng với những bài thơ như bài này thì không thể làm như vậy.

Những đòi hỏi tới mức khó tính, sự chật vật sáng tạo tìm chữ tìm lời, cùng những ý tứ vừa mang tính khái quát lại vừa có chiều sâu đã đẩy cái tình nhà thơ lên một cung bậc cao. Mộc đấy mà sang đấy, đó là thơ Chính Hữu. Bằng thơ mình anh đã đóng góp một cách có hiệu quả vào việc làm cho văn chương kháng chiến bớt dần đi những gì xuềnh xoàng dễ dãi, lắm lúc có thể hiểu là lam lũ. Cái mộc mà anh chủ trương phải hiểu là cái mộc trí tuệ. Và đó là đổi mới.

Hình như cùng với Chế Lan Viên
suốt nhiều năm tháng vừa qua thì là anh chứ không phải ai khác, đã lặng lẽ, đã cặm cụi đảm nhận phần việc thúc đẩy thơ ca ta nhanh chóng bước vào cửa thềm hiện đại.

Chúng mang bom nghìn cân
Dội lên trang giấy
Mỏng như một ánh trăng ngần
Hiền như lá mọc mùa xuân
Nếu em sống lại
Anh sẽ đi một nghìn đêm
Để giành lấy cho em
Một ngày không sợ hãi...

Chính Hữu giữ vững những nguyên tắc sống, nguyên tắc làm việc trong suốt cuộc đời, trong thơ ca cũng vậy, thơ anh làm và thơ anh dịch. Anh lẳng lặng dịch nhiều thơ, trước hết là dịch để riêng mình. Đây là bài thơ Ra đi của nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire:

Và gương mặt họ xanh xao,
Và tiếng khóc vỡ vì ly biệt,
Và những chiếc lá thu rơi,
Như những cánh hoa trong suốt của tuyết,
Như bàn tay em trên đôi môi của tôi.

Thơ văn quả là chuyện vô cùng, ngàn trang cũng hay mà chỉ một trang cũng vẫn hay. Cái khó là làm thế nào để đời nhớ cho mình, nhớ một câu đã quý mà nhớ cả bài càng quý. Bên cạnh ngàn bài thơ Đỗ Phủ, ngàn bài thơ Lý Bạch, một bài thơ của Trần Tử Ngang vẫn cứ sống cùng năm tháng: Nhìn trước chẳng thấy ai, nhìn sau đà chẳng rõ, ngẫm trời đất thật vô cùng, riêng lòng đau mà lệ nhỏ. Hiểu theo cách đó ta thấy thơ Chính Hữu không hề ít. Anh đã để lại cho ta một bài học có ý nghĩa minh triết về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng trong sáng tác.

Bây giờ thì anh đã đi rồi, ra đi ôm một khối u trong lòng mà mấy ai đã biết, ra đi trong nỗi đau chỉ mình anh chịu, không một lời than thở, không một tiếng rên, cứ nuốt vào lòng thế, cứ bình thản thế mà đi. Từ buổi cùng đoàn vệ quốc quân ngược lên Việt Bắc nhớ về Hà Nội người ấy đã từng viết Mái buồn nghe sấu rụng. Những mái ngói xô nghiêng rêu phong của ba mươi sáu phố phường nghe hay chính lòng người ấy nghe.

Những trái sấu thảng thốt rơi trên mái làm lòng ta bâng khuâng vì hiểu rằng mùa thu đang về. Mùa thu năm nay là một mùa thu nặng nề đối với mỗi người cầm bút trước sự rơi xuống của một trong những trái cây cuối cùng của mùa văn học kháng chiến. Sự ra đi của anh Chính Hữu, một đại biểu xuất sắc của văn học đương đại Việt Nam là sự ra đi mang ý nghĩa đó.

Nhớ một chiều đông Hà Nội trong chiến tranh, tôi và anh Chính Hữu bước đi dọc đường Lý Nam Đế. Hàng cây cổ thụ đua nhau trút lá rào rào, gió bấc về tê buốt mười ngón tay. Thành phố đã có lệnh sơ tán, vắng bóng thiếu nữ vắng bóng trẻ thơ những góc phố những nếp nhà nhìn thật buồn. Anh Chính Hữu chầm chậm rút từ trong túi áo bành tô ra tập Đầu súng trăng treo vừa in còn thơm mùi giấy mực. Tập htơ mỏng với những bài thơ ngắn, bài nào cũng ngắn, lần đầu tiên cho in thành sách sau hai mươi năm cầm bút. Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái làm bìa và minh hoạ. Cái bìa màu xám pha nâu vẽ những bức tường loang lổ, những mái nhà, những ô cửa xộc xệch, một vành trăng khuyết trên cao. Màu Phái buồn.

Tôi nhận từ tay anh tập thơ ấy với mấy lời đề tặng vắn tắt mà anh viết bằng cách đặt nó lên một gốc sấu già. Gửi Đỗ Chu thân, anh đã viết như vậy, chỉ có vậy. Nhưng những câu thơ của anh thì đã nói rất nhiều.

Có người lính hiền như đất,
Mùa hạ tưng bừng thương núi sông...

Năm mươi sáu ngày đêm,
Bom gầm pháo dội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội,
Đồng đội ta là hớp nước uống chung,
Nắm cơm bẻ nửa,
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa,
Chia khắp anh em một mẩu thư nhà,
Chia nhau chỗ đứng trong chiến hào chật hẹp,
Chia nhau cuộc đời,
Chia nhau cái chết,
Bạn ta đó ngã trên dây thép gai ba tầng,
Bàn tay chưa rời báng súng, Chân lưng chừng nửa bước xung phong, Ôi những con người khi nằm xuống,
Vẫn nằm trong tư thế tiến công,
Bên trái Lò Văn Sự,
Bên phải Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công,
Những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn nằm đủ cả,
Trong đội hình đại đội chúng ta...

Áo anh rách vai,
Quần tôi có vài mảnh vá,
Miệng cười buốt giá,
Chân không giầy,
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay,
Đêm nay rừng hoang sương muối,
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới,
Đầu súng trăng treo...

Với rất nhiều nhà thơ khác chắc sẽ là khó mỗi khi gặp phải những đề tài như thế này, và một khi bí họ sẽ đổ tại đề tài khô khan. Nhưng với những người như Chính Hữu thì khác, họ có đầy đủ bản lĩnh để đạp lên mọi thách thức.

Ở đây, vấn đề là nói thế nào chứ không phải là nói cái gì. Nói gì chả được, đề tài chưa phải là cái quyết định, cái đáng lo là không tìm nổi một cách nói cho thật hay. Đây chính là công việc của các tài năng.

Đ.C. (HNV)