Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Gần 86% bệnh nhân đái tháo đường chỉ được phát hiện khi đã biến chứng
Gần 86% bệnh nhân đái tháo đường chỉ được phát hiện khi đã biến chứng
Thứ Năm 2, Tháng Bảy 2009
Đó l
Đó là thông tin từ PGS-TS Tạ Văn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược phòng, chống bệnh đái tháo đường và rối loạn chuyển hoá quốc gia - đưa ra tại buổi họp công bố chiến lược xã hội hoá thực hiện mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh đái tháo đường diễn ra vào sáng 25/06/2009 ở TPHCM.
Không còn là bệnh của nhà giàu
Năm 1990, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) được thống kê chỉ ở mức từ 0,9% (Huế) đến 2,52% (TPHCM); nhưng đến năm 2002, tỉ lệ này ở các TP lớn đã tăng lên 4,4%. Năm 2008, VN có khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ (trên 5%); trong đó, các TP lớn và KCN có tỉ lệ 7-10%. Chỉ tính riêng tại TPHCM, số bệnh nhân ĐTĐ được phát hiện lên đến 800.000 người.
64,5% số bệnh nhân ĐTĐ không hề biết mình có bệnh này. Điều đáng lo ngại là tình trạng bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ. Tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh ở các trường phổ thông là một dấu hiệu xấu trong việc gia tăng số lượng bệnh nhân bị ĐTĐ type 2.
Cũng theo PGS- TS Tạ Văn Bình, đặc điểm lớn nhất của VN là một quốc gia nghèo trong khi các bệnh nhiễm trùng, bệnh lây còn đang phổ biến thì các bệnh của một xã hội công nghiệp- bệnh không lây- lại bùng lên với một tốc độ đáng lo ngại. Tuy nhiên, chi phí điều trị bệnh lại theo kiểu nhà giàu, tức là người bệnh sẽ buộc phải chung sống với nó, với thuốc men mỗi ngày và một chế độ tập luyện, dinh dưỡng nghiêm ngặt.
Trong khi đó, VN lại không có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Hầu hết ở các địa phương trong cả nước không có bác sĩ chuyên khoa chuyên ngành nội tiết và rối loạn chuyển hoá. Theo thống kê của Vụ Điều trị- Bộ Y tế, năm 2005, 100% người mắc các bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá phải chuyển lên tuyến trên.
Về mặt dự phòng, VN chưa có hệ thống để phát hiện sớm, ngăn ngừa khả năng tiến tới bệnh ĐTĐ ở nhóm người có yếu tố nguy cơ cao. Đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao tỉ lệ người mắc bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán ở VN còn cao.
Phần lớn phát hiện bệnh khi đã muộn
ĐTĐ có nhiều dạng: Type 1, đối với người trẻ: Suy kiệt nhanh, uống nước nhiều, trẻ nhỏ thì sút cân nhanh. Type 2: Đối với người lớn tuổi, cân nặng không giảm nhiều, không uống nhiều, nhưng mắt mờ, thường là phát hiện tình cờ như lung lay răng, đục thuỷ tinh thể... Nguyên nhân của bệnh ĐTĐ ngoài yếu tố di truyền, còn có một gốc rễ căn bản đó chính là những thay đổi từ chính cuộc sống của mỗi người.
Chế độ ăn uống dư thừa năng lượng, thừa cân, béo phì - ít vận động và căng thẳng, stress đã dẫn đến hậu quả tất yếu của căn bệnh này. Có tới 75 - 80% số ca tử vong ở người bệnh ĐTĐ type 2 là do biến chứng tim mạch, chủ yếu là đột qụy và tai biến mạch máu não. Còn bệnh võng mạc do ĐTĐ là một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù loà. Theo các BS, đa phần các bệnh nhân tìm đến bệnh viện khi đã quá muộn.
PGS - TS Tạ Văn Bình khẳng định: "Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, người bị ĐTĐ vẫn có cuộc sống bình thường như những người khác, vẫn có thể lập gia đình, sinh con".
Những người đã mắc bệnh ĐTĐ hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh này như: Tăng huyết áp, béo phì, có tiền sử sinh con trên 4.000 gram, gia đình có người bị ĐTĐ... cần phải thường xuyên đi khám sức khoẻ định kỳ, đo đường huyết để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ.
Phương pháp thông thường là kiểm tra cảm nhận trên gan bàn chân, bàn tay. Người bệnh sẽ được phát hiện bệnh ngay nếu khi chọc thử một vật cứng vào mà tay hoặc chân đều không có cảm giác. Xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ cho kết quả ngay và chính xác về độ nặng - nhẹ của căn bệnh ĐTĐ.
Thế nhưng, khó khăn trong điều trị là do người bệnh ĐTĐ không điều trị đều, nhiều khi không đi khám mà lại dùng thuốc tuỳ tiện hoặc bỏ thuốc, gây những ảnh hưởng, biến chứng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
PGS -TS Nguyễn Thị Lâm- Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết, chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ phải tuân theo một quy tắc chung như: Lượng chất bột và chất béo đơn chưa bão hoà chiếm từ 60 - 70% năng lượng. Nên dùng các loại chất bột hấp thu chậm. Thành phần chất béo nên gia giảm tuỳ theo tình trạng cân nặng của bệnh nhân. Hạn chế các loại chất béo bão hoà (mỡ động vật) và các loại chất béo đã qua chế biến. Chất đạm chiếm khoảng 15 - 20% nhu cầu năng lượng.
Nên dùng các loại đạm có nguồn gốc thực vật, các loại đậu, đậu hủ. Đối với đạm động vật thì nên ưu tiên ăn cá. Không nên dùng trực tiếp những loại thức ăn có thành phần đường hấp thu nhanh. Khi cần bổ sung chất đường, nên chọn các loại trái cây nhưng lượng trái cây cũng phải vừa đủ, không nên lạm dụng. Nên ăn theo đúng bữa trong ngày. Không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế.
Võ Tuấn (theo LĐ)
Xem online : CỔNG THÔNG TIN BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG