Tên trộm thiên tài hay Kẻ cắp vụng về ?

Sau triển lãm Hát trên cánh đồng xanh (hoạ sĩ Đinh Quân) diễn ra khá rầm rộ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), trên một vài diễn đàn và báo chí rầm rộ không kém một cuộc tranh luận: có hay không có chuyện “đạo vẽ”? có hay không có việc copy ý tưởng hoặc phong cách thể hiện trong làng mỹ thuật Việt? Không danh hoạ nào từ trên trời rơi xuống (hay không một phong cách cá nhân nào lại không chịu ảnh hưởng từ một phong cách khác), nhưng ai là “tên trộm thiên tài” và ai là “kẻ cắp vụng về”?

Một phép “so sánh” sự giống nhau của hai tác giả được lan truyền trên mạng

Cũng giống như “đạo nhạc”, “đạo văn”, “đạo luận văn tốt nghiệp”.v.v., “đạo vẽ” không phải là vấn đề mới mẻ cả ở trong lẫn ngoài nước. Năm 2006, một cuộc tranh luận khá nảy lửa về chuyện “nhái (copy) phong cách tranh”, với những tên tuổi, “tang chứng, vật chứng” tưởng như rành rành, vậy mà sự thực, với công chúng, vẫn nằm ở một nơi nào đó rất mơ hồ..., bởi ranh giới giữa “học tập” (kế thừa, phát triển) phong cách, ý tưởng nghệ thuật với việc nhái, copy phong cách, ý tưởng không phải lúc nào cũng sáng rõ.

Trường phái và những “cây cao bóng cả”

Trong nghệ thuật phong cách-trường phái là một trục chính của sự phát triển. Thời cổ và trung đại phong cách-trường phái được duy trì lâu dài có khi vài thế kỷ. Chúng tiến triển và thay đổi chậm chạp cùng sự tiến hoá chậm chạp của xã hội, quốc gia-dân tộc, khu vực hay vùng miền. Sang thời hiện đại, từ cuối TK 19 các phong cách-trường phái thay đổi ngày càng nhanh chóng gấp gáp hơn. Nếu cho tới chủ nghĩa ấn tượng Pháp các phong cách - trường phái ở phương Tây còn phát triển tuyến tính: sau Tân cổ điển là Lãng mạn, rồi Hiện thực, rồi Ấn tượng, thì từ cành cây lực lưỡng của Hậu ấn tượng, từ các cha đẻ của nghệ thuật hiện đại như Van Gogh, Gauguin, Cézanne, Much... đồng thời đâm nảy hàng loạt phong cách-trường phái tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nghệ thuật ngay từ trước thế chiến I. Người ta có thể kể ra hai chục phong cách-trường phái nghệ thuật phương Tây chỉ trong TK 20. Phong cách-trường phái có hệ thẩm mỹ riêng, hệ ngôn ngữ riêng, những ước định tinh thần, triết học riêng, những vùng xúc cảm và chủ đề khá đặc trưng cũng như những thông điệp văn hoá, xã hội, đạo đức, tình cảm, triết lý đặc trưng và một hình thức biểu hiện “nhìn là nhận ra ngay”.

Các phong cách-trường phái hình thành được là nhờ có các phong cách cá nhân độc đáo, có tầm ảnh hưởng lớn. Đó là Van Gogh của Biểu hiện, Picasso của Lập thể, Dali của Siêu thực, Kandinsky của Trừu tượng, Polock của Trừu tượng biểu hiện, Warhol của Pop-art v.v... Họ là những tác giả lớn xác định dòng chảy của phong cách-trường phái mà họ thường là người chủ xướng, là những cây cổ thụ toả bóng rộng khắp phong cảnh nghệ thuật. Ảnh hưởng của họ nhiều khi áp đảo, tạo ra những “rào cản”, những “đỉnh cao không thể vượt qua” làm khổ các thế hệ đàn em! Họ cũng thường xây dựng nền móng lý thuyết nghệ thuật và nhân văn cho trường phái “của mình” nên ảnh hưởng càng lâu dài, trở thành các bài học kinh điển bắt buộc cho các trường dạy nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật. Cho tới cuối TK 20 phong cách-trường phái và phong cách cá nhân vẫn là mục tiêu phấn đấu của các nghệ sĩ. Sau đó tình hình có khác đi đôi chút khi các nghệ sĩ đương đại thực hành các môn nghệ thuật mới, đa phương tiện của thế giới nghe nhìn, xã hội thông tin và tiêu thụ hậu công nghiệp.

F.Boucher: Hercule và Omphale

Với nghệ sĩ đương đại tôi là tôi quan trọng hơn tôi là một phong cách hoặc tôi thuộc về một trường phái nào. Với họ mọi thứ đều có thể là nghệ thuật, mọi thứ đều có thể dùng để làm nghệ thuật, mọi ngôn ngữ, triết lý đều có thể được huy động... Với họ đôi khi hình thức thể hiện đặc trưng cho một tác giả trở thành một lồng cũi chật hẹp, phô trương và giả tạo. Tấm gương mà họ noi theo có thể là Picasso, người thay đổi “phong cách cá nhân” mạnh mẽ, liên tục bằng cách tiếp thu, dung hợp mọi ảnh hưởng từ khắp thế giới, từ toàn bộ lịch sử và thời đại của mình. Nhưng cuối cùng, các nghệ sĩ đương đại dù không xác lập trường phái vẫn mang phong cách cá nhân độc đáo và chỉ có thể đi vào lịch sử nghệ thuật bằng phong cách cá nhân mà thôi!

Ba phong cách-trường phái của mỹ thuật Việt Nam

Với tôi mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX có ba phong cách-trường phái:

Nghệ thuật Đông Dương: mang tính lãng mạn, thị dân, tự do cá nhân và kết hợp nhuần nhuyễn ảnh hưởng của nghệ thuật Pháp TK 19 với một số kỹ thuật, thẩm mỹ truyền thống.

Nghệ thuật Hiện thực XHCN: với sự đồng nhất, đơn điệu của ngôn ngữ biểu hiện, của đề tài và chủ đề tư tưởng nhưng lại mạnh mẽ trong hiệu quả tuyền truyền, cổ động, mang tính dung dị đáng yêu và tinh thần dân tộc chủ nghĩa đậm đặc.

Nghệ Thuật Đổi Mới: từ khoảng 1980 tới 2000 (khác với nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới bao gồm mọi hoạt động nghệ thuật - kể cả nghệ thuật đương đại) với sự trở lại mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân, sự trở về với nghệ thuật Việt Nam thời tiền thực dân và sự dung hợp hỗn tạp mọi ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Tất nhiên có được ba phong cách - trường phái đó là nhờ mỗi trường phái ấy đều có các bậc thầy, các tác giả tiêu biểu của mình.

Không dung hợp không thành tác giả lớn!

Cũng như người ta có tổ tiên, nghệ sĩ luôn chịu ảnh hưởng từ nguồn nào đó chứ không có phong cách cá nhân nào không giống ai, không chịu ảnh hưởng của ai, hoàn toàn “từ trên trời rơi xuống”. Ngược lại nghệ sĩ càng lớn thì càng cần và có khả năng chịu tiêu hoá, dung hợp được nhiều ảnh hưởng lớn lao.

Chân dung, 1989

Nguyễn Tư Nghiêm có lần được hỏi có ảnh hưởng Picasso không. Ông khéo léo trả lời rằng ông học từ nghệ thuật cổ Việt Nam, rằng ông và Picasso có xuất phát điểm khác nhau mà đến cùng một chỗ! Một bạn ngoại quốc hỏi Nguyễn Sáng có học Matisse không. Ông nổi cáu, bày ra các tranh khắc gỗ Đông Hồ rồi “vặn” lại: “Cái này không đẹp hơn Matisse của anh à?”.

Tôi thường tôn Bùi Xuân Phái là “Ultrillo de Ha Noi” và hỏi cụ có thích Derain không. Hoạ sĩ cười hiền và bảo ông rất thích. Tôi ngưỡng mộ các bức thiếu nữ của Tô Ngọc Vân và khi thấy ông chịu ảnh hưởng rõ rệt tranh Inguimberty, người thầy mà chắc hoạ sĩ rất kính trọng, tôi càng ngưỡng mộ hơn vì ông đã tiếp thu ảnh hưởng Pháp rất tài tình để tạo nên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam của cả một thời.

Có vẻ như nghịch lý nhưng nếu không dung hợp được nhiều nguồn ảnh hưởng thì không thể thành tác giả lớn. Vì thế có kẻ gọi đùa Picasso là “tên trộm thiên tài”. Còn Picasso đùa lại rằng: “Tôi không tìm mà tôi thấy!”. Tất nhiên với các người cùng thời, cùng khuynh hướng thì chuyện ai ảnh hưởng ai thành ra “tranh chấp bản quyền”. Braque hay Picasso là “cha ruột” của chủ nghĩa lập thể? Nhóm Cái cầu nổi tiếng tan vỡ chỉ vì Kirchner in một hồi ký nhận mọi “phát minh” của nhóm này về mình. Pissaro hiền từ không được các bạn trẻ hơn và giới phê bình đánh giá cao nhưng cả ông và họ đều biết các hoạ sĩ ấn tượng chịu ảnh hưởng lớn từ ông. Lịch sử và thời gian sẽ xác nhận sự thật ai ảnh hưởng ai nhưng quan trọng hơn vẫn là ai là tác giả lớn. Quyền được ảnh hưởng là một phần của quá trình trở thành nghệ sĩ.

Copy: đường tắt tới phong cách, tiền và danh?

Copy lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ngay lần đầu tiếp xúc với tác phẩm của các “hoạ sĩ trẻ” như Trương Tân, Ly Hoàng Ly, Văn Ngọc, Vũ Thăng hay Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Sơn... tôi đã thấy cái riêng sáng tạo của họ dù dễ dàng nhìn ra các nguồn ảnh hưởng mà họ đang say mê. Nếu ảnh hưởng là sáng tạo và say mê, bất vụ lợi thì copy là sao chép thiếu sáng tạo và vụ lợi, ngược hoàn toàn với bản chất nghệ thuật.

Cấp cao nhất của copy là sự ảnh hưởng “vô tư”, bắt chước người khác mà không biết. Những chi tiết, mô-típ, bố cục, những hình thể, những kỹ thuật... tất cả đều có thể coi là copy nếu ta không thấy trên tác phẩm cái “thần thái riêng”, cái “vị” riêng hấp dẫn. Trong quá trình học tập điều đó tưởng như vô hại nhưng lại nguy hiểm vì chúng sẽ làm thui chột những năng lực cá nhân còn tiềm tàng nơi người nghệ sĩ trẻ. Sự nhàm chán của các triển lãm phong trào là ở chỗ tác phẩm cứ giống nhau, không riêng biệt ra được, cứ như copy lẫn nhau mà không biết. Lỗi ở đây là sự thiếu dũng cảm, thành thật và năng lực thật có của nghệ sĩ.

Van Gogh từng vẽ lại rất nhiều tranh khắc Nhật Bản bằng sơn dầu, kể cả bức Hoa diên vĩ nổi tiếng mà rất sáng tạo. Cùng thời đó có một triển lãm của các hoạ sĩ khác cũng mê tranh khắc Nhật làm cho một nhà phê bình phải kêu lên: “Tôi thấy toàn Utamaro!”. Chắc rằng họ đã copy hoạ sĩ Nhật kia nên ngày nay ta không tìm thấy tên tuổi họ nữa.

Mức thứ hai của copy là copy chính mình vì nhu cầu thị trường. Điều này phổ biến ở ta vì thị trường non yếu, giới sưu tầm chưa “sành điệu”, trả giá rẻ, nên người mua sẵn sàng mua một tranh giống nhiều tranh khác của tác giả nào đó treo cho “vui nhà”, trang trí nội thất kinh doanh hoặc làm kỷ niệm một lần tới Việt Nam. Thị trường này chấp nhận sự copy, giống nhau, vốn là điều tối kỵ của thị trường cao cấp, chuyên nghiệp và giới sưu tầm có trình độ và tình yêu nghệ thuật.

Thứ cấp tiếp theo là copy phong cách của các hoạ sĩ được thị trường ưa chuộng, chế ra các tranh nhái theo phong cách của họ và bán rẻ hơn. Đó là cách làm ăn chụp giật trong một thị trường không chuyên. Các gallery thương mại của ta ngày càng mất sức hút vì đi đâu cũng gặp các tác giả ấy, tác phẩm ấy, “phong cách” ấy.

Thứ cấp nữa là chép tranh mà pháp luật không cho phép, lấy bản sao làm bản thật và
làm tranh giả, tức vẽ phỏng theo các tranh thật và giả mạo chữ ký. Đó là gian lận thương mại có thể bị xử lý theo pháp luật.

Chuyện copy này không hiếm trên thế giới nhưng không ở đâu lại phổ biến và dễ dãi như ở ta với cả các tác giả mới mất hay còn sống mà giá tranh còn đang là quá thấp so với thị trường quốc tế! Tệ nạn này rất tai hại cho sự phát triển của thị trường nghệ thuật lành mạnh và việc hội nhập của thị trường Việt Nam vào thị trường quốc tế đỉnh cao vì làm mất uy tín văn hoá, mất niềm tin và hứng thú của giới sưu tầm và buôn bán nghệ thuật. Tóm lại, copy là phi nghệ thuật. Tưởng như là đường tắt tới phong cách, tới tiền và danh nhưng thực ra lại là đường vòng nguy hiểm cho bản thân đương sự và cộng đồng. Tiếc thay nó lại đang là một nét “đặc trưng” mà ai cũng thấy trong sinh hoạt nghệ thuật nước ta.

HS Nguyễn Quân

PHẠM THỊ THU THỦY thực hiện (TTVH)