Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Không nên ăn hải sản tái
Không nên ăn hải sản tái
Thứ Hai 18, Tháng Năm 2009
Nhiều người thích ăn hải sản còn tái, nhất là các món sò, ngao, ngán, mực... vì ngon miệng. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm lây truyền nhiều bệnh tiêu hoá, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp.
Trong số các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm phải vào viện cấp cứu có không ít người đã ăn hải sản tái.
Nhìn chung, cá biển và các loại hải sản là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, rất cần thiết cho cơ thể. Phân tích thành phần hoá học cho thấy, trong 100g mực tươi có 81,4g nước; 16,3g protid; 0,9g lipid; 14mg canxi; 150mg phospho; 0,6mg sắt và các vitamin B1, B12, PP… Trong 100g cua bể có 72,2g nước; 17,5g protid; 0,6g lipid; 7g glucid; 141mg canxi; 191mg phospho và 3,6mg sắt... Trong 100g sò có 83,8g nước; 8,8g protid; 0,4g lipid; 3g glucid; 37mg canxi; 82mg phospho; 1,9mg sắt...
Các loại hải sản khác đều có thành phần tương tự, nghĩa là đầy đủ chất dinh dưỡng, rất giàu protid, trong đó gần như có đầy đủ các acid amin cần thiết như: lysin, methionin, tryptophan, pheni-lalanin, threonin, valin, leucin, isoleucin...
Giá trị của các loại hải sản cao như vậy nhưng phải sử dụng nguồn thực phẩm tươi, đun nấu chín, hợp vệ sinh, nếu không sẽ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, làm lây truyền dịch bệnh tiêu chảy cấp và các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hoá. Ăn hải sản chưa chín còn là nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm ở các vùng ven biển.
Vibrio parahaemolyticus là loại vi khuẩn gram âm, hình dấu phẩy, có lông ở một đầu, di động, kỵ khí tuỳ nghi và ưa môi trường kiềm mặn, thường sống ở các cửa sông và ven biển ở khắp các vùng trên trái đất. Người ta đã phân lập được chúng trong cát, bùn và nước biển cũng như ở các loại hải sản.
Vi khuẩn này hiện đã được xác nhận là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thức ăn do cá biển và hải sản. Các vụ ngộ độc do Vibrio parahaemolyticus đã được báo cáo ở nước ta và nhiều nước trên thế giới.
Bệnh hầu hết xảy ra vào mùa hè, là lúc thời tiết thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển từ các lớp bùn cát ven biển vào ký sinh trong hải sản, gây ra hai loại hội chứng lâm sàng khác biệt: Tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu kèm theo đau bụng và sốt, kiểu lỵ trực khuẩn.
Trong hội chứng kiểu tả nhẹ, thời kỳ ủ bệnh là 15 giờ, còn trong kiểu lỵ trực khuẩn, thời kỳ ủ bệnh ngắn, khoảng 3 giờ. Lý do khác nhau về thời kỳ ủ bệnh và cơ chế sinh bệnh của hai hội chứng lâm sàng trên chưa được giải đáp.
Nước ta có vùng biển dài, về mùa hè, cần lưu ý đến vai trò của vi khuẩn này trong các vụ ngộ độc thức ăn cá biển và hải sản.
Đối với người tiêu dùng, tốt nhất chỉ nên dùng các loại hải sản còn tươi. Cá và hải sản mua về phải chế biến nấu chín ngay, tuyệt đối không được ăn tái. Đặc biệt, đối với cá, càng phải làm ngay vì ruột cá rất chóng bị phân huỷ, và vi khuẩn sẽ từ ruột cá lan ra các thớ thịt rất nhanh.
BS. Phùng Chúc Phong
(Phụ nữ Việt Nam)