Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Ăn uống chữa bệnh tiểu đường (2)
Ăn uống chữa bệnh tiểu đường (2)
Thứ Hai 8, Tháng Sáu 2009
Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn những loại trái cây nào? Vào thời điểm nào? Và ăn với số lượng bao nhiêu?
Những loại trái cây có lợi cho bệnh tiểu đường
Người mắc chứng bệnh tiểu đường cần tránh ăn những loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol và các chất béo, đường. Thay vào đó bạn nên ăn bổ sung các loại rau xanh và trái cây. Bởi lẽ trong chúng có chứa hàm lượng lớn chất xơ, giàu vitamin, ít chất béo và có ảnh hưởng tích cực tới hàm lượng đường glucose trong máu.
Tuy nhiên, bạn nên tránh uống các loại nước quả đóng chai hay nước quả cô đặc vì nó có chứa rất nhiều nhiều đường. Thêm vào đó, những loại nước này hầu hết đã bị thất thoát hàm lượng lớn vitamin vốn có và không có chứa chất xơ.
Các chuyên gia khuyên bệnh nhân tiểu đường nên lựa chọn ăn trái cây trực tiếp thay vì uống nước trái cây vì chúng có nhiều chất xơ hơn.
Nếu có uống nước ép trái cây thì tuyệt đối không thêm đường hay mật ong.
Khi chọn ăn trái cây bạn nên ưu tiên chọn các loại trái cây thuộc họ cam, quýt, bưởi vì chúng có chứa rất nhiều các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C.
Mặc dù người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn bất cứ loại trái cây nào, tuy nhiên nên hạn chế ăn những loại quả có chứa hàm lượng đường lớn như xoài, na, nho, chuối. Mà thay vào đó nên ưu tiên những loại trái cây dưới đây.
Táo
Táo là loại trái cây rất phổ biến và có chứa hàm lượng lớn chất pectin - một loại chất rất có lợi đối với bệnh nhân mắc tiểu đường.
Pectin là chất được tập trung nhiều ở vỏ và hạt táo, nó có tác dụng như một chất “khử độc” trong cơ thể. Nó có khả năng loại trừ những độc tố gây hại cho mạch máu và làm giảm hàm lượng đường insulin tới hơn 35% trong máu.
Ngoài ra, táo còn là loại trái cây rất giàu vitamin B1, có khả năng ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng tới các tế bào não - một chúng bệnh thường xảy ra đối với bệnh nhân mắc tiểu đường.
Khi ăn táo bạn nên ăn cả vỏ vì như vậy bạn không chỉ được thưởng thức vị giòn của vỏ táo mà còn bổ sung cho cơ thể hàm lượng chất pectin.
Bưởi
Bưởi là loại trái cây thuộc họ cam, quýt, rất phổ biến và thông dụng. Bưởi cũng là loại trái cây luôn được các bác sĩ khuyên dùng đối với bệnh nhân tiểu đường vì nó có khả năng làm giảm hàm lượng đường glucose.
Chính vì thế, bệnh nhân mắc tiểu đường nên duy trì thói quen ăn bưởi thường xuyên. Hơn thế nữa, bưởi còn giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định, cho nên cũng rất có lợi với bệnh nhân mắc cao huyết áp.
Những chế độ ăn kiêng, ăn chay và giảm cân cũng không thể “vắng mặt” trái bưởi.
Mặc dù bưởi có những hữu ích tuyệt vời như vậy, nhưng điều này không có nghĩa là bạn chỉ ăn riêng bưởi là đủ, mà bạn cần ăn bổ sung đa dạng các loại rau xanh và trái cây khác.
Gioi
Giống như bưởi, gioi cũng là loại quả có tác dụng khống chế lượng đường trong máu. Thậm chí cả hạt gioi cũng có tác dụng chữa bệnh, bạn có thể ăn gioi sau đó lấy hạt phơi khô và tán thành bộ, uống với nước.
Cách làm này không những tốt đối với bệnh nhân tiểu đường mà nó còn giúp bạn thoả mãn cơn khát và ngăn ngừa tình trạng đi tiểu nhiều lần.
Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn bao nhiêu trái cây?
Nói cách khác, một lượng trái cây như thế nào được coi là thích hợp với bệnh nhân mắc tiểu đường?
Các chuyên gia khuyên bạn nên ăn ít nhất là 5 phần trái cây và rau xanh mỗi ngày. Việc tăng ăn trái cây đều đặn như vậy sẽ giúp bạn giảm được nguy cơ tăng đột ngột của hàm lượng đường glucose trong máu.
Ngoài những loại trái cây nói trên, bệnh nhân mắc chứng tiểu đường có thể ăn thêm các loại trái cây giàu chất xơ và có màu đậm. Trái cây có màu đậm thường có nhiều loại vitamin và chất khoáng cần thiết cho tim mạch và sức khỏe nói chung như dưa hấu, dâu tây, đu đủ…
Cũng xin nhắc thêm rằng tuyệt đối không nên ăn hoa quả sấy khô vì trong hoa quả sấy khô không chỉ tập trung nhiều đường mà còn chứa rất nhiều chấ béo và calo, không có lợi cho bệnh tiểu đường.
Bản thân chất đường, dù là đường trong trái cây hay đường mía đều làm tăng mức đường huyết và tăng nồng độ các loại mỡ không tốt cho tim mạch (tăng triglyceride và giảm HDL-cholesterol) vì vậy nên dùng với lượng vừa phải, đừng nên lạm dụng trái cây. Ăn quá nhiều trái cây trong một thời gian ngắn có nguy cơ dẫn đến cholesterol trong máu tăng cao, thiếu hụt chất đồng dễ mắc bệnh tim mạch.
Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hằng ngày với liều lượng tương đương.
Tuyệt đối không được ăn trái cây để thay các loại thực phẩm khác.
Không nên dùng dao chuyên cắt rau, thịt… để ăn hoặc gọt vỏ trái cây. Điều này vô tình mang theo những ký sinh trùng và trứng của chúng vào trong trái cây và làm bạn dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Hơn thế, nếu dao bị gỉ sét sẽ tạo thành phản ứng hoá học làm giảm chất dinh dưỡng của trái cây.
Tránh chọn mua trái cây bị rụng phần cuống đề phòng thuốc bảo quản có thể thâm nhập vào trái cây. Trái cây bị giập, nứt nẻ… cũng tránh chọn, vì thuốc bảo quản có thể thấm qua các kẽ giập, nứt này, cũng không chọn những trái có độ bóng loáng khác thường.
Thời điểm nào nên ăn trái cây?
Không ăn trái cây ngay sau bữa ăn. Chúng ta vẫn thường quan niệm rằng sau bữa ăn chính sẽ ăn tráng miệng bằng món hoa quả. Thói quen này là một thói quen rất bất lợi cho sức khỏe nhưng cũng lại là lỗi rất thường gặp.
Việc ăn trái cây sau mỗi khi ăn sẽ gây nên sự xáo trộn trong quá trình tiêu hoá, gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu.
Ví dụ nếu bạn ăn 2 lát bánh mì, sau đó bạn ăn thêm một chút trái cây, sẽ gây nên những cản trở lớn trong quá trình tiêu hoá và bài tiết, khiến trái cây khó có thể được đưa thẳng xuống dạ dày và vào trong ruột.
Thay vào đó bạn nên ăn trái cây khi bụng còn rỗng (thời điểm lý tưởng để ăn trái cây là trước bữa ăn 30 phút-1 giờ), vì như thế trái cây sẽ phát huy được vai trò chính trong việc khử độc và thanh lọc cơ thể bạn, ngoài ra ăn trái cây vào thời điểm này còn rất có ích cho những người đang trong quá trình giảm cân.
Nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn bất cứ loại hoa quả nào khi đói, bởi các thành phần có trong trái cây có thể gây nên những phản ứng với lượng axit sẵn có trong dạ dày làm bạn phải chịu đựng cảm giác chướng bụng, khó tiêu. Những loại hoa quả cấm kỵ ăn khi đói là chuối tiêu, cà chua, vải thiều, quất.
KHỔNG THU HÀ (TT, theo EC & CD)