Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Vì sao “Trung Quốc không vui” ?

Vì sao “Trung Quốc không vui” ?

Thứ Sáu 22, Tháng Năm 2009, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Dư luận Trung Quốc hiện đang om xòm bàn thảo về một cuốn sách phát hành hôm 12-3 vừa rồi có tên Trung Quốc không vui (tiếng Anh: Unhappy China), phụ đề Thời đại lớn, mục tiêu lớn và những nỗi lo bên trong bên ngoài của chúng ta. Bìa sách còn in câu: Vì nước nói thẳng, thay trời hành đạo – toàn những đại ngôn nghe mà sợ!

Một trong những thảo dân "không vui" biểu tình chống tham nhũng

Bestseller này lập tức làm rúng động dư luận trong ngoài nước. Toàn văn sách được tung ngay lên mạng, ai cũng có thể đọc miễn phí; suy ra có lẽ tác giả viết sách chủ yếu để gây dư luận. Sách đang gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai phái tả và hữu trong nước.

Thời điểm phát hành sách cũng không ngẫu nhiên – ba tuần trước ngày họp Hội nghị thượng đỉnh G20 London – nơi người Trung Quốc kỳ vọng nước họ sẽ có tiếng nói quan trọng, quyết định, nhất là đề xuất “cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế”, nói toạc ra là hất đồng dollar Mỹ ra khỏi ngai vàng đồng tiền dự trữ của thế giới, thay bằng một đồng tiền siêu chủ quyền như SDR (Quyền rút vốn đặc biệt, của IMF) hoặc trong tương lai, bằng đồng Nhân Dân Tệ. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đến một hội nghị quốc tế với vị thế cao hơn bao giờ hết, vì họ hiện có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới và là quốc gia duy nhất giữ được mức tăng trưởng kinh tế 8% trong khi cả thế giới đều suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm.

Vì sao Trung Quốc không vui ?

Lẽ ra ở thời điểm này người Trung Quốc phải vui mới đúng, vì nước họ vừa vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, lại vừa tổ chức thành công một Thế vận hội tuyệt vời, và hai phi công vũ trụ của họ đã ra ngoài khoảng không vũ trụ mấy chục phút. Thế thì vì sao họ lại kêu mình không được vui?

Theo các báo nước ngoài thì đó là do gần đây Trung Quốc gặp một số rắc rối trong quan hệ quốc tế: vấn đề quần đảo Trường Sa ở biển Nam, đảo Điếu Ngư ở biển Đông, hôm 13-2 tàu tuần duyên Nga bắn chìm tàu chở hàng Trung Quốc ở cảng Nakhodka, tàu đo đạc không vũ trang của hải quân Mỹ tới cách đảo Hải Nam (nơi Trung Quốc đặt căn cứ tàu ngầm) 120 km để thăm dò, một công ty Pháp bán đấu giá mấy bức tượng đầu con thú vốn là di sản lịch sử của Trung Quốc ... những vụ việc mà tác giả sách cho là nước họ bị “bắt nạt” mà chính phủ họ lại “xử nhũn” khiến họ bất bình. Họ muốn Trung Quốc có thái độ kiên quyết hơn với phương Tây, nhất là với Mỹ – “đất nước chúng tôi ghét nhất nhưng lại luôn hướng tới”, như lời một tác giả sách.

5 đồng tác giả sách này đều là các nhân vật công chúng, các tiểu tướng trẻ được gọi là “Tiểu bình đầu” (tiểu tướng đầu húi cua, đại diện cho tầng lớp “thảo dân”) đang nổi tiếng về những quan điểm có màu sắc chủ nghĩa dân tộc. Riêng Tống Cường từng tham gia viết cuốn Trung Quốc có thể nói Không (China Can Say No) xuất bản năm 1996, hồi ấy là tác phẩm được dư luận nước này quan tâm nhiều nhất trong 20 năm qua và làm rúng động phương Tây một thời. Tống giải thích: Trung Quốc có thể nói Không thể hiện ý “Trung Quốc chỉ muốn tự lãnh đạo nước mình”, còn Trung Quốc không vui nói lên ý “Trung Quốc có khả năng lãnh đạo thế giới”.

Có thể đặt câu hỏi: phải chăng người không vui không phải là toàn dân Trung Quốc mà là các tác giả sách? Với quan điểm quen tự xưng là trung tâm tinh hoa thế giới, họ hậm hực vì nước mình đã đủ khả năng lãnh đạo thế giới mà vẫn cứ chịu sự chi phối của phương Tây trên lĩnh vực kinh tế tài chính.

Phản ứng của dư luận trong nước

Dư luận Trung Quốc phản ứng khác nhau. Phái “tả” khen, phái “hữu” (phái “tự do chủ nghĩa”) chê. Có người cho rằng tác giả sách đã nói thẳng về chính sách đối nội đối ngoại của nhà nước. Có ý kiến cho là sách có quan điểm quá khích, có tính chất đầu cơ. Mạng phtv.ifeng.com viết: sách này là sản phẩm của thời đại phát triển mới của Trung Quốc, giúp nhà nước “phát hiện vấn đề, đưa ra chủ trương”. Sách cho rằng do sa ngã trước tiền tài trợ của các Quỹ nghiên cứu khoa học và tiền phong bì mà giới trí thức Trung Quốc trở nên quá thân phương Tây, đánh mất độc lập tự chủ. Trung Quốc cần ngửa bài toàn diện, “cắt đứt có điều kiện” với phương Tây, thậm chí có thể “cầm gươm kinh doanh”. Trung Quốc nay đã phát triển mạnh, điều quan trọng không còn là cộng đồng quốc tế nhìn nhận Trung Quốc ra sao mà là Trung Quốc nên nhìn thế giới và xác định vị trí của mình ra sao. Sách này là sự tiếp nối của sách Trung Quốc có thể nói Không.

Giới trí thức (đối tượng bị các tác giả sách chê trách) có những ý kiến khác. Giáo sư Trầm Đinh Lập, phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế trường ĐH Phục Đán, nói quan điểm của Trung Quốc không vui chỉ sẽ làm cho người Trung Quốc càng thêm ngu muội; “tác giả sách viết giới trí thức Trung Quốc hạ thấp vai trò nước mình là vơ đũa cả nắm, tôi cho rằng đa số trí thức Trung Quốc đều tiến bộ, nhìn nhận đúng những thiếu sót của dân tộc ta.” Giáo sư Thời Ân Hoằng ở trường ĐH Nhân dân Trung Quốc nói một số vấn đề sách này nêu ra đáng để suy nghĩ, song trong sách có rất nhiều câu quá lời, nhiều thái độ quá khích; các tác giả sách có đặc điểm của phái tả là “lắm ý kiến phê phán, ít ý kiến xây dựng”. GS Trầm không tán thành quan điểm nên “cắt đứt có điều kiện” với phương Tây; ông nói: “Ta lạc hậu thế này, chưa kịp leo cao, tại sao lại cắt đứt với phương Tây?” GS Thời cho rằng trước đây Trung Quốc có thái độ quá tả với phương Tây, quá cô lập, quá dân tộc chủ nghĩa, “Những năm gần đây chúng ta thắng được trào lưu tả, kiên quyết cải cách mở cửa, song cũng có một số địa phương hơi quá hữu, ỷ lại vào phương Tây, hơi có nhiều ảo tưởng, điều đó ta nên suy ngẫm.”

Phản ứng của dư luận phương Tây

Timesonline.co.uk viết: Trung Quốc không vui đầy mầu sắc chủ nghĩa dân tộc, phê phán mạnh mẽ phương Tây và tầng lớp tinh anh (elite) Trung Quốc. Sách viết: “Cùng với sự tăng trưởng nhanh chưa từng có về quốc lực, Trung Quốc chớ nên khúm núm quỵ lụy mà nên hiểu rằng trên thực tế Trung Quốc có thực lực lãnh đạo thế giới và cần thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây.” Sách dùng lời lẽ mạnh mẽ nhất chĩa vào Mỹ và quy kết Mỹ gây ra tình trạng nguy hiểm cho kinh tế Trung Quốc. “Nếu ví thế giới là cái chợ thì Mỹ giống như tay trùm thế lực xã hội đen (Mafia don) của cái chợ đó.” Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đáng lên án vì đã tiếp Đạt Lai Lạt Ma.

Báo Economist viết: sự trỗi dậy của Trung Quốc làm cho chủ nghĩa dân tộc ngóc đầu, phái tả quay trở lại. Về đối ngoại, lãnh đạo Trung Quốc cho tới nay vẫn giữ phương châm vờ ngu giả dại của Đặng Tiểu Bình. Nhưng dư luận nước ngoài thì lại có lập luận G2, tức Trung Quốc và Mỹ nắm vận mạng kinh tế thế giới – lập luận đó khiến cho một số học giả Trung Quốc ra sức hô hào Trung Quốc nên lợi dụng cuộc khủng hoảng này để mở rộng ảnh hưởng của mình.

Tờ Financial Times viết: tác giả sách trình bày tình cảm không vui của Trung Quốc và kiến nghị nếu muốn giải toả tâm trạng đó thì Trung Quốc phải dũng cảm đối kháng phương Tây, phải giành lấy vị trí cần có của một nước lớn toàn cầu. Đồng tác giả Tống Cường nói: một nước lớn mới trỗi dậy như Trung Quốc chỉ có hai lựa chọn, hoặc là trở thành một quốc gia bá chủ (hegemon), hoặc một quốc gia bị bỏ rơi; tôi muốn lựa chọn đầu tiên. Một bài tiếp theo trên Financial Times có đầu đề Bestseller targets China’s angry youths. Tác giả sách muốn gửi tới các thanh niên Trung Quốc tức giận trước việc phương Tây bắt nạt họ (như đoàn rước đuốc Olympic qua Paris, London bị gây rắc rối ...) một thông điệp: họ chính là những anh hùng.

Bản điện tử của báo Telegraph (Anh) viết: Trước G20 London, Trung Quốc không vui đã gây ra cuộc tranh cãi về việc nước này có nên đóng vai trò lớn hơn trên sân khấu quốc tế hay không. Cho dù sắp trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc lại không ở trong hàng ngũ G8 mà chỉ là một thành viên thê đội hai của G20. Bắc Kinh có ảnh hưởng rất yếu đối với WB và IMF, và rất dễ chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi hối suất đồng USD. Tác giả sách nói Trung Quốc cần cứng rắn hơn với kẻ địch, kể cả trừng phạt Tổng thống Pháp Sarkozy năm ngoái tiếp Đạt Lai Lạt Ma. Sách viết: “Nếu anh có gan thì hãy phát động một cuộc chiến tranh, nếu không thì anh hãy câm miệng!” “Nếu Trung Quốc là cường quốc số Một thế giới thì ít nhất nó sẽ không hành sự như nước Mỹ hiện nay: háu ăn biếng làm, vô trách nhiệm, tham lam, sa đoạ tới mức ăn cướp, lừa đảo và đem lại suy thoái kinh tế cho cả thế giới.”

Đài BBC bình luận: Trung Quốc không vui phàn nàn về chính sách ngoại giao mềm yếu vờ ngu giả dại chỉ biết chờ thời của chính phủ. Tác giả sách tin rằng ngoại giao Trung Quốc cần phản ánh tình cảm của nhân dân, họ viết: chúng ta đã tẩy chay các siêu thị Pháp vì họ mưu toan phá hoại giấc mơ Olympics, chúng ta đã vẫy cao cờ đỏ để phản đối chỉ trích của báo chí phương Tây, nhưng tại sao ngoại giao Trung Quốc vẫn cứ chơi lá bài thoả hiệp, và vì sao trí thức Trung Quốc phản ứng yếu ớt và đồng loã với thứ ngoại giao "mềm yếu" (của chính phủ)? Họ bày tỏ tiếng nói lớn hơn từ Trung Quốc đại lục, khẳng định quyền chính danh của Trung Quốc ở Olympics và trên Biển Đông.
Tạp chí Time viết: nếu không ngăn chặn tình cảm dân tộc thì nó có thể thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng đường lối cô lập, hiếu chiến.

***

Nhìn tổng quát các cuộc tranh luận trên sách báo, trên mạng và trên các diễn đàn của người Trung Quốc thời gian qua, có thể thấy dường như ban lãnh đạo nước này chủ trương cho dư luận được nói khá thoải mái mọi quan điểm “tả” hoặc “hữu”, kể cả các ý kiến phê phán đường lối chủ trương đối nội đối ngoại của lãnh đạo, cho dù các “thảo dân” hay dùng những lời lẽ đại ngôn rất khó nghe. Mặt khác, ta cũng quan sát thấy cách hành xử các vấn đề đối ngoại của lãnh đạo Trung Quốc không mấy chịu ảnh hưởng của “tình cảm” dân chúng trong nước.

Xu thế chung của thời đại hiện nay là các quyết sách của
lãnh đạo chủ yếu phải dựa vào sự tham mưu của tầng lớp tinh anh nước mình. Trong thực tế Trung Quốc không vui chẳng mấy ảnh hưởng tới cách hành xử của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 London. Tại hội nghị này Trung Quốc đã không đưa ra vấn đề dùng một đồng tiền khác thay thế đồng dollar Mỹ để làm đồng tiền dự trữ quốc tế, cho dù dư luận Trung Quốc từng làm rùm beng vấn đề này tới mức người ta tưởng rằng đồng USD sắp bị cho vào sọt rác đến nơi. Thực ra những người có chút kiến thức kinh tế thừa hiểu giả thử kinh tế Mỹ có suy thoái đi nữa thì cũng chưa một đồng tiền nào có thể dễ dàng thế chân đồng USD – quá trình ấy đòi hỏi hàng chục năm, và với cái giá không nhỏ. Đồng Euro ra đời đã khá lâu mà đâu có làm suy suyển vị trí độc tôn của đồng USD.

Cũng tại London, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã “phá lệ” nhận lời gặp (sau đó còn ngỏ lời cảm ơn) Tổng thống Pháp Sarkozy; mặc dù thời gian qua dư luận Trung Quốc lên án ông Sarkozy thậm tệ, thậm chí còn tẩy chay hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp ở Trung Quốc, bất chấp hơn trăm đại siêu thị Carrefour này thuê ngót năm chục nghìn nhân viên bản xứ và bán hàng Trung Quốc là chính, tẩy chay như thế chỉ làm hại chính mình ! Xin nhớ là chương trình nghị sự của ông Hồ công bố trước khi rời Bắc Kinh không có mục gặp ông Sarkozy ! Có thể vì thế sau đấy Sarkozy (được Obama khuyên giải) đã không khăng khăng đòi đưa Hong Kong và Macau vào danh sách đen các “Cảng trốn thuế (tax havens)” nữa – một việc có thể làm mất thể diện Trung Quốc.
Thế mới biết cách hành xử đối ngoại bao giờ cũng rất linh hoạt và chẳng có ai mãi mãi là thù hoặc là bạn, như Churchill từng nói. Nếu lãnh đạo thiếu tỉnh táo mà cứ nghe theo “tình cảm” của dân chúng thì sẽ tạo ra lắm bất lợi cho nước mình. Một học giả Trung Quốc là ông Hư Châu mới đây từng phê phán quan điểm bạn thù của đồng bào ông – yêu ghét cực đoan, “thù dai”, không như người Nhật dám “dĩ địch vi sư” (nhờ thế học được lắm điều hay và tiến nhanh, vượt cả “sư”), ngược lại còn “dĩ hữu vi địch”, chuốc lấy lắm kẻ thù.

Có thể hiểu Trung Quốc không vui là do tuy đã là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (và sắp sửa thứ hai, thậm chí thứ nhất đến nơi) mà nước này trên lĩnh vực kinh tế tài chính vẫn cứ phải chịu sự chi phối của phương Tây, nhất là của Mỹ. Các tác giả sách này muốn nói lên tình cảm bực tức, hậm hực của người bị thiệt vì chưa được làm lãnh đạo, tuy cho rằng mình đủ tài đủ lực.

Người ta có thể thông cảm với tâm lý đó của người dân bình thường, song cũng xin nhắc là muốn làm lãnh đạo thì phải trả giá lớn lắm, phải đóng góp nhiều, phải “gương mẫu” hơn. Chẳng hạn Mỹ góp 29% hội phí của Liên Hợp Quốc (theo tỷ lệ của Mỹ trong GDP toàn cầu). Dường như Trung Quốc chưa sẵn sàng làm thế. Trước G20 London, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn nói Trung Quốc sẽ đóng góp cho quốc tế theo tiêu chuẩn GDP bình quân đầu người. Tại hội nghị này họ hứa góp 40 tỷ USD cho IMF trong khi Nhật và EU mỗi hộ góp 100 tỷ. Với đóng góp như thế, quyền biểu quyết (voting rights) của họ trong IMF chỉ tăng từ 3,807% lên tới 3,997%, kém xa con số 17% của Mỹ. Nói cách khác, bỏ ra 40 tỷ USD để có thêm 0,19% quyền biểu quyết – một cái giá quá đắt !

Ông Trịnh Vĩnh Niên, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, nói: năng lực kinh tế thực thể và các mặt chế độ chính trị, xã hội của Trung Quốc hiện chưa đủ để giúp họ đảm trách vai trò lãnh đạo quốc tế; việc Trung Quốc quá sớm đóng vai trò này sẽ không có lợi cho sự phát triển bền vững của họ; nhiều nhất chỉ có thể thoả mãn tình cảm dân tộc chủ nghĩa của mình mà thôi. Ông nhận xét: từ Đặng Tiểu Bình trở đi, Trung Quốc lựa chọn cách tiếp nhận thể chế hiện có và lợi dụng nó để leo cao, song vì thể chế đó do phương Tây xây dựng và dẫn dắt nên Trung Quốc không thể thay đổi được địa vị bị chi phối; nhiều nhất họ chỉ biểu thị sự bất mãn mà thôi. Ông khuyên: trong khi không thể từ chối trách nhiệm cần gánh vác của một nước lớn, Trung Quốc chẳng nên đưa ra những cam kết quốc tế quá mức, lại càng chưa cần thiết quá sớm tranh quyền lãnh đạo thế giới; lựa chọn duy nhất của họ nên chỉ là phân quyền lãnh đạo.

Nhà kinh tế độc lập Albert O. Hirschman thì nói Trung Quốc tuyoán trách hoặc hậm hực với trật tự đó nhưng biểu hiện thì vẫn “trung thành” với nó, chỉ hy vọng cải tiến chứ chưa rút ra (exit).

Có lẽ ý kiến của hai ông kể trên đều đúng. Xin nói thêm: mọi quyết định của IMF chỉ có hiệu lực khi được 85% số phiếu tán thành, mà riêng Mỹ đã chiếm 17% số phiếu, nếu Mỹ không đồng ý thì chẳng bao giờ thông qua được nghị quyết nào, vì tổng số phiếu còn lại chỉ có 83%. Rõ ràng, thay đổi trật tự quốc tế hiện có trong lĩnh vực tài chính sẽ thật sự là một quá trình lâu dài, gian nan, phải trả giá đắt.

Biểu hiện của Trung Quốc tại hội nghị G20 London cho thấy quả thực họ chưa có ý muốn chuyển dịch quyền lực quốc tế, mà vẫn chung sống hoà bình với trật tự hiện có của thế giới (tức để Mỹ lãnh đạo). Hãy xem một thực tế nữa: mặc dù dư luận Trung Quốc ồn ào bàn tán rất lo cho số công trái Mỹ nước mình nắm giữ có thể bị giảm giá trị do đồng USD sụt giá, nhất là sau khi FED quyết định mua 300 tỷ USD công trái này, nhưng bản tin sáng 16-4 của mạng Tân Hoa cho biết riêng tháng 2 năm nay Trung Quốc mua thêm 4,6 tỷ USD công trái Mỹ; thời gian 2-2008 đến 2-2009 mua thêm 267,3 tỷ USD. Các số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy lượng công trái Mỹ do Trung Quốc giữ đã từ 744,2 tỷ USD tháng 2 năm nay tăng lên 767,9 tỷ USD trong tháng 3. Con số này chưa tính đến lượng công trái Mỹ do Hong Kong (đặc khu hành chính của Trung Quốc) sở hữu; đã từ 76,3 tỷ USD tăng lên 78,9 tỷ USD. Những số liệu trên cho thấy dù mấy năm nay Trung Quốc đang cố đa dạng hoá dự trữ ngoại tệ, nhưng cho tới nay họ vẫn là nước mua công trái Mỹ nhiều nhất. Tháng 3 năm nay Trung Quốc công khai tỏ ý lo ngại về sự an toàn của lượng khổng lồ công trái Mỹ của họ, song chính trong tháng đó Bắc Kinh lại mua thêm 23,7 tỷ USD công trái Mỹ, là tháng mua nhiều công trái nhất kể từ 11-2008.

Tóm lại, câu “đừng nghe người ta nói, hãy xem người ta làm” có lẽ đúng trong trường hợp xem xét cuốn Trung Quốc không vui. Quan điểm đại diện cho đất nước 1,3 tỷ dân này có lẽ phải là quan điểm của tầng lớp tinh anh chứ không phải của tầng lớp “thảo dân”, mặc dù họ đông tới 70%,

Từ Trung Quốc có thể nói Không đến Trung Quốc không vui, suy ra ít năm nữa, khi nước này soán ngôi nhất thế giới về GDP mà vẫn chưa tranh được vai trò lãnh đạo thế giới thì các “thảo dân” của họ sẽ có thể nói gì, tiếp tục không vui hay gì gì nữa đây?

Nguyễn Hải Hoành