Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > The Straits Times nói về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam
The Straits Times nói về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam
Thứ Ba 9, Tháng Sáu 2009
Thời báo Eo biển (The Straits Times) xuất bản tại Singapore ngày 26/5 có đăng bài “Năm hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam trở thành dễ nổi giận”.
Bài báo viết: Để kỷ niệm 60 năm lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam, hai nước đã xác định năm 2010 là “Năm hữu nghị” Trung Quốc-Việt Nam. Nhưng nếu điểm lại tiến triển mới đây nhất của mối quan hệ này thì tựa hồ hai nước chung sống không được hoà hợp như vậy.
Cho dù buôn bán song phương tấp nập và Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, quan hệ hai nước có được cải thiện, thế nhưng hai bên vẫn tồn tại nghi ngờ lẫn nhau. Nhất là Việt Nam lo ngại sâu sắc về các ảnh hưởng mà nước láng giềng ngày một lớn mạnh này có thể tạo ra. Năm nay đã xảy ra hai vòng sự kiện có thể làm cho tình hình vốn đã khốn đốn trong mối quan hệ hai nước lại càng nổi bật:
Vòng sự kiện thứ nhất là lo ngại về địa vị của kinh tế Trung Quốc tại Việt Nam và việc hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam.
Vòng sự kiện thứ hai là tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam trên biển Nam Trung Hoa (người dịch chú thích: Việt Nam gọi là Biển Đông).
Ngày 7/5 năm nay, Việt Nam nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ “Đề án phân chia thềm lục địa” nhằm tuyên bố quyền lợi Việt Nam sở hữu tài nguyên biển có thể là phong phú ở đáy biển Nam Hải. Phía Trung Quốc lập tức tuyên bố đề án đó xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu Ủy ban nói trên không xem xét.
Trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, thực lực hai nước không cân bằng, vì thế Hà Nội chủ yếu dựa vào con đường ngoại giao để xử lý tranh chấp với Bắc Kinh. Hai bên đã lập nhóm công tác, triển khai bàn bạc, nhưng hiệu quả rất không đáng kể.
Xuất phát từ nỗi lo ngại về tiến triển thất vọng trong hoà giải ngoại giao và về hành động của Trung Quốc trên Nam Hải ngày càng võ đoán, Hà Nội đã tăng tốc tiến trình hiện đại hoá quân sự. Nhằm bảo vệ tốt hơn yêu cầu lãnh thổ của mình tại Nam Hải, Việt Nam đã đặc biệt coi trọng việc mua sắm nhiều trang bị không quân và hải quân.
Từ thập niên 90 trở đi, Việt Nam đã nhận được 12 máy bay chiến đấu phản lực đa năng kiểu Sukhoi của Nga. Đầu năm nay lại đặt mua 12 chiếc nữa, tổng giá trị trên 500 triệu USD, nhằm tăng gấp đôi sức mạnh không quân. Trong mấy năm qua, Nga còn giúp Việt Nam tăng cường xây dựng hải quân, nhất là cung cấp 6 tàu hộ vệ nhỏ và hai tàu hộ vệ có trang bị tên lửa. Tháng trước, truyền thông Nga đưa tin, công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga trên nguyên tắc đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm cấp Kilo siêu tàng hình(nguyên văn: siêu tĩnh âm), tổng giá trị 1,8 tỷ USD. Việt Nam hiện nay chỉ có hai tàu ngầm mini, do đó số tàu ngầm Nga chế tạo này sẽ thực hiện được bước nhảy vọt lớn về năng lực chiến đấu chống tàu ngầm và chống tàu chiến.
“Năm hữu nghị” có thể chỉ cải thiện bầu không khí bề ngoài về mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, nhưng không thể thay đổi thực chất mối quan hệ giữa hai nước.
Nguyễn Hải Hoành
Nguồn: 当前中越关系相当微妙
2009-5-30 10:48:11 来源:《参考消息》
Tham khảo: Quyết định số 80/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến 2020” (gọi tắt là Đề án 80).
Xem online : Tham khảo